|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Hàng hóa đã đủ, TP HCM tiếp tục giải bài toán huy động lực lượng đi chợ hộ và ship đồ cho 9,4 triệu dân

11:17 | 26/08/2021
Chia sẻ
Cụm từ “đi chợ hộ” đang dần trở nên quen thuộc với hàng triệu hộ dân ở TP HCM trong những ngày TP siết chặt giãn cách xã hội, “ai ở đâu ở yên đó”. Tuy nhiên, đằng sau đó là hàng loạt vấn đề mà TP HCM đang đưa ra các phương án để đảm bảo cung ứng và phân phối đủ thực phẩm, hàng thiết yếu cho người dân.

Với dân số khoảng 9,4 triệu người, nhu cầu lương thực, thực phẩm hàng ngày của TP HCM rất lớn so với các tỉnh thành khác. Theo tính toán của TP HCM, trung bình mỗi ngày TP cần 10.964 tấn hàng hóa để cung cấp cho người dân.

Trong đó, gồm 1.981 tấn gạo, khoảng 660 tấn lương thực chế biến (mì, bún, phở…), 755 tấn thịt gia súc, 660 tấn thịt gia cầm, 236 thực phẩm chế biến, 108 tấn (2,1 triệu quả) trứng gia cầm, 4.246 tấn rau củ quả, 236 tấn đường, 1.742 tấn (1,7 triệu lít) sữa, 189 tấn dầu ăn, 47 tấn muối, 104 tấn (79.865 lít) nước chấm.

Trung bình 1 tuần, TP cần 76.747 tấn hàng hóa, trong 15 ngày tới khoảng 164.460 tấn. Ngoài ra, nước uống khoảng 19 triệu lít/ngày (tương đương 566 triệu lít/tháng); các mặt hàng phòng, chống dịch như khẩu trang 628.969 cái/ngày (18,8 triệu cái/tháng), nước sát khuẩn 0,5 lít khoảng 239.596 chai/ngày (7,2 triệu chai/tháng).

Hàng hóa đã đủ, TP HCM tiếp tục giải bài toán huy động lực lượng đi chợ hộ và ship đồ cho 9,4 triệu dân - Ảnh 1.

Đảm bảo đủ hàng hóa trong 15 ngày siết chặt giãn cách

Tổ công tác phía Nam của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa báo cáo Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, hôm 23/8, các mặt hàng lương thực thực phẩm thiết yếu như: gạo, thịt heo, thịt gà, trứng, rau củ quả đảm bảo cung ứng cho người dân thành phố trong 15 ngày siết chặt giãn cách.

Vì từ tháng 8-12/2021 hầu hết mặt hàng lương thực, thực phẩm đều dư thừa sau khi cung cấp đủ cho TP HCM và các tỉnh Đông Nam Bộ.

Trong đó, về lương thực, hiện tại, ngoài đáp ứng nhu cầu cho các tỉnh/thành phía Nam, vùng Đồng bằng sông Cửu Long vẫn thừa khoảng 3 triệu tấn gạo.

Về rau màu, sau khi cung ứng, Đồng bằng sông Cửu Long vẫn còn dư gần 1,5 triệu tấn rau củ và khoảng 1,7 triệu tấn trái cây các loại cần được tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Giải bài toán cung ứng thực phẩm cho 9,4 triệu người ở TP HCM - Ảnh 1.

Hầu hết mặt hàng lương thực, thực phẩm đều dư thừa sau khi cung cấp đủ cho TP HCM. (Ảnh: Zing).

Về nguồn cung sản phẩm chăn nuôi, vẫn duy trì đa dạng và không có biến động. Thịt lợn và trứng gia cầm cung ứng đủ cho hệ thống siêu thị, các mặt hàng thịt đông lạnh vẫn được các doanh nghiệp nhập khẩu theo nhu cầu thị trường. Điều này một phần nhờ nhu cầu tiêu thụ giảm mạnh trong giai đoạn giãn cách xã hội.

