|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Những loại vắc xin COVID-19 được chọn để tiêm chủng nhiều nhất trên thế giới

19:16 | 23/02/2021
Chia sẻ
Tính đến ngày 20/2, hơn 200 triệu liều vắc xin COVID-19 đã được tiêm tại ít nhất 107 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó có 9 loại vắc xin hàng đầu được lưu hành và triển khai trên diện rộng.

9 loại vắc xin COVID-19 hàng đầu thế giới

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tính đến ngày 19/2, thế giới hiện có 70 loại vắc xin COVID-19 đang được thử nghiệm lâm sàng, trong đó có 9 loại được lưu hành và triển khai trên diện rộng. 

Hàng loạt quốc gia tiêm chủng COVID-19, những loại vắc xin nào được dùng nhiều nhất? - Ảnh 1.

Vắc xin Corminaty do Pfizer/BioNTech phát triển là loại vắc xin COVID-19 đầu tiên được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phê duyệt sử dụng khẩn cấp. (Ảnh: Bloomberg).

Vắc xin của hãng Pfizer/BioNTech và Moderna 

Cụ thể, vắc xin có tên Corminaty do Pfizer/BioNTech (Mỹ/Đức) và mRNA-1273 do Moderna (Mỹ) phát triển dựa trên công nghệ mới mRNA là nhũng loại đều đã được cấp phép sử dụng có điều kiện tại Liên minh châu Âu (EU); được nhiều nước phê duyệt sử dụng khẩn cấp và đang chiếm ưu thế ở Bắc Mỹ, châu Âu, Israel và Vùng Vịnh, theo New York Times.

Corminaty với hiệu quả khoảng 95%, là loại vắc xin COVID-19 đầu tiên được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phê duyệt sử dụng khẩn cấp, trong khi mRNA-1273 đạt hiệu quả 94,5% trong các thử nghiệm lâm sàng.

Các loại vắc xin của Moderna và Pfizer/BioNTech được cho là vẫn có hiệu quả với biến thể virus SARS-CoV-2 mới ở Anh và Nam Phi. Tuy nhiên, khả năng bảo vệ của hai loại vắc xin trước biến thể ở Nam Phi có phần kém hơn do biến chủng này có thể lẩn tránh kháng thể trong máu.

Hiện các nhà sản xuất đang nghiên cứu, nâng cấp vắc xin để có thể phòng ngừa biến thể mới hiệu quả hơn.

Bloomberg cho biết Pfizer/BioNTech đã gửi dữ liệu nhiệt độ mới cho Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA), theo đó, vắc xin của hãng có thể được bảo quản ở -25 đến -15 độ C trong hai tuần, thay vì ở nhiệt độ từ -80ºC đến -60ºC như hiện nay. Nếu FDA phê duyệt thay đổi này, gánh nặng hậu cần sẽ được giảm bớt, dễ dàng phân phối vắc xin ở các nước có thu nhập thấp hơn.

Vắc xin của Oxford/AstraZeneca, Johnson & Johnson và Sputnik V của Nga

Ba loại vắc xin có tên AZD1222, Ad26.COV2.S và Sputnik V đều được phát triển dựa trên công nghệ vector.

AP cho biết AZD1222, hay Covishield do Oxford/AstraZeneca (Anh) phát triển, qua thử nghiệm lâm sàng có hiệu quả 62 - 90%, tùy thuộc vào liều sử dụng. AZD1222 đã được WHO phê duyệt sử dụng khẩn cấp; đồng thời cũng được phê duyệt sử dụng cho người trưởng thành tại châu ÂuAnh, Ấn Độ, Mexico và một số nước khác đang sử dụng khẩn cấp loại vắc xin này.

Oxford/AstraZeneca cũng đang tìm cách thiết kế lại vắc xin của mình để đối phó với các biến thể trong năm nay.

CNN dẫn tin, vắc xin Ad26.COV2.S sử dụng một mũi tiêm duy nhất và có thể bảo quản ở nhiệt độ lạnh bình thường của tập đoàn Johnson & Johnson (Mỹ), được công bố đạt hiệu quả 85% trong ngăn ngừa người nhiễm bệnh nhập viện và tử vong; hiện đang được Cơ quan Quản lý dược phẩm và thực phẩm của Mỹ (FDA) đánh giá. Nam Phi đang tiêm chủng COVID-19 bằng loại vắc xin này.

