|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Tránh những cú ngược dòng không đáng có

12:08 | 19/03/2024
Chia sẻ
Những cú lội ngược dòng trong thời điểm tăng trưởng đi xuống như việc cắt giảm lãi suất năm 2023 là hợp lý và quyết đoán. Nhưng việc thúc ép tăng trưởng tín dụng bằng mọi giá trong khi tăng trưởng đang dần lấy lại đà thì có thể tạo ra tác dụng ngược.

Việt Nam là một trong những nền kinh tế đầu tiên cắt giảm lãi suất. Việc cắt giảm lãi suất trong khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và các ngân hàng trung ương khác vẫn duy trì lãi suất cao là quyết sách ngược dòng quyết đoán và kịp thời của NHNN góp phần ổn định tỷ giá, kiềm chế lạm phát và tạo đà cho tăng trưởng. Đây là cú lội ngược dòng tích cực và cần phải làm.

Tuy nhiên gần đây có những cú ngược dòng kém tích cực hơn. Trong khi các nền kinh tế trong khu vực như  Thái Lan, Indonesia, và Philippines tỷ giá giữa nội tệ và USD đi xuống, thì tỷ giá giữa VND và USD lại ngược dòng tăng mạnh. Trong vòng một tháng từ 12/2 đến 12/3, tỷ giá Thái/USD sụt 1,4%, Peso/USD giảm 0,93%, tỷ giá Rupee/USD giảm 0,87%. Duy nhất tỷ giá VND/USD tăng 0,53%.   

Xét trên nhiều khía cạnh thì khó lý giải tại sao tỷ giá lại tăng mạnh như vậy. Về phía trong nước, thương mại Việt Nam thặng dư nhiều hơn Thái Lan, Philippines trong tháng 2/2024. Cho dù FDI tăng chậm hơn Thái Lan, Indonesia, và Malaysia, dòng vốn FDI vào Việt Nam vẫn tăng trong tháng 2/2024. Cán cân thanh toán tổng thể (BOP) thặng dư năm 2023. Dự trữ ngoại hối ổn định.

Nhập khẩu tăng có thể gây sức ép lên tỷ giá. Nhưng thông thường nhu cầu ngoại tệ nhập khẩu thường được mua kỳ hạn vì vậy mức độ tác động cũng khó gây sức ép đột ngột. Ngoài ra, tháng 2 vẫn thặng dư thương mại nên khó nói là do nhập khẩu là nguyên nhân.

Càng khó có thể nói là Việt Nam phá giá đồng nội tệ để tăng tính cạnh tranh của xuất khẩu, vì hệ lụy của việc phá giá lên lạm phát, dòng vốn, và sự ổn định hệ thống là không nhỏ, chưa kể đến rủi ro bị đưa vào danh sách thao túng tiền tệ. Về bên ngoài, cũng khó có thể quy nguyên nhân cho tỷ giá USD/VND tăng do USD lên giá vì từ ngày 11/2 – 13/3 chỉ số USD Index giảm từ 104 về 102. 

Có lẽ lý do duy nhất là biến động của thị trường vàng đã lan sang thị trường ngoại hối. Từ năm 2023 đến nay, thị trường vàng trong nước có những lúc diễn biến trái chiều với thị trường vàng thế giới vì thế khó có thể quy nguyên nhân tăng giá đột biến của thị trường vàng trong nước là do giá vàng thế giới tăng.

Trong tháng 4 đến tháng 5/2023, khi giá vàng thế giới phá đỉnh 2.000 USD/ounce ngày 30/3/2023 và giữ mức trên 2.000 USD suốt cho đến 15/5/2023, thì giá vàng SJC duy trì mức ổn định 67 triệu/lượng trong cùng thời gian.

Sau đó giá vàng thế giới trồi sụt ở mức 1.800 – 1.900 và phá đỉnh 2.000 vào tháng 10/2023. Cùng thời điểm, giá vàng trong nước phá ngưỡng 70 triệu đồng. Với sự can thiệp của kịp thời, giá vàng trong nước đã hạ nhiệt xuống dưới 70 triệu đồng trong tháng 11/2023. Tuy nhiên, kể từ tháng 12 đến nay, giá vàng trong nước liên tục tăng và phá đỉnh 80 triệu đồng tháng 3/2024. 

