Trái chiều Bóng đèn Rạng Đông và Điện Quang
Công ty Bóng đèn Phích nước Rạng Ðông (Mã: RAL) và Tập đoàn Điện Quang (Mã: DQC) từng là hai doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất thiết bị chiếu sáng, bám sát nhau về lợi nhuận và kỳ vọng cùng bứt phá trong giai đoạn chuyển đổi của thị trường bóng đèn truyền thống sang đèn LED.
Tuy nhiên, hai doanh nghiệp nội địa lại có diễn biến trái ngược nhau khi Rạng Đông vẫn tiếp tục thăng hoa trong hoạt động kinh doanh, ngược lại Điện Quang lại tỏ ra yếu thế trong cuộc đua mới.
Rạng Đông phá đỉnh
Theo báo cáo nửa đầu năm 2024, Bóng đèn Rạng Đông ghi nhận doanh thu tăng 35% lên gần mốc 5.000 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế đạt 351 tỷ đồng, cao hơn 14% so với cùng kỳ và là mức lãi bán niên cao nhất trong lịch sử.
Theo kế hoạch 2024, công ty đặt mục tiêu doanh thu 7.050 tỷ và lợi nhuận trước thuế 388 tỷ đồng. Với kết quả trên, đơn vị hoàn thành 58% kế hoạch doanh thu và hơn 90% mục tiêu lợi nhuận cả năm.
Ban lãnh đạo lý giải kết quả khả quan nhờ áp dụng chuyển đổi số để hình thành nền sản xuất thông minh, tự động hóa cao trong các dây chuyền sản xuất, phát triển các giải pháp chiếu sáng chuyên dụng cho ngành nông nghiệp công nghệ cao và đánh bắt thủy sản.
Công ty còn có lợi thế sở hữu công nghệ tích hợp IoT và AI nhờ kết hợp với các công ty công nghệ hàng đầu Việt Nam, ứng dụng công nghệ số để xây dựng mô hình đa kênh và gần người tiêu dùng hơn.
Giải pháp và dịch vụ của công ty đang vận hành chiếu sáng cho các thành phố Bến Tre, Đà Lạt, Hải Dương...đến các cảnh quan tâm linh cho khu di tích thành cổ Quảng Trị, cầu Hiền Lương, nghĩa trang Vị Xuyên... phù hợp cho nhà kính, nhà lưới và các cánh đồng thanh long, đánh bắt xa bờ...
Công ty còn cho biết từ năm 2023 đã được cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ, do đó còn được hưởng ưu đãi về thuế.
Rạng Ðông được chính thức thành lập từ năm 1961 và chuyển đổi thành công ty cổ phần từ năm 2004, đưa cổ phiếu niêm yết lần đầu vào năm 2006. Giai đoạn 2016-2019 được xem là bản lề chuyển đổi sang mô hình công ty công nghệ cao để ghi nhận kết quả tích cực.
Hoạt động kinh doanh gồm 3 mảng chính là nhóm sản phẩm chiếu sáng, phích nước và các giải pháp thông minh. Năng lực sản xuất mỗi năm khoảng 100 triệu đèn LED, 5 triệu sản phẩm đèn bàn & thiết bị chiếu sáng, 32 triệu sản phẩm phích nước... Hệ thống phân phối 23.000 điểm bán trong nước và xuất khẩu đến 47 quốc gia.
Điện Quang đuối sức
Trong khi đó, Điện Quang lại tỏ ra yếu thế trong cuộc chạy đua chuyển đổi so với các đối thủ, minh chứng cho kết quả kinh doanh ngày càng bị thu hẹp kể từ sau 2016 đến nay.
Theo báo cáo nửa đầu năm, công ty tiếp tục chứng kiến doanh thu thuần sụt giảm hơn 20% về 346 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế theo đó lao dốc hơn 60% còn khoảng 2 tỷ đồng.
Trước đó vào năm 2023, Điện Quang thậm chí còn ghi nhận kết quả tiêu cực khi lợi nhuận trước thuế bị âm 31 tỷ đồng, do sụt giảm doanh số và tăng chi phí khuyến mãi. Đây là lần đầu tiên thua lỗ kể từ khi công ty lên sàn chứng khoán.
