Hạ tầng Hà Nội 10 năm nhìn lại
Cách đây hơn 10 năm, hệ thống hạ tầng giao thông của Hà Nội khác biệt rất nhiều so với hiện nay: Tuyến vành đai 3 chưa có đường trên cao; các tuyến đường sắt đô thị chưa thành hình; phương tiện đi qua sông Hồng phải phụ thuộc vào những cây cầu lâu năm như Long Biên hay Chương Dương; ùn tắc giao thông diễn ra thường xuyên do hệ thống cầu vượt nội đô chưa được ra đời;…
Ngày 3/10/2010, dự án mở rộng và hoàn thiện đường Láng – Hòa Lạc (Đại lộ thăng Long) chính thức được thông xe, đánh dấu bước chuyển mình mạnh mẽ về hạ tầng của Hà Nội.
Đại lộ Thăng Long nằm ở khu vực phía Tây Hà Nội, đi qua địa bàn 4 huyện gồm Từ Liêm (nay là Nam Từ Liêm), Hoài Đức, Quốc Oai và Thạch Thất. Tuyến đường có tổng chiều dài hơn 29 km, mặt cắt ngang 140 m; đi qua ba hầm chui và 13 cầu vượt, tổng mức đầu tư hơn 7.500 tỷ đồng.
Dự án đi vào hoạt động đã kết nối trung tâm Hà Nội với các đô thị vệ tinh, đồng thời hình thành nên chuỗi khu đô thị dọc hai bên đại lộ, mang đến diện mạo mới cho khu vực phía Tây Thủ đô.
Ở khu Nam, tháng 6/2012, cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình chính thức thông xe. Dự án có chiều dài 50 km với 4 – 6 làn xe, tổng mức đầu tư gần 9.000 tỷ đồng.
Cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình kéo dài từ huyện Phú Xuyên (Hà Nội) đến Cao Bồ (Nam Định), cùng với cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ tạo nên tuyến đường kết nối trung tâm TP Hà Nội với các tỉnh lân cận phía Nam.
Cao tốc Cầu Giẽ và đường Hòa Lạc - Hòa Bình.
Trong năm 2014, Hà Nội đón chào sự ra đời của tuyến cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên (64 km, hơn 10.000 tỷ đồng) và cao tốc Nội Bài – Lào Cai (245 km, gần 1,5 tỷ USD), giúp rút ngắn thời gian di chuyển đi các tỉnh lân cận phía Bắc như Bắc Ninh, Thái Nguyên và khu vực Tây Bắc.
Ở khu Đông, tháng 12/2015, cao tốc Hà Nội – Hải Phòng dài 106 km chính thức thông xe. Dự án có tổng mức đầu tư gần 45.000 tỷ đồng, kết nối các tỉnh phía Đông Hưng Yên, Hải Dương và Hải Phòng. Một tháng sau đó, cao tốc Hà Nội – Bắc Giang dài 46 km, tổng mức 4.154 tỷ đồng được khánh thành.
Đến tháng 10/2018, khu Tây Hà Nội có thêm một dự án ra đời là đường Hòa Lạc – Hòa Bình. Tuyến đường có tổng chiều dài 25 km, tổng mức đầu tư 2.723 tỷ đồng, cùng với Đại lộ Thăng Long tạo thành trục kết nối trung tâm TP Hà Nội với TP Hòa Bình.
Như vậy, trong giai đoạn 2010 – 2020, Hà Nội đã cơ bản hoàn thành hệ thống giao thông đối ngoại ở cả 4 hướng hướng Đông, Tây, Nam, Bắc.
Cầu Nhật Tân và cầu Vĩnh Tuy.
Trước năm 2010, việc di chuyển từ trung tâm Hà Nội qua sông Hồng phụ thuộc vào những cây cầu lớn tuổi như Long Biên, Chương Dương, Thanh Trì hay Thăng Long. Các cầu cách nhau 6 – 10 km, khiến việc lưu thông hai bên bờ sông trở nên khó khăn.