Theo số liệu của TP HCM, lượng heo cung cấp cho TP hiện trung bình một ngày khoảng 6.300 con, giảm 37% so với 10.000 con trước dịch. Trong đó, có 9/13 cơ sở của TP (4 cơ sở đóng cửa do có người mắc COVID-19) trung bình một ngày giết mổ khoảng 3.700 con so với 6.500 con trước giãn cách, giảm 43%. Còn lại 2.600 con được giết mổ tại 15/21 cơ sở của các tỉnh khác, giảm 25,7% so với 3.500 con trước đây.

Lượng gà cung cấp tại 16/23 cơ sở giết mổ (7 cơ sở đóng cửa do có người mắc COVID-19), trung bình một ngày là 190.000 con, giảm 28% so với trước dịch là 230.000 con, tập trung ở TP HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Long An, Tiền Giang và Tây Ninh.

Như vậy, hiện nay lượng thịt heo cung cấp cho TP giảm khoảng 37%, lượng thịt gà giảm khoảng 28% so với trước giãn cách. TP tự cung cấp 10% thịt các loại và dưới 5% lượng trứng.

Tuy nhiên, nhu cầu tiêu thụ của người dân giảm nên lượng thịt heo, gà được giết mổ hiện nay vẫn đủ để cung cấp cho người dân. Hiện mỗi ngày TP chỉ còn tiêu thụ 1.032 tấn thịt các loại (giảm hơn 35% so với trước dịch khoảng 1.600 tấn). Trong đó, có 475,7 tấn thịt lợn, 475,2 tấn thịt gà, 81,4 tấn thịt trâu bò và 1,8 - 2 triệu quả trứng.

Hơn 2.300 hệ thống phân phối chủ lực 

Khi bài toán nguồn cung không còn là vấn đề, TP HCM tiếp tục phải tìm giải pháp phân phối 164.000 tấn hàng hóa trong hai tuần đến người dân.

Theo Thành ủy TP HCM, hiện tại TP HCM có 2.302 kênh phân phối gồm 76 siêu thị, 1.687 cửa hàng tiện lợi, cửa hàng thực phẩm bình ổn, 502 điểm tạp hóa, chợ (chủ yếu ở Cần Giờ). Ngoài ra còn có hệ thống phân phối bổ sung gồm điểm bán lưu động, cơ sở chế biến, tiểu thương chợ đầu mối, doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp thương mại điện tử, logistics

Hệ thống cung ứng này tiếp tục hoạt động, nâng cao công suất để tổ chức thu mua, vận chuyển hàng hóa lương thực, thực phẩm về thành phố và tăng cường khả năng dự trữ, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng bình quân cho người dân TP.

Hàng hóa đã đủ, TP HCM tiếp tục giải bài toán huy động lực lượng đi chợ hộ và ship đồ cho 9,4 triệu dân - Ảnh 3.

Nhiều siêu thị lên phương án bán theo combo. (Ảnh minh họa: Báo Đầu tư).

Để thực hiện phương án cung ứng hàng hóa mới cho TP HCM, các hệ thống siêu thị đã soạn sẵn các combo hàng hóa, phân chia theo giá trị của gói hàng hoặc theo các loại hàng hóa, gồm: thực phẩm tươi sống, thực phẩm khô, gia vị...

Hệ thống MM Mega Market đã chuyển danh sách 4 loại combo và các mặt hàng thực phẩm tươi sống, hàng tiêu dùng cơ bản đến chính quyền địa phương nơi có siêu thị trú đóng.

Đại diện SatraFood cho biết từ ngày 23/8, 120 trong số 188 cửa hàng vừa nằm trong "vùng xanh" và "vùng đỏ" vẫn hoạt động bình thường. Hơn 30 tấn rau củ, cùng các loại cá biển đông lạnh đã được cung cấp cho hệ thống bán lẻ Satra trong ngày 23/8.

Để phục vụ việc "đi chợ hộ", hệ thống này đã cho ra mắt 6 combo thực phẩm khác nhau. Các mẫu combo có giá bình quân 300.000 đồng, đa dạng mặt hàng từ trứng, rau, hành ngò đến thịt gà, bò, heo... Người dân được lựa chọn thêm số lượng theo nhu cầu.

