|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Khép lại năm 2023 đầy áp lực, điều hành chính sách tiền tệ 2024 liệu còn nhiều dư địa?

08:42 | 31/12/2023
Chia sẻ
Sau một năm 2023 nhiều áp lực trong điều hành, năm 2024 dự báo NHNN sẽ có dư địa để duy trì chính sách tiền tệ như hiện tại.

“Chính sách tiền tệ đi ngược chiều với Fed”, “Việt Nam - nền kinh tế đầu tiên ở Đông Nam Á nới lỏng chính sách tiền tệ, “chênh lệch lãi suất VND và USD nới rộng, gây áp lực lên tỷ giá” là những cụm từ được giới chuyên gia nhắc đi nhắc lại nhiều lần cũng như xuất hiện dày đặc trong báo cáo phân tích của các tổ chức trong 2023, cho thấy phần nào áp lực điều hành đè nặng lên Ngân hàng Nhà nước trong năm qua.

Nửa đầu năm chạy đua với thời gian để hạ lãi suất

Sau hai lần tăng lãi suất hồi tháng 9 và tháng 10/2022 trong bối cảnh  áp lực lạm phát toàn cầu ở mức cao và đồng USD lên giá mạnh, giữa tháng 3/2023, NHNN có quyết định hạ lãi suất lần đầu tiên. Khi đó, các ngân hàng trung ương lớn vẫn tiếp tục tiến trình thắt chặt chính sách tiền tệ, điều chỉnh tăng và neo giữ lãi suất ở mức cao.

Thời điểm đó NHNN cho biết giảm lãi suất điều hành là "bước đi quan trọng, định hướng cho xu hướng giảm lãi suất của thị trường trong thời gian tới". Thời điểm này mở đầu cho giai đoạn Việt Nam chuyển sang chính sách tiền tệ linh hoạt, hỗ trợ tăng trưởng.

Cuối tháng 3/2023, NHNN lần thứ hai hạ lãi suất điều hành dù cách đó ít ngày Fed đưa lãi suất tham chiếu lên mức cao nhất kể từ tháng 9/2007.

Lần hạ lãi suất thứ ba vào cuối tháng 5/2023, quyết định được đưa ra trong bối cảnh kinh tế, hoạt động của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.

 

Ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, cho biết kinh tế có dấu hiệu xấu đi từ cuối năm 2022, kéo dài sang đầu năm 2023, kết quả là tăng trưởng GDP quý I chỉ tăng 3,32%. Để đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5% năm nay, bình quân mỗi quý còn lại năm nay phải tăng khoảng 7,5%.

Những khó khăn trên thị trường tài chính, trái phiếu doanh nghiệp khiến doanh nghiệp khó tiếp cận và hầu như không huy động được vốn. Các động lực chính của tăng trưởng như xuất khẩu, đầu tư trực tiếp nước ngoài, nhất là sản xuất công nghiệp giảm, trên đà suy yếu. Doanh nghiệp khó khăn về dòng tiền, nhưng tiếp cận vốn vay cũng khó khăn, lãi suất cao.

Đến giữa tháng 6, NHNN lại thông báo điều chỉnh giảm thêm một loạt lãi suất điều hành, đánh dấu đợt giảm lần thứ 4 từ đầu năm 2023.

Với tổng mức cắt giảm 150 điểm cơ bản sau 4 lần hạ lãi suất, hiện lãi suất chiết khấu và lãi suất tái cấp vốn xuống lần lượt là 3% và 4,5%; trần lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng xuống mức 4,75%.

Lãi suất huy động của các NHTM giảm mạnh từ 200 – 300 điểm cơ bản  ở tất cả các kỳ hạn. Tính đến cuối năm 2023, hầu hết lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các NHTM đều ở dưới mức 6%; các NHTM lớn đều đưa lãi suất này về mức xấp xỉ 5% - 5,25%, thấp hơn cả giai đoạn COVID-19 (2020-2021).

4 lần hạ lãi suất, giới chuyên gia nhận định NHNN đã chạy đua với thời gian để giảm lãi suất trước khi tỷ giá biến động.

"Tỷ giá ổn định đến giữa tháng 8, lạm phát thấp so với mục tiêu là hai yếu tố đã hỗ trợ khá tốt cho Việt Nam trong việc duy trì nới lỏng tiền tệ, đi ngược với chính sách của toàn cầu”, ông Trần Ngọc Báu, CEO WiGroup, nói tại một sự kiện hồi tháng 9, đồng thời bày tỏ lo ngại nguy cơ gia tăng chênh lệch lãi suất hiện hành giữa thị trường trong nước và quốc tế, gây áp lực lên đồng nội tệ.

Lo ngại bóng ma tỷ giá 2022 lặp lại và NHNN bất ngờ phát hành tín phiếu

Giữa tháng 8, sau nửa năm bình ổn, tỷ giá bất ngờ tăng trở lại, có lúc giá USD vượt 24.000 đồng – cao nhất trong nhiều tháng. Diễn biến này dấy lên lo ngại kịch bản tỷ giá biến động mạnh như cuối năm 2022 lặp lại.

