|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

[Infographic] Toàn cảnh thị trường 'bếp trên mây' ở Đông Nam Á

07:20 | 26/03/2021
Chia sẻ
COVID-19 thúc đẩy mô hình kinh doanh cloud kitchen (bếp trên mây) phát triển mạnh ở Đông Nam Á.

Theo thống kê chung của ngành thực phẩm và đồ uống (F&B), 60% nhà hàng đóng cửa trong năm hoạt động đầu tiên và 80% không thể hoạt động sang năm thứ 6.

Rõ ràng, ngay cả khi điều kiện thị trường thuận lợi, việc kinh doanh vẫn là không hề dễ dàng đối với các chủ nhà hàng. COVID-19 thậm chí còn khiến mọi thứ trở nên phức tạp hơn.

Dù vậy, trong vài năm trở lại đây, khái niệm "cloud kitchen" (tạm dịch: bếp ảo, bếp trên mây) xuất hiện như một cách kinh doanh hoàn toàn mới trong ngành F&B và nhanh chóng đạt được mức độ phổ biến cao. Nếu như COVID-19 khiến nhiều nhà hàng đóng cửa, đại dịch lại thúc đẩy sự phát triển của loại hình kinh doanh "cloud kitchen".

[Infographic] Toàn cảnh cuộc chiến 'căn bếp trên mây' ở Đông Nam Á - Ảnh 1.

(Đồ hoạ: Thái Sơn).

Nhiều mô hình kinh doanh xuất hiện

Thực tế, mô hình "cloud kitchen" ở Đông Nam Á vẫn còn đang khá sơ khai. Tuy nhiên, một số mô hình kinh doanh đã và đang dần hình thành. Một số công ty thậm chí đang hoạt động theo các mô hình trùng lặp nhau.

Dahmakan (Malaysia) có thể được xem là một công ty hoạt động đơn thuần trong mảng vận hành "bếp ảo". Dahmakan chuẩn bị đồ ăn trong nhiều khu bếp trung tâm mang thương hiệu của mình và tự giao hàng đến người dùng. Dahmakan không có cửa hàng vật lý và vì thế không triển khai hình thức đồ ăn mang đi.

Đến thời điểm hiện tại, Dahmakan đã mở rộng sang Thái Lan và kêu gọi thành công 28 triệu USD từ các nhà đầu tư như Rakuten Capital, White Star Capital, và Y Combinator. Dahmakan thực hiện gọi vốn thành công lần gần nhất là vào cuối tháng 2/2020, ngay sát thời điểm COVID-19 bắt đầu bùng phát mạnh mẽ.

Grain (Singapore) cũng đã mở rộng sang Thái Lan và vận hành mô hình kinh doanh tương tự Dahmakan.

Trong khi đó, Rebel Foods (Ấn Độ) dùng mô hình kinh doanh kết hợp giữa mô hình vận hành bếp ảo đơn thuần (sở hữu thương hiệu nhà hàng ảo riêng và triển khai giao hàng) và mô hình bếp ảo bên thứ 3/chia sẻ bếp ảo (hợp tác với các thương hiệu nhà hàng ảo hoặc nhà hàng vật lý khác để triển khai giao hàng).

Đông Nam Á cũng chứng kiến một số công ty vận hành bếp ảo có định hướng giao hàng qua ứng dụng như Grab, Gojek, Deliveroo và Foodpanda. Những công ty này vận hành theo hướng tương tự mô hình bếp ảo chia sẻ song việc giao hàng được thực hiện độc quyền bởi chính họ. Những ứng dụng trên có lợi thế chia sẻ hạ tầng và chuyên môn đến các nhà hàng. Vì thế, nhà hàng chỉ cần tập trung về mặt sản phẩm.

GrabKitchen của Grab còn áp dụng một mô hình gọi là "bếp ảo hỗn hợp" nơi khách hàng có thể ghé thăm để mua đồ  mang đi trực tiếp. Ở mô hình này, trong khi bếp ảo không có thương hiệu nhà hàng riêng, nó hợp tác với nhiều nhà hàng hiệu hữu (cả nhà hàng vật lý và nhà hàng ảo) và giúp họ tăng quy mô. Hiện tại, GrabKitchen có sự hợp tác với hơn 300 nhà hàng/ thương hiệu trong khu vực.

TechInAsia nói rằng một số nhà hàng truyền thống cũng đã nhận ra bếp ảo là một xu hưởng của tương lai. Jollibee mới đây đã mở rộng sang Singapore với mô hình bếp ảo. 

"Ông lớn" đồ ăn nhanh Philippines cũng quyết định rót 144 triệu USD để tái cấu trúc hoạt động kinh doanh và mở bếp ảo trên toàn thế giới. 

Central Restaurant Group, công ty vận hành KFC ở Thái Lan, cũng đang cân nhắc đầu tư 16 triệu USD để mở 100 bếp ảo cho tới năm 2024. Central Restaurant Group kỳ vọng có thể thu về doanh thu 48 triệu USD hàng năm từ mảng giao đồ ăn khi các bếp ảo đã được hoàn thiện.

Theo một nghiên cứu của Allied Market Research, dung lượng thị trường bếp ảo toàn cầu có thể sẽ chạm mốc 71,4 tỷ USD vào năm 2027. Tăng trưởng ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương sẽ thuộc hàng nhanh nhất với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm đạt 14,4% từ năm 2021 đến 2017.

Thái Sơn