Hãng vận chuyển Việt dùng 200 robot thay con người
Hoạt động của robot tự hành trong kho hàng.
Tổ hợp công nghệ chia chọn thông minh được Viettel Post khai trương sáng 17/1, nằm trong kho hàng diện tích 32.000 mét vuông tại Quang Minh (Mê Linh, Hà Nội). Tổ hợp sử dụng ba hình thức vận chuyển và phân loại hàng hóa chính, gồm: robot tự hành chia chọn hàng hoá (robot AGV), hệ thống chia hàng lớn (Wheel Sorter Matrix) và hệ thống chia chọn dạng băng tải (Cross-belt Sorter).
Theo đại diện Viettel Post, đây là một trong những tổ hợp có mức tự động hóa cao nhất Việt Nam và là công ty logistics trong nước đầu tiên triển khai công nghệ robot tự hành.
Hơn 200 robot AGV hoạt động tại khu vực tầng 1 của tổ hợp. Chúng có khả năng phát hiện vị trí, tự tránh nhau trong quá trình di chuyển. Khi đến các cổng chia - tức vị trí của các bao tải nhận hàng sau khi phân loại, phần khay phía trên có thể lật nghiêng để đẩy hàng xuống.
Robot có kích thước không quá lớn, tối ưu trong việc vận chuyển các loại hàng hóa mỏng, nhẹ, hàng có hình dáng đặc biệt và được đánh giá thích hợp với hàng hóa trên sàn thương mại điện tử.
Theo công bố của đơn vị, robot này được trang bị tính năng sạc nhanh, với khả năng sạc 5 phút để di chuyển bốn tiếng. Khi điện áp giảm xuống mức nhất định, robot sẽ tự động di chuyển về khu vực sạc pin.
Một phương thức chia chọn hàng hóa khác là Cross-belt Sorter, sử dụng băng tải có điều khiển chủ động, công suất lớn. Phương thức này được Viettel Post sử dụng cho các kiện hàng có kích thước tiêu chuẩn, hoặc loại hàng hóa thanh toán khi nhận hàng (COD). Trong hình là một nhân viên có nhiệm vụ quét mã sản phẩm trước khi đưa lên băng chuyền.
Khi chạy đến một cổng chia phù hợp, băng tải sẽ xoay để kiện hàng rơi xuống đúng vị trí. Tại một dây chuyền, chỉ có 1-2 nhân sự phụ trách việc thay bao tải hàng sau khi đầy. Hãng cho biết hệ thống tự động hóa này đã giúp tối ưu 60% chi phí nhân sự.
Các bưu kiện sau khi phân loại sẽ được đưa ra các cổng xuất hàng, được phân chia theo khu vực và chạy trên băng chuyền vào các xe tải đợi sẵn. Tổ hợp hiện có hơn 40 cổng xuất, nhập hàng, với gần 1.200 cổng chia. Tổng công suất xử lý của hệ thống là 1,4 triệu bưu phẩm mỗi ngày.
Theo đại diện công ty, công suất này tăng 40% so với trước đây, giúp nâng mức chịu tải toàn hệ thống lên 4 triệu bưu phẩm mỗi ngày, tương đương đáp ứng 50% dung lượng thương mại điện tử tại Việt Nam. "Tỷ lệ sai sót của tổ hợp gần như bằng 0, giúp rút ngắn thời gian chuyển phát toàn trình từ 8 đến 10 tiếng, tăng 3,5 lần sản lượng", đại diện hãng vận chuyển cho biết.
Toàn bộ được giám sát vận hành bởi hệ thống NOC, có khả năng theo dõi hành trình của từng đơn hàng thời gian thực. Hệ thống sử dụng các công nghệ như Digital Twin, camera AI, với khả năng kiểm soát trạng thái của thiết bị, phát hiện và cảnh báo hành vi bất thường, giúp xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh.
Ngoài tổ hợp trên, hệ sinh thái logistics còn bao gồm phần mềm quản lý kho vận, hệ thống app/web, chuỗi giải pháp công nghệ chuyển phát giám sát trọng lượng, giám sát băng tải, khóa thông minh. Viettel Post cho biết tất cả đều được phát triển bởi các kỹ sư Việt, hoàn thiện trong hơn 6 tháng.
"Bên cạnh hạ tầng viễn thông và hạ tầng số, chúng tôi đang xây dựng hạ tầng logistics, góp phần đưa Việt Nam trở thành trung tâm logistics của khu vực và thế giới, tham gia thực hiện mục tiêu đến năm 2025, ngành logsitics sẽ đóng góp 5-6% vào GDP", ông Tào Đức Thắng, Chủ tịch kiểm Tổng giám đốc Viettel, nói.