|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

[Infographic] EVFTA: Tình hình thương mại ngành dệt may Việt Nam

09:36 | 12/08/2020
Chia sẻ
Hiệp định EVFTA dự kiến có tác động tích cực tới sản lượng ngành dệt may Việt Nam với tốc độ tăng 6% (với ngành dệt) và 14% (với ngành may) vào năm 2030.

Tác động đến xuất khẩu dệt may

Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển dẫn nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, đối với ngành dệt may, dự báo kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may vào EU sẽ tăng khoảng 67% đến năm 2025 so với kịch bản không có Hiệp định.

Về sản lượng, nhìn chung EVFTA có tác động tích cực tới sản lượng với tốc độ tăng 6% (với ngành dệt) và 14% (với ngành may) vào năm 2030.

Hiện tại, nhóm sản phẩm dệt may được EU cam kết loại bỏ thuế ngay là các sản phẩm mà Việt Nam ít gia công (sản phẩm may mặc) hoặc ít xuất khẩu vào EU (ví dụ nguyên liệu dệt may). 

Do vậy, Việt Nam sẽ ít được hưởng lợi từ nhóm cam kết này. Tuy nhiên, các doanh nghiệp hiện đang xuất khẩu sơ xợi nếu tìm kiếm được khách hàng EU sẽ được hưởng lợi từ các cam kết này (bởi mức thuế MFN mà EU đang áp dụng là khoảng 6 - 8%).

Khi Hiệp định EVFTA hiệu lực, hàng dệt may Việt Nam sẽ có lợi thế cạnh tranh hơn Trung Quốc và cạnh tranh ngang bằng về giá với các nước hiện đang được hưởng thuế 0% như Campuchia (tạm thời bị cắt ưu đãi thuế, trở về 12% từ 12/8/2020), Bangladesh… nhưng có lợi thế hơn các nước này về tay nghề cao, chất lượng bảo đảm.

Đối với nhóm sản phẩm EU cam kết loại bỏ thuế theo lộ trình bao gồm phần lớn sản phẩm may mặc mà Việt Nam đang xuất khẩu sang EU.

Hiện tại, nhóm này đang được hưởng mức thuế ưu đãi trung bình là 9% theo Quy chế ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP); sau khi EVFTA có hiệu lực, hàng dệt may đang được hưởng GSP sẽ tiếp tục được hưởng hết hai năm sau khi EVFTA đi vào hiệu lực.

Như vậy, trong một vài năm đầu thực hiện EVFTA, phần lớn sản phẩm may mặc Việt Nam có thế mạnh xuất khẩu sẽ không được hưởng lợi từ EVFTA ngay. Song về lâu dài, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam sẽ hưởng lợi từ EVFTA bởi:

Các ưu đãi thuế quan theo EVFTA là ổn định (trong khi GSP thì biến động tùy vào quyết định mỗi năm của EU), không phụ thuộc vào tỷ trọng trong tổng nhập khẩu vào EU, và giảm dần xuống 0%; Phần lớn nước xuất khẩu dệt may vào EU hiện nay đều chưa có FTA với EU.

Trong bối cảnh cạnh tranh xuất khẩu hàng may mặc vào EU đang ngày càng gay gắt, EVFTA mở ra cơ hội rất lớn cho xuất khẩu dệt may Việt Nam, với điều kiện doanh nghiệp đáp ứng được các yêu cầu về xuất xứ.

Tác động đến nhập khẩu dệt may

Việt Nam ít nhập khẩu các sản phẩm dệt may từ EU (trừ một số dòng sản phẩm cao cấp), vì vậy cơ bản các cam kết loại bỏ thuế đối với sản phẩm này sẽ ít tác động tới cạnh tranh của doanh nghiệp trên ở nội địa.

Trong tổng thể, các doanh nghiệp dệt may có thể được hưởng lợi từ cam kết mở cửa của Việt Nam trong EVFTA đối với lĩnh vực dệt may:

Với các cam kết loại bỏ thuế nhập khẩu đối với các nguyên phụ liệu từ EU, doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội nhập khẩu các nguyên liệu dệt may (đặc biệt là các chất liệu mới mà EU có thể có thế mạnh). 

Việc sử dụng nguyên phụ liệu dệt may, da giày của EU sẽ góp phần tăng hàm lượng giá trị nội địa của các sản phẩm dệt may mà Việt Nam sản xuất để xuất khẩu sang EU. Từ đó, khả năng được hưởng thuế nhập khẩu ưu đãi khi vào thị trường EU cũng cao hơn.

Nhờ các cam kết loại bỏ thuế nhập khẩu đối với các loại máy móc, thiết bị ngành may từ EU, doanh nghiệp sẽ có cơ hội nhập khẩu các loại máy móc, thiết bị từ EU (đặc biệt là các loại sử dụng công nghệ cao, công nghệ mới) với giá hợp lí, tạo điều kiện phát triển sản xuất hàng chất lượng cao.

[Infographic] EVFTA: Tình hình thương mại ngành dệt may Việt Nam - Ảnh 1.

Đồ họa: TV

 

Ánh Dương

Margin tiếp tục lập đỉnh mới, thêm hai CTCK có dư nợ vượt 20.000 tỷ đồng
Dư nợ magin ngành chứng khoán lập đỉnh mới trong 2024. Riêng Top 10 công ty chứng khoán lớn nhất ghi nhận đến 9 đơn vị vượt đỉnh cho vay trong quý cuối năm. TCBS, SSI và HSC đang là ba đơn vị đang dẫn đầu về cho vay margin.