|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

48 doanh nghiệp BĐS niêm yết ghi nhận lãi hơn 24.000 tỷ nửa đầu năm, Vinhomes chiếm 65%

09:12 | 02/08/2021
Chia sẻ
Phần lớn các doanh nghiệp BĐS niêm yết đều duy trì được lãi trong quý II và nửa đầu năm 2021, thậm chí một nửa trong số đó có lợi nhuận tăng trưởng, dù dịch COVID-19 kéo dài từ đầu tháng 4 đến nay.

Lợi nhuận 48 doanh nghiệp bất động sản tăng 140% trong quý II và tăng 70% trong nửa đầu năm

Kể từ khi dịch COVID-19 tái bùng phát vào tháng 4, thanh khoản của thị trường bất động sản theo đà giảm mạnh. Các chủ đầu tư phải ngừng kế hoạch bán hàng, cũng như các hoạt động xây dựng dự án. Đồng thời, doanh nghiệp phải đối mặt với các khoản chi phí lớn, đặc biệt là chi phí lãi vay vẫn ở mức cao.

Tuy nhiên đối với nhóm bất động sản (BĐS) niêm yết, phần lớn các doanh nghiệp đều ghi nhận có lãi và hơn một nửa trong số đó có lợi nhuận tăng trưởng trong quý II. Trong đó, nhiều doanh nghiệp lớn ghi nhận doanh thu, lợi nhuận từ các dự án chuyển tiếp; hoặc một số khác có các khoản lãi đầu tư tài chính, lãi mua rẻ, lãi chuyển nhượng cổ phần, đánh giá lại các khoản đầu tư,... 

Theo thống kê của người viết từ 48 doanh nghiệp bất động sản (BĐS) niêm yết đã công bố báo cáo tài chính, các doanh nghiệp đạt gần 50.493 tỷ đồng doanh thu thuần và 14.542 tỷ đồng lãi ròng trong quý II/2021, tương ứng tăng trưởng hơn 58% về doanh thu và gấp 2,4 lần lợi nhuận so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong đó, có 44/48 doanh nghiệp báo lãi và 26/48 doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng. Riêng lợi nhuận doanh nghiệp đứng đầu là CTCP Vinhomes (Mã: VHM) chiếm 73,4% tổng lợi nhuận của các doanh nghiệp với gần 10.233 tỷ đồng.

Trong nửa đầu năm, 48 doanh nghiệp đạt 86.435 tỷ đồng doanh thu thuần và hơn 24.091 tỷ đồng lãi ròng, lần lượt tăng 42,4% và 70,3% so với cùng kỳ. Trong đó, có 42/48 doanh nghiệp báo lãi và 27/48 doanh nghiệp có lãi tăng trưởng. Tương tự như quý II, Vinhomes tiếp tục dẫn đầu lợi nhuận của nhóm với gần 15.629 tỷ đồng, chiếm 64,9% tổng lợi nhuận chung.

Click vào ảnh để xem mặt sau. (Nguồn: BCTC quý II/2021 các doanh nghiệp, Đồ họa: Nguyên Ngọc).

Vinhomes, Novaland, Đất Xanh, Phát Đạt,... vẫn ghi nhận tăng trưởng 

Kết quả kinh doanh của Vinhomes tiếp tục tăng trưởng và dẫn đầu nhóm với doanh thu thuần đạt 28.725 tỷ đồng và lãi ròng 10.233 tỷ đồng trong quý II. Trong đó, doanh thu từ bán bất động sản đạt 26.200 tỷ đồng, tăng 61% so với cùng kỳ.

Trong 6 tháng đầu năm, Vinhomes đạt 41.712 tỷ đồng doanh thu thuần và 15.629 tỷ đồng lãi ròng, lần lượt tăng 82% và 52% so với cùng kỳ năm ngoái. Khoảng 69% doanh số bán hàng trong nửa đầu năm được đóng góp từ các căn hộ đã bàn giao tại dự án Vinhomes Ocean Park và Vinhomes Grand Park (bao gồm bán lẻ và bán buôn).

