Chuyện người Tây khởi nghiệp cà phê ở xứ ta
"Bởi vì tôi là người nước ngoài nên tôi nghĩ đó là lợi thế lớn nhất của mình khi khởi tạo kinh doanh cà phê ở Việt Nam", ông Timen R.T. Swijtink - nhà sáng lập thương hiệu cà phê Lacàph, chia sẻ.
Lacàph là một thương hiệu cà phê Việt Nam được sáng lập bởi hai người nước ngoài là ông Timen R.T. Swijtink (Hà Lan) và ông Scott Sehoon Bahng (Hàn Quốc). Cả hai đã tới Việt Nam và tiếp xúc với văn hoá cà phê bản địa từ hơn một thập kỷ trước.
Timen Swijtink - một người có nền tảng phát triển thương hiệu tiêu dùng, cùng với Sehoon Bahng - một chuyên gia cà phê dày dạn kinh nghiệm, đã thai nghén kế hoạch chia sẻ cà phê và văn hóa Việt Nam ra toàn cầu.
Hai người bắt đầu khám phá Việt Nam, đi thăm các trang trại trồng cà phê trên nhiều tỉnh để tìm kiếm nguồn nguyên liệu. Họ đã gặp gỡ các nông dân, uống cà phê, lắng nghe những câu chuyện và cuối cùng đã tìm thấy những gì mình mong muốn.
Với những hạt cà phê trên tay, cả hai quay trở lại Sài Gòn và Scott bắt đầu rang. Những mẻ rang đầu tiên này sẽ trở thành các blend đặc trưng của Lacàph, phù hợp cho phin, filter và espresso. Vào đầu năm 2020, cả hai đã thành lập công ty TNHH Collective - đơn vị vận hành Lacàph.
Theo ông Timen Swijtink, Lacàph thu mua hạt từ khoảng 10 trang trại thuộc các vùng trồng cà phê nổi tiếng của Việt Nam như Buôn Ma Thuột, Lâm Đồng, Quảng Trị, Sơn La.
"Cà phê của Việt Nam rất đặc biệt. Mỗi vùng đất sở hữu một hương vị và câu chuyện riêng về hạt cà phê. 17 năm trước, tôi tới Việt Nam và cảm thấy ngỡ ngàng vì điều đó, nhưng bạn biết gì không? Khi tôi trở về Hà Lan, người dân đất nước của tôi không hề biết gì về cà phê của Việt Nam", ông Timen Swijtink kể.
Sản phẩm của Lacàph đa dạng, bao gồm cà phê hạt, bột, hòa tan cao cấp, cà phê lạnh đóng chai và các bộ quà tặng hướng đến cả thị trường nội địa lẫn quốc tế.
"Chúng tôi muốn quảng bá và mang hết những sản phẩm của từng vùng trồng cà phê Việt Nam tới thế giới. Cách đây 10 năm, nông dân chỉ chú trọng sản lượng và không quan tâm tới chất lượng cà phê. Họ trồng với sản lượng lớn nhưng chất lượng thấp, điều này khiến cà phê của họ không được đánh giá cao, dĩ nhiên là giá trị cũng rất thấp.
Nhưng, mọi chuyện đã thay đổi. Trong vài năm trở lại đây, bằng sự thúc đẩy của nhiều đơn vị và người làm cà phê trong nước, Việt Nam đã thay đổi cách người nông dân trồng cà phê. Họ chú tâm vào chất lượng, thuyết phục người nông dân chuyển sang sản xuất cà phê chất lượng cao.
Ở thời điểm bắt đầu thì mọi chuyện khá khó khăn nhưng khi người nông dân nhìn thấy được lợi ích thì họ đã bắt đầu làm theo. Một nông hộ đi theo hướng đó, kinh tế của họ tốt lên, nuôi sống được gia đình của mình và những người láng giềng của họ cũng học theo, rồi cả một vùng làm theo.
Sự thay đổi đó giúp cà phê Việt Nam ngày càng có giá trị và đây cũng là cách chúng tôi kể câu chuyện về hạt cà phê của Việt Nam với quốc tế", nhà sáng lập Lacàph nói.
Với niềm say mê đặc biệt với cà phê Việt Nam, nhà sáng lập thương hiệu cũng tổ chức các không gian trải nghiệm để kết nối khách hàng với giá trị văn hóa bản địa.
Khi được hỏi về những lo ngại khi có các thương hiệu nước ngoài từng thất bại ở Việt Nam, ông Timen Swijtink tự hào nói rằng công ty của mình là công ty Việt Nam.
"Khoảng 95% nhân sự của chúng tôi là người Việt, chỉ có tôi và một vài người nữa là người nước ngoài. Chúng tôi đặt văn phòng ở Sài Gòn và cũng không theo đuổi mô hình chuỗi, chúng tôi là những nhà xuất khẩu cà phê Việt Nam ra thế giới. Mang câu chuyện của hạt cà phê Việt, của những vùng đất, con người ra toàn cầu", ông nói.
Chia sẻ về những khó khăn khi bắt đầu kinh doanh cà phê ở Việt Nam, ông Timen Swijtink nói rằng thời điểm bắt đầu là trở ngại lớn nhất - trong hai năm đầu tiên với COVID-19. Tiếp theo là giá cà phê tăng chóng mặt. Tuy vậy, Lacàph đều đã vượt qua những thử thách đó.
"Cà phê Việt Nam quá đặc biệt đối với người nước ngoài. Có thể những món như cà phê sữa đá, cà phê phin, cà phê muối... với các bạn là điều bình thường nhưng với người nước ngoài thì khác và thế giới chưa biết nhiều về cà phê của các bạn. Tôi nghĩ bởi vì mình là người ngoại quốc nên có thể thấy được những gì mà các bạn không thể nhìn ra và hiểu được thế giới cần gì ở cà phê Việt Nam", nhà sáng lập Lacàph nói.
Ông Timen Swijtink cũng nói thêm rằng nếu trở về 10 năm trước, những thương hiệu cà phê như Lacàph khó có thể tồn tại nhưng hiện tại đã khác sự thay đổi tư duy sản xuất, chú trọng chất lượng nhiều hơn đã giúp các thương hiệu cà phê Việt Nam có chỗ đứng nhiều hơn trên thị trường đầy cạnh tranh này.