Điện Quang tiền thân là Xí nghiệp Bóng đèn Điện Quang, được thành lập năm 1979 trên cơ sở sáp nhập các xí nghiệp nhỏ tại Biên Hòa và TP HCM. Năm 2005, công ty cổ phần hóa và đến 2008 niêm yết trên HOSE.
Hoạt động trong cùng lĩnh vực nên diễn biến kinh doanh và giá cổ phiếu từng có phần tương đồng trong thời gian dài đến 2016. Tuy nhiên, những khác biệt về kết quả kinh doanh ngày càng lộ rõ khiến cho diễn biến cổ phiếu cũng trái phiếu.
Điện Quang từng là đơn vị dẫn đầu thị trường bóng đèn truyền thống với khoảng 60% thị phần trong nước. Công ty sau đó gặp thách thức khi các sản phẩm truyền thống như huỳnh quang, compact, đèn tròn... mất chỗ đứng nghiêm trọng, và việc chuyển đổi sang đèn LED chưa đủ bù đắp.
Từ 2017, các đơn vị phân tích đã đưa ra góc nhìn không mấy tích cực với Điện Quang bởi hàng loạt rủi ro liên quan đến hoạt động sản xuất và quản trị, mất doanh thu tài chính đột biến từ đối tác ở Cuba, thị trường xuất khẩu gặp khó, phân khúc mới nhiều cạnh tranh...
Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) từng nhận định Điện Quang là đơn vị có lợi thế sản xuất lớn các sản phẩm bóng đèn truyền thống, trong khi sản xuất đèn LED lại có rào cản gia nhập ngành thấp hơn rất nhiều nên các công ty nhỏ lẻ và nước ngoài dễ dàng tham gia.
Công ty tiếp tục chịu áp lực sản xuất từ sau đại dịch COVID-19 và ảnh hưởng bởi các khách hàng bất động sản. Thị trường địa ốc năm 2023 rơi vào trạng thái đóng băng làm sức tiêu thụ của công ty chậm lại, tồn kho tăng cao và công nợ bị kéo dài.
Dù vậy, Điện Quang cũng nhìn thấy một số yếu tố tích cực dần như doanh nghiệp FDI tìm hiểu và đặt sản xuất, hay năng lượng mặt trời bắt đầu được đón nhận. Một startup mới là QuansarLum cũng đang có những hợp đồng chiếu sáng lớn tại chợ Bến Thành, Bảo tàng Bến Tre, các công trình tâm linh và mỹ thuật trên cả nước.
Theo dự báo của Research and Markets, thị trường đèn LED Việt Nam được kỳ vọng sẽ đạt giá trị hơn 1 tỷ USD vào năm 2026. Một trong những lý do cho sự phát triển chóng mặt của thị trường thiết bị chiếu sáng tại Việt Nam là nhờ quá trình tăng trưởng kinh tế, tốc độ đô thị hóa cũng như số lượng công trình xây dựng ngày một gia tăng.
Hiện có khoảng hơn 200 doanh nghiệp đăng ký với thương hiệu sản phẩm đèn LED trên thị trường Việt Nam, bao gồm các đơn vị mạnh như Rạng Đông, Điện Quang, Duhal, MPE, Philips, Paragon, Đức Hậu Long...
Lãnh đạo Rạng Đông đánh giá điều kiện và môi trường cạnh tranh mới gay gắt, khốc liệt hơn và biến đổi khôn lường. Trong năm 2023, nhập khẩu chính ngạch có tới gần 4.000 công ty nhập khẩu gần 300 triệu sản phẩm LED, chưa kể hàng nhập biên mậu, nhập lậu, trốn thuế.
Diễn biến giá cổ phiếu cũng phản ánh thực trạng kinh doanh của 2 đơn vị này. Đà tăng trưởng cao trong kinh doanh giúp RAL lọt nhóm các cổ phiếu đắt đỏ nhất thị trường khi đang giao dịch quanh vùng đỉnh lịch sử với 145.900 đồng/cp (ngày 6/8), tương đương với quy mô vốn hóa hơn 3.400 tỷ đồng.
Trong khi giá DQC lại thụt lùi xuống 13.550 đồng/cp (ngày 6/8), giảm 36% trong gần một năm giao dịch và cách rất xa đỉnh lịch sử 85.500 đồng/cp được thiết lập hồi tháng 7/2016. Giá trị vốn hóa so với đỉnh lịch sử tương ứng giảm 84%, hiện còn quanh 370 tỷ đồng.