Năm lên sàn của các startup: Hàng loạt thương vụ IPO lịch sử, định giá 'không tưởng'
Đây là một năm bùng nổ của IPO khi có 980 doanh nghiệp thực hiện niêm yết cổ phiếu trên sàn, nhiều gấp đôi năm 2020. Chính điều này đã đem lại những tín hiệu tích cực cho nền kinh tế toàn cầu.
Trong số 10 vụ IPO hàng đầu theo quy mô vào năm 2021, có một điểm chung rằng tất cả CEO đều là nam giới. Tính rộng ra, chỉ duy nhất ứng dụng hẹn hò Bumble có CEO nữ trong top 15 vụ IPO hàng đầu.
Dưới đây là top 10 thương vụ IPO hàng đầu thế giới tính theo quy mô, theo dữ liệu từ công ty phân tích tài chính Dealogic.
Rivian
Sự ra mắt của nhà sản xuất ô tô điện Rivian trên Phố Wall đã diễn ra đúng lúc. Khi thế giới đang hướng sự chú ý về xe điện nhằm cắt giảm khí thải, Rivian đã tận dụng để huy động hơn 13,7 tỷ USD, qua đó trở thành một trong những đợt IPO lớn nhất lịch sử Mỹ.
Rivian được thành lập vào năm 2009 bởi RJ Scaringe, bắt đầu bán xe vào năm 2021. Mục tiêu ban đầu của công ty là thị trường xe thể thao, nhưng sau đó đã chuyển hướng sang xe bán tải điện và xe SUV khi Scaringe nhận thấy sự thay đổi của ngành ô tô. Rivian đã ra mắt sản phẩm đầu tiên vào tháng 9, chiếc xe bán tải R1T chạy hoàn toàn bằng điện với giá bán lẻ là 67.500 USD.
Hiện gã khổng lồ Amazon là cổ đông lớn nhất của Rivian khi sở hữu 20% cổ phần. Bên cạnh đó, gã khổng lồ Ford cũng đang sở hữu 12% cổ phần. Đối thủ lớn nhất của Rivian hiện là gã khổng lồ Tesla của tỷ phú Elon Musk.
Kuaishou Technology
Kuaishou, đối thủ lớn nhất của nền tảng chia sẻ video ByteDance, đã huy động được 6,23 tỷ USD trong lần đầu ra mắt tại Hong Kong vào tháng 2. Đây là đợt IPO lớn nhất trong ngành công nghệ kể từ khi Uber huy động được hơn 8 tỷ USD vào năm 2019.
Cheng Yixiao đã thành lập Kuaishou vào năm 2011 như một công cụ để tạo ảnh GIF trên điện thoại thông minh. Sau đó, công ty đã chuyển hướng sang các video ngắn. Tháng 6, CEO khi đó là Su Hua tiết lộ Kuaishou đã có hơn một tỷ người dùng hoạt động hàng tháng.
Sau khi đạt mức định giá 160 tỷ USD sau khi IPO, các nhà đầu tư đã bị lo lắng khi chính phủ Trung Quốc thắt chặt các quy định nhằm ngăn chặn các nội dung không lành mạnh trên những nền tảng chia sẻ video. Tháng 8, Kuaishou thông báo họ đang ngừng kế hoạch mở rộng sang Mỹ và vào tháng 10, ông Hua đã chính thức rời vị trí CEO.
Coupang Inc.
Được mệnh danh là "Amazon Hàn Quốc", nền tảng thương mại điện tử Coupang đã huy động được 4,6 tỷ USD trong đợt IPO ở Phố Wall vào tháng 3. Công ty đã kết thúc ngày giao dịch đầu tiên với giá trị thị trường hơn 84 tỷ USD, trở thành công ty nước ngoài lớn nhất từng ra mắt tại Mỹ kể từ khi Alibaba niêm yết vào năm 2014.
