|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Bầu cử tổng thống Mỹ: Cử tri phổ thông là ai, đóng vai trò gì?

11:28 | 08/10/2024
Chia sẻ
Tại Mỹ, ứng viên giành được nhiều phiếu bầu của công chúng nhất vẫn có thể thất bại trong cuộc bầu cử tổng thống.

Các quầy bỏ phiếu ở Mỹ. (Ảnh: ABC). 

Trong chưa đầy một tháng nữa, cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sẽ diễn ra. Cả hai ứng viên Kamala Harris của Đảng Dân chủ và Donald Trump của Đảng Cộng hòa đều tuyên bố đây là cuộc bầu cử quan trọng nhất trong lịch sử quốc gia và kêu gọi cử tri đi bỏ phiếu.

Tuy nhiên, người nhận được sự ủng hộ của nhiều cử tri nhất chưa chắc sẽ trở thành chủ nhân Nhà Trắng. Đó là vì Mỹ áp dụng một hệ thống đại cử tri độc đáo và chính các đại cử tri mới là người trực tiếp bầu ra tổng thống.

Vậy các cử tri phổ thông có vai trò gì và họ có tác động thế nào đến cuộc bầu cử? 

Số cử tri phổ thông

Trung tâm Chính sách Lưỡng đảng cho biết khoảng 244 triệu người Mỹ đủ tư cách bỏ phiếu trong năm 2024. Tuy nhiên, số người đi bầu thực tế sẽ thấp hơn đáng kể. Nếu tỷ lệ cử tri bỏ phiếu năm 2024 bằng với năm 2020 - tức khoảng 67% - hơn 162 triệu người sẽ bỏ phiếu vào tháng 11 tới. 

Hầu như mọi công dân Mỹ đủ 18 tuổi đều được phép bỏ phiếu chọn tổng thống, kể cả người vô gia cư, miễn là họ đã đăng ký bỏ phiếu trước thời hạn đăng ký cử tri của tiểu bang.

Ngoại lệ bao gồm những người bị kết án trọng tội hoặc vướng những tội danh khác tùy vào luật của từng bang. Những người bị rối loạn tâm thần cũng có thể bị tước quyền bầu cử. 

Vai trò của cử tri phổ thông

Cử tri trực tiếp đến các điểm bỏ phiếu hoặc gửi phiếu bầu qua bưu điện để lựa chọn ứng viên tổng thống họ yêu thích. Đây là một quá trình đơn giản, mỗi cử tri có một phiếu bầu, mỗi phiếu được tính cho một ứng viên tổng thống nhất định. Tuy nhiên, các cử tri phổ thông chỉ gián tiếp quyết định người chiến thắng.

Kết quả cuộc bầu cử tổng thống Mỹ thực chất được xác định bởi hệ thống cử tri đoàn bao gồm 538 phiếu bầu đại cử tri. Mỗi bang được phân bổ số phiếu đại cử tri nhất định dựa trên dân số và ứng viên cần giành được ít nhất 270 phiếu để đắc cử.

Hầu hết các bang sử dụng quy tắc “được ăn cả, ngã về không”, tức ứng viên giành được đa số phiếu bầu cử tri phổ thông của một bang được trao toàn bộ phiếu đại cử tri của bang đó.

Do đó, tổng số phiếu bầu phổ thông trên toàn quốc của ứng viên không quan trọng bằng số phiếu ở mỗi bang, bởi kết quả được xác định bởi sự phân bổ số phiếu đại cử tri.

Trong lịch sử, nước Mỹ đã chứng kiến vài trường hợp ứng viên có nhiều phiếu bầu phổ thông hơn đối thủ nhưng vẫn thất bại trong cuộc đua vào Nhà Trắng.

Lần gần đây nhất diễn ra vào năm 2016, khi bà Hillary Clinton giành nhiều hơn ông Trump gần ba triệu phiếu bầu phổ thông nhưng lại thua kém 77 phiếu bầu đại cử tri.

Điều tương tự xảy ra vào năm 2000 khi ứng viên Al Gore thắng đối thủ George W. Bush về số phiếu phổ thông trên toàn quốc, nhưng để thua số phiếu đại cử tri do cách biệt rất nhỏ tại bang Florida.