Với Sputnik V do viện nghiên cứu Gamaleya (Nga) sản xuất, loại này đang được triển khai tiêm đại trà ở Nga và Belarus, và nhiều quốc gia đặt mua. Thử nghiệm lâm sàng giai đoạn III cho thấy Sputnik V đạt hiệu quả 91%.

Vắc xin của Novavax 

Một loại khác dùng cơ chế protein dạng mảnh là vắc xin NVX-CoV2373 của hãng dược phẩm Novavax (Mỹ) phát triển, hiện đang trong thử nghiệm giai đoạn III và chưa được nước nào phê duyệt.

Vắc xin của Sinopharm, Sinovac và Bharat Biotech

Trung Quốc và Ấn Độ đang phát triển ba loại vắc xin dùng virus bất hoạt gồm BBIBP-CorV của Sinopharm, CoronaVac của Sinovac và Covaxin của Bharat Biotech. Các vắc xin loại này ổn định và an toàn hơn dù kích thích đáp ứng miễn dịch yếu hơn vắc xin chứa virus sống; và thường không yêu cầu bảo quản ở nhiệt độ lạnh, dễ dàng vận chuyển ở dạng đông khô, dễ tiếp cận người dân ở các nước đang phát triển.

BBIBP-CorV được cấp phép sử dụng ở Trung Quốc, Bahrain và Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất. Sinopharm cho biết BBIBP-CorV đạt hiệu quả 79,34%.

CoronaVac được phê chuẩn triển khai giới hạn ở Trung Quốc. Tuy nhiên, loại vắc xin này gây nhiều ngờ vực khi thử nghiệm lâm sàng ở Brazil cho thấy hiệu quả chỉ đạt hơn 50%, đây là mức tối thiểu để các cơ quan quản lý có thể cho phép triển khai tiêm chủng.

Covaxin đã được cấp phép sử dụng khẩn cấp tại Ấn Độ, dù chưa có kết quả thử nghiệm giai đoạn III và hiệu quả cũng chưa được xác định.

Hơn 200 triệu liều vắc xin COVID-19 đã được tiêm trên khắp thế giới

Theo thống kê của AFP, tính đến 17h ngày 20/2, đã có 201.042.149 liều vắc xin được tiêm tại ít nhất 107 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó nhóm các nước công nghiệp phát triển G7 chỉ chiếm 10% dân số thế giới, lại chiếm tới 45% tổng số mũi tiêm. 

Theo một tính toán khác, 92% số liều vắc xin trên được tiêm ở những nước mà Ngân hàng Thế giới (WB) phân loại là thu nhập cao và thu nhập trên trung bình, những nước chiếm khoảng 50% dân số thế giới. Trong khi mới chỉ có Guinea và Rwanda, 2/29 nước có thu nhập thấp bắt đầu tiêm chủng.

Hàng loạt quốc gia tiêm chủng COVID-19, những loại vắc xin nào được dùng nhiều nhất? - Ảnh 2.

Israel dẫn đầu thế giới về tỷ lệ dân số được tiêm chủng COVID-19. (Ảnh: Times of Israel).

Israel hiện dẫn đầu thế giới về tỷ lệ người dân được tiêm chủng khi gần 50% dân số được tiêm liều thứ nhất, và 30% được tiêm đủ 2 liều. Những nước và vùng lãnh thổ có trên 10% dân số được tiêm ít nhất 1 mũi vắc xin gồm Anh (25%), Bahrain (16%), Mỹ (13%), Chile (12%), the Seychelles (43%) và Maldives (12%).

Mỹ có số liều vắc xin được tiêm cao nhất thế giới với 59,6 triệu liều. Tính đến ngày 9/2, Trung Quốc đã tiêm 40,5 triệu liều, Anh đạt 17,5 triệu liều, Ấn Độ 10,7 triệu liều và Israel 7,1 triệu liều.

Thống kê trên không bao gồm các số liệu mới nhất từ Trung Quốc và Nga - hai nước ngừng công bố dữ liệu chương trình tiêm chủng COVID-19 trong vài ngày gần đây.

Hôm 19/2, G7 đã cam kết chia sẻ vắc xin công bằng với những nước kém phát triển; đồng thời có kế hoạch tăng gấp đôi số tiền đóng góp lên 7,5 tỷ USD cho các chương trình vắc xin COVID-19 toàn cầu, trong đó có chương trình COVAX của Tổ chức Y tế thế giới.

Như Ý