Nhóm bất động sản niêm yết tăng trưởng lãi hơn 25%, chuẩn bị bệ phóng cho quý cuối năm trở đi
Trong báo cáo phân tích mới đây, Bộ Xây dựng nhận định các doanh nghiệp BĐS gặp rất nhiều khó khăn trong 4 đợt dịch COVID-19, đặc biệt ở làn sóng dịch gần nhất từ đầu tháng 4 năm nay. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp BĐS vẫn có lãi lớn và chủ yếu tập trung ở nhóm doanh nghiệp đã niêm yết, còn các công ty địa ốc chưa lên sàn hầu như khó có được kết quả kinh doanh tích cực.
Theo Bộ Xây dựng, thời gian qua thị trường chứng khoán tăng trưởng mạnh mẽ đã giúp doanh nghiệp bất động sản niêm yết có điều kiện thuận lợi trong việc huy động và điều phối dòng vốn, từ đó có điều kiện hoạch định và phân bổ lợi nhuận tốt hơn.
Thống kê của người viết từ 49 doanh nghiệp BĐS niêm yết đã công bố BCTC hợp nhất quý III/2021 cho thấy, trong quý III, doanh thu thuần của nhóm này giảm 18,5% so với cùng kỳ khi đạt gần 39.370 tỷ đồng nhưng lãi ròng tăng 25,4%, đạt trên 126.197 tỷ đồng.
Gần một nửa số doanh nghiệp trong nhóm này có kết quả kinh doanh tăng trưởng so với cùng kỳ và hầu hết đều có lãi trong quý, trừ một vài doanh nghiệp như C.E.O Group, Ninh Vân Bay, Saigonres,…
CTCP Vinhomes (Mã: VHM) tiếp tục đóng góp tỷ trọng lớn vào lợi nhuận của nhóm với gần 11.167 tỷ đồng, tăng 84,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Phía doanh nghiệp cho biết thêm, lợi nhuận tăng chủ yếu từ việc bàn giao nhiều căn hộ thấp tầng với biên lợi nhuận cao hơn.
CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland, Mã: NVL) và CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt (Mã: PDR) cũng có kết quả kinh doanh tích cực trong quý nhờ hạch toán lợi nhuận từ nhiều dự án.
Trong đó, Novaland tiếp tục bàn giao và ghi nhận doanh thu tại Saigon Royal, Aqua City, NovaHills Mui Ne, Victoria Village, NovaWorld Ho Tram, NovaWorld Phan Thiet,…
Phát Đạt đã bàn giao các nền đất khu thấp tầng Phân khu 9 thuộc Khu đô thị du lịch sinh thái Nhơn Hội, Bình Định và chuyển nhượng một phần khu cao tầng Phân khu số 4 và phân khu số 9 tại cùng dự án.
Bên cạnh những doanh nghiệp tăng trưởng từ hoạt động kinh doanh lõi, một số doanh nghiệp như Nam Long, Năm Bảy Bảy, Nhà Đà Nẵng,… cũng chịu ảnh hưởng lớn bởi dịch nhưng lợi nhuận vẫn tăng trưởng nhờ hoạt động tài chính bù đắp.
Trong đó, Nam Long có khoản lãi xấp xỉ 362 tỷ đồng từ đánh giá lại khoản đầu tư; Năm Bảy Bảy có khoản lãi 250 tỷ đồng từ chuyển nhượng 30% quyền kinh doanh dự án De Lagi; Nhà Đà Nẵng lãi hàng trăm tỷ từ đầu tư chứng khoán.
9 tháng đầu năm, nhóm doanh nghiệp BĐS niêm yết lãi ròng hơn 39.161 tỷ đồng, tăng 58,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Vinhomes, Novaland, Vincom Retail là những doanh nghiệp đóng góp tỷ trọng lớn vào lợi nhuận chung.