Tính đến hết quý II, tổng doanh số chưa ghi nhận của Vinhomes khoảng 49.400 tỷ đồng, riêng ba dự án gồm Vinhomes Ocean Park, Vinhomes Smart City và Vinhomes Grand Park chiếm 44.910 tỷ đồng.

Thông tin từ Vinhomes, Vinhomes Ocean Park đã thực hiện được 68% tiến độ xây dựng. Dự án đã được bán 37.800 sản phẩm (30.200 sản phẩm đã bàn giao và 7.600 sản phẩm đã bàn giao), doanh số chưa ghi nhận 15.320 tỷ đồng.

Vinhomes Smart City đã thực hiện được 42% tiến độ xây dựng. Vinhomes đã bán 34.100 sản phẩm tại dự án (23.500 sản phẩm đã bàn giao, 10.600 sản phẩm sắp bàn giao), doanh số chưa ghi nhận khoảng 10.562 tỷ đồng.

Vinhomes Grand Park cũng đã thực hiện được 59% tiến độ xây dựng, đã bán được 39.300 sản phẩm (38.400 sản phẩm đã bàn giao, 900 sản phẩm sắp bàn giao), doanh số chưa ghi nhận khoảng 13.970 tỷ đồng.

Hoạt động kinh doanh của CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland, Mã: NVL) cũng tăng trưởng mạnh trong quý II. Trong đó, doanh nghiệp ghi nhận hơn 6.300 tỷ đồng doanh thu từ các dự án đã bàn giao (Saigon Royal, Aqua City, NovaHills Mui Ne, Victoria Village, NovaWorld Ho Tram, NovaWorld Phan Thiet), gấp 6,4 lần cùng kỳ và đóng góp hơn 89% tổng doanh thu.

Doanh thu thuần trong quý của doanh nghiệp đạt gần 2.544 tỷ đồng, gấp 3,6 lần cùng kỳ. Đồng thời, biên lãi gộp của doanh nghiệp cũng cải thiện từ 30,6% ở cùng kỳ lên 35% trong quý II năm nay.

Mặc dù doanh thu tăng trưởng mạnh nhưng các chi phí phát sinh trong kỳ cũng rất lớn nên Novaland lỗ thuần gần 114 tỷ đồng. Nhờ khoản lãi hơn 1.670 tỷ từ việc mua lại nhóm doanh nghiệp sở hữu quỹ đất 660 ha ở Phan Thiết nên lãi ròng của Novaland vẫn tăng trưởng hơn 48% trong quý II với gần 1.321 tỷ đồng.

Trong 6 tháng đầu năm, Novaland đạt hơn 7.050 tỷ đồng doanh thu thuần và lãi ròng 1.857 tỷ đồng, lần lượt tăng 224% về doanh thu và 53% về lợi nhuận so với cùng kỳ.

Kết quả kinh doanh của CTCP Tập đoàn Đất Xanh (Mã: DXG) đã đảo chiều tăng trưởng trong quý II với doanh thu thuần trên 3.563 tỷ đồng, gấp 7 lần cùng kỳ năm ngoái và đạt đỉnh doanh thu kể từ khi doanh nghiệp niêm yết vào năm 2009, tính theo quý.

Phần lớn doanh thu của doanh nghiệp đến từ bán căn hộ, đất nền và hoạt động môi giới. Theo Đất Xanh, doanh nghiệp tiếp tục ghi nhận doanh thu từ các dự án đã được đẩy mạnh bán hàng từ năm ngoái như Gem Sky World ở Long Thành, Đồng Nai. 

Kết quả trong quý II, Đất Xanh lãi ròng hơn 298 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ ròng gần 556 tỷ đồng. 6 tháng đầu năm, Đất Xanh đạt gần 6.517 tỷ đồng doanh thu thuần và 830 tỷ đồng lãi ròng, trong khi cùng kỳ doanh thu thuần đạt 1.080 tỷ đồng và lỗ ròng 488 tỷ đồng. 

