|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Quy mô của ngành quân sự tư nhân: Một tập đoàn có thể kiếm hàng tỷ USD từ chính phủ, thu lợi khổng lồ nhờ tài nguyên và sức ảnh hưởng

14:08 | 05/07/2023
Chia sẻ
Trong những năm gần đây, các công ty quân sự tư nhân như Blackwater hay Wagner đã kiếm được hàng chục tỷ USD từ các hợp đồng quốc phòng với chính phủ, cũng như thu lợi lớn từ các thỏa thuận về khai thác tài nguyên.

Xe tăng của lực lượng Wagner rời khỏi thành phố Rostov-on-Don. (Ảnh: Reuters).

Wagner kiếm cả tỷ USD mỗi năm

Theo RT, ông Dmitry Kiselyov, người đứng đầu của mạng lưới truyền thông Rossiya Segodnya, cho biết chính phủ Nga đã trả cho tập đoàn quân sự tư nhân Wagner số tiền khoảng “858 tỷ ruble (tương đương 9,8 tỷ USD)”.

Ông Kiselyov cũng thông tin thêm là Concord -công ty hoạt động trong lĩnh vực ăn uống và truyền thông của ông trùm Wagner Yevgeny Prigozhin - đã kiếm được gần 10 tỷ USD từ các hợp đồng khác.

Theo Tổng thống Nga Vladimir Putin, công ty này cũng nhận được khoảng 80 tỷ ruble (tương đương 900 triệu USD) để cung cấp thực phẩm cho quân đội Nga. Wagner chỉ mới xuất hiện kể từ năm 2014 tại chiến trường Ukraine. Trong 9 năm qua, chỉ tính riêng các hợp đồng với chính phủ Nga, Wagner đã thu về hơn 1 tỷ USD/năm. 

Khoản thu nhập này vẫn chưa tính đến những lợi ích khác ở nước ngoài, chẳng hạn như các hợp đồng bảo đảm an ninh, hộ tống, chiến đấu với quốc gia sở tại,… hoặc quyền, ưu đãi trong lĩnh vực khai thác tài nguyên thiên nhiên, khoáng sản.

Một nhà máy xử lý vàng của Nga tại Sudan. Wagner bị Mỹ cáo buộc đứng sau hoạt động khai thác vàng, đá quý, kim cương tại nhiều quốc gia châu Phi. (Ảnh: New York Times).

Nhiều tập đoàn của Nga cũng đang nỗ lực thành lập các PMC. Vào tháng 2/2023, Bộ Quốc phòng Ukraine đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc Gazprom - gã khổng lồ khí đốt của Nga - có thể xây dựng đội quân của riêng mình. Phía Ukraine tin rằng đội quân của Gazprom có thể tương đương với Wagner.

Vậy, ngành kinh doanh quân sự tư nhân hấp dẫn đến thế nào?

PMC là gì?

Theo Britannica, công ty quân sự tư nhân (PMC) là những tổ chức độc lập, cung cấp dịch vụ quân sự cho chính phủ, tổ chức quốc tế và các chủ thể như tập đoàn đa quốc gia, tổ chức phi chính phủ,…

Các PMC chuyên cung cấp lực lượng chiến đấu và bảo vệ. Công việc của những tổ chức nào bao gồm huấn luyện, đảm bảo an ninh, tham gia chiến đấu.

Một số công ty quân sự tư nhân có thể đạt quy mô như quân đội của một quốc gia, với hàng chục nghìn binh sĩ được huấn luyện bài bản, trang bị vũ khí mạnh mẽ như xe tăng, trực thăng và thậm chí cả máy bay chiến đấu. 

Các công ty quân sự tư nhân như Wagner giàu có và có tầm ảnh hưởng tới mức sở hữu được cả máy bay chiến đấu và hệ thống phòng không tối tân.

Việc sử dụng lực lượng quân sự tư nhân không hề mới mẻ. Vào thế kỷ 18-19, công ty Đông Ấn từng sở hữu một đội quân lớn để bảo vệ đội tàu buôn và các cơ sở của mình trên khắp thế giới. 

Tuy vậy, trong phần lớn thế kỷ 20, việc sử dụng các tổ chức sự tư nhân đã bị hạn chế. Mãi tới khi Chiến tranh Lạnh bắt đầu và những cuộc chiến tranh nhỏ, cường độ thấp nổ ra đã kéo theo sự xuất hiện của các PMC.

PMC là chủ đề gây nhiều tranh cãi. Vào năm 2001, Công ước về Lính đánh thuê của Liên Hợp Quốc đã cấm sử dụng lính đánh thuê (những cá nhân tham gia xung đột thay mặt cho một quốc gia mà không quan tâm đến lợi ích hoặc vấn đề chính trị) trong xung đột. Những dịch vụ do PMC cung cấp được coi là hoạt động đánh thuê. 

Tuy nhiên, Mỹ, Nga, Trung Quốc và những quốc gia có lực lượng quân sự lớn đã không phê chuẩn công ước trên. 

Theo hai tác giả Seden Akcinaroglu và Elizabeth Radziszewski, thị trường PMC đã tăng trưởng nhanh chóng vào những năm 1990. Vào năm 1989, chỉ có khoảng 15 công ty quân sự tư nhân. Tuy nhiên, đến năm 2010, con số này đã lên tới 1.200 công ty. 

PMC - ngành công nghiệp trị giá hàng trăm tỷ USD

Trước khi Wagner gây dựng được danh tiếng trong cuộc xung đột Ukraine, PMC nổi tiếng nhất thế giới chính là Blackwater. Công ty này được cựu binh sĩ thuộc Nhóm Triển khai Chiến tranh Đặc biệt Hải quân Mỹ (Navy SEAL) là ông Erik Prince sáng lập vào năm 1996.

