|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Khó khăn của ngành dệt may đang đi đến hồi kết?

20:05 | 16/08/2023
Chia sẻ
Giá trị xuất khẩu các sản phẩm ngành dệt may đã có sự cải thiện qua các tháng kể từ tháng 5/2023. Đây được xem là một tín hiệu sớm cho đà phục hồi nhu cầu tiêu thụ trong ngành này.

Bóng tối bao trùm ngành dệt may nửa đầu năm

Hoạt động xuất khẩu dệt may trong 6 tháng đầu tiếp tục ảm đạm khi nhu đơn hàng từ các thị trường chính như Mỹ và EU giảm sâu. Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), 6 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu  dệt may ước đạt đạt 18,6 tỷ USD giảm 17,6% so với cùng kỳ 2022.

Một số doanh nghiệp ghi nhận khối lượng đơn hàng giảm tới 50% so với bình thường, số khác chấp nhận các đơn hàng nhỏ lẻ hoặc không phải thế mạnh của mình để duy trì hoạt động. 

Kết quả kinh doanh của quý II cho thấy hầu hết doanh nghiệp ghi nhận doanh thu, lợi nhuận giảm sâu so với cùng kỳ năm ngoái. Điển hình như trường hợp của CTCP sản xuất kinh doanh và xuất nhập khẩu Bình Thạnh (Mã: GIL) khi doanh thu thuần giảm 79% so với cùng kỳ xuống 269 tỷ đồng. Giá vốn bán hàng chiếm 97% doanh thu, đạt 260 tỷ đồng, giảm 75% so với quý II/2022. Biên lãi gộp giảm mạnh, từ 18% xuống 4%. 

 Số liệu: Wichart (H.Mĩ tổng hợp)

Kết quả, lãi ròng của Gilimex âm 6 tỷ đồng trong khi quý II/2022 lãi 116 tỷ đồng do tình hình kinh tế khó khăn, đơn hàng sụt giảm nên doanh thu xuất khẩu "đi xuống".

Cuối năm ngoái, GIL đệ đơn kiện Amazon lên toàn án New York tố cáo việc tập đoàn thương mại điện tử này đột ngột thu hẹp các đơn đặt hàng khiến nhà sản xuất này gánh chịu tình trạng dư thừa năng lực sản xuất và nguyên liệu thô.

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2023, ông Nguyễn Việt Cường – thành viên HĐQT cho biết, vụ kiện Amazon đã qua được bước quan trọng nhất là thụ lý hồ sơ, kỳ vọng giải quyết dứt điểm trong năm 2023.

Song, ông Cường cũng cho biết công ty đã bổ sung được khách hàng mới với mức doanh thu tương đương khoảng 15-20% của Amazon. 

Với Tập đoàn Dệt may Việt (Mã: VGT) ghi nhận lợi nhuận sau thuế giảm tới 96% so với cùng kỳ năm ngoái xuống 22,3 tỷ đồng mặc dù doanh thu chỉ giảm 17% xuống 3.909 tỷ đồng. Biên lãi gộp giảm sâu từ mức 15% xuống 5,2%, mức thấp nhất ít nhất từ năm 2019 tới nay. Ngoài ra, chi phí lãi vay và chi phía bán hàng tăng mạnh khoảng 27% lên lần lượt 87 tỷ đồng và 188 tỷ đồng khiến lợi nhuận bị ăn mòn. 

  Số liệu: Wichart (H.Mĩ tổng hợp)

Tập đoàn cho biết tiếp nối những khó khăn của thị trường từ cuối năm 2022, sang năm đầu năm 2023, các doanh nghiệp của tập đoàn tiếp tục phải đối mặt với việc thiếu hụt đơn hàng cả về số lượng và đơn giá do nhu cầu thấp. Đơn hàng thiếu hụt, người lao động thiếu việc làm.

Để đảm bảo duy trì việc làm cho người lao động, các doanh nghiệp của tập đoàn buộc phải nhận những đơn hàng giá thấp. Mức lương trung bình của người lao động khoảng 8 triệu đồng/người/tháng trong khi mức giá của các đơn hàng nhận được thì mức lương bình quân chỉ đạt dưới 6  triệu đồng/người/tháng.

Điều này làm ảnh hưởng trọng yếu đến lợi nhuận hợp nhất của VGT, đặc biệt là đối với dệt may là ngành có số lượng lao động rất lớn. 

Trong 6 tháng đầu năm, công ty mẹ của Tập đoàn phải trích lập dự phòng 75 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ hoàn nhập 14 tỷ đồng. 

 Số liệu: Wichart (H.Mĩ tổng hợp)

Tình trạng sức tiêu thụ yếu đối với sản phẩm may kéo dài khiến cho lượng tồn kho của các doanh nghiệp sản xuất duy trì ở mức cao đến quý II do đơn hàng mới sụt giảm, và kết quả kinh doanh theo đó lao dốc tại các doanh nghiệp may. 

