|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

2021 là năm Việt Nam có số lượng tỷ phú USD nhiều nhất lịch sử

08:12 | 25/12/2021
Chia sẻ
Hiện tại Việt Nam ghi nhận 6 người trong danh sách tỷ phú USD toàn cầu do Tạp chí Forbes xếp hạng

Ngày 23/12, theo thống kê của Forbes, hiện Việt Nam đang có 6 tỷ phú USD với tổng tài sản đạt gần 20 tỷ USD, tăng gần 3 tỷ USD so với số liệu công bố đầu năm. Trước đó trong tháng 4, danh sách của Forbes cho thấy tổng tài sản của các tỷ phú Việt đạt 16,7 tỷ USD.

6 tỷ phú USD hiện tại của Việt Nam được Forbes nhắc tới gồm: Chủ tịch tập đoàn Vingroup Phạm Nhật Vượng có khối tài sản ròng 7,4 tỷ USD; Chủ tịch tập đoàn Hòa Phát Trần Đình Long với khối tài sản ròng đạt 2,2 tỷ USD.

Đứng thứ ba là Chủ tịch HĐQT Techcombank Hồ Hùng Anh có tài sản ròng 2,6 tỷ USD. Tổng giám đốc VietJet Air Nguyễn Thị Phương Thảo sở hữu khối tài sản ròng 2,8 tỷ USD. Và người giàu thứ 5 tại Việt Nam là Chủ tịch tập đoàn Masan Nguyễn Đăng Quang khi có khối tài sản ròng đạt 2,2 tỷ USD.

Trong khi chủ tịch HĐQT CTCP Trường Hải Trần Bá Dương và gia đình hiện đang có 1,6 tỷ USD tài sản ròng, theo Forbes.

Muốn gia nhập hàng ngũ 'siêu giàu' tại Việt Nam, một cá nhân cần hữu khối tài sản trị giá bao nhiêu tiền? - Ảnh 1.

Việt Nam có 6 tỷ phú USD. (Ảnh: VTV).

Tài sản của các tỷ phú tại Việt Nam được tính toán như thế nào?

Việc đánh giá sự giàu có của một cá nhân dựa trên rất nhiều yếu tố khác nhau. Vì vậy, để xác định chính xác khối tài sản của một cá nhân nào đó dường như là điều không thể. Do đó, để đo lường sự giàu có của các tỷ phú trên thế giới, các chuyên gia thường sẽ dùng tới thuật ngữ khối tài sản ròng.

Giá trị tài sản ròng là kết quả sau khi lấy giá trị của tất cả tài sản (bao gồm tài sản tài chính và phi tài chính) đang sở hữu trừ đi tất cả các khoản nợ hiện chưa thanh toán. 

Trong đó, tài sản tài chính và phi tài chính gồm: Tiền mặt, các khoản đầu tư, bất động sản, máy móc phương tiện,… Nợ hiện chưa thanh toán hay nợ phải trả gồm: Các khoản vay mua máy móc, phương tiện, vay ngân hàng,…

Hiện nay, để xác định giá trị tài sản ròng của các tỷ phú, người ta thường nghĩ ngay tới những bảng xếp hạng uy tín như tạp chí Forbes hay Bloomberg Billionaires Index. Tuy mỗi bảng xếp hạng có những công thức tính toán riêng.

Đơn cử như trường hợp của tỷ phú Trần Bá Dương. Ông được Forbes lấy danh nghĩa "Tran Ba Dương & Family" trên bảng xếp hạng. Mặc dù Thaco (CTCP Trường Hải) không niêm yết cổ phiếu, nhưng Forbes vẫn có thể định giá và xếp hạng giá trị tài sản ròng của tỷ phú này.

Điều này từng được giải thích vào năm 2018, khi tỷ phú này lần đầu tiên có tên trong bảng xếp hạng tỷ phú của Forbes. Cụ thể, để tìm được thông tin và xếp hạng tỷ phú, các phóng viên, nhà báo của hãng phải mất rất nhiều thời gian. 