Sau khi vướng phải một số bê bối, tổ chức này đã nhiều lần đổi tên, từ Blackwater thành Xe (2009) rồi thành Academi (2011). Tuy nhiên, cái tên Blackwater được nhiều người biết đến nhất do những tranh cãi trong cuộc chiến Iraq. 

Các binh sĩ của Blackwater đang hộ tống một quan chức Mỹ tại Iraq vào năm 2004. (Ảnh: Peter Andrews/Reuters).

Theo nghiên cứu được đăng tải trên Hiệp hội Quan hệ Quốc tế Yale (YIRA), từ năm 2001, tầm ảnh hưởng và doanh thu của Blackwater đã gia tăng đáng kể. Trong giai đoạn từ 2001 đến 2009, công ty này đã thu về hơn 1,5 tỷ USD từ các hợp đồng với chính phủ Mỹ. 

Nghiên cứu của Tổng Thanh tra Đặc biệt về Tái thiết Afghanistan (SIGAR) cho biết, trong giai đoạn từ 2002 đến 2014, Academi (tên cũ là Blackwater) đã có được hợp đồng trị giá 569 triệu USD cho nhiệm vụ huấn luyện lực lượng an ninh tại Afghanistan. 

Vào năm 2011, ông chủ của Blackwater, Erik Prince đã nhận được hợp đồng trị giá 529 triệu USD từ Thái tử Abu Dhabi, ông Sheik Mohamed bin Zayed al-Nahyan để huấn luyện một tiểu đoàn 800 binh sĩ.

Theo DW, trong giai đoạn từ 1994 đến 2007, Mỹ đã đầu tư khoảng 300 tỷ USD vào 12 lực lượng PMC. Một nghiên cứu từ Đại học Quốc phòng Quốc gia Mỹ (NDU) cho thấy, trong giai đoạn 2007-2012, Bộ Quốc phòng nước này đã chi 160 tỷ USD cho các công ty quân sự tư nhân. 

Trong giai đoạn 2007-2012, trung bình số tiền Mỹ chi mỗi năm cho PMC còn lớn hơn ngân sách quốc phòng của Italy.

Bà Katharina Stein, trợ lý nghiên cứu tại Viện Luật Công của Đại học Freiburg giải thích: "Các [binh sĩ trong biên chế PMC] có chuyên môn cao, được đào tạo bài bản và mang theo trang bị của riêng mình. Về cơ bản, [chính phủ] trả tiền cho nhiệm vụ và không chịu thêm chi phí phát sinh nào".

Tất nhiên, những hợp đồng béo bở với chính phủ chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Do tính chất bí mật của các công ty quân sự tư nhân, không ai biết rõ được nguồn thu thực sự của những PMC này lớn đến mức nào. 

Vào ngày 27/6, Bộ Tài chính Mỹ đã đưa ông chủ Wagner và hàng loạt công ty có liên quan vào danh sách trừng phạt. Những doanh nghiệp này bao gồm Midas Ressources SARLU (Midas), Diamville SAU (Diamville), Industrial Resources General Trading (Industrial Resources) và Limited Liability Company DM (OOO DM).

Wagner hiện diện tại 4 châu lục trên thế giới.

Trong danh sách trên, Midas là một công ty khai thác kim loại, đá quý có trụ sở tại Cộng hòa Trung Phi (CAR). Midas sở hữu quyền khai thác mỏ vàng Ndassima, nơi được cho là nắm giữ trữ lượng vàng trị giá hơn 1 tỷ USD.

Theo kết luận của Bộ Tài chính Mỹ và Liên Hợp Quốc, Midas đã góp phần tài trợ cho hoạt động của Wagner và một số nhóm phiến quân tại CAR. Ngoài ra, công ty này còn có liên hệ với hoạt động khai thác khoáng sản của ông chủ Wagner tại Madagascar. 

Diamville là một công ty buôn bán vàng và kim cương tại CAR, được ông Prigozhin kiểm soát. Công ty này cùng với Industrial Resources có trụ sở tại Dubai đã tài trợ cho Wagner. 

Binh sĩ Wagner tại sa mạc Syria. (Ảnh: CNN).

Theo CSIS, ngoài hoạt động tại CAR, Wagner còn có sự hiện diện ở Syria, Libya, Sudan, Madagascar, Mozambique, Venezuela. Tại các quốc gia trên, Wagner đã hỗ trợ chính phủ sở tại để đổi lại quyền khai thác khoáng sản, tài nguyên thiên nhiên hoặc những ưu đãi khác. 

Như vậy, ngoài việc kiếm hàng tỷ USD từ các hợp đồng với chính phủ mỗi năm, những tổ chức quân sự tư nhân như Wagner còn có thể thu lợi từ đặc quyền khai thác tài nguyên, huấn luyện binh sĩ, bảo đảm an ninh ở nhiều khu vực. 

Theo phân tích của Financial Times, ông Prigozhin đã thu về số tiền lên tới 250 triệu USD trong 4 năm trước khi xung đột Ukraine nổ ra nhờ vào đế chế khai thác tài nguyên trải dài khắp thế giới. 

 

Theo một nghiên cứu của tạp chí Mother Jones, vào năm 2003, ngành công nghiệp quân sự tư nhân đạt doanh thu 100 tỷ USD/năm. Đến 2022, Vantage Market Research ước tính rằng thị trường này có quy mô tới 258 tỷ USD. 

Với tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) đạt 7,1%, trong 10 năm tiếp theo, thị trường này sẽ đạt tới quy mô 447 tỷ USD. Để dễ dàng hình dung hơn, thị trường dịch vụ PMC đang có quy mô lớn hơn thị trường nước giải khát có gas.

Minh Quang