Vào tháng 9/2010, cầu Vĩnh Tuy được khánh thành. Cầu có tổng chiều dài gần 15 km, trong đó phần cầu bắc qua sông là 3,7 km. Với tổng mức đầu tư gần 3.600 tỷ đồng, người dân có thêm phương án lưu thông giữa hai quận Long Biên và Hai Bà Trưng.
Tháng 6/2014, cầu Vĩnh Thịnh ra đời, trở thành một dấu gạch nối giữa Hà Nội và Vĩnh Phúc. Cầu có chiều dài gần 5,5 km với tổng mức đầu tư khoảng 137 triệu USD.
Cũng trong năm 2014, cầu Đông Trù tại huyện Đông Anh được thông xe, là cây cầu rộng nhất cả nước ở thời điểm đó (dài hơn 1.100 m, rộng 55 m với 8 làn xe). Dự án gần 900 tỷ đồng này giúp kết nối Khu đô thị Bắc Thăng Long với Quốc lộ 5, tạo nên tuyến đường vành đai 2 của Hà Nội.
Song, điểm nhấn về hạ tầng Hà Nội trong giai đoạn này phải kể đến là dự án cầu Nhật Tân. Cây cầu dây văng lớn nhất Việt Nam được khánh thành vào tháng 1/2015 với chiều dài hơn 3,7 km, nối quận Tây Hồ và huyện Đông Anh.
Với tổng mức đầu tư hơn 13.600 tỷ đồng, cầu Nhật Tân góp phần hoàn thiện đường trục Cảng hàng không quốc tế Nội Bài theo quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ.
Vào các năm 2015 và 2018, Hà Nội tiếp tục có thêm cầu Đồng Quang (746 m, 511 tỷ đồng) bắc qua sông Đà và cầu Việt Trì – Ba Vì (1,56 km, 1.462 tỷ đồng) bắc qua sông Hồng. Hai cầu này đều kết nối hai tỉnh thành Hà Nội và Phú Thọ.
Từ năm 2020 trở đi, theo quy hoạch, Hà Nội sẽ xây dựng thêm 10 cầu mới gồm cầu Hồng Hà, cầu Mễ Sở, cầu Thăng Long mới, cầu Tứ Liên, cầu Vĩnh Tuy 2, cầu Thượng Cát, cầu Ngọc Hồi, cầu Trần Hưng Đạo, cầu Phú Xuyên và cầu Vân Phúc.
Đường Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu (vành đai 1); đường trên cao Ngã Tư Sở - Ngã Tư Vọng (vành đai 2); nút giao Cổ Linh và đường trên cao Mai Dịch - Nam Thăng Long (vành đai 3).
Hệ thống đường vành đai của Hà Nội cũng có sự chuyển mình đáng kể trong 10 năm qua.
Năm 2010, đường Kim Liên – Xã Đàn chính thức được thông xe. Tuyến đường có chiều dài 550 m, tổng mức đầu tư gần 650 tỷ đồng. Ba năm sau, đường Ô Chợ Dừa – Hoàng Cầu dài 547 m cũng được khánh thành với tổng mức khoảng 700 tỷ đồng. Đến tháng 7/2016, đường Ô Đống Mác – Nguyễn Khoái dài 570 m, tổng mức 1.139 tỷ đồng cũng được thông xe.
Việc hoàn thành và thông xe ba tuyến đường nói trên đã tạo nên trục đường được mệnh danh "đắt nhất hành tinh", đồng thời kiến tạo hình hài cho tuyến đường vành đai 1 của Thủ đô. Ngoài ra, tuyến đường vành đai 1 đoạn Hoàng Cầu – Voi Phục (2,2 km, 8.000 tỷ đồng) hiện cũng đã có kế hoạch triển khai.
Vào tháng 1/2016, tuyến đường vành đai 2 đoạn Nhật Tân – Cầu Giấy dài 6,4 km được thông xe, dự án có tổng mức 6.400 tỷ đồng. Đến tháng 11/2020, đường vành đai 2 trên cao đoạn Ngã Tư Sở - Ngã Tư Vọng dài hơn 2 km cũng chính thức được khánh thành với tổng mức khoảng 9.400 tỷ đồng.
