|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

VinFast - dáng dấp của một công ty 50 tỷ USD

11:41 | 13/04/2021
Chia sẻ
Sau hơn 3 năm thành lập, VinFast đã vươn lên trở thành hãng xe có doanh số bán chạy thứ 4 tại Việt Nam, đặt tham vọng IPO tại Mỹ với định giá ít nhất 50 tỷ USD.
VinFast - dáng hình của một công ty trị giá 50 tỷ USD - Ảnh 1.

Công nhân làm việc trong một nhà máy VinFast tại Hải Phòng. (Ảnh: Zingnews).

Ý tưởng về một chiếc ô tô "Made in Vietnam" xuất phát từ tấm biển quảng cáo ô tô chạy qua tầm mắt vị tỷ phú Phạm Nhật Vượng, khi ông ngồi trên xe hơi từ sân bay vào nội đô sau một chuyến công tác. Đó là những gì người ta kể lại về khởi nguồn của VinFast - thương hiệu ô tô nội địa đầu tiên của Việt Nam.

Hãng xe Việt ra đời trước một Vinaxuki dở dang, một Thaco, TC Motor dừng lại ở liên doanh lắp ráp và mức thuế ô tô nhập khẩu từ các thị trường Đông Nam Á đang tiến dần về con số không. Những cái đầu bay bổng nhất lúc bấy giờ cũng tự hỏi, liệu rằng ý niệm về một chiếc ô tô "Made in Vietnam" có phải là một giấc mơ quá ư viển vông?

Vậy nhưng, chỉ mất 13 tháng, hình hài của những chiếc ô tô "bằng xương bằng thịt" với logo chữ V cách điệu trong từ VinFast - Việt Nam đã chính thức được trình làng. Và cũng chỉ mất thêm 12 tháng nữa để VinFast vươn lên trở thành hãng xe có doanh số lớn thứ 4 Việt Nam, cùng hàng với các tên tuổi như Toyota, Hyundai hay Honda.

Mới đây nhất, thông tin từ Bloomberg cho hay, Vingroup đang xem xét phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) đối với VinFast tại thị trường Mỹ. Thương vụ IPO dự kiến huy động khoảng 2 tỷ USD.

Nếu thành công, thương vụ IPO VinFast đánh dấu lớn nhất từ trước đến nay, đồng thời đưa VinFast trở thành công ty Việt Nam đầu tiên niêm yết tại thị trường Mỹ.

VinFast - dáng dấp của một công ty 50 tỷ USD - Ảnh 2.

Theo đó, sau IPO, mức định giá của VinFast có khả năng ít nhất đạt 50 tỷ USD. Với mức định giá này, hãng xe Việt sẽ đứng trong top các công ty sản xuất ô tô có giá trị vốn hoá lớn đang kinh doanh tại Mỹ như Ferrari, Hyundai, Honda, Ford,…

Cuối năm 2019, cũng trong một cuộc trao đổi với Bloomberg, ông Phạm Nhật Vượng chia sẻ rằng sẽ bỏ khoảng 2 tỷ USD từ khối tài sản cá nhân để hỗ trợ VinFast trong mục tiêu chinh phục thị trường Mỹ. Thực tế, từ đó đến nay, Vingroup - công ty mẹ của VinFast đã không ngừng rót tiền vào hãng xe này.

Theo bản cáo bạch 2021 của Vingroup, tính đến 30/6/2020, vốn điều lệ VinFast đã tăng hơn 55 lần so với thời điểm mới thành lập năm 2017, từ 500 tỷ đồng lên 28.116 tỷ đồng. Trong đó, Vingroup nắm giữ 51,15% cổ phần VinFast.

Trong khi đó, theo số liệu chúng tôi có được, hơn 49% cổ phần còn lại của VinFast nằm trong tay các cổ đông cá nhân trong nước. Không ghi nhận nguồn vốn góp từ các tổ chức, cá nhân nước ngoài.

