|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Chuỗi cung ứng tê liệt và phép thử cho doanh nghiệp thủy sản trong năm 2021

17:38 | 28/12/2021
Chia sẻ
Năm 2021, ngành thủy sản tưởng chừng khó đạt được mục tiêu tăng trưởng khi đối mặt với biến thể Delta, giá cước vận tải, thức ăn thủy sản tăng kỷ lục... Song kỳ tích đã xảy ra, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đã vượt "vũ môn", về đích với 8,9 tỷ USD, tăng 6% so với năm 2020, vượt gần 5% kế hoạch năm.

Nhìn lại năm 2021, ngành thủy sản đã gồng mình chống chọi với những biến cố chưa từng có như biến thể Delta lan rộng ở các tỉnh ĐBSCL, chuỗi cung ứng xuất khẩu tê liệt trong khi giá cước vận tải, thức ăn thủy sản tăng kỷ lục…

Chưa kể, những yếu tố kiểm dịch, rào cản thương mại từ các thị trường nhập khẩu cũng ngáng đường xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.

Biến thể Delta giáng đòn chí mạng đến doanh nghiệp

Mỗi khó khăn sẽ tác động đến doanh nghiệp thủy sản ở nhiều khía cạnh khác nhau. 

Nhưng đòn giáng chí mạng với doanh nghiệp thủy sản là khi dịch COVID-19 lan rộng ở các tỉnh ĐBSCL, doanh nghiệp buộc phải giảm công suất, thậm chí đóng cửa vì có ca nhiễm COVID-19 hoặc không đủ điều kiện 3 tại chỗ (3TC). 

Cũng vì COVID-19 là sự kiện chưa từng có trong tiền lệ nên các quy định phòng chống dịch bệnh của các tỉnh trong giai đoạn đầu còn giật cục, chồng chéo khiến doanh nghiệp bất lực, cạn kiệt tài chính.

Điển hình như cuối tháng 7, UBND tỉnh Tiền Giang yêu cầu các doanh nghiệp tạm dừng hoạt động sản xuất, kinh doanh trong khu, cụm công nghiệp vì phát sinh ca nhiễm COVID-19 trong quá trình thực hiện 3TC.

Bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch HĐQT CTCP Vĩnh Hoàn (Mã: VHC) cho biết doanh nghiệp đã chi hàng chục tỷ đồng để tổ chức sản xuất 3TC cho 4 công ty ở cả vùng xanh, vùng đỏ nhằm giữ thị trường xuất khẩu và cung ứng thực phẩm thiết yếu cho người dân.

"100% công nhân của Vĩnh Hoàn test PCR đều âm tính với COVID-19. Chúng tôi đang phòng dịch, chống dịch rất tốt.

UBND cần bình tĩnh lắng nghe ý kiến doanh nghiệp, xem xét từng trường hợp cụ thể, không nên làm sụp đổ nền kinh tế một cách oan uổng như vậy", bà Khanh nói.

Xuất khẩu thủy sản năm 2021: Sóng gió và thăng hoa - Ảnh 1.

Doanh nghiệp phải cõng thêm hàng loạt chi phí 3TC, xét nghiệm COVID-19. (Ảnh: Báo Thanh niên)

Doanh nghiệp vốn đã mệt mỏi vì những quy định nội tỉnh đã "rối như tơ vò", lại càng thêm bất lực khi các địa phương mỗi nơi làm một kiểu, việc di chuyển tỉnh này sang tỉnh khác xảy ra nhiều bất cập.

Ông Lê Văn Quang, Tổng Giám đốc CTCP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (Mã: MPC) cho biết doanh nghiệp có nhà máy ở Hậu Giang nhưng phần lớn cán bộ, công nhân lại ở Sóc Trăng, Cần Thơ và các tỉnh lân cận. Tuy nhiên, các tỉnh yêu cầu người từ địa phương có dịch đến phải cách ly.

"Không còn cách nào khác, số ít người lao động thực hiện 3TC tại nhà máy, phần còn lại không làm sao đi qua được địa phận giáp ranh hai nơi dù cách chỗ làm 7 km.

Chúng tôi muốn tăng công nhân, muốn sản xuất, đơn hàng vẫn có nhiều mà không làm được. Công nhân không đi làm, không có lương cũng rất khổ", ông Quang bày tỏ.