Cùng với cầu Nhật Tân, hai đoạn tuyến của vành đai 2 nói trên đã tạo nên một trục đường chạy xuyên suốt Ngã Tư Vọng - Ngã Tư Sở - Láng - Cầu Giấy - Bưởi - Nhật Tân - Vĩnh Ngọc - Đông Hội – Gia Lâm – Vĩnh Tuy. Đoạn tuyến còn lại Ngã Tư Vọng – Vĩnh Tuy hiện đang được triển khai, sau khi đi vào hoạt động sẽ hoàn thiện toàn tuyến vành đai 2.
Đối với vành đai 3, trong 3 tháng cuối năm 2020 và tháng 1/2021, đã có ba dự án liên quan lần lượt được khánh thành.
Đầu tháng 10, cầu vượt thấp qua hồ Linh Đàm (dài 260 – 282 m) với tổng mức 340 tỷ đồng được thông xe, kết nối tuyến đường vành đai 3 dưới thấp với cửa ngõ Nam Hà Nội, giải bài toán ùn tắc suốt nhiều năm tại nút giao Nguyễn Hữu Thọ - Giải Phóng.
Sau đó vài ngày, đường vành đai 3 trên cao đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long (dài 5 km) đồng thời đi vào hoạt động. Dự án 5.343 tỷ đồng này đã giảm áp lực phương tiện đáng kể cho nút giao Mai Dịch cũng như đoạn tuyến đến cầu Thăng Long.
Ngày 9/1 vừa qua, Thủ tướng cùng UBND TP Hà Nội đã phát lệnh thông xe nút giao vành đai 3 với cao tốc Hà Nội – Hải Phòng (nút giao Cổ Linh) với tổng mức đầu tư 402 tỷ đồng.
Với dự án này, nút giao vành đai 3 (đoạn phía Đông cầu Thanh Trì) với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đã được hoàn thiện. Vành đai 2 phía Đông cầu Vĩnh Tuy với vành đai 3 cũng được kết nối thông qua đường Cổ Linh.
Cầu vượt Láng Hạ - Thái Hà; cầu vượt An Dương - Thanh Niên; cầu vượt nút giao Long Biên; hầm chui Thanh Xuân và hầm chui Trung Hòa.
Để giải bài toán ùn tắc trong nội đô, những cây cầu vượt nhẹ trực thông là phương án mà Hà Nội lựa chọn triển khai, đặc biệt ở những trục kết nối các đường vành đai như Tây Sơn, Láng Hạ hay Nguyễn Chí Thanh.
Năm 2012, Hà Nội khánh thành bốn cầu vượt nhẹ gồm cầu vượt Láng Hạ - Thái Hà (dài 189 m, tổng mức 132 tỷ đồng); cầu vượt Chùa Bộc – Tây Sơn (249 m, 65,5 tỷ đồng); cầu vượt Nguyễn Chí Thanh – Trần Duy Hưng (315 m, 348 tỷ đồng) và cầu vượt Láng Hạ - Lê Văn Lương (315 m, 200 tỷ đồng).
Năm 2013, hai cầu vượt Nguyễn Chí Thanh – Kim Mã (484 m, 360 tỷ đồng) và cầu vượt Đại Cồ Việt – Trần Khát Chân (352 m, 181 tỷ đồng) được khánh thành.
Vào các năm 2016 và 2018, cầu vượt nút giao Long Biên (810 m, hơn 2.800 tỷ đồng) và cầu vượt An Dương – Thanh Niên (271 m, 312 tỷ đồng) lần lượt được thông xe. Mới đây nhất, tháng 8/2020, cầu vượt nút giao Nguyễn Văn Huyên dài 170 m, tổng mức 312 tỷ đồng đã được đưa vào sử dụng.
