[Case Study] Lựa chọn sai sản phẩm và giấc mơ ô tô Việt giá rẻ dang dở của Vinaxuki
“Cả 6 Bộ đều đồng ý đề nghị Thủ tướng cho tôi được làm ô tô. Trong văn bản của Thủ tướng cho phép, ghi rõ: Được làm ô tô và phụ tùng ô tô các loại”, ông Bùi Ngọc Huyên, Chủ tịch HĐQT CTCP Ô tô Xuân Kiên (Vinaxuki) kể về ngày đầu khởi nghiệp trên một chương trình mới đây.
Được Chính phủ cấp phép hoạt động từ tháng 4/2004, đến năm 2012 Vinaxuki đã sản xuất được 38 mẫu xe tải, hai mẫu xe bán tải, hai mẫu xe khách và cả xe con với mức nội địa hoá từ 22% đến 44%.
Thời điểm đó, Vinaxuki là xe Việt quen thuộc với người tiêu dùng cả nước. Định hướng đến năm 2011 Vinaxuki sẽ sản xuất hàng loạt xe tải, xe con chất lượng cao, tỷ lệ nội địa hoá 50% - 60% và đến năm 2012 sẽ xuất khẩu sang một số nước trong khu vực.
“Tôi có mơ ước làm ô tô từ lúc nhỏ. Khi tôi xem phim của Liên Xô, thời ấy là năm 1951 - lần đầu tiên tôi được xem phim. Tôi thấy Hồng Quân và phát xít Đức dùng rất nhiều ô tô để vận chuyển người và vũ khí. Tên lửa cũng đặt trên ô tô. Lớn lên ra Hà Nội, tôi vẫn mơ ước sau này ra làm ô tô với anh em, bạn bè đồng nghiệp”, ông Huyên kể.
Các nhà máy của Vinaxuki năm 2011, 2012 được mở rộng ở nhiều tỉnh trên cả nước như Hà Nội, Thanh Hoá, Thái Nguyên và trở thành một trong những thương hiệu sản xuất ô tô làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó.
Tuy nhiên, đến năm 2014 - 2015, do những khó khăn về nguồn vốn đầu tư, Vinaxuki đã phải bán nhà máy số 1 ở Mê Linh để trả nợ cho ngân hàng và các tổ chức, cá nhân. Đây là điểm mở đầu cho thất bại của thương hiệu xe ô tô Việt Nam. Đến năm 2014, tổng nợ của Vinaxuki là 1.600 tỷ đồng.
"Tôi không thể mạnh như VinFast vài ba năm làm ra ô tô được"
“Tất cả những máy này là trung tâm gia công để làm khuôn, dập thân vỏ xe. Để làm ô tô đầu tiên phải làm thân vỏ xe, sau đó làm động cơ. Máy robot của châu Âu, máy dập và các hệ thống tự động nhập Nhật Bản”, đi giữa khu vực từng là nhà máy sản xuất ô tô nay chỉ còn là những cỗ máy hoen gỉ, ông Huyên chia sẻ.
Nhớ lại khoảng thời gian khó khăn về tài chính, ông Huyên cho biết: “Tôi không thể mạnh như VinFast vài ba năm làm ra cái ô tô. Tôi phải đi từng bước vì tôi từ tay trắng đi lên. VinFast có thể có nhiều tiền nhưng lúc bấy giờ tôi là công ty tư nhân, vay ngân hàng vài ba trăm triệu đã là may rồi. Khi lớn lên mới có thể vay dự án chục tỷ chứ không thì không được. Tôi thường nói với anh em, nếu mình có một đồng vốn thì không bao giờ được vay quá nửa đồng”.
Theo ông Huyên, kể cả lúc khủng hoảng kinh tế tổng tài sản của doanh nghiệp là 3.000 tỷ trong đó ô tô là 2.772 tỷ, vay nợ gốc ô tô là 1.000 tỷ và ngân hàng đầu tư cả lãi cả gốc tính đến năm 2012 thời điểm tái cơ cấu là 600 tỷ, Ngân hàng Ngoại thương 400 tỷ,…
“Tôi cứ đinh ninh mọi vấn đề tôi chấp hành đúng, tôi không vay nhiều như các doanh nghiệp khác, họ nợ 5-7 lần tổng tài sản. Tôi có 2,25 đồng thì mới nợ 1 đồng”, vị Chủ tịch Vinaxuki nhớ lại.
