|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Người Trung Quốc từng nuôi dưỡng tình yêu với đàn piano, giờ tại sao phải gác lại giấc mơ?

18:53 | 03/03/2024
Chia sẻ
Từng là biểu tượng của sự giàu có và địa vị xã hội, đàn piano dường như đang mất dần sức ảnh hưởng tại Trung Quốc, đặc biệt là trong các hộ gia đình trung lưu.

Rosie, hiện đang sống tại thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc), không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải ngừng các buổi học piano hàng tuần của cô con gái 7 tuổi.

Thu nhập của cô bị ảnh hưởng khi đại dịch làm gián đoạn hoạt động du lịch quốc tế, trong khi tiền lương của người chồng làm ngân hàng đã giảm một nửa trong hai năm qua khi chính phủ tăng cường kiểm soát ngành tài chính.

“Học chơi paino rất tốn kém. Mà bây giờ tình hình kinh tế lại đang rất tệ. Tôi nên phòng hờ cho tình huống xấu, vậy nên cần phải chắt chiu hơn”, Rosie chia sẻ với tờ Bloomberg.

Từng là biểu tượng của sự giàu có và địa vị xã hội, đàn piano dường như đang mất dần sức ảnh hưởng tại Trung Quốc, đặc biệt là trong các hộ gia đình trung lưu.

Một trong những nhà sản xuất piano lớn nhất Trung Quốc cảnh báo rằng doanh số bán hàng đang giảm hai chữ số. Theo Hiệp hội Nhạc cụ Trung Quốc (CMIA), tổng sản lượng piano trong nước đã tụt xuống còn 190.000 vào năm ngoái, chỉ bằng một nửa sản lượng trung bình 4 năm trước.

Nguyên nhân chính khiến piano mất đi vị thế vốn có là tình hình tài chính của người Trung Quốc. Trong bối cảnh tăng trưởng GDP chững lại, bất động sản mất giá và chứng khoán lao dốc, thu nhập cũng như tài sản của họ đã thu hẹp đáng kể.

Ba yếu tố trên khiến nhiều hộ gia đình phải giảm các khoản mua sắm lớn không cần thiết. Bloomberg nhận định các nhà lập pháp Trung Quốc có thể sẽ cân nhắc về vấn đề này tại cuộc họp thường niên vào tuần tới.

Công nhân tinh chỉnh đàn piano tại một nhà máy ở Nghi Xương, Trung Quốc. (Ảnh: Shutterstock).

Tình yêu bắt đầu từ đâu?

Tình yêu của người Trung Quốc với đàn piano đã có từ vài thập kỷ trước.

Trong Cách mạng Văn hoá những năm 1960, piano bị lên án là biểu tượng của giai cấp tư sản. Song, nhờ quá trình cải cách kinh tế và mở cửa đất nước, piano đã trở thành một mặt hàng xa xỉ vừa phải mà tầng lớp trung lưu có thể tiếp cận được.

Nhạc cụ này càng trở nên phổ biến khi Trung Quốc bắt đầu khuyến khích trẻ em học nhạc, dẫn đến mối tương quan chặt chẽ giữa việc chơi piano và thành công trên con đường học vấn.

Trong vài thập kỷ qua, những học sinh có chứng chỉ nâng cao về piano cổ điển thường được cộng điểm khi tham gia các kỳ thi tuyển sinh đại học vốn có tính cạnh tranh cao.

Bước sang thế kỷ 21, đàn piano - và mối liên hệ của nó với sự giàu có của tầng lớp trung lưu - lại càng trở nên phổ biến ở đất nước tỷ dân.

Ông Fang Baili, giáo sư tại Nhạc viện Thượng Hải, ước tính vào năm 2021 rằng Trung Quốc có khoảng 60 triệu người học piano - nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác.

Sự quan tâm của người dân Trung Quốc cũng thu hút sự chú ý của một số nhà sản xuất piano nổi tiếng bậc nhất thế giới.

Trong cuộc phỏng vấn với China Daily vào năm 2020, CEO Ron Losby của cây đại thụ Steinway & Sons từng nói: “Trung Quốc là thị trường lớn nhất của chúng tôi và cũng là một trong những nơi có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trên toàn thế giới”.

Theo CMIA, sản lượng đàn piano trong nước cũng mở rộng không kém. Tổng sản lượng hàng năm liên tục vượt mốc 300.000 chiếc ít nhất là trong giai đoạn 2003 - 2019.

Nghệ sĩ piano gốc Bắc Kinh Yuja Wang biểu diễn tại Carnegie Hall ở New York vào năm 2021. (Ảnh: Getty Images).

Nguyên nhân khiến piano thất thế

Chủ tịch CMIA là ông Wang Shi Cheng cho biết mối quan tâm của người Trung Quốc với đàn piano sụt giảm mạnh như bây giờ là do người tiêu dùng muốn hạn chế mua những món hàng không thiết yếu.

Chiến lược giảm giá sâu của các nhà sản xuất là chưa đủ để thu hút khách hàng tiềm năng. Một số cây đàn piano tại một showroom mà Bloomberg ghé thăm vào đầu tháng 2 đã giảm 30%, nhưng cửa hàng vẫn vắng khách.