Đầu tiên là lựa chọn ra một danh sách sơ bộ, đơn cử năm 2013 là 600 ứng viên rồi bắt đầu lọc dần. Trong trường hợp khả dĩ nhất, các phóng viên sẽ gặp gỡ trực tiếp, và trao đổi với khoảng 100 tỷ phú mỗi năm.

Ngoài ra, Forbes cũng nói chuyện, tìm hiểu qua nhân viên, thư ký, đối thủ, luật sư,… có liên quan đến các ứng viên. Các nhà báo phải nghiên cứu ghi chép hàng nghìn tài liệu trên sàn chứng khoán, kết hợp với các loại tài sản khác như bất động sản, xe hơi, du thuyền,… 

Có nhiều người hợp tác cung cấp tài liệu cho Forbes, nhưng cũng có những người không làm điều này. Với những trường hợp như vậy, tạp chí danh tiếng này sẽ sử dụng phương pháp so sánh tương quan, thường là P/E (hệ số giá trên lợi nhuận một cổ phiếu) để tính giá trị cổ phần so với các doanh nghiệp tương tự cùng ngành trên sàn chứng khoán.

Forbes thường tính toán và ước lượng khối tài sản của từng ứng viên, nhưng nếu tài sản của các thành viên trong gia đình hoặc bên liên quan có quan hệ chặt chẽ đến nhau thì tạp chí này sẽ gộp tổng cộng tài sản của những người này, và đề tên "tỷ phú & family". Đây chính là phương pháp được dùng để tính toán khối tài sản của Chủ tịch Thaco Trần Bá Dương.

Việt Nam có gần 400 người "giàu ngầm" không xuất hiện trong danh sách của Forbes

Để thống kê được hết khối tài sản của giới siêu giàu Việt Nam dường như là điều không thể. Vì vậy, có thể hiện nay vẫn còn rất nhiều đại gia sở hữu khối tài sản khủng chưa được công khai. Tuy nhiên, một cách so sánh trực quan và phổ biến nhất tại Việt Nam chính là so độ giàu trên sàn chứng khoán.

Ví dụ năm 2020 số lượng người giàu sở hữu giá trị tài sản từ 1.000 tỷ đồng trở lên tại Việt Nam là 88, thì qua năm 2021, con số này đã tăng lên gần 150 người. Tính đến ngày 24/12, người xếp cuối cùng trong top 200 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam đang sở hữu khối tài sản giá trị gần 680 tỷ đồng.

Theo báo cáo Wealth Report 2021 do hãng tư vấn Knight Frank công bố đầu năm nay, Việt Nam có 390 người siêu giàu – UHNWI (sở hữu từ 30 triệu USD trở lên) trong năm 2020, giảm 15 người (khoảng 4%) so với năm 2019. Báo cáo cũng chỉ ra rằng số người sở hữu từ 1 triệu USD trở lên tại Việt Nam năm 2020 là 19.491 người, giảm 6% so với năm 2019 (đạt 20.645 người).

Knight Frank dự đoán trong giai đoạn 2020 - 2025, tốc độ tăng trưởng của giới siêu giàu Việt Nam đạt mức 31%, tương đương khoảng 511 người sở hữu khối tài sản trên 30 triệu USD và hơn 25.800 người sở hữu khối tài sản trên 1 triệu USD.

Theo báo cáo này, để lọt vào nhóm 1% người giàu nhất Việt Nam, cá nhân cần sở hữu 160.000 USD (gần 3,7 tỷ VND) trở lên. So với các quốc gia Đông Nam Á khác như Indonesia và Philippines, con số này ở mức 60.000 USD, Malaysia là 540.000 USD, còn Singapore là 2,9 triệu USD.

Muốn gia nhập hàng ngũ 'siêu giàu' tại Việt Nam, một cá nhân cần hữu khối tài sản trị giá bao nhiêu tiền? - Ảnh 2.

Việt Nam lọt top tăng trưởng mạnh về số người giàu có. (Nguồn: Knight Frank).

Quốc Anh