Ông kể, 6 chi nhánh ngân hàng đồng ý tái cơ cấu cho Vinaxuki theo chính sách. Theo nghị quyết 29 và một số nghị quyết khác thì Vinaxuki được vay vốn ưu đãi với thời hạn 10 năm. Nhưng từ 2010 - 2013, ngân hàng khó khăn về thanh khoản, nên các giám đốc chi nhánh ngân hàng hứa với ông chủ của Vinaxuki rằng:
“Bác cứ vay thời hạn 9 tháng và huy động vốn của mình, lấy vốn tự có để xây dựng, sau hết khủng hoảng rồi thì chúng tôi lại tái cơ cấu cho bác thành 5 năm, ân hạn 1 năm là 6 năm. Sau đấy thì họ làm đúng nhưng đến năm 2013, họ không ký cho tôi vay để tái cơ cấu để nội địa hoá”.
Bài học từ sự lựa chọn sản phẩm kinh doanh
Thực tế, khó khăn tài chính của Vinaxuki bắt đầu từ khi công ty chuyển sang sản xuất xe con. Năm 2010, Vinaxuki đầu tư vào sản xuất ô tô con dưới 9 chỗ ngồi. Hơn 900 tỷ đồng từ vốn vay và lợi nhuận tích lũy được Vinaxuki rót vào luyện kim, đúc phôi, sản xuất khuôn mẫu, cùng các thiết bị tự động cho dây chuyền dập, cắt plasma, cắt laser, sơn tự động bằng robot...
Tuy nhiên, đến năm 2012 Vinaxuki lỗ 45 tỷ đồng và bị nợ quá hạn ngân hàng. Theo quy định, khi đã nợ quá hạn không thể tiếp tục vay vốn được nữa. Do đó, từ 2012 trở đi, Vinaxuki không thể vay được vốn ở đâu, dù chỉ là vốn lưu động.
Đến năm 2013, tổng dư nợ của Vinaxuki tại 4 ngân hàng lên đến 940 tỷ đồng. Ông Bùi Ngọc Huyên cho biết đã phải bán nhà cửa, vét từng đồng lấy tiền trả lãi để được tái cơ cấu từ vốn vay ngắn hạn sang dài hạn nhưng các ngân hàng cũng không cho vay nữa. Sau đó, Vinaxuki bị đưa vào nợ xấu nhóm 4 và yêu cầu bàn giao tài sản để ngân hàng bán.
Gần đây nhất, năm ngoái, Vietcombank thông báo đấu giá tài sản bảo đảm của Vinaxuki là máy móc thiết bị tại Nhà máy sản xuất ô tô số 1, Mê Linh, Hà Nội.
Năm 2021, Thanh Hoá đã thu hồi gần 46 ha đất nhà máy bỏ hoang của Vinaxuki. Năm 2020, BIDV cũng từng thông báo bán đấu giá khoản nợ trị giá 1.265 tỷ đồng của Vinaxuki và Vinaxuki chi nhánh Thái Nguyên.
Có thể nói đến nay, dự án sản xuất ô tô giá rẻ của Vinaxuki cùng ông chủ Bùi Ngọc Huyên đã thất bại.
Nói về case study này, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng bài học của Vinaxuki là lựa chọn sai sản phẩm để đầu tư. Vào thời điểm ô tô ngoại chiếm lĩnh toàn bộ thị trường, Vinaxuki đang thành công với xe tải nhỏ, xe bán tải đã vội vã rẽ hướng sản xuất xe con mà chưa chứng minh tính khả thi của dự án này.
Còn theo Luật sư Trương Thanh Đức, nguyên Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Maritime Bank, Vinaxuki thất bại là do đầu tư dự án lớn, mang tính tiên phong nhưng lại không chủ động được nguồn vốn, lệ thuộc vào các tổ chức tín dụng là điểm yếu chính khiến cho Vinaxuki thất bại.