|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Hai thái cực trong bức tranh lợi nhuận ngành thủy sản quý III, nỗi lo dịch bệnh vẫn chưa dứt

16:00 | 27/10/2021
Chia sẻ
Quý III có thể xem là quý chịu tác động nặng nề nhất của dịch COVID-19 đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp thủy sản. Tuy nhiên, lợi nhuận một công ty vẫn tăng trưởng bên cạnh một số đơn vị chịu sự ảnh hưởng rõ rệt của dịch bệnh.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) lĩnh vực chế biến xuất khẩu thủy sản đã gặp khó khăn và tổn thương nặng nề sau gần ba tháng giãn cách xã hội, nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa do phát hiện số lượng ca F0 lớn bị buộc phải cách ly, phong tỏa và không đáp ứng điều kiện làm việc “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường 2 điểm đến”.

Đến giữa tháng 9, việc nới lỏng giãn cách xã hội giúp sản xuất và xuất khẩu thuỷ sản có dấu hiệu hồi phục, nhất là tại các tỉnh trọng điểm về tôm như Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu và các tỉnh ven biển miền Trung.

Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu thủy sản cả tháng 9/2021 vẫn giảm 23% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt khoảng 628 triệu USD.

Sự sụt giảm này không chỉ riêng tháng 9 mà cả quý III vừa qua. Điều này đã phản ánh qua kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp ngành thủy sản bị sụt giảm mạnh, thậm chí có doanh nghiệp thua lỗ.

Hai thái cực trong bức tranh lợi nhuận ngành thủy sản quý III, nỗi lo dịch bệnh vẫn chưa dứt - Ảnh 1.

Bên trong nhà máy chế biến tôm của Sao Ta. (Ảnh: PAN Group)

Lợi nhuận loạt doanh nghiệp thủy sản trượt dốc

"Ông lớn" thứ ba về xuất khẩu tôm ở Việt Nam là CTCP Thực phẩm Sao Ta (Mã: FMC) vừa công bố doanh thu quý III đạt 1.625,3 tỷ đồng, gần như đi ngang so với cùng kỳ. 

Nhiều khoản chi phí gia tăng đặc biệt là chi phí bán hàng tăng gấp đôi cùng kỳ, lên gần 85 tỷ đồng chủ yếu do tăng mạnh chi phí cước tàu vận tải đã kéo lãi sau thuế trong quý giảm 9,5% còn gần 64 tỷ đồng.

Luỹ kế 9 tháng, doanh nghiệp này ghi nhận doanh thu 3.759 tỷ đồng và lãi ròng 176,5 tỷ đồng; tăng lần lượt gần 17% và 8,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Sau 9 tháng đầu năm công ty thực hiện 80,7% mục tiêu doanh thu và 72,3% kế hoạch lợi nhuận trước thuế.

Một doanh nghiệp cá tra là CTCP Nam Việt (Mã: ANV) cũng chịu ảnh hưởng nặng của dịch bệnh với doanh thu thuần quý III giảm 19% còn gần 656 tỷ đồng; lỗ sau thuế hơn 13 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lợi nhuận đạt 40 tỷ đồng.

Luỹ kế 9 tháng đầu năm, doanh thu thuần đạt 2.436 tỷ đồng giảm nhẹ 3% so với cùng kỳ. Gánh nặng chi phí khiến lợi nhuận sau thuế chỉ còn hơn 74 tỷ đồng, giảm 36% so với cùng kỳ 2020.

Kết thúc 9 tháng đầu năm 2021, ANV mới chỉ thực hiện được 62% kế hoạch doanh thu và 32% kế hoạch lợi nhuận năm.

Lãnh đạo ANV cho biết, nguyên nhân doanh thu giảm đến từ số lượng công nhân khi thực hiện phương án “3 tại chỗ” dẫn đến sản lượng bán giảm. 

Trong khi đó, chi phí bán hàng tăng do chi phí cước tàu, chi phí vận chuyển tăng nhiều. Bên cạnh đó, các chi phí phục vụ “3 tại chỗ” phát sinh nhiều như chi phí tiền cơm, chi phí test COVID-19 và cơ sở vật chất phục vụ cho người lao động ở lại công ty.

Hai gam màu đối nghịch của ngành thủy sản giữa đại dịch COVID-19 - Ảnh 1.

Nguồn: Tổng hợp BCTC quý III của các doanh nghiệp.