Đại diện Minh Phú thông tin nếu doanh nghiệp không giao kịp hàng, đối tác có thể chuyển sang mua của Ấn Độ, Indonesia và Thái Lan, nghĩa là Minh Phú mất khách hàng, thị trường và rất khó có thể khôi phục lại.

Như vậy, biến thể Delta bùng phát mạnh mẽ ở các tỉnh ĐBSCL là đòn giáng với những doanh nghiệp thủy sản khi phải cõng thêm chi phí 3TC, test COVID-19 trong khi công suất nhà máy giảm 60-70% và chỉ duy trì được 30-50% lao động.

Còn lại, 70% doanh nghiệp nhỏ, không đủ điều kiện 3TC thì buộc phải đóng cửa, hay nói cách khác là "chết lâm sàng". 

Chuỗi cung ứng tê liệt, nông dân khóc ròng, doanh nghiệp bất lực

70% doanh nghiệp đóng cửa đã khiến đầu ra của thủy sản ĐBSCL ứ đọng. Tình hình càng thêm căng thẳng khi các địa phương "ngăn sông, cách chợ", doanh nghiệp không thể vào thu hoạch, thu mua cá trong khi giai đoạn tháng 8,9 là cao điểm.

Hàng chục nghìn tấn cá tra quá lứa tại các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Vĩnh Long... nằm chờ dưới ao vì công đoàn thu hoạch không được cấp giấy đi đường từ nhà đến nơi sản xuất cá.

Điều này khiến giá cá tra giảm từ 500 - 1.000 đồng/kg, dao động 21.000 – 22.000 đồng/kg, cá càng to, nông dân, doanh nghiệp càng lỗ nặng.

Chia sẻ với VTC16, ông Trương Thanh Bình (TP Cần Thơ) cho biết doanh nghiệp bùng hợp đồng nghĩa là cầm chắc thua lỗ, chỉ còn cách cho cá ăn cầm hơi và chờ một phép màu.

Mỗi ngày, 300 tấn cá cần cho ăn 100 bao cám nhưng giờ giảm xuống 30 bao. Dù cho cá ăn đói nhưng vẫn ngốn của ông hàng chục triệu đồng.

"Người nuôi cho ăn cầm cự, cá đói sẽ ăn đất và bị chuyển màu, lúc đó không biết bán cho ai. Riêng tiền vốn cho 300 tấn cá rơi vào 6,6 tỷ đồng, nay không biết có thu về nổi vốn, chứ trước mắt thấy thiệt hại ở tiền thức ăn rồi", ông Bình nói.

Xuất khẩu thủy sản năm 2021: Sóng gió và thăng hoa - Ảnh 2.

Cá tra quá lứa tồn đọng dưới ao, nông dân khóc ròng vì doanh nghiệp bùng hợp đồng. (Ảnh: TTXVN)

Ở thời điểm này, người nuôi thuỷ sản rất bế tắc khi không thu hoạch, không tái sản xuất, không biết làm gì ngoài việc trông chờ dịch sẽ lắng xuống, doanh nghiệp sẽ trở lại thu mua. 

Còn các doanh nghiệp thủy sản cũng "lực bất tòng tâm", gián đoạn sản xuất chỉ vì định nghĩa hàng hóa thiết yếu và việc áp dụng thiếu nhất quán của các địa phương.

Ông Nguyễn Hoàng Anh, Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư Thủy sản Nam miền Trung cho biết: "Nhà máy của chúng tôi sản xuất 25 triệu lít mắm/năm, tiêu thụ hàng triệu tấn cá cho người dân, nhưng không thể thu mua được. 

Bởi, cần đưa mắm ra thị trường phải có nút chai, song chúng tôi không mua được, đành phải đóng cửa nhà máy. Doanh nghiệp mới thả được 20% diện tích tôm do thức ăn thiếu, con giống không đủ, vật tư phục vụ nuôi trồng không có".

Trước thực trạng này, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan bình luận: "Để thực hiện giãn cách với mục tiêu chống dịch, mỗi tỉnh là một pháo đài. Tuy nhiên, đây là pháo đài chống dịch chứ không thể là pháo đài kinh tế. 