Nói thêm, tính đến thời điểm 6/4/2021, Chủ tịch Vingroup đang có khoảng 9 tỷ USD tổng tài sản, xếp thứ 262 trên danh sách tỷ phú USD năm 2021, theo Forbes. Do đó, việc VinFast niêm yết tại Mỹ nếu thành công dự kiến cũng có thể đưa ông Phạm Nhật Vượng lọt vào top 50 người giàu nhất thế giới do tỷ lệ nắm giữ cổ phần lớn của ông Vượng tại đây.

VinFast - dáng hình của một công ty trị giá 50 tỷ USD - Ảnh 2.

Về phía tổng tài sản, tính tới 31/12/2019, VinFast đang có hơn 90.473 tỷ đồng tổng tài sản, tăng 15,6 lần so với thời điểm mới thành lập. Công ty hiện sở hữu tổ hợp sản xuất ô tô VinFast trị giá 3,5 tỷ USD tại khu kinh tế Đình Vũ (Hải Phòng). Tháng 9/2020, VinFast đã hoàn tất việc mua lại trung tâm thử nghiệm xe rộng 872 ha trị giá ước tính 15 - 20 triệu USD tại Australia sau khi đã mở văn phòng đại diện tại nước này. 

Đối với thị trường Mỹ, VinFast cũng đã thành lập phòng nghiên cứu với 50 nhân viên tại San Francisco, và dự kiến sẽ mở 35 showroom và trung tâm dịch vụ tại California trong năm nay, đồng thời đặt kế hoạch xây dựng một nhà máy tại Mỹ trong một vài năm năm tiếp theo, theo Bloomberg.

Về tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh, mặc dù mới chỉ ra mắt 3 mẫu xe đầu tiên gồm VinFast Fadil, Lux A2.0 và Lux SA2.0 song các mẫu xe của VinFast đã nhanh chóng vươn lên dẫn đầu các phân khúc.

Trong đó, hai mẫu Lux A2.0 và Lux SA2.0 luôn đứng trong top các mẫu xe sedan và SUV hạng sang được mua nhiều nhất, trong khi Fadil là mẫu xe bán chạy nhất phân khúc A tại Việt Nam. Cuối năm 2020, tổng số xe VinFast bán ra đạt gần 30.000 xe, đứng thứ 4 trong danh sách các thương hiệu xe bán chạy nhất tại Việt Nam.

VinFast - dáng hình của một công ty trị giá 50 tỷ USD - Ảnh 3.

Mặc dù có số lượng doanh số bán xe lớn, doanh thu năm gần nhất chúng tôi có được là 6.127 tỷ đồng (2019), song VinFast vẫn đang trong giai đoạn chịu lỗ. Theo ông Phạm Nhật Vượng, mỗi năm Vingroup sẽ chi khoảng 18.000 tỷ đồng để bù lỗ mảng kinh doanh ô tô. Các khoản lỗ này bao gồm chi phí tài chính, khấu hao và bán xe dưới giá thành sản xuất.

Dù vậy, có thể kỳ vọng rằng giai đoạn này sẽ sớm kết thúc khi đầu năm nay, trao đổi với chuyên viên phân tích từ Chứng khoán KB Việt Nam, lãnh đạo VinFast cho biết công ty có kế hoạch hoà vốn EBITDA trong 5 năm tới nhờ việc tăng sản lượng để gia tăng thị phần cũng như giảm chi phí sản xuất.

Mặt khác, trong cuộc gặp mặt các doanh nhân, trí thức tiêu biểu với Thủ tướng chiều ngày 6/3, ông Võ Quang Huệ, Phó Tổng giám đốc Vingroup, cho biết VinFast đã kết thúc giai đoạn khởi nghiệp và đang bước sang một giai đoạn phát triển mới, nỗ lực gấp nhiều lần trước đây để đạt được mục tiêu, gặt hái thành quả.

VinFast - dáng dấp của một công ty 50 tỷ USD - Ảnh 5.

Đến nay, sau hơn 3 năm thành lập, VinFast đã sở hữu trong tay dải sản phẩm tương đối phổ quát. Trong đó có 5 mẫu ô tô chạy xăng, một mẫu ô tô điện và 7 mẫu xe máy điện, phủ sóng từ phân khúc giá bình dân tới cao cấp.

