|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Trái phiếu doanh nghiệp: Còn nhiều cái không đáng lo hơn không có tài sản đảm bảo, đừng vì vài 'con sâu làm rầu nồi canh'

21:53 | 19/04/2022
Chia sẻ
Theo chuyên gia, về nguyên tắc cho vay nói chung và đầu tư trái phiếu nói riêng, tài sản bảo đảm không phải yếu tố duy nhất để xem xét mà quan trọng hơn cả là đánh giá được tình hình tài chính, hoạt động của doanh nghiệp phát hành.

Tại Tọa đàm "Phát triển bền vững thị trường trái phiếu doanh nghiệp" do báo Người lao động tổ chức sáng ngày 19/4, Thạc sỹ Nguyễn Anh Vũ, Trường Đại học Ngân hàng TP HCM, chia sẻ quan điểm: “Gần đây báo chí hay dùng khái niệm ‘3 không’ với doanh nghiệp phát hành trái phiếu, bao gồm không tín nhiệm, không bảo lãnh thanh toán và không tài sản bảo đảm.

Đối với vấn đề bảo lãnh từ tổ chức tài chính có uy tín, chúng ta thường không phân biệt được bảo lãnh thanh toán và bảo lãnh phát hành.

Bảo lãnh thanh toán là trả nợ thay, nếu ngân hàng bảo lãnh thì họ phải phân tích, thẩm định trước khi chấp thuận. Nhà đầu tư khi mua trái phiếu này sẽ yên tâm hơn.

Còn bảo đảm bằng tài sản có thể hiểu nếu doanh nghiệp không trả được nợ thì bên bảo lãnh sẽ bán tài sản để thanh toán, đảm bảo an toàn cho người mua trái phiếu”.

Theo Thạc sỹ Nguyễn Anh Vũ, về nguyên tắc cho vay nói chung và đầu tư trái phiếu nói riêng, tài sản bảo đảm không phải là yếu tố duy nhất hay quan trọng hàng đầu để nhà đầu tư xem xét mua trái phiếu.

 Thạc sỹ Nguyễn Anh Vũ, Trường Đại học Ngân hàng TP HCM. (Ảnh: NLĐ).

“Quan trọng nhất là đánh giá được tình hình tài chính, hoạt động của doanh nghiệp phát hành. Tôi lo ngại ngoài ‘3 không’ nói trên thì còn có cái ‘không’ thứ 4, thứ 5 khác như: Không có năng lực tài chính tốt; dòng tiền, phương án kinh doanh không khả thi;… Những điều này đôi khi còn đáng lo hơn việc không có tài sản đảm bảo”, Thạc sỹ Nguyễn Anh Vũ nhận định.

Song, các chuyên gia cũng nhìn nhận đừng vì vài con sâu làm rầu nồi canh” mà thắt chặt quá mức thị trường trái phiếu doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh kinh tế - xã hội đang phục hồi, phát triển.

“Thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn còn rất non trẻ, mới chỉ hơn 10 năm và chỉ phát triển tương đối nhanh, mạnh trong khoảng 5 năm trở lại đây.

Vốn huy động qua thị trường chứng khoán gồm cả cổ phiếu và trái phiếu tương đương 26% tổng lượng vốn cung ứng ra nền kinh tế.

Trong đó, trái phiếu doanh nghiệp chiếm khoảng 22,7% tổng lượng vốn cung ứng cho nền kinh tế mỗi năm, còn nguồn vốn huy động qua phát hành cổ phiếu chỉ chiếm 3,5% tổng lượng vốn đưa ra nền kinh tế. Do vậy, trái phiếu là kênh huy động vốn trung và dài hạn rất quan trọng”, TS. Cấn Văn Lực chia sẻ.

TS Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách Tài chính - Tiền tệ quốc gia. (Ảnh: DNVN).

Theo số liệu được công bố bởi TS. Cấn Văn Lực, quy mô thị trường vốn hiện khoảng 17,5% GDP, con số này rất thấp so với Trung Quốc (35,7% GDP); Hàn Quốc (87% GDP); Singapore (36,5% GDP); Thái Lan (khoảng 25% GDP);… 

Để phát triển thị trường trái phiếu bền vững, chúng tôi cũng đã kiến nghị Chính phủ sớm giải quyết, xử lý những vụ việc đã xảy ra trong thời gian qua để củng cố niềm tin của nhà đầu tư, chủ thể phát hành và cả các doanh nghiệp trên thị trường. Xử lý càng nhanh càng tốt và nên công khai minh bạch kết quả.

Đã gọi là thị trường, nhất là thị trường chứng khoán thì hãy để thị trường tự điều chỉnh, chứ không phải là các hoạt động can thiệp, kiểm tra, giám sát quá chặt để doanh nghiệp không thể phát hành trái phiếu được, đặc biệt trong bối cảnh tiếp cận vốn xưa nay là một điểm nghẽn lớn của thị trường tài chính”, TS. Cấn Văn Lực bàn về các giải pháp.

Mặt khác, TS. Cấn Văn Lực cho rằng cần khuyến khích thành lập nhiều công ty xếp hạng tín nhiệm. Một số thị trường như Singapore, Hàn Quốc – nơi có thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển khá tốt – đều khuyến khích xếp hạng tín nhiệm trước khi doanh nghiệp phát hành (không bắt buộc 100%).

Tuy nhiên, ở Việt Nam nên khuyến khích hay bắt buộc xếp hạng tín nhiệm cần phải cân nhắc. Có thể thời gian đầu bắt buộc và giãn dần ra khi thị trường phát triển tốt lên.

TS. Cấn Văn Lực đưa ra ví dụ như ở Singapore, quốc gia này khuyến khích việc xếp hạng tín nhiệm bằng cách doanh nghiệp áp dụng xếp hạng tín nhiệm sẽ được hỗ trợ gấp đôi chi phí so với doanh nghiệp không có xếp hạng tín nhiệm.

Song, chuyên gia đánh giá bài toán xếp hạng tín nhiệm cũng cần xem xét thêm nhiều yếu tố: Cho phép thành lập nhiều công ty xếp hạng tín nhiệm hơn, rút ngắn thời gian xếp hạng để không làm mất cơ hội của doanh nghiệp,… Ngoài ra, tiêu chí, tiêu chuẩn nhà đầu tư chuyên nghiệp cũng cần nâng lên.

“Xét cho cùng, để cho thị trường chứng khoán phát triển thì tôi vẫn cho rằng cần chuyên nghiệp, minh bạch và trên nền tảng thị trường, thay vì biện pháp hành chính quá nhiều”, TS. Cấn Văn Lực nhận định.

Nguyên Ngọc

Thị trường phân hóa, VN-Index tiếp tục giằng co quanh ngưỡng 1.200 điểm
Dòng ngân hàng có tín hiệu hồi phục đầu tiên với VBB tăng hết biên độ lên 11.100 đồng/cp. Cùng chiều, giao dịch khởi sắc còn được chứng kiến ở SHB (+2,3%), ABB (+1,3%), VCB (+1,2%), KLB (+0,9%), BID (+0,3%), …