|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Nhiều doanh nghiệp cao su báo lãi giảm mạnh quý III

11:21 | 11/11/2023
Chia sẻ
Trong khi giá cao su thế giới tăng mạnh, thì giá mủ trong nước giao dịch khá trầm lắng vì sức tiêu thụ cả nội địa lẫn xuất khẩu đều kém. Đây là nguyên nhân khiến kết quả nhiều doanh nghiệp sản xuất cao su sụt giảm mạnh.

Theo Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cao su của Việt Nam đạt 1,42 triệu tấn, trị giá 1,89 tỷ USD, tăng 1,6% về lượng nhưng giảm 17,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Về giá xuất khẩu, giá xuất khẩu bình quân các chủng loại cao su đều giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2022.

Một chuyên gia phân tích cho biết giá cao su nguyên liệu của Việt Nam vẫn “lặng sóng” dù thị trường thế giới tăng mạnh là vì hoạt động tiêu thụ vẫn yếu. Bên cạnh đó, giá cao su xuất khẩu liên tục giảm sâu tác động đến giá nguyên liệu trong nước.

9 tháng đầu năm, Trung Quốc tiếp tục là thị trường xuất khẩu chính, với tỷ trọng chiếm trên 99% về lượng và về giá trong tổng hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp xuất khẩu của cả nước. Con số này cao hơn nhiều so với 74% của năm 2022 - cũng là mốc cao kỷ lục trong vòng 5 năm trở lại đây.

Lý giải nguyên nhân dẫn đến hiện tượng cao su của Việt Nam gần như chỉ xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Hiệp hội Cao su Việt Nam cho rằng do giá xuất khẩu cao su của Việt Nam trong năm 2022 và ba quý của năm 2023 đều thấp nhất trong số các đối thủ xuất khẩu cao su. Với lợi thế giá thành rẻ cùng nguồn cung cao su dồi dào, các đối tác Trung Quốc luôn thích mua cao su sơ chế từ Việt Nam.

Nguồn: Tổng cục Hải quan.

Doanh nghiệp lao đao quý III

Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (Mã: GVR) cho biết quý III, giá bán các loại mủ cao su sụt giảm so với cùng kỳ, trong khi giá cả nhiều mặt hàng đầu vào tăng mạnh làm lợi nhuận gộp thu hẹp từ 27% cùng kỳ về 19,9% quý này. Bên cạnh đó, kết quả kinh doanh của các công ty liên doanh liên kết thua lỗ khiến lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ (lợi nhuận ròng) giảm 63%. Đây cũng là quý có lãi ròng thấp nhất kể từ quý I/2020 của tập đoàn.

Trong nguồn thu 6.195 tỷ đồng quý III, mảng sản xuất và kinh doanh mủ cao su đóng góp 78%, tương đương 4.822 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, mảng chế biến gỗ chiếm 9% doanh thu, mảng bất động sản cơ sở hạ tầng đóng góp 5%, còn lại là các mảng khác.

Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo tài chính của công ty. 

Hồi ĐHĐCĐ thường niên diễn ra giữa tháng 6, lãnh đạo GVR cho biết năm nay doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn. Trong đó, giá bán mủ cao su (nguồn thu chính của công ty) liên tục suy giảm và khó tiêu thụ. 

Khối công nghiệp cao su hoạt động khó khăn và không có khả năng tăng trưởng do giới hạn về công suất thiết kế, chịu sự cạnh tranh lớn từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Gỗ, sản phẩm từ gỗ cao su tuy đem lại nguồn thu/lợi nhuận khá lớn cho các công ty cao su khi thực hiện thanh lý vườn cây và các công ty chế biến gỗ trong GVR. Tuy nhiên dự báo lĩnh vực này sẽ tiếp tục khó khăn do ảnh hưởng tiêu cực bởi thị trường bất động sản trong nước và suy thoái kinh tế của các nước lớn.

Hơn nữa, chi phí đầu vào của doanh nghiệp như tiền thuê đất, chi phí nhiên liệu, năng lượng, tiền lương,…liên tục tăng. Chính vì vậy, GVR dự báo nhu cầu, giá bán chưa có dấu hiệu tích cực trong ngắn hạn.

Kế đến, CTCP Cao su Đồng Phú (Mã: DPR) cũng ghi nhận doanh thu và lợi nhuận ròng giảm sút, lần lượt 16% và 56% do giá vốn hàng bán tăng mạnh. Tương tự, lợi nhuận ròng của Cao su Phước Hòa (Mã: PHR) cũng đi xuống, nhưng chỉ giảm 0,3% so với cùng kỳ nhờ có thêm doanh thu từ hoạt động tài chính và lãi trong công ty liên doanh liên kết (Khu công nghiệp Nam Tân Uyên).

