Tự doanh CTCK đang rót vốn lớn nhất vào loại tài sản tài chính nào?
Sau khi giảm trong quý II, quy mô danh mục tự doanh các công ty chứng khoán (CTCK) đã mở rộng trở lại. Xét 10 đơn vị nắm giữ danh mục lớn nhất, tổng giá trị thị trường cuối tháng 9 đạt gần 152.000 tỷ đồng, chiếm 63% toàn ngành. Sau ba tháng, giá trị cổ phiếu/chứng chỉ quỹ, trái phiếu, tiền gửi/chứng chỉ tiền gửi/khác đều gia tăng.
Lượng tiền gửi/chứng chỉ tiền gửi tăng 5% giá trị, tương đương tăng 3.000 tỷ đồng sau ba tháng, đạt 64.800 tỷ đồng (chiếm 42,7% giá trị tự doanh). Trong đó, Chứng khoán SSI và VPS gia tăng lần lượt 2.500 tỷ đồng và 2.800 tỷ đồng, ngược lại ACBS thu hẹp hơn 4.600 tỷ đồng.
Tuy vậy, các công ty chứng khoán có xu hướng hạ dần tỷ trọng đối với tiền gửi, từ mức 52% vào đầu năm, ngược lại gia tăng đối với trái phiếu và cổ phiếu.
Giá trị đầu tư trái phiếu tăng trưởng 5% trong quý III, tương đương tăng khoảng 3.000 tỷ đồng, lên 62.900 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 41,5% mảng tự doanh. Giá trị trái phiếu tăng tập trung tại MBS (gần 2.000 tỷ đồng), HSC (gần 3.100 tỷ đồng), VIX (gần 2.300 tỷ đồng), VNDirect (gần 2.400 tỷ đồng), ngược lại giảm mạnh ở TCBS (giảm 5.400 tỷ đồng).
Khoản cổ phiếu/chứng chỉ quỹ (không bao gồm cổ phiếu cho hoạt động phòng ngừa rủi ro của chứng quyền) tăng nhanh nhất với 23%, tương đương tăng 4.600 tỷ đồng lên 24.000 tỷ đồng cuối kỳ, chiếm 15,8%.
Đây là tỷ trọng cao nhất một năm của loại tài sản này. Tăng trưởng giá trị cổ phiếu đến chủ yếu từ Chứng khoán VIX (hơn 1.200 tỷ đồng), ACBS (gần 900 tỷ đồng), VNDirect (hơn 800 tỷ đồng).
Lựa chọn phân bổ bao nhiêu vào từng loại tài sản tài chính là chiến lược riêng, khẩu vị đầu tư của mỗi thành viên ngành chứng khoán. Điều này giúp các CTCK đa dạng hóa và giảm rủi ro trong danh mục.
Số đông các công ty vẫn chuộng phân bổ vào tài sản đầu tư có thu nhập cố định (fix-income) là trái phiếu và tiền gửi/chứng chỉ tiền gửi. Việc phân bổ tài sản nhiều vào chứng chỉ tiền gửi liên quan đến đảm bảo thanh khoản của CTCK đó.
Tại cuối tháng 9, hơn phân nửa tài sản tự doanh (không bao gồm cổ phiếu cho hoạt động phòng ngừa rủi ro của chứng quyền) của SSI, VPS, ACBS, MBS là tiền gửi/chứng chỉ tiền gửi. Trong đó, tỷ trọng cao nhất tại VPS (91%) và ACBS (67%). Xét về số tuyệt đối, SSI (công ty mẹ) vẫn dẫn đầu với gần 25.800 tỷ đồng, tăng 2.500 tỷ đồng so với cuối quý II.
Tự doanh VNDirect hiện nắm giữ 44% là tiền gửi (12.800 tỷ đồng), thấp hơn đôi chút so với trái phiếu (hơn 13.100 tỷ đồng, chiếm 45%). Danh mục trái phiếu của VNDirect bao gồm 2.112 tỷ đồng niêm yết và 11.017 tỷ đồng chưa niêm yết.
Những đơn vị cũng có khẩu vị đầu tư nhiều trái phiếu kể đến HSC, VPBankS, TCBS (cùng bằng 77%). Trong khi HSC tăng tỷ trọng trái phiếu, hai đơn vị còn lại đã thu hẹp loại tài sản này. Đáng kể nhất là TCBS, khi giảm hơn 5.400 tỷ đồng so với quý II, tương đương giảm 31%. TCBS đồng thời rời khỏi vị trí dẫn đầu về trị giá đầu tư trái phiếu, về thứ ba sau SSI và VNDirect.
Mặt khác, tự doanh Chứng khoán VIX và SHS rót nhiều nhất vào cổ phiếu/ccq, với tỷ lệ lần lượt 70% và 56%.
Giá trị đầu tư cổ phiếu của SHS gần như đi ngang sau một quý, song tỷ trọng đã thu hẹp từ 70% về 56%. Báo cáo tài chính quý III nêu một số khoản đầu tư lớn như FRT, FPT, MWG, VPB, SHB, TCD. Trong đó, các khoản đầu tư FRT, FPT, SHB đang gấp khoảng hai lần so với giá gốc, ngược VPB và TCD đang tạm lỗ.
VIX ghi nhận giá trị cổ phiếu, chứng chỉ quỹ, ủy thác đầu tư cuối kỳ hơn 6.500 tỷ đồng, tăng 23% sau ba tháng, tương đương tăng hơn 1.200 tỷ đồng. Danh mục chủ yếu là cổ phiếu niêm yết.
Như đã đề cập, trong hoạt động tự doanh, các công ty sẽ thực hiện các chiến lược đầu tư khác nhau để tối đa hóa lợi nhuận và giảm thiểu rủi ro do có nhiều lợi thế về khả năng phân tích thị trường. Giá trị của các sản phẩm chứng khoán có thể biến động theo thời gian và đôi khi khó lường trước, đặc biệt là cổ phiếu. Những biến động giá có thể ảnh hưởng đáng kể đến lợi nhuận và giá trị của danh mục đầu tư.