Moca không còn là ‘gà cưng’ của Grab
Từ 1/11, hơn 30 triệu người dùng ví điện tử MoMo có thể thanh toán trên ứng dụng Grab khi đặt xe, mua đồ ăn, đi chợ online,… sau cú bắt tay chính thức của ví điện tử này với Grab Việt Nam.
Điều này cũng đồng nghĩa với việc người dùng Grab giờ đây có thêm một lựa chọn thanh toán số khác, bên cạnh ví điện tử Moca vốn được tích hợp vào ứng dụng từ năm 2018.
Sự kiện Grab tích hợp MoMo vào nền tảng đã gây chú ý bởi trong ngành fintech Việt Nam, hãng gọi xe công nghệ có trụ sở tại Singapore này vẫn luôn được cho là có mối quan hệ mật thiết với ví điện tử Moca.
Năm 2018 - thời điểm Grab đang rất mạnh tại thị trường Việt Nam, Công ty TNHH Grab và CTCP Công nghệ và Dịch vụ Moca đã bất ngờ công bố hợp tác chiến lược.
Mục tiêu của màn hợp tác này là thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trên nền tảng Grab tại Việt Nam, gồm thanh toán hoá đơn, nạp tiền điện thoại di động, thanh toán tại các cửa hàng bán lẻ,…
Từ sau thoả thuận đó, Moca gần như “độc quyền” trên Grab khi suốt một thời gian dài, đây là lựa chọn thanh toán trung gian duy nhất được chấp nhận trên nền tảng.
Thời điểm đó, để thanh toán không tiền mặt trên Grab, người dùng có hai cách: Một là kích hoạt ví Moca và hai là thanh toán trực tiếp bằng thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ quốc tế cũng thông qua dịch vụ cổng thanh toán của Moca.
Moca được thành lập từ năm 2013 bởi một nhóm cựu nhân sự cao cấp của Microsoft, Google và các chuyên gia hàng đầu trong ngành tài chính, ngân hàng tại Việt Nam. Từ sau năm 2018, Moca và Grab gắn bó rất chẽ với nhau, đặc biệt khi Grab mua lại 3,523% cổ phần Moca từ Access Ventures SPV, theo nguồn tin của DealstreetAsia.
Ngay sau hoàn tất thương vụ, hội đồng quản trị CTCP Công nghệ và Dịch vụ Moca đã bổ sung thêm ông Nguyễn Tuấn Anh và ông Lim Yen Hock thời điểm đó đang lần lượt giữ vị trí Chủ tịch và Giám đốc Công ty TNHH Grab Việt Nam.
Sau khi trở thành phương thức thanh toán trung gian duy nhất trên nền tảng, tổng giá trị thanh toán qua ví điện tử Moca trên Grab ghi nhận mức tăng trưởng lên tới 150% trong nửa đầu năm 2019, với số lượng người dùng tương tác hàng tháng tăng hơn 70%, theo dữ liệu từ Misa.
Nói thêm, một tháng trước khi hợp tác với Moca, Grab đã công bố liên doanh với Credit Saison - một trong những công ty tín dụng lớn nhất Nhật Bản. Sau thỏa thuận này là sự ra đời của công ty Grab Financial Services Asia.
Grab Financial Services Asia sau đó tung ra dịch vụ Grab Financial - hoạt động như một fintech trong hệ sinh thái của Grab, có chức năng cung cấp các dịch vụ thanh toán, phần thưởng và dịch vụ khách hàng thân thiết, và đặc biệt là dịch vụ tài chính.
Sau khi có thêm Moca, Grab nhanh chóng xây dựng hệ sinh dịch vụ tài chính cá nhân rộng khắp của mình, khai thác cơ sở khổng lồ dữ liệu khách hàng (người đi lại qua Grab, mua hàng hay vận chuyển qua GrabFood hay GrabExpress).
Tháng 11 cùng năm, Grab ra mắt chương trình hỗ trợ vay mua điện thoại trả góp không lãi suất dành cho các tài xế GrabBike. Grab sẽ trừ tiền trên ví ứng dụng của tài xế để thu nợ vay hàng tuần.
Hiện, thông qua ví trên ứng dụng Grab Driver, Grab triển khai chương trình “hỗ trợ tài chính” dành cho đối tác tài xế. Tham gia vào chương trình này, tài xế được mua điện thoại trước trả sau, trả góp 360 ngày; voucher mua trước trả sau hỗ mua trả góp phiếu mua hàngđiện máy, xe máy, đi chợ; vay tín chấp và vay mua ô tô.
Dù được hậu thuẫn bởi Grab - nền tảng có lượng người dùng đông đảo nhất tại Việt Nam, trong suốt nhiều năm liền, đồng thời cũng là một trong các ví điện tử đời đầu, song đến nay Moca chỉ chiếm thị phần rất nhỏ.
Báo cáo về thị trường ví điện tử năm 2022 của Vietdata cho thấy Moca chiếm 2% thị phần, xếp sau cả nền tảng “sinh sau đẻ muộn” là ViettelPay 8%. Hiện MoMo chiếm thị phần lớn nhất với 56%, kế đến là ShopeePay với 17%, ZaloPay 14%.
Ngày nay, nếu như MoMo và ZaloPay được dùng nhiều nhất để nạp tiền điện thoại, chuyển tiền và thanh toán hóa đơn định kỳ thì Moca được dùng chủ yếu cho nhu cầu thanh toán xe công nghệ và giao đồ ăn.
Ngoài xây dựng hệ sinh thái thanh toán di động cho toàn bộ hệ sinh thái của Grab, Moca còn hợp tác với Tiki nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm, thanh toán điện tử ngày càng tăng nhất là trong bối cảnh hiện nay.
Năm 2021, doanh thu Moca giảm 13% so với cùng kỳ, đạt 235 tỷ đồng. Tương tự ZaloPay, Moca liên tục “đốt tiền” trong những năm gần đây. Điều này khiến lợi nhuận sau thuế của Moca liên tục âm. Đến năm 2021, doanh nghiệp này báo lỗ gần 165 tỷ đồng.
Sau nhiều năm gắn bó với Moca, Grab đã trở nên cởi mở hơn trong mảng fintech, mở đầu bằng màn hợp tác với MoMo. Phía Grab cho biết hợp tác này cho phép siêu ứng dụng tiếp tục mở rộng các phương thức thanh toán không tiền mặt trên nền tảng nhằm tạo thuận lợi tối đa cho người dùng khi thanh toán dịch vụ Grab.
Hiện người dùng Grab có thể lựa chọn từ thanh toán bằng thẻ ngân hàng liên kết cho đến thanh toán bằng các ví điện tử được tích hợp trực tiếp trên ứng dụng.
Ông Alejandro Osorio, Giám đốc Điều hành Grab Việt Nam, chia sẻ: “Chúng tôi vui mừng chào đón MoMo tham gia vào hệ sinh thái siêu ứng dụng đa dịch vụ của Grab tại Việt Nam.
Sự hợp tác này sẽ mang đến cho người dùng Grab thêm một phương thức thanh toán không tiền mặt tiện lợi, an toàn, đồng thời giúp người dùng của MoMo tiếp cận với mạng lưới dịch vụ rộng khắp và danh mục các dịch vụ hằng ngày vô cùng đa dạng trên ứng dụng Grab”.