CTCP Xuất nhập khẩu thủy sản Cửu Long An Giang (Mã: ACL) mặc dù ghi nhận doanh thu thuần quý III đạt gần 224 tỷ đồng, tăng hơn 25% so với cùng kỳ nhưng giá vốn tăng cao cùng các chi phí đội lên kéo lợi nhuận sau thuế giảm gần 2,6 lần còn hơn 3,5 tỷ đồng.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2020, ACL đạt 885 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 35% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế tăng mạnh 78%, đạt hơn 25 tỷ đồng.

Như vậy kết thúc ba quý đầu năm 2021, ACL mới thực hiện được 63% mục tiêu về doanh thu và chỉ 35% mục tiêu về lợi nhuận.

CTCP Xuất nhập khẩu Thủy sản Bến Tre (Mã: ABT) ghi nhận doanh thu và lợi nhuận quý III đồng loạt đi lùi so với cùng kỳ.

Doanh thu sụt giảm 7% về mức 71 tỷ đồng cộng với chi phí bán hàng tăng gấp đôi lên gần 9 tỷ đồng đã kéo lợi nhuận sau thuế quý III của ABT giảm 55% về còn hơn 1 tỷ đồng. 

Tính chung 9 tháng đầu năm, ABT ghi nhận doanh thu thuần giảm 12% so với cùng kỳ, xuống còn 211 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế tăng 47% đạt hơn 19 tỷ đồng.

So với kế hoạch năm, ABT mới thực hiện được 51% chỉ tiêu doanh thu và 56% chỉ tiêu lãi trước thuế 2021.

Dù may mắn thoát lỗ quý III sau 5 quý lỗ liên tiếp nhưng lợi nhuận của CTCP Thủy sản Mekong (Mã: AAM) lại không đến từ mảng kinh doanh cốt lõi là thủy sản mà đến từ các khoản đầu tư cổ phiếu.

Theo đó, quý III/2021 doanh thu thuần của AAM đạt 13,8 tỷ đồng giảm 43% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, doanh thu tài chính đạt 2,46 tỷ đồng cao gấp 12 lần so với cùng kỳ, chủ yếu là từ lãi đầu tư cổ phiếu, trái phiếu, tín phiếu và kỳ phiếu. 

Kinh doanh dưới giá vốn nhưng nhờ khoản doanh thu tài chính đồng thời các chi phí được tiết giảm đã giúp AAM ghi nhận lãi 142 triệu đồng, cùng kỳ năm ngoái lỗ hơn 4,4 tỷ đồng.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, AAM ghi nhận doanh thu thuần giảm 18%, xuống còn 73 tỷ đồng và lỗ sau thuế hơn 4 tỷ đồng.

Hai gam màu đối nghịch của ngành thủy sản giữa đại dịch COVID-19 - Ảnh 2.

Nguồn: Tổng hợp BCTC quý III của các doanh nghiệp.

Vẫn có doanh nghiệp lãi đậm

Nói về những doanh nghiệp bất chấp dịch bệnh khó khăn chưa từng có nhưng vẫn tăng trưởng mạnh mẽ, đầu tiên phải kể đến đó là CTCP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (Mã: MPC) với doanh thu thuần của công ty mẹ giảm nhẹ 3% xuống 2.695 tỷ đồng.

Tuy nhiên nhờ giá vốn hàng bán giảm 11% nên lãi gộp quý III của Minh Phú tăng 82% so với cùng kỳ năm trước, đạt 447 tỷ đồng.

Chi phí chiếm tỷ trọng lớn nhất là chi phí bán hàng ghi nhận tăng đột biến 95% trong quý III lên 164 tỷ đồng, chủ yếu là do chi phí dịch vụ mua ngoài. Dù vậy, kết thúc quý III lãi sau thuế của Minh Phú vẫn ghi nhận mức tăng 39% lên 231 tỷ đồng.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, Minh Phú đạt doanh thu thuần 7.210 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ năm trước, lãi sau thuế là 410 tỷ đồng, gần tương đương với 9 tháng đầu năm ngoái.

Hai thái cực trong bức tranh lợi nhuận ngành thủy sản quý III, nỗi lo dịch bệnh vẫn chưa dứt - Ảnh 4.

Chế biến tôm tại nhà máy của Minh Phú. (Ảnh: Tạp chí Thuỷ sản).

"Vua cá tra" CTCP Vĩnh Hoàn (Mã: VHC) cũng ghi nhận kết quả kinh doanh tăng trưởng bất chấp dịch bệnh. Quý III, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu thuần 2.230 tỷ đồng, lãi ròng 255 tỷ đồng; tăng lần lượt 24% và 46% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Ba quý đầu năm chi phí bán hàng ghi nhận tăng đột biến 125% so với cùng kỳ lên hơn 250 tỷ đồng, chủ yếu do tăng chi phí vận chuyển, lưu kho và các chi phí khác. Tuy nhiên luỹ kế 9 tháng đầu năm, Vĩnh Hoàn vẫn đạt 6.361 tỷ đồng doanh thu thuần, lãi ròng 645 tỷ đồng; tăng lần lượt 25% và 17% so với cùng kỳ năm 2020.