Theo Financial Times, một số cái tên lớn đã đầu tư vào Coupang bao gồm SoftBank, BlackRock và Fidelity. Công ty có trụ sở tại Seoul được thành lập vào năm 2010 bởi Bom Kim, một sinh viên tốt nghiệp trường Kinh doanh Harvard. Chỉ trong 10 năm, Coupang đã phát triển thành nhà bán lẻ trực tuyến lớn nhất Hàn Quốc.
Dù vậy, kể từ khi IPO, mọi chuyện diễn ra không thuận lợi với công ty. Tháng 6, Coupang phải đối mặt với sự tẩy chay của người tiêu dùng sau sự cố hỏa hoạn. Công ty cũng phải đối mặt với các cuộc điều tra của cơ quan quản lý về cáo buộc thiên vị các thuật toán nhằm ủng hộ sản phẩm của công ty.
DiDi Global Inc.
Chỉ vài tuần trước khi ra mắt tại Phố Wall vào tháng 6, cơ quan quản lý thị trường Trung Quốc đã tiến hành một cuộc điều tra chống độc quyền đối với DiDi. Bất chấp lời đe dọa, DiDi đã tiếp tục huy động được 4,4 tỷ USD trên thị trường chứng khoán New York, qua đó đạt mức định giá 73 tỷ USD.
Tuy nhiên, chỉ vài ngày sau, các cơ quan quản lý đã mở một cuộc điều tra khác, lần này là về việc DiDi sử dụng dữ liệu cá nhân của khách hàng. Trong cuộc điều tra, ứng dụng đã bị cấm đăng ký người dùng mới. Giá cổ phiếu sau đó giảm mạnh và công ty buộc phải nói với các nhà đầu tư rằng họ không biết về kế hoạch của các cơ quan quản lý trước khi IPO.
Sau đó, DiDi lại bị giáng một đòn nữa, lần này là ở Mỹ Vào ngày 2/12, SEC đã hoàn thiện các quy tắc buộc các công ty nước ngoài niêm yết tại Mỹ có trách nhiệm hủy niêm yết nếu kiểm toán viên của họ không tuân thủ các yêu cầu cung cấp thông tin từ các cơ quan quản lý. Chỉ 6 ngày sau, DiDi thông báo sẽ hủy niêm yết tại NYSE và chuyển niêm yết sang Hong Kong. Kể từ khi ra mắt trên Phố Wall, giá cổ phiếu công ty đã giảm hơn 40%.
InPost S.A.
InPost S.A. là công ty của Ba Lan. Đây chính là vụ IPO lớn nhất Châu Âu kể từ năm 2018, với việc công ty huy động được 3,9 tỷ USD vào tháng 1 trên sàn giao dịch chứng khoán Amsterdam. Việc InPost S.A. IPO diễn ra trước dự kiến của công ty khi nhu cầu của các nhà đầu tư tăng cao.
Ra mắt vào năm 2006 và được mua lại bởi công ty cổ phần tư nhân Advent vào năm 2017, InPost cung cấp một giải pháp thay thế cho các dịch vụ chuyển phát nhanh thông thường. Việc giao hàng được gửi tới một trong những mạng lưới tủ khóa tự động rộng lớn của công ty, thứ mà InPost gọi là "máy chuyển bưu kiện tự động" cho phép khách hàng đến lấy hàng lúc rảnh rỗi bất cứ khi nào trong ngày.
Krafton Inc.
Nhà phát triển trò chơi trực tuyến Hàn Quốc Krafton đã ra mắt công chúng vào tháng 7, đánh dấu đợt IPO cao nhất Hàn Quốc năm 2021. Công ty đã huy động được 3,8 tỷ USD với đợt chào bán.
Doanh nhân Chang Byung-gyu thành lập Krafton vào năm 2007. Năm 2018, khoản đầu tư 500 triệu USD từ Tencent Holdings đã biến Krafton trở thành kỳ lân chỉ sau một đêm.