Tương tự như nhiều kỳ kế toán gần đây, CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt (Mã: PDR) tiếp tục bàn giao một phần đất nền khu thấp tầng (Phân khu số 9 - Kỳ Co GateWay) và một phần khu cao tầng (Phân khu số 4 - Nhơn Hội New City) thuộc Khu đô thị du lịch sinh thái Nhơn Hội tại Bình Định. 

Doanh thu từ chuyển nhượng đất nền của doanh nghiệp giảm gần một nửa so với cùng kỳ nhưng bùi lại có thêm vài trăm tỷ đồng từ chuyển nhượng dự án. Kết quả chung, lãi ròng quý II của Phát Đạt tăng trưởng hơn 108% so với cùng kỳ. Trong nửa đầu năm, doanh nghiệp đạt gần 1.124 tỷ đồng doanh thu thuần và hơn 503 tỷ đồng lãi ròng, giảm 5% về doanh thu nhưng tăng hơn 80% về lợi nhuận so với cùng kỳ năm ngoái.

Đối với nhóm doanh nghiệp dẫn đầu mức tăng trưởng lợi nhuận trong quý như Petroland (Mã: PTL), Khải Hoàn Land (KHG),.. do lợi nhuận quý II năm ngoái của các doanh nghiệp này ở mức thấp, chưa đến 1 tỷ đồng đối với Petroland và hơn 5 tỷ đồng đối với Khải Hoàn Land.

48 doanh nghiệp BĐS niêm yết lãi gần 14.550 tỷ trong quý II/2021 - Ảnh 3.

(Nguồn: BCTC quý II/2021 các doanh nghiệp, Đồ họa: Nguyên Ngọc).

48 doanh nghiệp BĐS niêm yết lãi gần 14.550 tỷ trong quý II/2021 - Ảnh 4.

(Nguồn: BCTC quý II/2021 các doanh nghiệp, Đồ họa: Nguyên Ngọc).

Doanh nghiệp kinh doanh phân khúc nghỉ dưỡng chìm trong thua lỗ 

CTCP Tập đoàn C.E.O (CEO Group, Mã: CEO) tiếp tục lỗ ròng gần 76 tỷ đồng trong quý II, cùng kỳ doanh nghiệp cũng lỗ gần 64 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm, CEO lỗ ròng hơn 94 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ ròng 56 tỷ đồng).

Kể từ năm ngoái, CEO Group đã gặp khó khăn trong hoạt động kinh doanh khách sạn và BĐS nghỉ dưỡng tại Phú Quốc, Vân Đồn. Trong khi đó, các dự án đô thị tại Hà Nội của doanh nghiệp vẫn đang trong quá trình hoàn thiện pháp lý.

Tương tự, CTCP Bất động sản Du lịch Ninh Vân Bay (Mã: NVT) tiếp tục lỗ ở quý thứ 3 liên tiếp với hơn 10 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ 800 triệu đồng). Ninh Vân Bay cho biết, trong quý đầu năm doanh nghiệp nhận hơn 5 tỷ đồng tiền cổ tức từ công ty con. Tuy nhiên, Ninh Vân Bay đã tạm ứng vốn khoản tiền này lại cho công ty con trong quý II bởi tình hình kinh doanh khó khăn do dịch COVID-19.

Trong 6 tháng đầu năm Ninh Vân Bay ghi nhận hơn 82 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm gần 25% so với cùng kỳ và lỗ ròng hơn 12 tỷ đồng. Tính đến hết quý II, doanh nghiệp lỗ lũy kế gần 667 tỷ đồng.

Gần đây nhất, Ninh Vân Bay vừa mua lại hai khu nghỉ dưỡng cao cấp tại Đà Lạt và Mũi Né, phục vụ mục tiêu phát triển 10 chuỗi bất động sản nghỉ dưỡng với quy mô 30-50 biệt thự lớn ở mỗi khu.

