CEO Nguyễn Văn Tuấn: Gelex sẽ tập trung vào tăng hiệu quả về ROA, ROE và dự kiến trả cổ tức các năm tiếp theo
Sáng 26/4 đã diễn ra Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2023 của CTCP Tập đoàn Gelex (Mã: GEX).
Năm 2023, Gelex lên kế hoạch doanh thu thuần 37.457 tỷ, tăng 16,7% song lợi nhuận trước thuế dự kiến giảm gần 39% còn 1.272 tỷ đồng.
Kịch bản kinh doanh của tập đoàn được xây dựng trong bối cảnh nền kinh tế vĩ mô năm nay tiềm ẩn nhiều biến động khó lường, nhất là lạm phát tiếp tục tăng cao và biến động lãi suất.
Cổ tức năm 2023 dự kiến là 15%. ĐHĐCĐ sẽ uỷ quyền cho HĐQT được quyết định mọi vấn đề liên quan tới việc chi tạm ứng cổ tức năm 2023 bằng tiền nếu xét thấy việc tạm ứng này phù hợp với hoạt động của công ty. Việc tạm ứng có thể thực hiện một hoặc nhiều lần tuỳ quyết định của HĐQT.
Về phương án phân phối lợi nhuận năm 2022, Gelex đề xuất không chia cổ tức. Nguồn lợi nhuận giữ lại để đảm bảo cho hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư của tập đoàn.
Ngoài ra, tại đại hội, tập đoàn còn trình việc miễn nhiệm hai thành viên HĐQT là ông Nguyễn Hoa Cương - Chủ tịch HĐQT và ông Nguyễn Trọng Tiếu - Phó Chủ tịch HĐQT, cả hai cá nhân này có đơn xin từ nhiệm vào ngày 29/3.
Đồng thời, tập đoàn đề xuất thay đổi số lượng thành viên HĐQT từ 7 xuống 5 người, tức không cần bổ sung thêm thành viên HĐQT sau khi hai cá nhân trên từ nhiệm.
Sau khi ông Cương và ông Tiếu từ nhiệm, HĐQT của Gelex sẽ còn 5 thành viên gồm: Ông Nguyễn Trọng Hiền, ông Lương Thanh Tùng, ông Nguyễn Văn Tuấn, ông Đậu Minh Lâm và ông Lê Bá Thọ.
Thảo luận:
Quý II, tình hình đáo hạn trái phiếu của Gelex ra sao?
Ông Nguyễn Trọng Hiền - Phó Chủ tịch HĐQT: Cuối năm 2022, dư nợ trái phiếu hơn 2.800 tỷ, trong đó có khoản trái phiếu được phát hành thông qua CGIF với dư nợ khoảng 800 tỷ, thời hạn vay 10 năm. Đây là khoản huy động vốn tập trung cho các dự án năng lượng tái tạo như Solar Ninh Thuận.
Năm 2023 dư nợ trái phiếu đến hạn khoảng 700 tỷ, tập đoàn sẽ thu xếp để trả đúng tiến độ.
Thiết bị điện có định hướng xuất khẩu, vậy thị trường mục tiêu tập đoàn nhắm đến là gì? Doanh nghiệp có đặt mục tiêu bao nhiều % xuất khẩu?
Ông Nguyễn Hoa Cương - Chủ tịch HĐQT: Gelex có dự kiến phát triển các thị trường mới, tìm kiếm các đối tác và cơ hội xuất khẩu. Tập đoàn dự kiến hợp tác với các đối tác nước ngoài để đưa công nghệ cao vào sản xuất các thiết bị cùng vật liệu xây dựng.
Tập đoàn đang kỳ vọng một số sản phẩm mới như đá nung kết Vasta Stone - một trong những thương hiệu đá nung kết đầu tiên và lớn ở châu Á - Thái Bình Dương, hoàn toàn sản xuất ở Việt Nam trên dây chuyền của Italia.
Năm 2022, khoản dự phòng phải thu ngắn hạn của Gelex tăng rất mạnh, trong đó doanh nghiệp dự kiến có thể thu hồi được bao nhiêu %?
Ông Nguyễn Trọng Hiền - Phó Chủ tịch HĐQT: Từ cuối quý IV/2022 tới quý I năm nay thì tình hình kinh doanh rất khó khăn.
Để đảm bảo an toàn, minh bạch, tập đoàn đã trích lập dự phòng đầy đủ và đúng quy định. Tới cuối quý I, dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi của Gelex khoảng 560 tỷ đồng, trong đó phát sinh ở Viglacera khoảng 131 tỷ và đơn vị thành viên thuộc Gelex Electric là HEM khoảng 121 tỷ, còn lại là phân bổ ở các đơn vị thành viên khác.