Một sự kiện trùng hợp với sự gia tăng đột biến của giá vàng là sự gia tăng đột biến của tín dụng. Trong vòng 20 ngày tháng 12/2023, gần 600 nghìn tỷ đồng tín dụng được bơm ra thị trường, tăng 4,5% so với tháng 11/2023 và gần bằng 1/3 tổng mức dư nợ tín dụng của cả năm 2023.

Đáng chú ý là vào thời điểm tín dụng tăng đột biến thì sản xuất lại đình trệ. Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 12/2023 chỉ tăng 0,1% so với tháng trước và tăng 5,8% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn rất nhiều so với cùng kỳ năm 2022 và chỉ số quản trị mua hàng (PMI) liên tục thấp hơn 50 từ tháng 9 đến tháng 12/2023.

Việc bơm một lượng tín dụng lớn trong một thời gian ngắn cũng có thể là nguyên nhân làm đồng Việt Nam sụt giảm giá trị gây sức ép lên tỷ giá, và tạo bong bóng các tài sản khác như vàng và bất động sản khi sản xuất chưa thật sự phục hồi.

Thực tế dường như cho thấy điều này là đúng vì sau tín dụng tăng đột biến tháng 12/2023, tỷ giá liên tục tăng từ tháng 1/2024 cho đến nay, thị trường vàng liên tục lập kỷ lục, và thậm chí một số phân khúc của thị trường bất động sản cũng tăng đột biến như nhà chung cư và nhà trong ngõ, cho dù thị trường bất động sản vẫn còn trầm lắng.

Bình tĩnh trong phản ứng chính sách và nâng cao trách nhiệm cá nhân

Quý I/2024 cho thấy sự ổn định và phục hồi dần xuất hiện. Xuất nhập khẩu bắt đầu tăng trưởng lại. Chỉ số PMI lên mức 50 cho thấy sản xuất bắt đầu phục hồi. FDI tăng lại dù chậm và vẫn đứng sau một số nước trong khu vực. Lạm phát vẫn được kiểm soát. Khả năng tăng trưởng GDP 6% năm 2024 có thể đạt được. Trong dự báo mới nhất vào tháng 1/2024, IMF đã nâng tăng trưởng toàn cầu lên mức 3,1%, cao hơn 0,2% so với dự báo hồi tháng 10/2023.

Trong bối cảnh tăng trưởng trong nước đang lấy lại dần đã phục hồi, Việt Nam cần hết sức tránh những cú lội “ngược dòng” không cần thiết.

Những cú lội ngược dòng trong thời điểm tăng trưởng đi xuống như việc cắt giảm lãi suất năm 2023 là hợp lý và quyết đoán. Nhưng việc thúc ép tăng trưởng tín dụng bằng mọi giá trong khi tăng trưởng đang dần lấy lại đà thì sẽ có tác dụng ngược lại.

Trong tình hình hiện nay, một số chính sách mà Việt Nam có thể cân nhắc như sau:

Thứ nhất, cần thiết lập lại sự “bình tĩnh” trong phản ứng chính sách. Không nhất thiết cứ chỗ nào nóng là phải có chính sách ứng phó. Vào thời điểm khi Fed đang chưa tìm được lối ra cho chính sách tiền tệ, và trong nước động lực phục hồi còn đang mỏng manh, thì dòng vốn và thị trường sẽ hết sức nhạy cảm và có xu hướng chạy theo tin và thậm chí “bói tin”.

Bất cứ động thái chính sách nào cũng sẽ gây xáo trộn tâm lý ở mức tiêu cực không đáng có. Vì vậy, thay vì để chính sách chạy theo tin tức, thì nên định hướng chính sách bằng những phân tích và dự báo trung và dài hạn.