“Tôi chưa từng thấy giá piano tụt sâu như vậy trong hơn 10 năm làm việc trong ngành”, một nhân viên bán hàng họ Tang chia sẻ. Ông Tang nói doanh số năm ngoái còn tệ hơn cả trong đại dịch.

Pearl River Piano và Hailun Piano - hai công ty chiếm khoảng một nửa tổng sản lượng piano của Trung Quốc - đều đưa ra lời cảnh báo về lợi nhuận.

Pearl River dự đoán lợi nhuận ròng của mình sẽ gần như bị xoá sạch vào năm ngoái. Công ty nhà nước này dự kiến sẽ công bố báo cáo tài chính vào đầu tháng 3.

Trong khi đó, Hailun dự đoán họ sẽ lỗ ròng tới 80 triệu nhân dân tệ (khoảng 11,1 triệu USD) vào năm 2023, trái ngược với khoản lãi ròng hơn 8 triệu nhân dân tệ vào năm 2022.

 

Thị trường việc làm ảm đạm và khủng hoảng bất động sản đang đè nặng lên tầng lớp trung lưu Trung Quốc.

So với các quốc gia khác, bất động sản chiếm tỷ trọng lớn hơn trong giá trị tài sản ròng của người Trung Quốc. Vì lẽ đó, Bloomberg Economics ước tính nếu giá nhà giảm 5% thì tài sản ròng của người Trung Quốc sẽ mất 19.000 tỷ nhân dân tệ.

Bà Alicia Garcia Herrero, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương của ngân hàng Natixis, cho hay: “Các hộ gia đình Trung Quốc biết tài sản của họ bị ảnh hưởng tiêu cực khi giá nhà giảm, vì vậy điều này tất nhiên sẽ ảnh hưởng đến tâm lý chung”.

Theo một cuộc khảo sát do Alipay và Đại học Kinh tế Tài chính Tây Nam thực hiện, một thước đo về tài sản và thu nhập của người dân Trung Quốc đã đi xuống trong ba tháng cuối năm 2023.

Cuộc thăm dò cũng cho thấy, tỷ lệ các hộ gia đình dự đoán triển vọng kinh tế năm tới sẽ xấu đi đã tăng từ khoảng 13% trong quý I lên gần 22% vào quý IV.

Chiến lược gia Xing Zhaopeng của ANZ Banking nhấn mạnh: “Cũng giống các hàng hoá lâu bền khác như ô tô và đồ gia dụng, doanh số bán đàn piano cũng bị ảnh hưởng bởi kỳ vọng về thu nhập và tài sản”.

Lucy Cheng đã chi khoảng 13.000 USD để mua một cây đàn piano Yamaha mới và cho con trai đi học nhạc trong ba năm qua. Giờ đây, cô nói: “Thật là lãng phí thời gian và tiền bạc”.

Cô Cheng ước tính mình đã bỏ ra tương đương 28 - 53 USD mỗi tuần để con học đàn nhưng đứa trẻ không nhiệt tình hoặc không có năng khiếu mấy. Sau khi lương của chồng cô, nhân viên một công ty công nghệ, bị cắt giảm vào năm ngoái, việc bỏ chơi piano là lựa chọn hiển nhiên.

Giáo viên dạy piano ở Trung Quốc cũng cảm nhận được sự thoái lui của các bậc phụ huynh. Cô Liu Tingting cho biết mình từng dạy tới 12 lớp vào mỗi thứ Bảy trước khi đại dịch xuất hiện. Con số này giảm xuống còn 4 lớp vào năm ngoái.

Cô Liu nhận thấy các phụ huynh đang có xu hướng đăng ký các khoá học ngắn hơn và một số sẽ không tiếp tục theo học sau khi khoá học kết thúc.

Một số chuyên gia khác nhận thấy xu hướng nhân khẩu học của Trung Quốc cũng có tác động xấu đến thế hệ nghệ sĩ piano tiếp theo. Tỷ lệ sinh của Trung Quốc đã giảm trong 7 năm liên tiếp.

 

Áp lực học tập cũng là một yếu tố khác khiến Rosie phải cân nhắc. “Con gái tôi cần phải dành nhiều thời gian cho các môn học trên trường”, Rosie cho hay.

“Nếu tôi muốn con tham gia một hoặc hai hoạt động ngoại khoá thì tôi sẽ chọn một môn thể thao nào đó, thứ mà con tôi thực sự đam mê”, vị phụ huynh nói thêm.

Song, theo Bloomberg thì các gia đình Trung Quốc có thể đã từ bỏ đàn piano nhưng sự yêu thích của họ với loại nhạc cụ này vẫn chưa bị dập tắt hoàn toàn.

Nghệ sĩ từng thắng giải Grammy Yuja Wang đã biểu diễn ở các thành phố lớn của Trung Quốc vào năm ngoái. Các buổi diễn đều cháy vé, lượng khán giả đến rất đông.

CMIA dự kiến sản lượng piano hàng năm của Trung Quốc sẽ ổn định ở mức 200.000 đến 250.000 trong những năm tới.

Yên Khê

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.