|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

VDSC: Biên lợi nhuận nhóm doanh nghiệp F&B sẽ giảm bớt áp lực từ nửa cuối năm nay

20:00 | 06/03/2023
Chia sẻ
VDSC cho rằng, nhờ doanh thu cao hơn và biên lợi nhuận được cải thiện, lợi nhuận ròng của các công ty F&B Việt Nam sẽ tăng trưởng khả quan trong năm 2023.

Trong báo cáo triển vọng ngành thực phẩm và đồ uống (F&B), Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) dự báo, ngành F&B sẽ giảm bớt áp lực từ nửa sau năm 2023.

Giá hàng hóa nông sản, chăn nuôi có xu hướng giảm

Theo Bloomberg, ngày 27/2, chỉ số giá nhóm hàng hóa nông nghiệp chăn nuôi là 103 USD tăng 0,4% so với tháng trước, giảm 1,5% so với cùng kỳ. Kể từ đầu năm nay, giá phân bón và thuốc bảo vệ thực vật giảm khiến giá hàng hoá nông nghiệp và chăn nuôi có xu hướng giảm. Bên cạnh đó, sức tiêu dùng toàn cầu suy yếu do lãi suất tăng cũng góp phần làm giá giá hàng hoá nông nghiệp chăn nuôi toàn cầu dịu lại.

Giá hàng hóa nông sản, chăn nuôi có xu hướng giảm.

VDSC nhận định, các mặt hàng nông nghiệp chăn nuôi là chi phí đầu vào của các nhà sản xuất thực phẩm và đồ uống (F&B), xu hướng giảm giá đầu vào sẽ giúp cải thiện tỷ suất lợi nhuận gộp của ngành, trong đó có các công ty thực phẩm và đồ uống Việt Nam.

Trong giai đoạn 2021-2022, biên lợi nhuận gộp của các nhà sản xuất F&B Việt Nam như CTCP Hàng tiêu dùng Masan (Masan Consumer - Mã: MCH) hay CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk - VNM) giảm do lạm phát chi phí đẩy. Do đó, việc giá hàng hóa đầu vào giảm trong đầu năm 2023 được xem là tín hiệu tích cực cho ngành thực phẩm đồ uống Việt Nam.

VDSC dự báo, hiệu quả cải thiện biên lợi nhuận sẽ rõ rệt hơn kể từ nửa cuối năm 2023 do hầu hết các nhà sản xuất F&B đều đã chốt hợp đồng nguyên liệu trong đầu năm 2022 và quý IV/2022, dẫn đến tồn kho giá cao trong 6 tháng đầu năm 2023.

Chi phí logistic dự kiến ổn định

Theo VDSC, ngành thực phẩm, đồ uống Việt Nam có thể tiết kiệm được thêm chi phí thông qua việc giảm chi phí logistic do nhu cầu chậm lại trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu suy thoái. Ví dụ vào ngày 24/2/2023 chỉ số thuê tàu hàng khô Baltic (BDI) là 883 điểm (tăng 23% so với tháng trước, giảm 60% so với cùng kỳ).

Bên cạnh chi phí logistic, các yếu tố khác tác động đến chi phí bán hàng của các công ty F&B Việt Nam còn có chi phí quảng cáo, khuyến mại hay lương nhân viên. Song, đơn vị phân tích vẫn cho rằng, chi phí logistic giảm vẫn là dấu hiệu tích cực giúp các công ty F&B Việt Nam có thêm dư địa để tối ưu hóa chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp, hỗ trợ biên lợi nhuận tốt hơn.

 Chi phí logistic ổn định có thể làm giảm bớt áp lực chi phí cho các công ty F&B Việt Nam.

Lợi nhuận ròng kỳ vọng sẽ tăng trưởng dương trở lại

Theo VDSC, không chỉ chi phí đầu vào, các công ty F&B Việt Nam còn được hưởng lợi từ doanh thu cao hơn, nhờ sản lượng tiêu thụ ổn định và giá bán trung bình tăng. Với bản chất là ngành hàng tiêu dùng thiết yếu, lượng tiêu thụ các sản phẩm thực phẩm, đồ uống ít biến động theo các chu kỳ kinh tế.

Ngoài ra, do biến động giá đầu ra của ngành có độ trễ so với biến động của chi phí đầu vào, VDSC kỳ vọng các công ty F&B Việt Nam sẽ được hưởng mức giá bán trung bình cao hơn trong năm 2023 sau khi trải qua đợt lạm phát chi phí đầu vào trong giai đoạn 2021 - 2022.

VDSC cho rằng, lợi nhuận ròng của các công ty F&B Việt Nam sẽ tăng trưởng khả quan trong năm 2023. (Ảnh: Lâm Anh).

Theo Kantar Worldpanel, năm 2022, giá bán bình quân hàng tiêu dùng nhanh của Việt Nam tăng trưởng theo từng quý. Đơn vị phân tích cho rằng, hiệu ứng này sẽ khiến giá bán trung bình các sản phẩm F&B năm 2023 được giao dịch ở mức cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái.

Dựa vào doanh thu cao hơn và biên lợi nhuận được cải thiện, VDSC cho rằng, lợi nhuận ròng của các công ty F&B Việt Nam sẽ tăng trưởng khả quan trong năm 2023. Trong đó, những công ty có kết quả kinh doanh yếu trong năm 2022 như Vinamilk hay CTCP Masan MEATLife (Mã: MML) sẽ hồi phục cao hơn những công ty khác.

Không chỉ chi phí đầu vào, các công ty F&B Việt Nam còn được hưởng lợi từ doanh thu cao hơn, nhờ sản lượng tiêu thụ ổn định và giá bán trung bình tăng.

Bất ổn toàn cầu vẫn là thách thức lớn

VDSC nhận thấy, lạm phát hàng hóa vừa qua đến từ sự bùng phát của đại dịch COVID-19, tiếp theo là xung đột giữa Nga - Ukraine nhưng hiện tại, hai sự kiện này vẫn chưa được giải quyết hoàn toàn mà tình hình chỉ dịu đi.

Do đó, VDSC lo ngại, nếu có thêm bất kỳ đợt bùng phát nào nữa, giá cả các mặt hàng nông nghiệp và chăn nuôi sẽ diễn biến theo chiều ngược lại.

Lâm Anh