Nguyên tắc chung là đưa vào trích lập thì tập đoàn cần theo dõi đồng thời rốt ráo thu hồi các khoản này càng sớm càng tốt.
Tình hình kinh tế, tài chính năm 2023 tác động tới khả năng hoàn thành kế hoạch kinh doanh của Gelex như thế nào?
Ông Nguyễn Hoa Cương - Chủ tịch HĐQT: Gelex đánh giá năm 2023 là năm có nhiều khó khăn, thách thức, tập đoàn vẫn tiếp tục tăng cường quản trị rủi ro và bám sát thị trường để điều chỉnh các hoạt động kinh doanh đảm bảo mục tiêu ĐHĐCĐ đề ra.
Trong giai đoạn này, tập đoàn sẽ không ưu tiên cho chỉ tiêu lợi nhuận mà tập trung vào quản trị rủi ro và tái cấu trúc hiệu quả để đảm bảo các hệ số tài chính ở mức tốt nhất.
Chiến lược phát triển của Gelex trong thời gian tới?
Ông Nguyễn Hoa Cương - Chủ tịch HĐQT: Gelex hoạt động theo mô hình sub-holdings chuyên nắm giữ, quản lý vốn tại các công ty thành viên thông qua hai đơn vị đứng đầu của tập đoàn là Gelex Điện lực và Gelex Hạ tầng. Gelex sẽ cố gắng huy động và phân bổ nguồn lực cho từng công ty thành viên đồng thời có sự quản trị xuyên suốt trên ba mảng là tài chính kế toán, nhân sự và kiểm toán nội bộ.
Với mảng năng lượng tái tạo, Gelex tiếp tục nghiên cứu, chọn lọc đầu tư các dự án năng lượng tái tạo.
Ở mảng nước sạch, tiếp tục hoàn thành các dự án đầu tư giai đoạn 2 của Nhà máy nước sạch Sông Đà, nâng công suất lên 600.000 m3/ngày đêm.
Ở mảng bất động sản khu công nghiệp, tập đoàn sẽ đầu tư hiệu quả chuỗi giá trị gia tăng của khu công nghiệp, gia tăng tiện ích và khai thác tối đa giá trị.
Đối với lĩnh vực bất động sản, tập đoàn sẽ tập trung vào phát triển nhà ở xã hội, tiếp tục hoàn thành đúng tiến độ dự án ở Trần Nguyên Hãn (Hà Nội). Ngoài ra, tập đoàn cũng có thể phát triển thêm quỹ đất sạch, đầu tư các dự án thương mại, bất động sản nghỉ dưỡng hay bất động sản cho thuê.
Quý I/2023, tình hình của Gelex bao gồm ở riêng từng mảng sao sao?
Ông Nguyễn Hoa Cương - Chủ tịch HĐQT: Quý I, doanh thu thuần Gelex đạt 6.410 tỷ đồng, giảm 13% so với quý IV/2022, bằng 37% cùng kỳ và mới đạt 10% mục tiêu năm. Lợi nhuận trước thuế 144 tỷ đồng, đạt 11% kế hoạch 2023.
Mảng thiết bị điện có doanh thu thuần ước đạt 3.213 tỷ, giảm 11% quý trước và giảm 28% so với cùng kỳ.
Mảng vật liệu xây dựng bị ảnh hưởng tương đối nhiều trong quý I, ước đạt 1.538 tỷ đồng doanh thu, giảm 30% cùng kỳ, do sản lượng bán và giá bán giảm.
Riêng mảng nước sạch có tăng trưởng so với cùng kỳ, doanh thu ước đạt 402 tỷ, tăng 24% cùng kỳ.
Quý I, các dự án điện gió đạt kế hoạch sản lượng và doanh thu quý.
Về mảng khu công nghiệp và bất động sản ước đạt 1.233 tỷ đồng, tăng 46% quý trước nhưng giảm 23% so với cùng kỳ năm ngoái. Quý I, Viglacera đã bàn giao 40 ha ở một số khu công nghiệp như: Yên Phong 2C, Tiền Hải và mở rộng Phong Điền,…
Ở mảng bất động sản, Viglacera đã khởi động công trình nhà ở xã hội tại khu công nghiệp Phú Hà với diện tích 43.000 m2 và bàn giao 6 căn tại dự án D15, D16 của Khu đô thị Đặng Xá.
