|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Danh mục tự doanh 9 tỷ USD của các CTCK đang phân bổ ra sao?

13:48 | 02/05/2024
Chia sẻ
Giá trị danh mục tự doanh ngành chứng khoán tăng 2% sau 3 tháng đầu năm, lên gần 225.000 tỷ đồng (khoảng 9 tỷ USD). Chứng khoán SSI đã thu hẹp giá trị đầu tư 12% về 43.000 tỷ đồng, ngược lại ACBS gấp đôi danh mục lên trên 12.000 tỷ đồng.

Mảng tự doanh bao gồm tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL), các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (HTM) và các tài sản tài chính sẵn sàng để bán (AFS). Người viết tổng hợp ba danh mục FTVTL, AFS và HTM để phản ánh hoạt động tự doanh của các công ty chứng khoán.

Thống kê dữ liệu báo cáo tài chính của 77 công ty chứng khoán (CTCK), tổng giá trị tự doanh cuối quý I đạt gần 224.700 tỷ đồng (khoảng 9 tỷ USD tạm tính theo tỷ giá 1 USD = 25.000 đồng), tăng nhẹ 2% so với đầu năm. Trong đó danh mục FVTPL giá trị hơn 134.000 tỷ đồng, HTM hơn 56.000 tỷ đồng, thay đổi không đáng kể; mức tăng phần lớn đến từ AFS tăng 15% (tăng gần 4.600 tỷ đồng) lên 34.000 tỷ đồng.

Nếu so với thời điểm cùng kỳ năm trước (cuối quý I/2023), tổng giá trị đầu tư tự doanh đã tăng 23%, tương ứng với gần 42.000 tỷ đồng.

(Nguồn: X.N tổng hợp từ BCTC).

Chứng khoán SSI (Mã: SSI) và Chứng khoán VNDirect (Mã: VND) tiếp tục dẫn đầu về giá trị đầu tư. Riêng 2 ông lớn này đã chiếm khoảng 30% ngành chứng khoán.

Giá trị đầu tư của SSI (công ty mẹ) giảm khoảng 12% so với đầu năm về mức 43.000 tỷ đồng. Con số thu hẹp đến từ FVTPL giảm gần 4.700 tỷ đồng, HTM giảm gần 1.400 tỷ đồng. Khoản tự doanh của VNDirect đi ngang trong 3 tháng đầu năm, đạt 24.200 tỷ đồng.

Chứng khoán VIX (Mã: VIX), Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cũng ghi nhận giảm lần lượt 10% và 5% giá trị đầu tư.

Trong khi đó, nhiều đơn vị khác trong top 10 đã mạnh tay giải ngân trong quý I. Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS) nâng giá trị mảng tự doanh lên 32%, đạt trên 21.500 tỷ đồng. Chứng khoán Vietcap (Mã: VCI) tăng 25% giá trị lên gần 8.900 tỷ đồng. Đáng kể nhất là Chứng khoán ACB (ACBS) (hợp nhất) khi gấp đôi con số đầu năm, lên 12.482 tỷ đồng. Chứng khoán VPS, SHS, VPBankS ghi nhận tăng giá trị 4-8%.

Trong quý I, TCBS tăng đầu tư 3.800 tỷ đồng trái phiếu tại AFS, nâng giá trị cuối kỳ lên gần 17.400 tỷ đồng, chiếm 81% mảng tự doanh.

ACBS phát sinh 824 tỷ đồng đầu tư trái phiếu. Đáng kể hơn, công ty đã gấp đôi khoản HTM lên 10.230 tỷ đồng tại cuối kỳ. Theo đó, tổng giá trị danh mục tự doanh của ACBS vươn một mạch lên 12.482 tỷ đồng, giữ thứ 5 toàn thị trường, áp sát VPBankS.

VPBankS duy trì hạng 4 với giá trị danh mục 12.710 tỷ đồng, tăng 8% so với đầu năm. Danh mục VPBankS gồm 10.600 tỷ đồng tại FVTPL và 2.110 tỷ đồng tại AFS.

Giá trị FVTPL của Vietcap tại cuối quý I gấp 6,7 lần đầu năm đạt 839 tỷ đồng, bao gồm 413 tỷ đồng chứng khoán niêm yết, 426 tỷ đồng trái phiếu chưa niêm yết. Trong đó, khoản trái phiếu mới phát sinh. Mặt khác, giá trị AFS đạt 7.687 tỷ đồng tại cuối quý I, tăng 16% so với đầu năm.

(Nguồn: X.N tổng hợp từ BCTC).

Cơ cấu giữa 3 loại tài sản FVTPL, HTM và AFS có sự chuyển dịch trong 3 tháng đầu năm. Xét 10 CTCK có tự doanh lớn nhất, tỷ trọng các tài sản tại cuối tháng 3 đạt lần lượt hơn 62%, HTM hơn 17% và AFS 20%. Tỷ trọng FVTPL đã thu hẹp so với 67% vào đầu năm.

Tự doanh của VCBS toàn bộ ghi nhận tại FVTPL. Tỷ trọng tại VIX cũng tiến sát 100% khi khoản HTM chỉ 10 tỷ đồng.

Các đơn vị có tỷ trọng FVTPL trên mức trung bình (62%) còn có SSI (91%), SHS (89%), VPS (85%), VPBankS (83%), VNDirect (68%). Ngược lại, Vietcap, TCBS sở hữu nhiều nhất tại AFS; ACBS tài sản chủ yếu ở HTM. 

(Nguồn: X.N tổng hợp từ BCTC).

Xuân Nghĩa

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.