Trong nhóm doanh nghiệp được thống kê, Cao su Sông Bé (Mã: SBR) lỗ ròng hơn 4,3 tỷ đồng do giá cao su hạ nhiệt, trong khi cùng kỳ lãi 1,2 tỷ. Dù vậy mức lỗ này đã giảm so với quý II/2023. 

Chiều ngược lại, các công ty cao su có lãi ròng tăng trưởng hai đến ba chữ số là Cao su Thống Nhất (Mã: TNC), Cao su Hòa Bình (Mã: HRC), Cao su Tân Biên (Mã: RTB) và Cao su Bà Rịa (Mã: BRR).

Trong đó, Cao su Bà Rịa ghi nhận lợi nhuận ròng tăng trưởng 271% so với cùng kỳ lên gần 48 tỷ đồng nhờ sản lượng tiêu thụ cao su tăng 27% trong khi giá bán cao su giảm 17% về 33.468.612 đồng/tấn và có thêm lợi nhuận được chia từ cổ tức. Đây cũng là mức tăng trưởng cao nhất trong nhóm doanh nghiệp cao su được thống kê trong quý III.

Nguồn: Tổng hợp từ Wichart.

Nguồn: Tổng hợp từ Wichart.

Giá cao su quý IV sẽ về đâu?

Với hơn 99% là xuất sang Trung Quốc, việc xuất khẩu cao su của Việt Nam gần như là "bỏ trứng vào một giỏ", đồng nghĩa phải chờ đợi sự phục hồi tiêu thụ của đất nước tỷ dân.

Trao đổi với VnEconomy, ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Trung tâm Tin tức Hàng hóa Việt Nam nhận định: “Trung Quốc đóng vai trò quan trọng trên "bản đồ” thương mại cao su thế giới, đặc biệt nhu cầu nhập khẩu trong thời gian tới rất lớn. Dự báo nhu cầu cao su của Trung Quốc sẽ tăng trong những tháng cuối năm, do đó giá cao su thế giới từ nay đến cuối năm có thể hướng tới vùng giá 1.700 - 1.800 USD/tấn nếu kinh tế Trung Quốc và ngành công nghiệp sản xuất ô tô của nước này đạt mức kỳ vọng”.

Ở diễn biến khác, khoảng thời gian từ giữa tháng 9 đến giữa tháng 1 hàng năm là mùa sản xuất cao su tự nhiên cao điểm trên toàn cầu. Nguồn cung dồi dào trong mùa này từng gây áp lực lên giá hàng năm. Điều đáng ngạc nhiên là, trái ngược hoàn toàn với quy luật thông thường, trong năm nay nguồn cung thế giới không có dấu hiệu tăng theo mùa, thông tin từ Tạp chí Cao su Việt Nam.

Một số yếu tố đang khiến sản lượng ở mức thấp, đặc biệt là ở Thái Lan, nước sản xuất và xuất khẩu cao su tự nhiên lớn nhất thế giới. Yếu tố mưa nhiều, thời tiết thay đổi liên tục, song song đó là bệnh rụng lá đốm tròn đã  ảnh hưởng đến vùng trồng cao su trọng điểm của xứ chùa vàng. Sản lượng cao su tự nhiên của Thái Lan trong cả năm 2023 dự kiến sẽ giảm 6%.

Tại Indonesia, quốc gia sản xuất và xuất khẩu cao su tự nhiên lớn thứ hai, sản lượng trong năm nay dự kiến sẽ tiếp tục giảm 13%  Còn sản lượng ở Malaysia dự kiến sẽ giảm 10,4%. Tất nhiên, các yếu tố ảnh hưởng đến sản lượng cao su tự nhiên ở các quốc gia khác nhau là khác nhau.

Theo chuyên gia, nếu mùa cao điểm khai thác cao su thông thường không tạo ra thặng dư, thì các công ty sản xuất sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt cao su tự nhiên trầm trọng trong mùa sản xuất kém. Tình trạng như vậy có thể sẻ xảy ra vào năm 2024. Do đó chuyên gia khuyến nghị cần thiết phải theo dõi chặt chẽ xu hướng sản xuất ở hai quốc gia sản xuất cao su lớn nhất (Thái Lan và Indonesia) và xem lượng thặng dư được tạo ra trên toàn cầu khi mùa cao điểm kết thúc vào giữa tháng 1.

Minh Hằng