CTCP Tập Đoàn Danh Khôi (Mã: NRC) cũng có một quý thua lỗ hơn 45 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ doanh nghiệp lãi ròng hơn 33 tỷ đồng. Phía doanh nghiệp cho biết, do dịch COVID-19 ngày càng diễn biến phức tạp và kéo dài từ đầu năm nên hoạt động môi giới và kinh doanh của công ty bị ảnh hưởng nặng, công ty gặp khó khăn trong việc thu tiền khách hàng. Đồng thời, chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng cao so với cùng kỳ.

Lũy kế trong 6 tháng đầu năm nay, Danh Khôi đạt chưa đến 5 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 95% và lỗ ròng gần 68 tỷ đồng. Phần lớn các dự án Danh Khôi đang triển khai đều thuộc phân khúc nghỉ dưỡng, tập trung tại các tình ven biển như Bình Định, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu,...

Các doanh nghiệp BĐS niêm yết lỗ trong quý II và 6 tháng đầu năm 2021. (Nguồn: BCTC quý II/2021 các doanh nghiệp, Nguyên Ngọc tổng hợp). Click vào ảnh để xem mặt sau.

Lo hụt hơi cuối năm

Chịu áp lực từ dịch COVID-19, các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp BĐS nói riêng có thể gồng gánh trong giai đoạn ngắn hạn nhờ nguồn tiền tích trữ, đã chuẩn bị kế hoạch dài hơi,... Tuy nhiên, nếu dịch bệnh kéo dài, doanh nghiệp sẽ rất khó khăn khi hụt nguồn thu. Trong khi phần lớn các doanh nghiệp đều vay vốn lớn để triển khai dự án, áp lực lãi vay và nợ theo đó tăng cao.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, CEO Đại Phúc Land, cho rằng đợt dịch này trở nên nghiêm trọng và kéo dài hơn dự kiến. Tình hình dịch COVID-19 đang nóng ở phía Nam là yếu tố bất khả kháng, buộc tất cả các doanh nghiệp BĐS gần như dừng hoạt động.

Hiện các doanh nghiệp đang chờ thời điểm thích hợp để bung hàng sau dịch. Tuy nhiên, điều doanh nghiệp không thể dự báo được là khi nào dịch chấm dứt. 

Còn theo ông Nguyễn Xuân Lộc, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc MSH Group cho biết, trong thời gian trước, thị trường được hưởng lợi từ làn sóng chuyển dịch công nghiệp sang Việt Nam, nhưng thời gian gần đây đang bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 khiến cho sự phát triển của khu đô thị gắn liền với khu công nghiệp ngưng trệ, lượng giao dịch sụt giảm, có địa phương giảm tới 40%.

Từ nay tới cuối năm 2021, việc phòng chống dịch bệnh sẽ ảnh hưởng rất lớn tới giao dịch thị trường vì với ngành BĐS, bởi việc giao dịch online rất khó.

Trong khi đó, việc nhiều chủ sở hữu nhà phố, căn hộ, mặt bàng bán lẻ cho đến khách sạn đang rao bán khắp nơi cho thấy, nhu cầu về thanh khoản lúc này là rất lớn. 

Theo chia sẻ của một nhà đầu tư BĐS lâu năm tại TP HCM, hiện nay có không ít nhà đầu tư ôm hàng đã quyết định giảm giá tài sản để cơ cấu khoản vay, xử lý hợp đồng tới kỳ đóng tiền theo tiến độ.

Các chuyên gia cũng đưa ra dự báo đợt dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4 đang đẩy địa ốc vào kịch bản chịu áp lực giảm giá trên thị trường thứ cấp khi nguồn cung thứ cấp tăng mạnh. Điều này đồng nghĩa, tỷ lệ hấp thụ các dự án mới sẽ gặp khó khăn trong nửa cuối năm nay.

Nguyên Ngọc