Ảnh hưởng của cử tri Gen Z

Các cuộc bầu cử không chỉ được quyết định bởi những người bỏ phiếu mà còn bởi những người không bỏ phiếu. Ông George W. Bush đánh bại ông Al Gore trong cuộc bầu cử năm 2000 nhờ chênh lệch 537 phiếu bầu ở Florida. Nhưng nhìn từ góc độ khác, 5 triệu cử tri Florida không bỏ phiếu trong cuộc bầu cử đó mới chính là người làm nghiêng cán cân.

Và có tới gần một nửa người Mỹ thường xuyên không bỏ phiếu. Hai nhà khoa học chính trị của Đại học Rice tính toán rằng trong giai đoạn 1920 - 2012, trung bình tỷ lệ đứng ngoài các cuộc bầu cử tổng thống vào khoảng 42%.

Theo truyền thống, đối tượng thờ ơ nhất với các cuộc bầu cử là người trẻ. Vậy nên, trong cuộc đua cho chức tổng thống Mỹ gay cấn năm 2024, các cử tri trẻ tuổi có thể sẽ là nhóm đóng vai trò then chốt.

Theo phân tích của tờ Washington Post, nước Mỹ có gần 42 triệu người từ 18 đến 27 tuổi - hay còn gọi là thế hệ Gen Z - đủ điều kiện bỏ phiếu trong năm 2024.

Một số nhà quan sát cho biết trường đại học Mỹ ngày càng đóng vai trò to lớn trong các cuộc bầu cử thông qua việc tổ chức những chương trình thúc đẩy sinh viên đi bỏ phiếu.

Những mối quan tâm hàng đầu của Gen Z khác với những cử tri lớn tuổi hơn, thế hệ này chú trọng nhiều đến vấn đề biến đổi khí hậu và bất bình đẳng sắc tộc.

Cuộc khảo sát diễn ra trên toàn quốc được Harvard Youth Poll công bố vào cuối tháng 9 cho thấy Phó Tổng thống Kamala Harris đang dẫn trước cựu Tổng thống Donald Trump 32 điểm % trong nhóm các cử tri trẻ tuổi tiềm năng.

Cử tri phản đối kết quả bầu cử

Kể từ ngày thành lập đất nước đến nay, Mỹ đã trải qua vài trường hợp kết quả bầu cử tổng thống gây tranh cãi. Hai trường hợp nổi bật nhất có lẽ là vào năm 2000 và 2020.

Vào năm 2000, kết quả cuộc đua được định đoạt bởi bang Florida, trong khi số phiếu bầu phổ thông của hai ứng viên tại đây rất sít sao. Tòa án Tối cao Florida đã ra lệnh kiểm lại phiếu trên toàn bang, nhưng Tòa án Tối cao lại ngăn chặn, đồng nghĩa với việc phán quyết ông Bush trở thành tổng thống.

Một ngày sau, ông Gore quyết định rút lui trong yên bình. Vị ứng viên tuyên bố: “Tôi chấp nhận đây là kết quả cuối cùng”. Trái lại, đến giờ ông Trump vẫn từ chối nhận thua trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2020.

Ngày 6/1/2021 đi vào lịch sử của nước Mỹ khi đám đông ủng hộ ông Trump tràn vào Điện Capitol hòng làm gián đoạn phiên họp của Quốc hội. Khi đó, các nhà lập pháp đang kiểm phiếu đại cử tri và chuẩn bị chứng nhận chiến thắng của ông Joe Biden.

Ông Trump bị Hạ viện Mỹ luận tội vì đã có bài phát biểu ngay trước cuộc tấn công. Ứng viên tổng thống của Đảng Cộng hoà tuyên bố cuộc bầu cử có gian lận và khuyến khích người ủng hộ chiến đấu vì ông.

Tờ Axios cho biết ông Trump đang chuẩn bị một loạt lý do để phủ nhận kết quả năm nay nếu thua cuộc, bao gồm công kích quy trình bỏ phiếu qua thư và bỏ phiếu sớm.

Ví dụ, gần đây ông chỉ trích hệ thống bưu điện có năng lực yếu kém và không đáng tin cậy, dù Đảng Cộng hòa đang kêu gọi cử tri sử dụng phương thức bỏ phiếu này. 

Giang