Vì sao doanh thu tăng 47% nhưng lợi nhuận Vinaconex giảm 98% trong quý I?
Báo cáo tài chính hợp nhất quý I của Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex - Mã: VCG) ghi nhận doanh thu tăng 47% so với cùng kỳ lên 1.965 tỷ đồng. Trong đó, mảng xây lắp đem về cho tổng công ty 1.378 tỷ đồng, tăng 54% so với cùng kỳ và chỉ lãi gộp 52 tỷ đồng. Lĩnh vực bất động sản đóng góp 139 tỷ đồng doanh thu nhưng ghi nhận lãi gộp tới 127 tỷ đồng.
Trong kỳ, khoản doanh thu tài chính của Petrolimex hụt 87% so với cùng kỳ còn gần 93 tỷ đồng do quý I tổng công ty không còn khoản lãi do mua rẻ công ty con như quý I/2022 (gần 598 tỷ).
Bên cạnh đó, chi phí quản lý doanh nghiệp quý này là 87 tỷ trong khi cùng kỳ năm ngoái âm 108 tỷ đồng do được hoàn nhập dự phòng phải thu khó đòi (192 tỷ).
Kết quả, Vinaconex lãi sau thuế gần 19 tỷ đồng, giảm gần 98% so với quý I/2022. Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ giảm 98% còn 16 tỷ đồng.
Chia sẻ với cổ đông tại Đại hội đồng cổ đông thường niên, Chủ tịch Đào Ngọc Thanh cho biết: "Giá trị đầu tư công rất lớn nhưng nhà thầu mang tinh thần “ăn no vác nặng” nên lợi nhuận không cao. Nhưng tại sao phải làm vì đó là một trong những trụ cột chính của tổng công ty. Không phải làm lấy lỗ nhưng lợi nhuận về đầu tư công không cao, làm 10.000 tỷ nhưng lợi nhuận chỉ 2-3%".
Năm 2023, tổng công ty đặt kế hoạch lợi nhuận sau thuế hợp nhất dự kiến giảm 8% xuống còn 860 tỷ đồng. Như vậy, sau quý đầu năm, Vinaconex mới đạt 2,2% mục tiêu năm.
Vay nợ hơn 14.100 tỷ đồng cuối quý I
Về tình hình tài chính, tại ngày 31/3, quy mô tổng tài sản của Vinaconex đạt 32.474 tỷ đồng. Trong đó, chỉ tiêu chiếm tỷ trọng lớn nhất là khoản phải thu ngắn hạn với 9.210 tỷ đồng bao gồm 2.298 tỷ của khách hàng, 1.355 tỷ phải thu về cho vay, còn lại là phần lớn là khoản trả trước người bán và một phần phải thu khác.
Tập đoàn đã phải trích lập dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi 1.131 tỷ đồng cuối quý, tương đương con số đầu năm, riêng nợ xấu của Công ty Liên danh TNHH Phát triển Đô thị mới An Khánh chiếm một nửa.
Cuối quý I, Vinaconex ghi nhận giá trị hàng tồn kho 7.282 tỷ đồng song không được thuyết minh chi tiết. Ngoài ra, tổng công ty còn có 6.764 tỷ đồng tài sản dở dang dài hạn, chủ yếu nằm ở dự án Khu đô thị Du lịch Cái Giá Cát Bà (4.907 tỷ).
Tổng nợ đi vay cuối kỳ là 14.115 tỷ, chiếm 43% nguồn vốn và gấp 1,42 lần vốn chủ sở hữu. Trong đó, dư nợ trái phiếu là 3.789 tỷ với 220 tỷ đến hạn phải trả trong vòng một năm. Khoản vay ngân hàng là 9.407 tỷ với khoản vay dài hạn là 4.472 tỷ đồng.
Liên quan tới việc chi trả trái phiếu, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên, ông Đào Ngọc Thanh - Chủ tịch HĐQT cho biết tất cả trái phiếu của Vinaconex đều có tài sản đảm bảo và cam kết sẽ cố gắng trả nợ trước hạn các lô trái phiếu.
Ba tháng đầu năm, tổng công ty đi vay 2.295 tỷ đồng thời trả nợ gốc vay 1.683 tỷ. Tổng chi phí lãi vay quý I là 218 tỷ đồng.
Vốn chủ sở hữu cuối kỳ là 9.924 tỷ bao gồm 1.695 tỷ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/