|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Lãi ròng quý I Masan Consumer tăng 18% nhờ doanh thu tài chính

10:33 | 08/05/2023
Chia sẻ
Quý I/2023, mặc dù lợi nhuận gộp tương đương cùng kỳ nhưng các khoản lãi cho vay và tiền gửi đã giúp cho lợi nhuận ròng của Masan Consumer tăng trưởng 18% so với cùng kỳ.

CTCP Hàng tiêu dùng Masan (Masan Consumer – Mã: MCH) đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý I, ghi nhận doanh thu thuần giảm 2% so với cùng kỳ năm trước, đạt 6.037 tỷ đồng và biên lợi nhuận gộp tăng nhẹ lên 43%.

Doanh thu tài chính của công ty tăng gấp 2,3 lần cùng kỳ, lên gần 433 tỷ đồng nhờ 307 tỷ đồng lãi tiền gửi, đầu tư khác; cùng với 119 tỷ đồng tiền lãi cho vay. Chi phí tài chính cũng tăng 67%, lên 143 tỷ đồng, trong đó, chi phí lãi vay tăng gấp 2,1 lần, vượt 139 tỷ đồng.

Các chi phí khác không có sự thay đổi đáng kể nên công ty báo lãi sau thuế 1.388 tỷ đồng và lãi ròng 1.377 tỷ đồng, lần lượt tăng 17% và 18% so với cùng kỳ.

(Nguồn: Đăng Nguyên tổng hợp từ báo cáo tìa chính của Masan Consumer). 

Năm 2023, công ty đặt kế hoạch doanh thu thuần 28.500 - 31.500 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 5.600 - 6.500 tỷ đồng. Như vậy, sau quý đầu năm, doanh nghiệp đã thực hiện được khoảng 21% mục tiêu doanh thu và 25% chủ tiêu lợi nhuận (tính theo mốc thấp nhất).

 Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo tài chính hợp nhất của doanh nghiệp.

Cuối quý I, công ty có tổng tài sản 34.705 tỷ đồng, tăng 3,5% so với đầu năm. Các khoản phải thu ngắn hạn chiếm gần 51% tổng tài sản, ghi nhận 17.585 tỷ đồng.

Trong đó, có khoản phải thu hơn 6.047 tỷ đồng về cho vay ngắn hạn với một bên liên quan, đây là các khoản cho vay không được bảo đảm và hưởng lãi suất theo kỳ thoả thuận trong hợp đồng vay. Các khoản cho vay sẽ đáo hạn vào tháng 12/2023.

Bên cạnh đó, các khoản phải thu ngắn hạn khác của công ty lên đến 10.428 tỷ đồng, phần lớn là các khoản đặt cọc ngắn hạn cho hoạt động đầu tư.

Hàng tồn kho của công ty ở mức 2.260 tỷ đồng, giảm 9,7% so với đầu năm. Tiền và tiền gửi ngắn hạn đạt gần 6.228 tỷ đồng và Masan Consumer có doanh mục đầu tư trái phiếu 1.217 tỷ đồng cuối kỳ.

Cuối tháng 3, nợ phải trả của công ty ở mức 10.872 tỷ đồng, giảm nhẹ so với đầu năm. Trong đó, dư nợ vay tài chính của doanh nghiệp là 6.925 tỷ đồng với 6.293 tỷ đồng vay dài hạn và 632 tỷ đồng vay ngắn hạn.

Vốn chủ sở hữu danh nghiệp đạt 23.833 tỷ đồng cuối kỳ, gồm 3.610 tỷ đồng thặng dư vốn cổ phần và 13.641 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.

Về dòng tiền, ba tháng đầu năm, Masan Consumer có dòng tiền kinh doanh dương 1.539 tỷ đồng; dòng tiền đầu tư âm 1.357 tỷ đồng và dòng tiền tài chính âm 476 tỷ đồng bởi công ty đã trả 5.088 tỷ đồng nợ gốc vay, đồng thời, đi vay 4.612 tỷ đồng. Lưu chuyển tiền thuần đạt 295 tỷ đồng.

"Go Global" với các nhãn hiệu Chinsu, Omachi, Vinacafe

Tại ĐHĐCĐ thường niên diễn ra vào ngày 24/4, ông Trương Công Thắng, Tổng giám đốc The CrownX cho biết, giai đoạn 2023-2027, Masan Consummer hướng tới mục tiêu doanh thu 80.000 - 100.000 tỷ đồng, trong đó, thị trường nội địa chiếm 85% và nước ngoài chiếm 15%.

Trong năm 2023, ông cho biết, các ngành hàng của Masan Consumer đang tăng trưởng hai con số và có thể giữ được trong 2-3 quý tới. 

Bên cạnh đó, công ty cũng có kế hoạch "go global" (đưa thương hiệu ra thị trường nước ngoài) với các nhãn hiệu Chinsu, Omachi, Vinacafe trong thời gian tới thông qua các hội chợ tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ hay châu Âu. 

Ông Thắng cho biết, so với trước đây, kế hoạch "go global" của Masan Consumer lần này sẽ tập trung vào các sản phẩm là thế mạnh của Việt Nam bao gồm thực phẩm, gia vị, cà phê. Đồng thời, công ty sẽ thực hiện xây dựng thương hiệu và mở rộng tầm nhìn, sản xuất các sản phẩm đáp ứng nhu cầu của 8 tỷ người trên toàn thế giới.

Ông tự tin cho biết, công ty đã bán được sản phẩm tương ớt Chinsu trên Amazon với giá 10 USD/sản phẩm, do đó, công ty cũng sẽ biết cách đưa sản phẩm vào các hệ thống khác. 

"Trong 20 năm nữa, doanh số thị trường nước ngoài có thể chiếm 70-80% doanh số của Masan Consumer", Tổng Giám đốc The CrownX nói.

Ngoài ra, Masan Consumer cũng đưa ra mô hình Consummer Innovation Center (CIC) và sẽ vận hành một trung tâm tại KCN Tân Bình trong quý III/2022. Doanh nghiệp cho biết đây là cách thức mới để tiếp cận với người tiêu dùng và xây dựng nhãn hiệu.

Đăng Nguyên