Bất chấp quy mô lớn như vậy, Krafton vẫn hoạt động kém hiệu quả sau đợt IPO. Đầu tiên, công ty đã bị cơ quan giám sát tài chính Hàn Quốc ra lệnh cắt giảm lượng chào bán hơn 870 triệu USD, trong bối cảnh lo ngại về khả năng xảy ra bong bóng trên thị trường chứng khoán.
Sau khi IPO, giá cổ phiếu của Krafton giảm xuống. Nguyên nhân chủ yếu là do lo ngại về việc công ty quá phụ thuộc vào tựa game đình đám PUBG để có doanh thu trong khi thị trường lớn nhất là Trung Quốc đang thắt chặt quy định trên thị trường game.
JD Logistics Inc.
Chuỗi cung ứng và phân phối giao hàng của tập đoàn thương mại điện tử Trung Quốc, JD.com, đã có màn ra mắt thành công tại Hong Kong, thu về 3,6 tỷ USD.
Được thành lập vào năm 2007 với tư cách là nhà cung cấp chuỗi cung ứng tích hợp, JD Logistics đã củng cố vị trí hàng đầu của công ty mẹ trên thị trường bán lẻ trực tuyến. JD Logistics phân phối 90% các gói hàng của JD.com trong thời gian ngắn và hiện đặt mục tiêu mở rộng năng lực sang bên thứ ba.
Trong khi nhà cung cấp dịch vụ logistics được hưởng lợi từ sự bùng nổ mua sắm trực tuyến sau dịch COVID-19, sự ra mắt trên thị trường chứng khoán của JD Logistics không đạt được kỳ vọng.
China Three Gorges Renewables Group
Tập đoàn là một chi nhánh năng lượng tái tạo của công ty điện nhà nước Trung Quốc, đã huy động được 3,5 tỷ USD trong lần ra mắt đầu tiên tại Thượng Hải vào tháng 5. Công ty mẹ, China Three Gorges Corp (CTG), là công ty thủy điện lớn nhất thế giới, nổi tiếng với đập thủy điện trên sông Dương Tử.
CTG cho biết tiền thu được từ đợt chào bán sẽ được sử dụng để giúp đầu tư cho các dự án điện gió ngoài khơi khi Bắc Kinh tìm kiếm các giải pháp thay thế cho điện than đắt đỏ.
GlobalFoundries Inc.
Nhà sản xuất chất bán dẫn GlobalFoundries ra mắt Phố Wall trong một hoàn cảnh đặc biệt: Công ty thiếu hụt sản phẩm trên toàn cầu. Chỉ vài ngày sau khi công ty huy động được 2,9 tỷ USD trong đợt IPO vào tháng 10, giám đốc điều hành Tom Caulfield nói với CNBC rằng năng lực chip của GlobalFoundries đã được bán hết cho đến cuối năm 2023.
GlobalFoundries, được tách ra từ Advanced Micro Devices vào năm 2009, đã báo cáo doanh thu tăng 13% trong nửa đầu năm do nhu cầu về chip tăng cao. Bất chấp các vấn đề về chuỗi cung ứng toàn cầu trở nên nghiêm trọng hơn do đại dịch, GlobalFoundries vẫn có được những hợp đồng lớn, một trong số đó là với hãng xe nổi tiếng BMW.
Volvo
Nhà sản xuất ô tô Volvo có trụ sở tại Thụy Điển đã IPO trên sàn giao dịch chứng khoán Stockholm vào tháng 10 sau một nỗ lực bị hoãn trước đó vào năm 2018. Mặc dù huy động được 2,7 tỷ USD, đợt IPO này vẫn nhỏ hơn so với quy mô dự đoán ban đầu
Việc kinh doanh xe điện chỉ chiếm 3% doanh số Volvo, trong khi nhu cầu cho mảng kinh doanh này ngày càng tăng có lẽ là nguyên nhân dẫn đến đợt IPO không đạt kỳ vọng. CEO Hakan Samuelsson nói rằng để tăng cường gọi vốn, Volvo cần đẩy mạnh phát triển xe điện.