Kinh tế cần sự vận hành phải liền mạch trong suốt 13 tỉnh. Sự ứng xử khác nhau trong quy định đã làm câu chuyện khó càng khó thêm".

Bộ trưởng cho rằng lãnh đạo các tỉnh và doanh nghiệp cần có sự đổi vai cho nhau, cùng ngồi lại, kiến tạo một không gian phát triển, mô hình sản xuất an toàn thì mọi chuyện sẽ được giải quyết.

Cước vận tải biển ăn mòn lợi nhuận của doanh nghiệp

Nếu như biến thể Delta bùng phát mạnh ở các tỉnh ĐBSCL được coi là đòn giáng chí mạng đến các doanh nghiệp thủy sản thì chi phí logistics tăng kỷ lục lại là cơn ác mộng dai dẳng từ cuối năm 2020.

Đơn hàng xuất khẩu thủy sản dồn dập đổ về sau khi thị trường Mỹ, châu Âu mở cửa kinh tế hậu COVID-19 nhưng cước vận tải tăng cao, booking tàu, container liên tục bị trì hoãn khiến việc giao hàng chậm trễ, doanh nghiệp đối mặt với nguy cơ bị phạt, cắt hợp đồng.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết: "Ở góc độ logistics, các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam đang đối mặt với 5 tăng. Đó là tăng cước tàu, tăng thời gian vận chuyển đường biển, tăng "booking" (đơn hàng đặt chỗ), tăng hoãn đơn hàng, tăng các loại phí.

Điều này tạo áp lực cho doanh nghiệp khi xuất khẩu các đơn hàng đã ký trước đó".

Cụ thể, cước vận tải biển đi Mỹ cuối năm 2020 cao nhất là 3.000 USD/container nhưng hiện nay bờ Đông tăng lên 17.000 USD/container, bờ Tây khoảng 13.000-14.000 USD/container. Cước tàu đi châu Âu dao động 12.000-14.000 USD/container.

Tương tự, cước tàu đi Trung Đông hiện dao động 10.000 – 11.000 USD/container, tăng 7 lần so với cùng kỳ năm 2020.

Xuất khẩu thủy sản năm 2021: Sóng gió và thăng hoa - Ảnh 3.

Cước vận tải biển ăn mòn lợi nhuận của doanh nghiệp. (Ảnh: Nitoda)

Ngoài ra, thời gian vận chuyển cũng tăng trung bình 7 – 10 ngày so với trước đây, thậm chí nhiều đơn hàng giao cho khách chậm 2-3 tháng.

Các hãng tàu "đẻ" ra hàng chục thứ phí như phí xếp dỡ hàng, lưu khi, nhiên liệu sạch, cân bằng container, phí vệ sinh, phí kẹt cảng và dự kiến sắp có thêm một thứ phí mới liên quan đến COVID-19.

"Logistics "5 tăng" đồng nghĩa với việc giá thành sản phẩm sẽ phải "cõng" một loại chi phí, ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của thủy sản Việt Nam với các đối thủ như Ecuador, Ấn Độ, Thái Lan…", ông Nam nói.

Doanh nghiệp hiện chỉ biết "cắn răng chịu đựng" việc cước, phí tăng, cố gắng ký hợp đồng vận chuyển với các hãng tàu lớn vì ở thời điểm hiện tại thuê được container và đưa được hàng đi chính là lợi thế.

Ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT CTCP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước (Mã: THP) cho biết: "Thông thường cước vận tải biển chỉ tăng 5-10%/năm nhưng trong vòng một năm kể từ khi dịch COVID-19 lan rộng trên toàn cầu, giá cước vận tải tăng 200-300%, kèm theo hàng loạt phụ phí, ăn mòn lợi nhuận của doanh nghiệp".

Chi phí logistics tăng kỷ lục là kịch bản doanh nghiệp không lường trước được trong khi các đơn hàng xuất khẩu, giá bán đều thỏa thuận từ cuối năm 2020. Điều này khiến doanh nghiệp phải chịu rủi ro vô cùng lớn, đặc biệt vào quý III.

Theo đó, doanh thu thuần của công ty đạt 645 tỷ đồng, giảm so với cùng kỳ 9% vì công ty tạm ngừng hoạt động tháng 8 và nửa đầu tháng 9 để chống dịch COVID-19.

