Trước khi liên tiếp áp các lệnh hạn chế, xuất khẩu gạo Ấn Độ ra sao?
Liên tiếp các lệnh hạn chế xuất khẩu gạo được ban hành
Kể từ giữa tháng 7 tới nay, Ấn Độ áp một loạt biện pháp nhằm hạn chế nguồn cung gạo ra thế giới trong bối cảnh nước này đối diện với giá gạo nội địa tăng cao. Theo đó, giá gạo bán lẻ trung bình của Ấn Độ tăng từ 37,5 Rupee/kg (tương đương khoảng 11.000 đồng/kg) hồi tháng 1 lên 41 Rupee/kg(tương đương 12.000 đồng/kg) vào cuối tháng 7. Con số này tiếp tục tăng lên 42 Rupee/kg tính đến ngày 27/8 dù nước này đã áp loạt chính sách hạn chế xuất khẩu.
Trước đó, hồi tháng 9/2022, Ấn Độ từng cấm xuất khẩu gạo tấm. Trong năm nay, nước này bắt đầu có động thái đầu tiên vào 20/7 khi cấm xuất khẩu phi basmati (non-basmati).
Đến ngày 25/8, nước này tiếp tục tuyên bố áp thuế xuất khẩu 20% đối với gạo đồ, dự kiến kéo dài đến ngày 15/10/2023. Chưa dừng lại ở đó, chỉ 2 ngày sau, Ấn Độ ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo basmati giá dưới 1.200 USD/tấn. Lệnh cấm này nhằm ngăn chặn khả năng vận chuyển “bất hợp pháp” gạo phi basmati trắng dưới vỏ bọc gạo basmati cao cấp.
Theo dữ liệu từ trong Thai Rice Exporter, gạo basmati 2% tấm của Ấn Độ hiện đủ điều kiện để xuất khẩu theo lệnh cấm này, có giá 1.550 USD/tấn. Đây là loại gạo xuất khẩu phân khúc cao cấp của Ấn Độ, cạnh tranh trực tiếp với gạo Jasmine (Việt Nam, giá 748 - 752 USD/tấn), ST25 (Việt Nam, 1.000 USD/tấn), gạo Hommali 100% (Thái Lan 926 USD/tấn)…
Gạo basmati của Ấn Độ xuất khẩu nhiều sang thị trường Trung Đông, trong đó, 3 nước Arab Saudi, Iran và Iraq chiếm tỷ trọng lớn nhất lần lượt là 22%, 17,2% và 13%.
Xuất khẩu nhiều loại gạo tăng mạnh trước khi lệnh hạn chế được ban hành
Số liệu Hải quan Ấn Độ cho thấy trước khi áp dụng loạt biện pháp hạn chế nguồn cung, xuất khẩu gạo nước này trong nửa đầu năm 2023 giảm nhẹ 1,4% xuống 11,2 triệu tấn, chủ yếu do xuất khẩu tấm bị cấm từ năm ngoái. Đây cũng là loại gạo duy nhất ghi nhận lượng gạo xuất khẩu giảm mạnh 69,2% xuống 0,8 triệu tấn, chủ yếu theo hợp đồng với chính phủ các nước.
Trong nỗ lực đảm bảo an ninh lương thực, Ấn Độ đã đồng ý hợp tác với các Chính phủ khác và cho phép các ngoại lệ đối với lệnh cấm. Do đó, ngay cả sau khi Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo tấm, Ấn Độ vẫn tiếp tục xuất khẩu loại gạo này nhưng với khối lượng thấp hơn.
Tuy nhiên, xuất khẩu mặt hàng gạo khác ghi nhận xu hướng tăng trưởng mạnh trong bối cảnh nhu cầu thế giới cao do lo ngại đứt gãy chuỗi cung ứng lương thực do ảnh hưởng bởi căng thẳng Nga - Ukraine và hiệu ứng thời tiết cực đoan El Nino.
Điển hình như xuất khẩu gạo phi basmati trong nửa đầu năm 2023 tăng tới 31% lên 3,4 triệu tấn. Đây đồng thời là loại gạo có khối lượng xuất khẩu lớn thứ hai sau gạo đồ, chiếm tỷ trọng 30%, tăng so với con số 23% của cùng kỳ.
Kim ngạch xuất khẩu loại gạo này cũng tăng 31% lên 1,7 triệu tấn. Đây cũng là một trong những điều mà Ấn Độ lo ngại khiến nước này ra quyết định cấm xuất khẩu gạo phi basmati từ ngày 20/7 nhằm ổn định nguồn cung trong nước, từ đó hạ nhiệt giá gạo bán lẻ.
Ngoài ra, tỷ trọng gạo đồ và gạo basmati cũng tăng so với cùng kỳ năm ngoái trong khi gạo tấm thu hẹp từ 27% của năm ngoái xuống còn khoảng 7%.
Giá gạo xuất khẩu trung bình của Ấn Độ tăng 10% lên 532 USD/tấn. Trong đó, giá xuất khẩu của gạo basmati, gạo tấm và gạo đồ có mức tăng lớn nhất 9 - 10%.
Ấn Độ chiếm khoảng 40% xuất khẩu gạo toàn cầu, đến hơn 140 quốc gia. Do lệnh cấm này, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo xuất khẩu gạo của Ấn Độ sẽ giảm từ 22,5 triệu tấn xuống 20,5 triệu tấn trong năm 2023 và 19 triệu tấn năm 2024. Các thị trường xuất khẩu gạo non-basmati lớn nhất là Kenya, Benin, Togo, Mozambique và Việt Nam. Nhiều người mua hàng đầu, đặc biệt là các quốc gia châu Phi, không tự cung tự cấp được lúa gạo và phải dựa vào nguồn cung gạo dồi dào với mức chi phí thấp từ Ấn Độ.
USDA cho rằng nhiều quốc gia có khả năng chuyển sang các nhà cung cấp lớn khác, bao gồm cả Việt Nam và Thái Lan, để đáp ứng nhu cầu trong nước. Tuy nhiên, nguồn cung có thể xuất khẩu từ Việt Nam và Thái Lan bị hạn chế do cả hai nước sản xuất gạo ít hơn nhiều so với Ấn Độ.
Tính tới đầu tháng 8, tồn kho gạo của Ấn Độ cao gấp 3 lần so với mục tiêu chính phủ đặt ra. Cộng với mùa sản xuất mới chuẩn bị cung ứng hàng ra thị trường vào tháng 10, thặng dư nguồn cung gạo làm dấy lên hy vọng rằng Chính phủ Ấn Độ sẽ nới lỏng lệnh cấm xuất khẩu gần đây.