Trao đổi với Chứng khoán KB, đại diện VinFast cho biết sẽ tiếp tục mở rộng sản phẩm trong những năm tiếp theo và hướng tới mục tiêu đạt 30% thị phần ô tô tại Việt Nam.

Đối với thị trường nước ngoài, trong cuộc trả lời phỏng vấn Bloomberg, bà Thái Thanh Hải, Giám đốc điều hành VinFast cho biết: "Tầm nhìn của VinFast là trở thành công ty sản xuất ô tô điện thông minh toàn cầu và Mỹ sẽ là một trong những thị trường đầu tiên mà chúng tôi tập trung vào. Giai đoạn đầu, VinFast sẽ phát triển các mẫu xe cao cấp cho thị trường Mỹ."

Người đứng đầu hãng xe Việt tự tin có thể bán xe Việt cho người Mỹ hoặc cho các khách hàng tại các thị trường khác bằng cách cung cấp các mẫu xe chất lượng hàng đầu, tiêu chuẩn an toàn cao và công nghệ tiên tiến.

VinFast chi tiền khủng để xuất hiện dày đặc trên kênh truyền hình CNN của Mỹ, mở đường cho việc tiến vào thị trường khó tính bậc nhất thế giới. (Video: CNN).

Hiện thực hoá mục tiêu này, kể từ đầu năm 2021 tới nay, VinFast đã có nhiều động thái tích cực để chuyển hướng sang ngành ô tô điện mà khởi đầu màn công bố ba dòng xe ô tô SUV chạy bằng điện đầu tiên của mình, bao gồm: VF31, VF32, VF33.

Mới đây, VinFast đã khởi động quá trình đặt hàng mẫu xe điện đầu tiên VinFast e34 (VF31) tại thị trường Việt Nam và dự kiến sẽ giao hàng vào cuối năm nay. Trong khi tại thị trường Mỹ, Canada và châu Âu, nhận đặt hàng từ tháng 11/2021, bàn giao xe từ tháng 6/2022.

Ngày 3/3, VinFast cũng đã ký biên bản ghi nhớ về việc hợp tác chiến lược với Công ty Công nghệ ProLogium (Đài Loan) để được quyền sử dụng các bằng sáng chế của ProLogium để sản xuất pin thể rắn (Solid-state battery) ở Việt Nam. Động thái được đánh giá là một bước đi chiến lược trong việc tự chủ công nghệ pin dành cho xe điện của VinFast, là tiền đề cho việc nghiên cứu, phát triển ra các dòng xe điện thông minh, tiên tiến trong tương lai.

Tại Việt Nam, mở đường cho việc giao những chiếc xe điện đầu tiên tới tay khách hàng, VinFast đang gấp rút triển khai lắp đặt hệ thống trạm sạc trên khắp cả nước, với mục tiêu có hơn 40.000 cổng sạc cho xe máy điện và ô tô điện vào cuối năm nay.

Có thể nói, sản xuất ô tô công nghệ cao và bán ra tại một thị trường khó tính bậc nhất là một giấc mơ mà ngay cả những tên tuổi lớn như Toyota hay Hyundai trong những ngày đầu khởi nghiệp cũng chẳng dám nghĩ tới.

Vậy nhưng, VinFast - hãng xe nội địa 3 năm tuổi của Việt Nam đã nhìn thấy tương lai và đang mơ về giấc mơ đó. Giấc mơ về những chiếc xe mang thương hiệu Việt Nam lăn bánh trên đường phố Manhattan xa hoa của New York, hay trên cây cầu Golden Gate trứ danh của San Francisco.

Đường đi còn dài. "Giấc mơ Mỹ" của vị tỷ phú người Việt có thể vẫn còn nhiều khó khăn song như câu slogan nổi tiếng của chính doanh nghiệp này - "Mãnh liệt tinh thần Việt Nam", tin rằng giấc mơ đó không phải quá xa vời.

Thiên Trường