CPTPP: Cam kết thuế quan của Nhật Bản đối với sản phẩm thịt Việt Nam
Theo Trung tâm WTO và Hội nhập thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), phương thức cắt giảm thuế quan của Nhật Bản đối với các sản phẩm này cũng rất phức tạp, để hiểu được chính xác cần xem chi tiết phần Chú giải chung cho Biểu cam kết thuế quan của Nhật Bản tại Phụ lục 2D, Chương 2 Hiệp định CPTPP.
Nhìn chung, cam kết của Nhật Bản về thuế quan đối với thịt và các sản phẩm thịt Việt Nam gồm hai nhóm:
Nhóm xóa bỏ thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực với khoảng 1/3 số dòng sản phẩm thịt;
Nhóm cắt giảm và xóa bỏ thuế theo lộ trình 2 - 16 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực với khoảng 2/3 số dòng thuế.
Chú ý: Việc cắt giảm và xóa bỏ thuế theo lộ trình trong CPTPP của Nhật Bản có nhiều khác biệt so với lộ trình cắt giảm đều theo từng năm của các nước Thành viên khác trong CPTPP.
Cụ thể, với mỗi lộ trình, Nhật Bản có cam kết về các cách thức cắt giảm thuế riêng. Do đó, cần đọc kỹ chú giải đối với từng lộ trình cam kết cụ thể để nhận diện xu hướng thuế quan vào Nhật Bản theo CPTPP đối với từng dòng thuế sản phẩm thịt.
Biện pháp tự vệ
Bên cạnh cam kết thuế quan như thông thường, đối với thịt và các sản phẩm thịt, Nhật Bản còn có cam kết đặc thù về áp dụng biện pháp tự vệ với một số mặt hàng thịt bò và thịt lợn. Cụ thể, đối với các sản phẩm thuộc diện áp dụng các biện pháp tự vệ này,
Nhật Bản có quyền không tiếp tục áp dụng mức thuế ưu đãi theo CPTPP mà tăng lên mức thuế MFN nếu lượng nhập khẩu các sản phẩm này vào Nhật Bản vượt quá một ngưỡng nhất định (tuỳ thuộc sản phẩm mà các ngưỡng này sẽ khác nhau theo từng năm được quy định chi tiết tại Phụ lục B-1 - Biện pháp tự vệ trong nông nghiệp, nằm trong Lộ trình cắt giảm thuế của Nhật Bản thuộc Phụ lục 2-D, Chương 2 Hiệp định CPTPP).
So sánh cam kết thuế quan của Nhật Bản trong CPTPP, AJCEP và VJEPA
Trước CPTPP, Việt Nam và Nhật Bản đã có hai FTA chung hiện đang có hiệu lực là FTA ASEAN – Nhật Bản (AJCEP) và Việt Nam – Nhật Bản (VJEPA). Trong đó VJEPA là FTA song phương, lại được đàm phán và có hiệu lực sau, nên có các cam kết về thuế quan cho Việt Nam cao hơn trong AJCEP. VJEPA có hiệu lực từ năm 2009, trong đó cam kết thuế quan với các sản phẩm thịt cơ bản như sau:
Đối với động vật sống thuộc Chương 01: một số sản phẩm xoá bỏ thuế ngay (trâu, lợn bò thuần chủng để làm giống, gia cầm), còn lại không cam kết thuế (lợn bò không để làm giống)
Đối với thịt thuộc Chương 02: một số sản phẩm được xóa bỏ thuế ngay sau khi có hiệu lực, một số sản phẩm được cắt giảm theo lộ trình 7-10 năm, và có một số sản phẩm không có cam kết xóa bỏ thuế hoặc sẽ đàm phán lại sau 5 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực.
Đối với các sản phẩm thịt mã HS 1601, 1602: một số sản phẩm được xóa bỏ thuế ngay sau khi có hiệu lực, một có lộ trình xóa bỏ thuế 5 năm và phần lớn sản phẩm giữ nguyên mức thuế cơ bản hoặc không có cam kết xóa bỏ thuế.
Như vậy, CPTPP có mức mở cửa mạnh hơn VJEPA đối với các dòng sản phẩm mà trong VJEPA Nhật Bản không cam kết xóa bỏ thuế. Tuy nhiên đối với các dòng mà Nhật Bản cam kết xóa bỏ thuế theo lộ trình cả trong VJEPA và trong CPTPP thì CPTPP không mang lại lợi thế về thuế, bởi VJEPA đã hoàn tất lộ trình (do có hiệu lực từ 2009).