  Số liệu: Wichart (H.Mĩ tổng hợp)

Ông Trương Văn Cẩm, Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam nhận định “chưa có năm nào ngành dệt may khó khăn như vậy” khi các doanh nghiệp phải chấp nhận làm mặt hàng không phải sở trường của mình, chấp nhận lỗ để giữ chân người lao động . 

“Kim ngạch xuất khẩu giảm không đáng lo bằng việc hiệu quả không cao. Giá bán xuống rất thấp, doanh nghiệp kinh doanh không hiệu quả, năng suất cũng rất thấp”, ông nói. 

Mặc khác, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp sợi cải thiện dần từ nửa đầu năm 2023 khi giá nguyên liệu cotton giảm đáng kể so với vùng giá trong nửa đầu năm 2023. Ngoài ra, nhu cầu từ thị trường Trung Quốc trở lại. 

 Số liệu: Investing.com (H.Mĩ tổng hợp)

Điển hình như CTCP Damsan ghi nhận doanh thu và lợi nhuận sau thuế quý II đều tăng trưởng tích cực so với cùng kỳ 67% và 39% lên lần lượt 129 tỷ đồng và 25 tỷ đồng. 

Trong quý II, Sợi Thế Kỷ đã ghi nhận doanh thu tăng 41,5% so với quý trước (đạt 407,3 tỷ đồng) và lợi nhuận ròng gấp 22 lần đạt 37,5 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp cũng tăng mạnh từ 6,4% lên 14,8%.

Chờ đợi tín hiệu tích cực vào cuối năm

Trong bức tranh ảm đạm của ngành dệt quý II, vẫn xuất hiện những tín hiệu tích cực. Theo đó, so sánh sánh với quý I, kết quả kinh doanh của nhiều công ty đã có dấu hiệu phục hồi. Điển hình như May Sông Hồng (Mã: MSH) ghi nhận doanh thu tăng 142% và lợi nhuận sau thuế 212% lên lần lượt 1.541 tỷ đồng và 85,4 tỷ đồng. 

Hay với May Việt Tiến (Mã: VGG) lợi nhuận trong quý vừa qua tăng gấp gấp 3 lần so với quý I. 

 H.Mĩ tổng hợp

 

  H.Mĩ tổng hợp

Trong báo cáo mới đây, CTCP Chứng khoán VNDirect dẫn số liệu của Bộ Công Thương cho biết xuất khẩu toàn ngành dệt may trong 7 tháng đầu năm giảm 17% so với cùng kỳ năm ngoái xuống 21,5 tỷ USD. Tuy nhiên, dữ liệu qua các tháng cho thấy giá trị xuất khẩu toàn ngành trong tháng 7 tăng 4% so với tháng trước lên 3,65 tỷ USD (sau khi tăng 13,2% trong tháng 6). 

Giá trị xuất khẩu các sản phẩm ngành dệt may đã có sự cải thiện qua các tháng kể từ tháng 5/2023. Đây được xem là một tín hiệu sớm cho đà phục hồi nhu cầu tiêu thụ trong ngành này. 

“Chúng tôi kỳ vọng ba phân khúc trong chuỗi giá trị sẽ lần lượt phục hồi kể từ nửa cuối năm 2023 với các động lực hỗ trợ trong ngắn và trung hạn, do đó chúng tôi cho rằng những khó khăn của ngành Dệt may đang đi đến hồi kết và nhóm xơ sợi là phân khúc đầu tiên thể hiện sự phục hồi”, VNDirect nhận định. 

Trong nửa đầu năm 2023, sản lượng xuất khẩu sợi và khăn của ADS (sang thị trường Trung Quốc và Nhật Bản) đã tăng 2,6 lần so với nửa cuối năm 2022, đạt khoảng 5.600 tấn. Công ty cho biết lượng đơn hàng hiện tại đã đủ chạy hết công suất cho đến cuối quý III/2023. Doanh thu xuất khẩu trên tổng doanh thu của STK đã gia tăng tỷ trọng lên mức 53% trong 6 thán năm 2023 (từ mức 52% trong năm 2022). 

“Nhu cầu cho các mặt hàng ngành dệt may có xu hướng tăng cao vào quý cuối năm để phục vụ cho các dịp lễ, Tết, do đó chúng tôi kỳ vọng hoạt động xuất khẩu các sản phẩm ở khâu thượng nguồn (xơ sợi) sẽ sôi động hơn kể từ quý III/2023” VNDirect nhận định. 

Tuy nhiên, các doanh nghiệp sản xuất sợi polyester có rủi ro sẽ tiếp tục đối diện với khó khăn trong quý tới khi giá nguyên liệu đầu vào (chip nhựa sản xuất từ dầu thô) tăng trở lại. Các nguyên liệu nhựa thường phản ánh đà tăng theo giá dầu sau 3 đến 4 tháng. 

Ông Cẩm dự báo nhu cầu mặt hàng dệt may trên toàn thế giới năm nay giảm 8 - 10%. Do đó, kim ngạch xuất khẩu  hàng dệt may của Việt Nam cho cả năm 2023 có thể giảm 10% so với năm ngoái xuống khoảng 40 tỷ USD.

 

H.Mĩ