|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Danh mục tự doanh gần 10 tỷ USD của các CTCK đang phân bổ vào đâu?

07:40 | 24/10/2024
Chia sẻ
Giá trị tự doanh ngành chứng khoán đã tăng lên trên 242.000 tỷ đồng tại cuối tháng 9. Đa số các công ty ghi nhận FVTPL chiếm tỷ trọng lớn nhất cơ cấu mảng tự doanh, ngoại trừ TCBS, MBS, ACBS...

Chiếm tỷ trọng một phần trong cơ cấu doanh thu các công ty chứng khoán (CTCK) là tự doanh. Đây là hoạt động mà các CTCK mua và bán chứng khoán, nhằm thu lợi nhuận trên thị trường.

Mảng tự doanh bao gồm tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL), các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (HTM) và các tài sản tài chính sẵn sàng để bán (AFS). Trong đó, phần lãi FVTPL và HTM ghi nhận vào kết quả kinh doanh còn lãi AFS hạch toán vào vốn chủ sở hữu nên không ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh hàng quý. Tuy nhiên, khoản mục này giúp các CTCK điều tiết lợi nhuận từ việc chuyển các khoản đầu tư từ AFS sang FVTPL.

Về HTM, đây phần lớn là các khoản lãi suất cố định như các khoản tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn, cho vay lấy lãi, công cụ thị trường tiền tệ...

Biến động giá trị tự doanh 77 CTCK. (Nguồn: Xuân Nghĩa tổng hợp từ BCTC).

Theo thống kê của người viết, tổng giá trị tài sản tự doanh của 77 CTCK tại thời điểm cuối tháng 9 đạt xấp xỉ 242.400 tỷ đồng (khoảng 9,7 tỷ USD), tăng 10% so với cuối năm 2023 và tăng 2% so với cuối quý II.

Top 10 đơn vị có khoản tự doanh lớn nhất chiếm hơn 151.600 tỷ đồng, tương đương 63% giá trị tự doanh toàn ngành. Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HSC - Mã: HCM) và Chứng khoán MB (Mã: MBS) đã lọt vào top 10, thay thế Chứng khoán Vietcap (Mã: VCI) và Chứng khoán Vietcombank (VCBS).

 (Nguồn: X.N tổng hợp từ BCTC).

Phần lớn danh mục tự doanh của các CTCK đều gồm các tài sản ít hoặc không biến động như trái phiếu, chứng chỉ tiền gửi, công cụ thị trường tiền tệ, tiền gửi ngân hàng; trong khi đó, phần cổ phiếu thường không chiếm tỷ lệ lớn. Về cơ cấu giữa ba loại tài sản FVTPL, HTM và AFS, đa số các đơn vị ghi nhận giá trị lớn nhất tại FVTPL.

Chứng khoán SSI (Mã: SSI) tiếp tục dẫn đầu về giá trị đầu tư. Báo cáo tài chính riêng quý III ghi nhận danh mục trị giá hơn 41.000 tỷ đồng (không kể cổ phiếu cho hoạt động phòng ngừa rủi ro của chứng quyền). Con số này cao hơn 6% so với thời điểm cuối tháng 6 tại báo cáo riêng bán niên, và thấp hơn 5% nếu so với tại báo cáo hợp nhất bán niên.

87% danh mục SSI phân bổ vào FVTPL, còn lại 12% vào HTM và AFS nhỉnh hơn 1%. Tại FVTPL, ông lớn này nắm giữ hơn 1.809 tỷ đồng cổ phiếu (VPB, HPG, TCB, VHM...), 12.890 tỷ đồng trái phiếu và 20.918 tỷ đồng chứng chỉ tiền gửi.

Thuyết minh FVTPL cuối tháng 9 của công ty mẹ SSI. (Nguồn: BCTC riêng quý III của SSI).

Chứng khoán VNDirect (Mã: VND) xếp thứ hai với hơn 29.100 tỷ đồng tự doanh (không kể cổ phiếu cho hoạt động phòng ngừa rủi ro của chứng quyền). Con số này tăng đáng kể 29% (khoảng 2.900 tỷ đồng) so với cuối tháng 6, chủ yếu từ giá trị trái phiếu tăng 22%.

VNDirect cũng phân bổ chủ yếu vào FVTPL, với tỷ trọng 84%, bên cạnh đó là HTM chiếm 16%. FVTPL có giá trị thị trường 24.356 tỷ đồng cuối kỳ, bao gồm 3.279 tỷ đồng cổ phiếu và chứng chỉ quỹ, 13.129 tỷ đồng trái phiếu, 7.949 tỷ đồng chứng chỉ tiền gửi. 

Cũng phân bổ tỷ trọng lớn vào FVTPL còn có VPBankS, VIX, SHS hay HSC. Toàn bộ mảng tự doanh của HSC là FVTPL, với giá trị gần 8.200 tỷ đồng, trong đó, phần lớn là trái phiếu với hơn 5.300 tỷ đồng. VIX gần như chỉ ghi nhận tài sản tự doanh tại FVTPL (tỷ trọng 99,9%), với gần 40% danh mục là cổ phiếu.

Trong khi đó, nhiều đơn vị tập trung phân bổ vốn vào HTM, kể đến VPS, ACBS hay MBS.

Vào quý trước, ACBS phát sinh 824 tỷ đồng đầu tư trái phiếu. Đáng kể hơn, công ty đã gấp đôi khoản HTM lên 10.230 tỷ đồng tại cuối kỳ. Theo đó, tổng giá trị danh mục tự doanh của ACBS vươn một mạch lên 12.482 tỷ đồng, giữ thứ 5 toàn thị trường.

Tuy nhiên, trị giá danh mục ACBS đã thu hẹp về dưới 7.800 tỷ đồng tại cuối tháng 9, lùi về thứ 9 toàn ngành. Trong đó, HTM chiếm 67% và FVTPL chiếm 33%.

MBS lọt vào top 10 tự doanh ở vị trí cuối bảng xếp hạng, với danh mục trị giá hơn 7.700 tỷ đồng. Kết quả này đến từ khoản HTM (hiện chiếm một nửa danh mục) tăng khoảng 1.000 tỷ đồng sau ba tháng. HTM của MBS bao gồm chứng chỉ tiền gửi và giấy tờ có giá khác.

Khác với đa số, TCBS phân bổ danh mục chủ yếu vào AFS, với tỷ trọng 87%, còn lại 13% tại HTM. Giá trị danh mục giảm 25% sau một quý, về mức 15.500 tỷ đồng, đến từ thu hẹp 28% AFS. Danh mục AFS đang nắm giữ chủ yếu (hơn 12.000 tỷ đồng) là trái phiếu.

Cơ cấu giữa ba loại tài sản FVTPL, HTM và AFS có sự chuyển dịch sau quý III. Xét 10 CTCK có tự doanh lớn nhất nêu trên, tỷ trọng các tài sản tại cuối tháng 9 ghi nhận lần lượt hơn 69%, HTM 19% và AFS 12%. Tỷ trọng FVTPL có xu hướng tăng lên, đến từ việc tăng đầu tư vào khoản mục này của các một số công ty như VNDirect, HSC; đồng thời một số trường hợp thu hẹp HTM, AFS như tại ACBS, TCBS. 

(Nguồn: X.N tổng hợp từ BCTC quý III).


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Xuân Nghĩa