Song hành với diễn biến tăng nóng của tỷ giá, NHNN cũng có động thái đáng chú ý khi quay lại phát hành tín phiếu trên kênh thị trường mở hôm 21/9, sau khoảng 15 tuần im ắng. Việc này nhằm hút bớt tiền trên kênh liên ngân hàng, từ đó giảm chênh lệch lãi suất giữa VND và USD nhằm giảm áp lực tỷ giá trong bối cảnh chịu tác động lớn từ quốc tế.

Đến 9/11, NHNN đã dừng phát hành tín phiếu trong bối cảnh tỷ giá USD đã hạ nhiệt, USD suy yếu trên thị trường quốc tế.

Kể từ ngày 21/9 đến ngày 8/11 (35 phiên), NHNN đã phát hành hơn 360.000 tỷ đồng tín phiếu và ngày 6/12 là ngày đáo hạn của lô 5.000 tỷ tín phiếu cuối cùng.

Sau những phiên đầu hút ròng ở mức 10.000-20.000 tỷ đồng, từ cuối tháng 10, khối lượng bắt đầu giảm bớt. Từ đầu tháng 11 quy mô phát hành tín phiếu mỗi phiên giảm về dưới 10.000 tỷ đồng.

 

Fed phát tín hiệu hạ lãi suất, Việt Nam thêm thuận lợi

Tại cuộc họp chính sách cuối cùng của năm 2023, Fed đã phát tín hiệu sẽ hạ lãi suất ít nhất 3 lần vào năm 2024 (mỗi lần giả định 25 điểm cơ bản), sau đó thêm 4 lần vào năm 2025 và 3 lần khác vào năm 2026.

Chi phí đi vay liên ngân hàng tại Mỹ dự kiến sẽ giảm từ phạm vi hiện tại 5,25 - 5,5% xuống còn 2 - 2,25%, gần bằng với triển vọng lãi suất trong dài hạn.

Fed có thể đảo chiều chính sách là nhờ lạm phát đang lùi dần về mức mục tiêu 2%. Vào tháng 11, lạm phát tính theo PCEPI lõi (thước đo ưa thích của Fed) là 3,2%.

Động thái giảm lãi suất của Fed được kỳ vọng là điểm tựa cho không chỉ nền kinh tế Mỹ mà còn cả thế giới, đồng thời có thể mở đường cho làn sóng nới lỏng tiền tệ trên toàn cầu vào năm 2024.

 

Việc Fed được dự báo giảm lãi suất năm tới sẽ khiến USD kém hấp dẫn hơn. Sau khi Fed bất ngờ đưa ra lập trường nới lỏng trong phiên họp chính sách tháng 12, Dollar Index (DXY) - đo sức mạnh của đồng bạc xanh với 6 tiền tệ lớn trên thế giới - hôm 27/12 xuống 100,81 điểm - thấp nhất trong 5 tháng.

Hiện tại, DXY dao động quanh mốc này 100 – 101 điểm. Chỉ số này đang trên đà ghi nhận mức giảm 2,6% trong năm nay, chấm dứt chuỗi tăng mạnh 2 năm liên tiếp trước đó.

Diễn biến DXY 6 tháng gần đây. (Nguồn: Investing).

Với Việt Nam, khi USD yếu đi, áp lực tỷ giá sẽ không còn đáng lo ngại, NHNN sẽ có dư địa để duy trì chính sách tiền tệ như hiện tại. Hơn nữa lạm phát năm 2023 chỉ tăng 3,25%, đạt mục tiêu đề ra và dự báo năm 2024 có thể kiểm soát dưới 4,5%.  

Trong báo cáo vừa công bố, nhóm phân tích của Chứng khoán MB (MBS) nhận định năm 2024 chính sách tiền tệ toàn cầu bắt đầu nới lỏng, USD có xu hướng mất giá trên diện rộng và sẽ giảm áp lực lên tỷ giá trong nước.

MBS dự báo tỷ giá năm 2024 sẽ dao động trong vùng 23.800 –24.300 VND/USD và vẫn tiếp tục sẽ được hỗ trợ bởi các yếu tố bao gồm thặng dư thương mại, giải ngân FDI tích cực, lượng kiều hối ổn định, du lịch quốc tế hồi phục mạnh.

Các chuyên gia tại đây cũng dự báo lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các NHTM lớn sẽ có thể nhích thêm 25 – 50 điểm cơ bản, quay về mức 5.25% - 5.5% trong năm 2024.

 

Chứng khoán VNDirect cho rằng việc Fed ra tín hiệu sẽ bắt đầu nới lỏng chính sách trong năm tới tạo dư địa để NHNN hạ thêm lãi suất. Các chuyên viên phân tích dự báo NHNN sẽ cắt giảm lãi suất chính sách  0,5 điểm % vào năm 2024 trong trường hợp Fed cắt giảm lãi suất theo kế hoạch và tăng trưởng kinh tế của Việt Nam thấp hơn dự kiến.

Từ những giả định trên, VNDirect dự báo lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng sẽ duy trì ở mức thấp khoảng 5%/năm từ cuối 2023 đến cuối 2024. Đồng thời, lãi suất cho vay sẽ tiếp tục duy trì xu hướng giảm trong những tháng còn lại của năm nhờ chi phí vốn của các ngân hàng thương mại đi xuống nhanh chóng trong những tháng gần đây.        

 

Anh Đào