Đại diện thủy sản Thuận Phước cho biết cước vận tải biển tăng 188% đã nhấn chìm  lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp xuống còn 1,9 tỷ đồng, giảm 81% so với cùng kỳ năm 2020.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu thuần của THP đạt 1.960 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2020 nhưng lợi nhuận sau thuế lại giảm 47%, đạt gần 19 tỷ đồng.

Xuất khẩu thủy sản lội ngược dòng

Với những khó khăn liên hoàn từ dịch COVID-19, kèm thêm những bất lợi khi Trung Quốc tăng cường kiểm soát thủy sản đông lạnh, xuất khẩu thủy sản tháng 8 có mức giảm mạnh nhất, giảm gần 30% so với cùng kỳ năm 2020.

Đà giảm này tiếp tục lan sang tháng 9, Bộ NN&PTNT từng dự báo xuất khẩu thủy sản năm 2021 chỉ có thể đạt tối đa khoảng 8,8 tỷ USD.

Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT CTCP Thực phẩm Sao Ta (Mã: FMC) chia sẻ việc lựa chọn giữa việc "đóng" và "mở", giữa việc chấp nhận chi phí tăng và sinh kế của công nhân dường như khó khăn hơn bao giờ hết.

"Nhiều người nói rằng sản xuất 3 tại chỗ chẳng lời lãi gì, tốt hơn nên đóng cửa cho an toàn, thuận lợi cho việc phòng chống dịch.

Tuy nhiên, việc Sao Ta tổ chức 3 tại chỗ nhằm duy trì các chuỗi cung ứng, giữ cho chuỗi giá trị con tôm không đổ vỡ, đợi cơ hội phục hồi", ông Lực nói.

Trong lúc doanh nghiệp "mắc cạn" với quy định chống dịch cứng nhắc của các địa phương, Chính phủ Việt Nam kịp thời thay đổi quan điểm chống dịch từ "Zero COVID" chuyển sang thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch COVID-19. Đây chính là "phao cứu sinh" cho các doanh nghiệp đang 3TC.

Trang Seafoodsource đưa tin đến ngày 21/9, Sao Ta đã phục hồi 100% công suất sau khi Việt Nam nới lỏng giãn cách xã hội.

Với lợi thế 100% công nhân được trở lại nhà máy, vùng nguyên liệu sẵn có, Sao Ta đã lấy lại đà tăng trưởng cả về doanh thu bán hàng và lợi nhuận trong tháng 10 và tháng 11.

Theo đó, tháng 11, Sao Ta chế biến được 2.360 tấn tôm đông lạnh thành phẩm, tăng 22% so cùng kỳ. Sản lượng tôm tiêu thụ cũng tăng 7%, lên mức 1.697 tấn.

Tình hình kinh doanh khả quan thúc đẩy doanh số tiêu thụ của Sao Ta đạt 20,3 triệu USD, tăng 14% so với tháng 11/2020.

Không riêng Sao Ta, những doanh nghiệp lớn Vĩnh Hoàn cũng bám trụ 3TC, tận dụng 100 ngày "vàng", chạy nước rút cho mục tiêu xuất khẩu thủy sản năm 2021.

Mới đây, Vĩnh Hoàn công bố doanh thu xuất khẩu tháng 11 đạt 912 tỷ đồng, tăng 38% so với cùng kỳ năm trước và tăng 17% so với tháng 10. 

Lũy kế 11 tháng đầu năm, Vĩnh Hoàn ghi nhận doanh thu 7.811 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước. 

Nhờ sự phục hồi của các doanh nghiệp, xuất khẩu thủy sản tháng 11 có những chuyển biến tích cực, đạt 910 triệu USD, tăng 23% so với cùng kỳ. Đây cũng là tháng thứ hai liên tiếp, xuất khẩu thủy sản tăng bật sau quý III ảm đạm vì giãn cách xã hội.

Và kỳ tích đã xảy ra, thủy sản của Việt Nam đã vượt "vũ môn" về đích an toàn, kim ngạch xuất khẩu năm 2021 đạt 8,9 tỷ USD, tăng 6% so với năm 2020, vượt gần 5% kế hoạch năm.