Thứ hai, tránh đặt quá nhiều trọng trách và gánh nặng lên hệ thống ngân hàng. Hiện nay, hầu như toàn bộ trọng tâm dường như tập trung vào ngân hàng trong việc bình ổn tỷ giá, kiềm chế lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng bằng hạ lãi suất cho vay và tăng trưởng tín dụng, ưu tiên tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên, hỗ trợ thực hiện nhà ở xã hội, thực hiện gói lãi suất cho vay ưu đãi 2%, tiếp tục giãn hoãn và cơ cấu lại nợ... 

Nợ xấu nội bảng ngân hàng năm 2023 đã tăng lên 4,5% tổng dư nợ tín dụng, hơn gấp đôi 2,03% của năm 2022. Tỷ lệ tín dụng ở mức 133% GDP, mức cao kỷ lục và tăng rủi ro về kỳ hạn thanh toán và an ninh hệ thống. 

Thứ ba, tăng cường hơn nữa các chính sách tài khóa. Các biện pháp tài khóa của Việt Nam vừa không đủ về lượng cũng như chậm trễ về mức độ thực thi. Trong thời gian COVID-19, tổng giá trị các biện pháp tài khóa của Việt Nam là 2,8% trên GDP so với Thái Lan là 18% và Philippines là 5,1%. 

Trong khi mức độ an toàn tài khóa của Việt Nam là cao hơn các nước khác. Nợ công của Việt Nam là 37% GDP thấp hơn nhiều so với mức trần 60%, nợ chính phủ là 34%, thấp hơn nhiều so với mức mục tiêu 50% và nghĩa vụ trả nợ 19-20% tổng thu ngân sách nhà nước, nằm trong ngưỡng 25% đề ra.  

Những con số tích cực về quản lý tài khóa và nợ công sẽ là thành tích trong điều kiện kinh tế tăng trưởng bình thường và ổn định. Tuy nhiên, những con số này không có ý nghĩa nhiều, thậm chí có tác dụng ngược lại, nếu đặt trong bối cảnh tăng trưởng chưa phục hồi, thất nghiệp cao, doanh nghiệp phá sản nhiều, thị trường tài chính còn nhiều rủi ro.

Việc cắt giảm thuế và phí cũng không đủ mạnh. Thuế VAT chỉ cắt giảm nhỏ giọt 6 tháng một lần và ở mức khiêm tốn là 2%, nhưng không phải với hết tất cả các mặt hàng. Thủ tục để hoàn thuế thì phức tạp khiến một số doanh nghiệp cũng không muốn được cắt giảm.

Nhìn chung, có thể thấy chính sách tài khóa đã không hỗ trợ nhiều cho chính sách tiền tệ và gần như để gánh nặng đè lên chính sách tiền tệ quá nhiều. Trong khi nợ xấu ngân hàng tăng gấp đôi, thì nợ công và nợ chính phủ lại chỉ ở mức rất thấp so với chỉ tiêu đặt ra, gần như cho thấy sự chia sẻ gánh nặng là rất ít. Đây là một nghịch lý cần được giải quyết để tăng cường hơn nữa vài trò của chính sách tài khóa.

Cuối cùng, giảm thiểu thủ tục hành chính vẫn là vấn đề cốt lõi. Hầu hết các doanh nghiệp điều có nhận xét chung là chi phí do thủ tục hành chính gây ra còn cao hơn cả lãi suất ngân hàng. Thậm chí, với lãi suất cao, nhưng nếu chi phí hành chính được rút ngắn thì doanh nghiệp vẫn chấp nhận.

Thủ tục để phê duyệt dự án từ khâu chuẩn bị dự án đến thực hiện có thể kéo dài hàng năm. Trở ngại lớn nhất với phát triển kinh tế Việt Nam chính là "sợi dây trói" hành chính. Để tháo bỏ sợi dây trói này, đã đến lúc phải thay câu thường gặp “giao cho các cơ quan chức năng nghiên cứu, và trình cấp có thẩm quyền xem xét phê duyệt” bằng câu “tôi là người chịu trách nhiệm và tôi quyết định”.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Cường