CTCP Tập đoàn Đất Xanh (Mã: DXG) đã vươn lên nằm trong top đầu doanh nghiệp lãi lớn, trong khi cùng kỳ doanh nghiệp lỗ ròng hơn 388 tỷ đồng. BCTC hợp nhất quý III của doanh nghiệp cho biết, doanh thu bán đất nền và căn hộ đóng góp 1.068 tỷ đồng, còn lại từ hoạt động môi giới, dịch vụ quản lý, cho thuê,…
Tính đến hết tháng 9, khách hàng đã trả trước cho các doanh nghiệp BĐS niêm yết gần 54.100 tỷ đồng, giảm 8% so với thời điểm đầu năm. Một số doanh nghiệp thuyết minh khoản tiền này sẽ được ghi nhận vào doanh thu khi doanh nghiệp hoàn tất bàn giao nhà, dự án.
Ngoài ra, thị trường vẫn có nhiều doanh nghiệp kinh doanh lao dốc, tuy nhiên kết quả này đã kéo dài qua nhiều kỳ kế toán như DRH Holdings (DRH), Hoàng Quân (HQC),…
Doanh nghiệp BĐS lên dây cót cho ba tháng cuối năm
Kể từ khi TP HCM nới giãn cách, hàng loạt doanh nghiệp đẩy mạnh bán hàng và M&A dự án. Trước đó, nhiều doanh nghiệp đã tích cực huy động vốn từ cổ phiếu, trái phiếu, tín dụng chuẩn bị cho giai đoạn hậu dịch.
Chuyên viên phân tích Chứng khoán SSI dẫn thông tin từ lãnh đạo Nam Long cho biết doanh nghiệp sẽ mở bán dự án Izumi đợt 1 trong tháng 11, với giá khởi điểm 50-55 triệu đồng/m2.
Novaland cũng vừa khai trương Novaland Gallery vào tuần đầu tiên của tháng 11 nhằm giới thiệu dự án đến khách hàng, bán tiếp một số sản phẩm còn lại ở các tổ hợp nghỉ dưỡng, dự án đô thị vệ tinh,…
Theo ông Nguyễn Thái Phiên, Giám đốc cấp cao tài chính Novaland, "có thể các doanh nghiệp nói chung hụt về kế hoạch kinh doanh năm. Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng chuẩn bị kế hoạch tung ra sản phẩm mới, kế hoạch tài chính,… để tìm kiếm cơ hội mới từ thị trường trong quý cuối năm, làm bàn đạp cho năm sau".
Thực tế, một số công ty chứng khoán đã bắt đầu hạ triển vọng tăng trưởng lợi nhuận của một số doanh nghiệp BĐS trong năm nay bởi hoạt động bán hàng bị trì hoãn trong thời gian qua, kéo theo việc ghi nhận doanh thu, lợi nhuận có độ trễ so với kế hoạch ban đầu. Đơn cử như SSI dự phóng doanh thu năm 2021 của Nam Long có thể giảm 10% so với năm ngoái về 2.000 tỷ đồng.
BSC cũng vừa đưa ra nhận định, dịch COVID-19 có thể tác động tiêu cực lên kế hoạch bán hàng và bàn giao dự án trong năm 2021. TP HCM và các tỉnh khu vực phía Nam đã có những biện pháp giãn cách mạnh, tạm ngưng thi công các công trình xây dựng không trọng điểm. Do đó, tiến độ xây dựng và bàn giao nhà của một số dự án dự kiến hoàn thành trong quý IV sẽ bị đẩy lùi sang quý I năm sau.
Về triển vọng chung của thị trường, Bộ Xây dựng đánh giá, nếu dịch COVID-19 được kiểm soát tốt thì thanh khoản BĐS sẽ tăng trở lại, kéo theo giá cả có thể tăng nhẹ. Ngoài ra, dòng vốn từ nhiều nhà đầu tư không luân chuyển được vào các kênh sản xuất, tiêu dùng có thể sẽ có xu hướng rót về bất động sản.