Dự án tổ hợp khách sạn, văn phòng ở số 10 Trần Nguyên Hãn dự kiến khi nào đi vào hoạt động?
CEO Nguyễn Văn Tuấn: Dự án ở Trần Nguyên Hãn đã thi công tới tầng hầm và đang triển khai tiếp các thủ tục. Dự tính sang đầu quý I/2025 sẽ đưa phần khối văn phòng và khách sạn vào hoạt động.
Dự án tổ hợp khách sạn, dịch vụ thương mại, văn phòng cho thuê tại số 10 Trần Nguyên Hãn (Hà Nội) có tổng diện tích đất gần 10.000 m2, mật độ xây dựng khối đế 64%, tổng diện tích sàn xây dựng (không kể tầng hầm) gần 50.000 m2.
Dự án gồm khách sạn 5 sao quy mô 285 phòng, tổ hợp văn phòng và trung tâm thương mại với tổng mức đầu tư khoảng 2.100 tỷ đồng.
Mảng BĐS khu công nghiệp, năm 2023 có kế hoạch để mở rộng không?
CEO Nguyễn Văn Tuấn: Viglacera đang tập trung hai lĩnh vực chính là vật liệu xây dựng và bất động sản khu công nghiệp. Năm 2023, công ty liên tục có các dự án gối đầu.
HĐQT Viglacera cũng ra nghị quyết là “bán 1 m thì phải chuẩn bị đầu tư mới 2 m”. Trong đó, 2023 công ty tập trung vào các địa phương có tiềm lực như: Thái Nguyên (một khu đang trình lên Chính phủ về cấp chủ trương đầu tư với quy mô khoảng 400 ha ở Sông Công và đang chuẩn bị khu công nghiệp 900 ha); Phú Thọ (đang xin mở rộng dự án); Yên Bái (một khu hơn 200 ha cũng đang trình xin chủ trương đầu tư); Thái Bình; Hưng Yên.
CEO Gelex đánh giá năm 2023, mảng bất động sản khu công nghiệp được kỳ vọng mang về lợi nhuận tốt cho tập đoàn. Viglacera cũng đang tìm kiếm khách hàng lón xuất phát từ Trung Quốc, Đài Loan và Singapore - họ đang muốn rời nhà máy sản xuất chip, ô tô, điện tử sang khu của Viglacera.
Ông Lương Thanh Tùng - Phó Chủ tịch HĐQT: Năm 2023, Viglacera phấn đấu có được 3 chủ trương đầu tư ở ba khu với tổng diện tích khoảng 840 ha, hiện nay đã thẩm định xong và chuẩn bị trình duyệt.
Ở mảng năng lượng tái tạo, trong thời điểm hiện nay, tất cả dự án của tập đoàn đã hoàn thành hết hay chưa?
Ông Nguyễn Trọng Hiền - Phó Chủ tịch HĐQT: Việt Nam là một nước rất tiềm năng để đầu tư trong lĩnh vực năng lượng tái tạo. Dự thảo quy hoạch điện VIII, từ giờ tới 2030 sẽ ưu tiên nhiều cho phát triển năng lượng tái tạo.
Gelex đang quản lý, vận hành khoảng 260 MW. Tập đoàn cũng cần đối tác lớn hỗ trợ trong quá trình phát triển dự án, thực hiện đầu tư, quản lý và vận hành dự án.
Vì vậy, Gelex sẽ có chiến lược tái cơ cấu danh mục đầu tư năng lượng tái tạo bằng việc mời gọi tổ chức, định chế lớn để tối ưu nguồn vốn và có nguồn lực để theo đuổi các dự án lớn.
Đó là lý do Gelex muốn thoái vốn một phần để mời gọi các đối tác cùng song hành trên các dự án đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp kỹ năng, công nghệ và việc vận hành các nhà máy hiện hữu. Qua đó, Gelex cũng tối ưu được năng lực tài chính, chi phí vốn tốt hơn để có cơ hội tái đầu tư.
Về tiến độ, Gelex hiện nay đang trong quy trình làm việc với các định chế lớn. Phó Chủ tịch Gelex kỳ vọng sẽ có những bước tiến tốt trong năm 2023.
Các dự án đã hoàn thành có kịp hưởng giá FIT không? Năm nay, tập đoàn có nghiên cứu thêm dự án nào mới không?
