Doanh nghiệp dược trở lại đường đua
Trong khảo sát của Vietnam Report, triển vọng tăng trưởng của ngành dược năm 2022 cho tín hiệu tích cực hơn so với năm 2021 khi 62,5% các chuyên gia và doanh nghiệp được khảo sát kỳ vọng năm 2022 sẽ khả quan hơn, trong khi 12,5% dự đoán sẽ tăng trưởng mạnh mẽ.
Dịch COVID-19 được kiểm soát tạo đà tăng trưởng cho kênh ETC
Theo Phú Hưng Securities, kênh ETC (kênh bán thuốc qua bệnh viện, bác sĩ) chiếm khoảng 70% thị phần ngành dược, là động lực tăng trưởng chính của ngành, dự báo đạt 5,75 tỷ USD vào năm 2025.
Hiện nay, tỷ lệ bao phủ vắc xin cao khiến người cao tuổi sẽ tự tin đến bệnh viện thường xuyên hơn đồng thời công suất bệnh viện sẽ được dành nhiều hơn để điều trị các bệnh khác khi áp lực COVID - 19 lên hệ thống chăm sóc sức khỏe giảm bớt. Điều này sẽ thúc đẩy tiêu thụ thuốc ETC.
Các bệnh viện cũng cho biết một lượng lớn người dân được chẩn đoán có vấn đề về sức khỏe liên quan đến di chứng tim, phổi, rối loạn tâm thần sau khi nhiễm COVID-19 và nhiều bệnh viện đã tiến hành lập khoa điều trị riêng cho các đối tượng này, tạo nhu cầu cho kênh thuốc kê đơn.
Hơn thế nữa, việc Chính phủ hướng đến tự cung cấp thuốc kháng COVID vào năm 2022 tạo lợi thế cho các doanh nghiệp sản xuất thuốc trong nước mà đáp ứng tiêu chuẩn EU-GMP, Japan-GMP, như Dược Hậu Giang (DHG), Imexpharm (IMP), Dược Bình Định (DBD).
Về kênh thuốc OTC (thuốc bán kênh nhà thuốc), nhu cầu sử dụng về vitamin và các sản phẩm hỗ trợ miễn dịch khi COVID-19 trở nên phổ biến là động lực trăng trưởng cho kênh này.
Theo Fitch Solutions, thuốc OTC sẽ đạt 1,8 tỷ USD vào năm 2025, chiếm 23,4% tổng doanh thu dược phẩm và đến năm 2030, doanh thu bán thuốc không kê đơn sẽ là 2,4 tỷ USD.
Các công ty niêm yết có tỷ trọng doanh thu từ thuốc OTC cao như Dược Hậu Giang (DHG) và Traphaco (TRA), sẽ được hưởng lợi từ tiềm năng của thuốc trên kênh OTC. Tuy nhiên, nhiều công ty đang thực hiện thay đổi chiến lược để thâm nhập sâu hơn vào kênh ETC vì sự phát triển của thuốc kê đơn sẽ làm xói mòn thị phần của thuốc không kê đơn trên thị trường dược phẩm trong tương lai.
9/11 doanh nghiệp dược thống kê có lợi nhuận tăng trưởng quý I
Trước bối cảnh nhu cầu chăm sóc sức khỏe cũng như phòng chống dịch bệnh tăng cao, bức tranh kết quả kinh doanh quý vừa qua của các doanh nghiệp ngành dược tương đối khả quan khi phần lớn các doanh nghiệp đều thông báo tăng trưởng cả về doanh thu và lợi nhuận.
Riêng Vimedimex (VMD) có doanh thu quý I cao nhất nhưng trái lại, lợi nhuận của doanh nghiệp này lại thấp nhất. Doanh thu thuần quý này giảm hơn 51% dẫn đến lợi nhuận giảm 98% xuống còn 0,2 tỷ đồng. Doanh nghiệp không lý giải nguyên dân dẫn đến sự sụt giảm đột biến về doanh thu trong bối cảnh toàn ngành đang tăng trưởng.
Điểm sáng trong kết quả kinh doanh thuộc về Dược Hậu Giang (DHG) khi doanh nghiệp giữ ngôi vị á quân về doanh thu quý I và cũng là doanh nghiệp có lợi nhuận cao nhất. Doanh thu tăng 4,6% nhưng lợi nhuận tăng 25% nhờ biên lợi nhuận gộp được cải thiện.
Doang nghiệp cho biết, trong quý này, hoạt động bán hàng ngày càng hiệu quả và nhu cầu tiêu thụ thuốc tăng cao trong tình hình dịch bệnh, đặc biệt là các sản phẩm dinh dưỡng và sản phẩm điều trị COVID-19 giúp lợi nhuận tăng trưởng.
Ngoài ra, các doanh nghiệp khác như Imexpharm (IMP), Traphaco (TRA), Dược Cửu Long (DCL), Dược phẩm OPC (OPC),… đều ghi nhận xu thế tăng trưởng tương tự.
Bên cạnh đó, Dược Hà Tây (DHT) có xu hướng doanh thu và lợi nhuận trái ngược nhau khi doanh thu tăng 7,4% tuy nhiên lợi nhuận giảm 9,1%. Nguyên nhân là do biên lợi nhuận gộp bị thu hẹp từ 10,4% xuống còn 9,4%.
SSI Research cho biết sang năm 2022, các chuyên gia kỳ vọng nhu cầu chăm sóc sức khỏe sẽ phục hồi và tăng trưởng 13% so với 2021. Do đó, tình hình kinh doanh của ngành dược dự kiến sẽ tiếp tục khởi sắc trong các quý còn lại của năm.