|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Tổng Giám đốc Lê Mạnh Cường: PVS đang đấu thầu điện gió ngoài khơi tại Nhật, Hàn, châu Âu và hướng tới Australia

14:17 | 29/05/2023
Chia sẻ
Hiện tại ngoài thị trường Đài Loan, PVS đã tham gia đấu thầu cho mảng điện gió ngoài khơi ở thị trường Hàn Quốc, châu Âu, Nhật Bản, Mỹ và cũng đang nhắm tới khu vực tiềm năng là châu Úc.

ĐHĐCĐ thường niên của PVS diễn ra sáng 29/5. (Ảnh chụp màn hình).

Sáng 29/5, CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC - Mã: PVS) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2023. Đại hội kết thúc với tất cả tờ trình được thông qua.

Đặt kế hoạch lãi thận trọng 560 tỷ đồng

Năm nay, PVS đặt kế hoạch doanh thu hợp nhất 13.200 tỷ đồng, lãi sau thuế 560 tỷ đồng, giảm lần lượt 19,4% và 40,7% so với kết quả năm ngoái.

 Nguồn: Tổng hợp từ BCTC của công ty. 

 Nguồn: Tổng hợp từ BCTC của công ty. 

Ban lãnh đạo PVS kỳ vọng ngành dầu khí sẽ phục hồi trong năm 2023 với giá dầu duy trì ở mức cao (dự kiến ổn định ở mức 80 USD/thùng), sẽ hỗ trợ phát triển các mỏ khí trong nước như Lô B, Sư Tử Trắng – Giai đoạn 2B và Lạc Đà Vàng, từ đó mang lại nhiều cơ hội việc làm cho các công ty dầu khí thượng nguồn như PVS. Dù vậy, Tổng Giám đốc  Lê Mạnh Cường cho biết tác động của việc giá dầu tới PVS sẽ có độ trễ.

Về cổ tức năm 2022, công ty dự kiến chia với 7% bằng tiền (700 đồng/cp), tương ứng tổng số tiền cần chi gần 335 tỷ đồng. Đối với năm 2023, tỷ lệ cổ tức cũng là 7% tiền mặt.

Dự chi 1.800 tỷ để đầu tư năm 2023

Năm nay, PVS đang triển khai định hướng phát triển lĩnh vực mới là năng lượng tái tạo ngoài khơi (NLTTNK) song song với các lĩnh vực dịch vụ dầu khí truyền thống.

Trong đó, hai trụ cột chính trong phát triển NLTTNK của PVS là trở thành nhà thầu cung cấp dịch vụ và tham gia đầu tư phát triển các dự án sản xuất NTLLNK mà trước mắt là các vùng biển Việt Nam.

Theo thông tin nghiên cứu và cập nhật tình hình thị trường, trong thời gian tới, các dự án liên quan đến dầu khí, điện do các chủ đầu tư là các Tập đoàn trong nước và nước ngoài có khả năng đẩy mạnh triển khai như Dự án Lô B của chủ đầu tư Công ty Điều hành Dầu khí Phú Quốc (PQPOC); Dự án Đường ống Lô B – Ô Môn của Công ty Điều hành Dầu khí Tây Nam (SWPOC); Dự án Sư Tử Trắng Phase 2 của chủ đầu tư Cửu Long JOC; Dự án LNG Sơn Mỹ do Công ty TNHH Kho cảng LNG Sơn Mỹ (Liên doanh có vốn góp của PV GAS làm chủ đầu tư; Dự án nâng cấp, mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất của Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) và một số dự án khác trong và ngoài nước.

Ban lãnh đạo đánh giá đây là các dự án rất tiềm năng mà PVS quan tâm và dự kiến sẽ chuẩn bị, huy động tối đa các nguồn lực cần thiết, nâng cao năng lực cạnh tranh cho khả năng thắng thầu cao nhất. Do đó, PVS đặt kế hoạch đầu tư trong năm nay là 1.800 tỷ đồng cho công ty mẹ, gấp 7 lần thực hiện năm ngoái.

 Ban chủ tọa ĐHĐCĐ PVS. (Ảnh chụp màn hình).

PVS đang đấu thầu các dự án tại Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu, Mỹ

Tại đại hội, Tổng giám đốc Lê Mạnh Cường cho biết việc tham gia thi công 33 chân đế cho đối tác Đài Loan đã chính thức tạo chuỗi cung ứng của bản thân PVS nói riêng và chuỗi cung ứng cho Việt Nam nói chung, hướng tới hình thành trung tâm cơ khí chế tạo cho NLTTNK.

Ông Cường chia sẻ, theo số liệu giai đoạn 2022 – 2026, thế giới sẽ lắp đặt 178 GW điện gió ngoài khơi. Ngày 25/5, cơ quan năng lượng quốc tế IEA cũng vừa công bố kế hoạch đầu tư năm 2023 cho NLTT là 1.700 tỷ USD cho toàn thế giới, gần gấp đôi so với năng lượng hóa thạch.