Ông Lương Thanh Tùng - Phó Chủ tịch HĐQT: Các dự án điện gió của Gelex đã hoàn thành từ cuối năm 2021 và đều kịp thời gian hưởng ưu đãi. Về viện mở rộng thêm dự án thì công ty đã nghiên cứu thêm dự án năng lượng tái tạo từ cách đây 3-4 năm, tập đoàn đang phối hợp cùng các địa phương có dự án của Gelex nghiên cứu để xem xét trong quy hoạch điện VIII và quy hoạch của tỉnh.
Dưới góc độ nhà đầu tư thì giá trị cổ phiếu và mức chi trả cổ tức hàng năm tạo nên uy tín của doanh nghiệp. Hiện tại, giá trị cổ phiếu đã phản ánh đúng giá trị nội tại của doanh nghiệp chưa? Giải pháp của ban lãnh đạo để công chúng hiểu hơn về giá trị cổ phiếu GEX?
CEO Nguyễn Văn Tuấn: “Đây là câu hỏi tôi hỏi tôi hàng ngày, làm sao để tăng được giá trị của doanh nghiệp lên”.
Trong giai đoạn hiện nay, chúng tôi hoạch định, nhất là các ngành nghề kinh doanh chính sẽ tìm các đối tác chiến lược hàng đầu thế giới để hợp tác, đưa mình ra quốc tế. Thứ hai là tập trung làm thị trường nước ngoài, mở rộng thêm, tái cấu trúc, tinh gọn các mảng đầu tư không thể mở rộng và dùng đòn bẩy được nữa. Làm sao để tăng lợi nhuận, ROE, ROA lên.
Bản thân tôi cũng nhìn thấy giá trị cổ phiếu phản ánh chưa đúng giá trị doanh nghiệp, tài sản và công sức chưa đạt. Giai đoạn này, để đạt được không chỉ là truyền thông mà còn là nội tại của Gelex là các ngành nghề kinh doanh cốt lõi, chiến lược và đặc biệt là con người.
Tập đoàn sẽ quản trị xuyên suốt ở tài chính, nhân sự và kiểm toán nội bộ. Con người luôn luôn được đặt lên hàng đầu, thế hệ kế cận của Gelex là gì, đi dài được hay không là do thế hệ này. Khi chúng tôi đã quyết tâm là sẽ làm được, khởi đầu là hợp tác với Frasers với tỷ lệ 51% còn Gelex 49%.
Tại sao Frasers họ hợp tác cùng Gelex làm mảng này khi Gelex chỉ có đất, trong khi rất nhiều doanh nghiệp khác cũng có đất. Nhưng họ cần chúng tôi vì họ nhìn xa hơn khi biết đội ngũ của Gelex trẻ, năng động và có tầm nhìn.
Họ muốn tìm đối tác có đủ điều kiện để hợp tác, phát triển các tài sản của họ ngày càng to lên. Khi hợp tác chúng ta vẫn giữ được thương hiệu và hình ảnh của Việt Nam, không phải mua xong bán.
Kể cả mảng năng lượng tái tạo, chúng tôi tái cấu trúc lại chứ không phải xin giấy phép xong bán dự án. Chúng tôi đầu tư thiết bị tốt, chất lượng tốt và coi đó là dự án của chúng tôi. Khi tái cấu trúc, chúng tôi không phải chạy cơ chế để bán mà là phải bỏ công sức ra phát triển, đầu tư hoàn thiện. Nếu dự án không tốt thì chắc chắn không thể bán được".
Nói thêm về hình ảnh của Gelex, CEO Gelex nhận định đang được cải thiện rất tốt. "Trước đây chúng tôi cũng nghĩ đơn giản là mình làm tốt, làm thật nhưng đã xảy ra một số tin đồn thất thiệt. Càng đồn về chúng tôi nhiều mà không đúng thì chúng tôi càng tốt lên, qua các tin đồn thì chúng tôi càng mạnh. Về tuân thủ pháp luật cũng tốt hơn, thỉnh thoảng có tin đồn mình cũng phải xem lại mình đã quản trị tốt chưa".
CEO chia sẻ thêm: "Trong thời gian tới, hoạch định về chiến lược, vị thế, tầm nhìn cũng như về quản trị của Gelex, chúng tôi tin tưởng giá trị của doanh nghiệp sẽ tăng. Với cơ hội hợp tác với đối tác quốc tế và việc tái cấu trúc lại hệ thống (mảng nào không hiệu quả sẽ bán), Gelex sẽ tăng hiệu quả về ROA, ROE và dự kiến trả cổ tức cho các năm tiếp theo".
Kết thúc đại hội, toàn bộ tờ trình đều được thông qua.