|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Câu chuyện đăng ký thương hiệu ST25 ở nước ngoài tưởng mới mà cũ, hàng hiệu cũng từng đổ lệ

20:39 | 24/04/2021
Chia sẻ
Sự việc thương hiệu gạo ST25 của Việt Nam bị 4 doanh nghiệp nước ngoài đăng ký bảo hộ tại Mỹ mới đây đã nhắc lại cho các nhà sản xuất nước ngoài về câu chuyện bảo hộ thương hiệu.

Theo Cơ quan đăng ký sáng chế và nhãn hiệu Mỹ - United States Patent and Trademark Office (USPTO),  gạo ST25 của do kỹ sư Hồ Quang Cua (Việt Nam) sáng chế hiện đang được 4 doanh nghiệp nước ngoài đăng ký nhãn hiệu liên quan.

Câu chuyện đăng ký thương hiệu ST25 ở nước ngoài tưởng mới mà cũ, hàng hiệu cũng từng đổ lệ  - Ảnh 1.

4 doanh nghiệp nước ngoài đăng ký thương hiệu cho gạo ST25 tại Mỹ (Ảnh: chụp màn hình).

Có thể thấy, hầu hết doanh nghiệp trên đều đã đăng ký thương hiệu cho gạo ST25 vào năm 2020, ngay sau khi loại gạo của Việt Nam giành giải nhất cuộc thi gạo ngon nhất thế giới 2019 và "Á hậu" cuộc thi gạo ngon nhất thế giới vào năm 2020.

Tại Mỹ, việc đăng ký sáng chế là rất dễ dàng, ai nhanh chân hơn sẽ được đăng ký. Việc chậm chân trong việc đăng ký của "cha đẻ" giống gạo khiến bản quyền rơi vào tay các doanh nghiệp ngoại tại thị trường này.

Vụ việc của gạo ST25 không phải là lần đầu chúng ta chứng kiến thương hiệu Việt bị "đánh cắp" ở xứ người.

Câu chuyện đăng ký thương hiệu ST25 ở nước ngoài tưởng mới mà cũ, hàng hiệu cũng từng đổ lệ  - Ảnh 2.

Gạo ST25 (Ảnh: Điện máy XANH)

Doanh nghiệp nước ngoài đăng ký thương hiệu: Chuyện tưởng mới mà cũ

Vào tháng 7/2000, công ty cà phê Trung Nguyên tiến hành thương thảo với công ty Rice Field về việc đưa sản phẩm của Trung Nguyên sang thị trường Mỹ. Tuy nhiên, trong quá trình đàm phán, phía đối tác đã nhanh tay đăng ký bảo hộ thương hiệu với các cơ quan của Mỹ và tổ chức Bảo hộ Trí tuệ thế giới (WIPO).

Sự việc này đã khiến Trung Nguyên mất tới hai năm cùng hàng trăm nghìn USD để tiến hành kiện tụng, đòi lại thương hiệu. Đây được xem là sự kiện mất thương hiệu đầu tiên của công ty Việt Nam tại nước ngoài. Sau sự cố này, Trung Nguyên đã thực hiện đăng ký thương hiệu tại hơn 60 quốc gia trên toàn thế giới.

Được thành lập từ năm 1985 nhưng mãi đến năm 2001, thuốc lá Vinataba của Việt Nam mới quyết định đưa thương hiệu của mình ra nước ngoài. Tuy nhiên, ở thời điểm đó, công ty của Việt Nam phát hiện thương hiệu thuốc lá Vinataba đã được một công ty của Indonesia tên là Putra Satbat Industry đăng ký thương hiệu tại 13 nước bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và 9 nước ASEAN. Phía Việt Nam sau đó đã cố gắng giành lại thương hiệu nhưng mới chỉ thành công ở các nước láng giềng như Lào, Campuchia và Trung Quốc.

Câu chuyện của Trung Nguyên và Vinataba hay còn nhiều doanh nghiệp khác nữa của Việt Nam được xem là bài học về vấn đề bảo hộ thương hiệu và sở hữu trí tuệ. Một số doanh nghiệp lớn tuy đã ý thức được việc này nhưng mới chỉ ở phạm vi trong nước và tại nước ngoài còn đang hạn chế.

Hàng hiệu nước ngoài cũng phải khóc thầm, lệ đổ

Việc bị "đánh cắp" thương hiệu ở nước ngoài là không hề hiếm gặp. Trường hợp của hãng thời trang Supreme chính là một ví dụ điển hình nhất. Thương hiệu đến từ Mỹ này có giá trị hơn 1 tỷ USD và được giới thời trang săn lùng nhờ việc liên tục kết hợp với nhiều nhãn hàng hiệu nổi tiếng như Louis Vuiton, Timberland, Lacoste... 

Hiện đây là thương hiệu được làm giả và làm nhái nhiều nhất trên thế giới. Tuy nhiên, cay đắng hơn cả là Supreme lại rơi vào trường hợp "hàng nhái hợp pháp". 

Câu chuyện đăng ký thương hiệu ST25 ở nước ngoài tưởng mới mà cũ, hàng hiệu cũng từng đổ lệ  - Ảnh 3.

Là thương hiệu được nhiều người săn đón, dễ hiểu vì sao Supreme lại được làm nhái rất nhiều (Ảnh: NY Times)

Cụ thể, Supreme sau đó đã phát hiện thương hiệu của mình bị một công ty nước ngoài đăng ký tại Italy. Hãng thời trang đến từ Mỹ đã nhanh chóng kiện kẻ làm nhái nhưng phải mất tới 2 năm mới đòi lại được quyền sở hữu thương hiệu.

Nhưng, chưa dừng lại ở đó, nhờ việc nhanh tay hơn, công ty này đã đăng ký trước thương hiệu tại hàng loạt quốc gia châu Âu khác, dẫn tới cảnh Supreme phải đứng nhìn người khác ngang nhiên sử dụng và bán các sản phẩm in thương hiệu của mình mà chẳng thể làm gì hơn.

Vượng Phát