Ban lãnh đạo đánh giá Việt Nam là quốc gia có tiềm năng lớn nhất trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương đối với lĩnh vực điện gió ngoài khơi do vùng biển nước nông. Vì vậy chi phí sẽ cạnh tranh hơn trong việc lắp đặt chân đế so với Trung Quốc, Hàn Quốc hay Nhật Bản.

Bên cạnh đó, thị trường Trung Đông đang có nhu cầu về NLTT, do đó PVS cũng đang nghiên cứu vấn đề này. Ban lãnh đạo PVS tin rằng sẽ dẫn dắt được thị trường dịch vụ trong nước cũng như khu vực. 

Theo ông Cường, Quy hoạch Điện VIII đã công bố rõ sẽ ủng hộ khuyến khích các dự án NLTT ngoài khơi (offshore), không hạn chế về công suất và ủng hộ việc xuất khẩu điện. Hiện tại Việt Nam chỉ có các dự án điện gió gần bờ.

Do đó các dự án sắp tới của PVS không bị ảnh hưởng bởi giá FIT cũng như các vấn đề liên quan đến thiếu điện Việt Nam đang đối mặt. "Ngoài ra, PVS cũng sẽ không cần phải giải quyết các bài toán về mạng lưới, đường truyền,... như các doanh nghiệp điện khác", lãnh đạo PVS nói.

Nói thêm về việc ký thỏa thuận xuất khẩu điện sang Singapore, ông Cường cho biết sẽ có rủi ro về cáp ngầm. Dưới đáy biển Đông, Vịnh Thái Lan, khu vực Malaysia, Singapore có nhiều cáp quang xuyên biên giới, đường ống dẫn khí đa quốc gia,... Dự báo sẽ có đường ống dẫn khí từ Indonesia sang Việt Nam.

Hiện tại, PVS chưa thấy vấn đề liên quan đến đường cáp và xác định mức độ rủi ro khi xuất khẩu điện của công ty sẽ kiểm soát được. Các yếu tố tự nhiên có thể tác động là địa chất, thành phần, độ sâu nước biển, khí tượng hải dương,...

Hiện tại ngoài thị trường Đài Loan, PVS đã tham gia đấu thầu và trúng các gói thầu cho mảng trạm biến áp ở nước ngoài. Công ty cũng đang tham gia đấu thầu NLTTNK ở các thị trường Hàn Quốc, châu Âu, Nhật Bản, Mỹ và cũng đang nhắm tới khu vực tiềm năng là châu Úc.

Tại đại hội, ban lãnh đạo cũng tiết lộ PVS đang có thỏa thuận với nhà đầu tư Singapore, Nhật Bản và một số nhà đầu tư khác liên quan đến vốn đầu tư cho mảng NLTTNK, thậm chí là PVS có thể lấn sang các sản phẩm thứ cấp như hygro. PVS cũng đang hướng tới thị trường Australia.

Trước mắt để triển khai dự án NLTTNK cần thời gian dài, sau khi xin các giấy phép, khảo sát kéo dài 1-2 năm, sau đó mới có được Capex (chi phí vốn đầu tư). PVS đang nghiên cứu giai đoạn ban đầu, chưa đưa ra phương án cụ thể về tăng vốn. Do đó hiện tại năm 2023 công ty chưa có kế hoạch huy động nguồn vốn. Nhưng nhìn chung các dự án PVS tham gia có quy mô vốn rất lớn, bắt đầu giai đoạn đầu tư sẽ phải thực hiện gọi vốn.

Tại đai hội, ban lãnh đạo cho biết PVS đã hoàn thành kho nhập khí LNG của chủ đầu tư PV GAS. Trong vài tuần nữa, Việt Nam sẽ đón chuyến hàng khí LNG đầu tiên.

Với mảng này, PVS ngoài việc tham gia xây lắp, công ty đang nghiên cứu các dự án mang tính chất nối dài chuỗi kho cảng nhập LNG tuy nhiên vẫn phụ thuộc nhiều vấn đề khác liên quan.

Liên quan đến vấn dề nhân sự, HĐQT đã bầu bổ sung 1 thành viên HĐQT độc lập là ông Đoàn Minh Mẫn. Theo giới thiệu, ông Mẫn sinh năm 1958, quê quán Bến Tre. Ông Mẫn có nhiều năm công tác tại Tổng Công ty Tài chính Cổ phẩn Dầu khí Việt Nam từ năm 2009 - 2013 với vai trò Phó Tổng Giám đốc. Từ tháng 10/2013 đến nay, ông Mẫn là Thành viên HĐQT tại Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam.

Minh Hằng

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.