|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Coteccons lãi 22 tỷ quý I, khoản tiền mặt tăng lên gần 3.800 tỷ

17:28 | 24/04/2023
Chia sẻ
Tổng tiền, tiền gửi có kỳ hạn của Coteccons đạt 3.790 tỷ cuối quý I, tăng gần 82% so với cuối năm ngoái. Khoản tiền gửi dồi dào giúp công ty thu về 41 tỷ lãi tiền gửi trong ba tháng đầu năm, đóng góp lớn vào lợi nhuận.

Báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2023 của CTCP Xây dựng Coteccons (Mã: CTD) cho biết doanh thu thuần quý I đạt 3.130 tỷ đồng, tăng 64% so với cùng kỳ năm ngoái.

Song giá vốn tăng mạnh khiến lợi nhuận gộp giảm 16,5% so với quý I/2022 còn 56 tỷ.

Các chi phí tài chính, quản lý doanh nghiệp và bán hàng ăn mòn hết lợi nhuận gộp của công ty. Nhưng nhờ khoản doanh thu tài chính 84,5 (lãi tiền gửi và lãi cho vay/chậm trả) giúp Coteccons thoát lỗ.

Trừ đi các chi phí, Coteccons lãi ròng 22 tỷ, giảm 24,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Biên lợi nhuận gộp đạt gần 1,8% còn biên lãi thuần đạt 0,7% trong quý I.

  Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo tài chính của Coteccons.

 Nguồn: Tổng hợp từ Wichart.

Lãnh đạo Coteccons cho biết trong bối cảnh ngành bất động sản còn nhiều khó khăn, công ty đã thực hiện đa dạng hoá lĩnh vực thi công hay tập trung các dự án quy mô lớn để đạt được hiệu quả thay vì tập trung vào số lượng.

Từ cuối năm 2022, doanh nghiệp đã dịch chuyển sang xây dựng nhà máy công nghiệp, các dự án hạ tầng hay tham gia vào những dự án phức tạp, có tính chuyên biệt, ít cạnh tranh. Ví dự như dự án LEGO, Dung Quất 2, Diamond Crown hay tới đây là các dự án cơ sở hạ tầng như Motro line và Long Thành.

Khoản tiền nhàn rỗi tăng lên gần 3.800 tỷ cuối quý I

Về tình hình tài chính, quy mô tổng tài sản của Coteccons đạt 20.042 tỷ đồng cuối quý I. Khoản mục chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu tài sản của công ty là khoản phải thu ngắn hạn với 11.317 tỷ, chủ yếu từ khách hàng (10.928 tỷ). Tại ngày 31/3, công ty phải trích lập dự phòng 1.062 tỷ đồng phải thu ngắn hạn khó đòi, tăng nhẹ so với cuối năm ngoái.

Trong buổi gặp gỡ Chứng khoán Rồng Việt ngày 6/4, lãnh đạo Coteccons cho biết giá trị dự phòng của công ty sẽ giảm mạnh 2,3 lần so với năm 2022. Giám đốc Quản trị Rủi ro của Coteccons cho biết giai đoạn 2020 - 2022, công ty tăng trích lập dự phòng cho 16 dự án vận hành theo mô hình kiểu cũ, được xây dựng từ giai đoạn 2017 - 2019. Trong giai đoạn này, ban quản trị thời đó đã không trích lập dự phòng cho 16 dự án này dù một số dự án đã phát sinh vấn đề trong công nợ phải thu.

Tính tới hết 2022, lãnh đạo Coteccons cho hay đã xử lý gần như toàn bộ công nợ của 16 dự án, do đó kể từ 2023 trở đi, chi phí dự phòng sẽ giảm so với giai đoạn trước.

Ngoài ra, trong bối cảnh các chủ đầu tư đang gặp khó về dòng tiền, Coteccons cho biết chỉ tập trung xây dựng cho các khách hàng lớn, có sức khỏe tốt. Trong quá trình xây dựng và làm việc với chủ đầu tư nếu nhận thấy rủi ro đáng kể nào, thì công ty ngay lập tức dừng thi công nhằm tránh phát sinh công nợ. 

 Ảnh: Coteccons.

Tổng tiền, tiền gửi có kỳ hạn của Coteccons đạt 3.790 tỷ cuối quý I, tăng gần 82% so với cuối năm ngoái. Bên cạnh đó công ty còn có 240 tỷ đồng đầu tư trái phiếu, giảm 58% sau một quý.

Tổng nợ vay tại ngày 31/3 là 1.163 tỷ đồng, tăng nhẹ so với đầu năm, trong đó 498 tỷ vay dài hạn bao gồm 471 tỷ dư nợ trái phiếu. Còn lại là dư nợ vay từ ngân hàng. Trong quý I, Coteccons đã đi vay tổng cộng 395 tỷ đồng thời trả nợ gốc vay 310 tỷ. Chi phí lãi vay ba tháng gần 25 tỷ đồng.

Vốn chủ sở hữu cuối kỳ là 8.236 tỷ bao gồm 358 tỷ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối, 4.667 tỷ quỹ đầu tư phát triển.

Về dòng tiền của Coteccons, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh đã tăng mạnh lên 1.239 tỷ, cùng kỳ năm ngoái âm 325 tỷ đồng nhờ tăng mạnh các khoản phải trả. Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động đầu tư âm 405 tỷ, dòng tiền từ hoạt động tài chính dương 85 tỷ giúp lưu chuyển tiền thuần trong kỳ dương 929 tỷ, cùng kỳ âm 356 tỷ đồng.

 Nguồn: Tổng hợp từ Wichart và báo cáo tài chính của Coteccons.

Hoàng Kiều