Mặc dù vẫn còn xảy ra tình trạng ùn tắc vào một số khung giờ cao điểm, song không thể phủ nhận, giao thông nội đô Hà Nội đến nay đã được cải thiện hơn rất nhiều nhờ những công trình nói trên.
Đan xen với các cầu vượt nhẹ, các công trình hầm chui đến nay cũng phát huy hiệu quả tương tự. Trong năm 2016, Hà Nội đã cho ra mắt hai hầm chui xuyên qua vành đai 3 là hầm Trung Hòa và hầm Thanh Xuân.
Hầm chui Trung Hòa có chiều dài gần 700 m với hai hầm chui theo hướng Đại lộ Thăng Long - Trần Duy Hưng và ngược lại (mỗi hầm rộng 12 m), tổng mức đầu tư dự án là 1.087 tỷ đồng.
Cách đó không xa, hầm chui Thanh Xuân (980 m , 551 tỷ đồng) cũng được khánh thành, tạo nên nút giao 4 tầng giao thông duy nhất tại Thủ đô (gồm hầm chui; đường Nguyễn Trãi – Khuất Duy Tiến; đường vành đai 3 trên cao và tuyến metro Cát Linh – Hà Đông).
Trong thời gian sắp tới, Hà Nội sẽ có thêm hầm chui Lê Văn Lương dài 475 m đi xuyên qua nút giao vành đai 3. Dự án này được khởi công vào tháng 10/2020 với tổng mức gần 700 tỷ đồng.
Tuyến metro 2A Cát Linh - Hà Đông chạy thử qua hồ Hoàng Cầu.
Tuyến metro số 3 Nhổn - Ga Hà Nội.
Mặc dù chưa chính thức hoàn thành, song những tuyến đường sắt đô thị (metro) được kỳ vọng sẽ có sự tác động rõ nét nhất đến diện mạo của Thủ đô khi đưa vào vận hành.
Tháng 10/2011, tuyến metro đầu tiên của Việt Nam Cát Linh – Hà Đông (tuyến 2A) được phát lệnh khởi công. Dự án có tổng chiều dài là 13,08 km chạy qua địa bàn các quận Đống Đa, Thanh Xuân, Từ Liêm và Hà Đông,
Tuyến metro 2A có tổng cộng 12 nhà ga và 13 đoàn tàu, mỗi đoàn tàu có 4 toa, sức chở hơn 900 người, tối đa 1.326 người, vận tốc thiết kế 80 km/h, vận tốc khai thác thương mại trung bình 35 km/h. Sau nhiều lần điều chỉnh, tổng mức đầu tư của tuyến tính đến cuối năm 2020 là khoảng 18.000 tỷ đồng.
Vừa qua, hệ thống tuyến metro 2A đã hoàn thành quá trình vận hành, thử nghiệm. Dự kiến trong năm 2021, Bộ Giao thông Vận tải sẽ thực hiện các thủ tục bàn giao dự án cho TP Hà Nội khai thác thương mại.
Ở một diễn biến khác, đoàn tàu đầu tiên của tuyến metro số 3 Nhổn – Ga Hà Nội cũng đã có buổi chạy thử đầu tiên vào ngày 22/1 vừa qua. Dự kiến, 8,5km đoạn tuyến trên cao Nhổn – Đại học Giao thông vận tải sẽ được khai thác thương mại vào nửa cuối năm 2021.
Tuyến metro số 3 có tổng chiều dài 12,5 km (trong đó 8,5 km đi trên cao, 4 km đi ngầm) với tổng mức đầu tư gần 1,5 tỷ USD từ nguồn vốn vay ODA.
Ngoài tuyến 2A Cát Linh - Hà Đông và một đoạn tuyến số 3 Nhổn - ga Hà Nội sắp đưa vào khai thác, Hà Nội còn quy hoạch thêm 7 tuyến đường sắt đô thị. Khi toàn bộ các tuyến đi vào hoạt động, dự kiến tỷ lệ người dân Hà Nội sử dụng phương tiện hành khách công cộng sẽ đạt 35 - 45%.