Xuất khẩu thủy sản năm 2021: Sóng gió và thăng hoa - Ảnh 4.

(Số liệu: Tổng cục Hải quan, Bộ NN&PTNT, Biểu đồ: Hoàng Anh)

VASEP nhận định nhu cầu thị trường Âu – Mỹ, khối CPTPP tăng cao cùng với việc phủ sóng vắc xin, nới lỏng giãn cách xã hội ở các tỉnh ĐBSCL đã giúp xuất khẩu thủy sản tạo ra bước nhảy.

Trong khi đó, nguồn cung thủy sản từ một số đối thủ giảm mạnh do chịu tác động xấu từ đại dịch COVID-19, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam tận dụng cơ hội và tăng trưởng tốt nhờ lợi thế từ các FTA, EVFTA và nguồn cung ổn định.

Những yếu tố trên tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong năm 2021.

Xuất khẩu thủy sản có thể bùng nổ vào năm 2022?

2021 là một năm sóng gió và thăng hoa của thủy sản Việt Nam. Với những diễn biến tích cực ở thị trường cuối năm, xuất khẩu thủy sản năm 2022 có thể có giữ được phong độ?

Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho biết năm 2022 ngành thủy sản đặt mục tiêu sản lượng đạt 8,7 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 8,9 tỷ USD, tương đương với năm 2021.

Lý giải cho điều này, đại diện Tổng cục Thủy sản cho rằng các biến chủng mới của dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, việc giao thương giữa các quốc gia vẫn còn khó khăn, giá cước vận chuyển quốc tế chưa có xu hướng giảm.

Bên cạnh đó, yếu tố biến đổi khí hậu, thiếu hụt nguồn nước cấp cho vùng ĐBSCL gây khó khăn cho quá trình nuôi trồng thủy sản.

Yêu cầu ngày càng cao về an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc của các thị trường, thẻ vàng của EC chưa được tháo gỡ, cường lực khai thác ở mức cao trong khi nguồn lợi thủy sản đang có xu hướng suy giảm.

Bên cạnh những rủi ro, xuất khẩu thủy sản vẫn có những yếu tố thuận lợi để có thể đạt được mục tiêu và bứt phá trong năm 2022.

Ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết các thị trường nhập khẩu lớn như Mỹ, EU đã có kế hoạch tiêm vắc xin bổ sung nên nhu cầu tiêu thụ thủy sản sẽ tăng trưởng tốt trong năm 2022 và những năm tiếp theo.

Đặc biệt, xuất khẩu tôm, cá tra có thể làm nên chuyện lớn ở thị trường Mỹ.

Cụ thể, 11 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu tôm sang Mỹ đạt 983,5 triệu USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2020, chiếm 50% kim ngạch xuất khẩu tôm của Việt Nam. 

Xuất khẩu thủy sản năm 2021: Sóng gió và thăng hoa - Ảnh 1.

(Nguồn: VASEP)

Tương tự, xuất khẩu cá tra 11 tháng đạt 324 triệu USD, tăng gần 50% so với cùng kỳ năm 2020, chiếm 22,5% kim ngạch xuất khẩu cá tra của Việt Nam.

Xuất khẩu tôm, cá tra sang Mỹ được kỳ vọng sẽ tăng mạnh vào năm 2022 khi nhu cầu của Mỹ tăng và Việt Nam chuyển sang trạng thái thích ứng linh hoạt với dịch COVID-19.

Xuất khẩu thủy sản năm 2021: Sóng gió và thăng hoa - Ảnh 2.

(Nguồn: VASEP)

Trao đổi với người viết, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Thứ Tiến cho biết trong năm 2021, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) không áp thuế chống bán phá giá lên các sản phẩm cá tra của Vĩnh Hoàn, Nam Việt… và tôm của Minh Phú nhờ sản phẩm minh bạch về nguồn gốc.

Thủy sản Việt Nam có được lòng tin của thị trường Mỹ nên giá sản phẩm đều cao hơn các đối thủ. Do đó, đây là cơ hội cho thủy sản Việt Nam mở rộng quy mô sản xuất và xuất khẩu vào thị trường tiềm năng này trong năm 2022.

Phạm Mơ