Công ty đã thực hiện được 74% kế hoạch doanh thu và gần 93% chỉ tiêu lợi nhuận năm sau ba quý.

Hai gam màu đối nghịch của ngành thủy sản giữa đại dịch COVID-19 - Ảnh 3.

Nguồn: Tổng hợp BCTC quý III của các doanh nghiệp.

Sau Minh Phú, một doanh nghiệp tôm khác cũng ghi nhận kết quả kinh doanh tăng trưởng trong quý III là CTCP Camimex Group (Mã: CMX) với doanh thu thuần tăng gần 315 lên  527 tỷ đồng.

Các chi phí tăng không đáng kể nên lợi nhuận sau thuế vẫn tăng trưởng 66,7% so với quý III/2020, đạt 27,5 tỷ đồng.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu thuần đạt 1.432 tỷ đồng, tăng 28,4% so với cùng kỳ năm 2020 và đạt 88% kế hoạch năm. Lợi nhuận sau thuế đạt 59 tỷ đồng, tăng 33% so với cùng kỳ, và thực hiện được 81% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm.

Dù doanh thu hoạt động hoạt động chế biến thuỷ sản trượt dốc khi Tổng công ty Thủy sản Việt Nam – CTCP (Seaprodex - Mã: SEA) ghi nhận doanh thu thuần giảm hơn một nửa còn 22,2 tỷ đồng nhưng doanh nghiệp vẫn ghi nhận lãi kỷ lục.

Nguyên nhân nhờ khoản doanh thu tài chính đột biến gấp 42 lần cùng kì, đạt 160,7 tỷ đồng đã giúp lợi nhuận sau thuế đạt 162 tỷ đồng, cao gấp 15,5 lần cùng kỳ năm ngoái.

Kết thúc ba quý đầu năm, doanh thu thuần của công ty đạt 130,5 tỷ đồng, tăng 10,3% và lợi nhuận sau thuế đạt 196 tỷ đồng, gấp 4,3 lần cùng kỳ năm ngoái.

Hai gam màu đối nghịch của ngành thủy sản giữa đại dịch COVID-19 - Ảnh 4.

Nguồn: Tổng hợp BCTC quý III của các doanh nghiệp.

Nỗi lo dịch bệnh vẫn chưa dứt

Mặc dù tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp không hoàn toàn xám xịt nhưng theo VASEP, diễn biến dịch COVID-19 vẫn căng thẳng cùng với tình trạng xáo trộn lao động giữa các tỉnh, thành phố phía Nam khiến tình hình sản xuất, chế biến và xuất khẩu thủy sản trong tháng 10 tiếp tục bị gián đoạn. Kim ngạch xuất khẩu sẽ tiếp tục sụt giảm, dù mức giảm có thể thấp hơn so với tháng 8 và tháng 9.

Từ nay đến cuối năm sản xuất và xuất khẩu thủy sản sẽ phục hồi chậm và tiếp tục khó khăn bởi ngành còn bị thiếu nguyên liệu, lao động; trong khi chi phí đầu vào, nhân công, vận tải, phòng dịch... đều tăng.

Ông Lê Văn Quang, Tổng giám đốc "vua tôm" Minh Phú, cho biết ngành tôm đứng trước nguy cơ thiếu nguyên liệu trầm trọng.

"Chúng tôi lo từ nay đến cuối năm không có nguyên liệu để trả các đơn hàng trong khi khách hàng đang hối thúc giao hàng. Chúng tôi đề nghị các địa phương khuyến khích, vận động người dân thả nuôi tôm ngay từ bây giờ để cuối tháng 11, tháng 12 có tôm nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu", ông Quang chia sẻ.

Trước tình hình vẫn còn nhiều thách thức dù các tỉnh, thành phía Nam đã dần mở cửa trở lại, VASEP dự báo xuất khẩu thủy sản năm 2021 chỉ đạt 8,4 tỷ USD, tương đương năm 2020. Trong đó, giá trị tôm xuất khẩu khoảng 3,8 tỷ USD, tăng 3%; cá tra đạt 1,5 tỷ USD, bằng năm 2020 và hải sản đạt 3,1 tỷ USD, giảm 3%.

P. Dương