Hệ thống Saigon Co.op đã lên danh mục khoảng 100 mặt hàng thiết yếu và một số combo hàng hóa có giá chỉ từ 100.000 đồng, đồng thời tiếp tục áp dụng những phương thức kinh doanh phù hợp với tình hình dịch bệnh như: pick & ship (khách ghi đơn hàng, nhân viên siêu thị chọn hàng giúp), mua hàng online...

Các hệ thống Big C, GO!, Lotte Mart, AEON, Bách Hóa Xanh cũng đã hoàn tất việc gửi danh mục hàng hóa đến người dân.

Lotte Mart có 8 combo hàng tươi sống và nhu yếu phẩm khoảng 100.000-561.000 đồng. Combo rau củ gồm ba combo 100.000, 200.000 và 250.000 đồng bao gồm khoai tây, cà rốt, bí, bắp cải, cà chua, cải ngọt... Combo thịt cá, trứng gồm hai combo 150.000 và 300.000 đồng. Combo nhu yếu phẩm gồm ba combo 305.000, 467.000 và 561.000 đồng.

Còn ghi nhận từ website của Bách Hóa Xanh, người mua có thể lựa chọn địa điểm cửa hàng cùng phường và tham gia vào nhóm Zalo của cửa hàng này. Sau đó, chọn lựa sản phẩm và sẽ có nhân viên Bách Hóa Xanh giao đến tận nhà.

Giải bài toán cung ứng thực phẩm cho 9,4 triệu người ở TP HCM - Ảnh 3.

Bách Hóa Xanh đang có 8 combo từ 120.000-500.000 đồng.

Hiện Bách Hóa Xanh đang có 8 combo để phục vụ khách hàng, từ 120.000-500.000 đồng. Theo đó rau, thịt cá, gia vị, vệ sinh nhà cửa, bánh nước, sữa được chia riêng theo các combo. Người dân có nhu cầu mua thịt, rau, phải mua từ 2-3 combo.

Ngoài ra, Tổ Công tác 970 của Bộ NN-PTNT đang thí điểm gói combo 10kg/túi nông sản, được nhiều tỉnh, thành phố tham gia nhằm giúp nông dân tiêu thụ nông sản ùn ứ và giúp người tiêu dùng ở các khu phong tỏa, khu nhà trọ công nhân tiếp cận nông sản tươi giá rẻ bình quân 10.000 đồng/kg.

Theo số liệu đăng ký từ các tỉnh, khả năng cung cấp về TP HCM 80.000 túi/tuần (10kg/túi = 800 tấn/tuần). Nếu có hỗ trợ vận chuyển, khả năng cấp của 1.218 đầu mối theo hình thức combo 10kg/túi có khả năng lên 120.000-150.000 túi/tuần (1.200 - 1.500 tấn/tuần).

Để về đảm bảo lưu thông thông suốt, vận chuyển hàng hóa lương thực thực phẩm, TP tiếp tục tổ chức phân luồng xanh, triển khai phương án giao thông linh hoạt, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng tổ chức cung ứng hàng hóa.

Trong ngày 24/8, Sở Công Thương TP đã có văn bản đề nghị UBND các quận/huyện và TP Thủ Đức xem xét cấp Giấy đi đường cho người lao động của các doanh nghiệp sản xuất, kể cả doanh nghiệp thương mại cung cấp nguyên vật liệu, phụ liệu phục vụ sản xuất trên địa bàn.

Lực lượng "đi chợ hộ" cho hàng triệu hộ dân

Trên cơ sở đánh giá nhu cầu tiêu dùng thiết yếu hằng ngày của người dân, TP dự kiến cung cấp theo nhu cầu tiêu dùng bình quân các mặt hàng thiết yếu của người dân trên địa bàn, thông qua phương thức "đi chợ hộ".

Theo thống kê dân số năm 2019, TP HCM có hơn 2,5 triệu hộ. Vì vậy, để đảm bảo thực hiện tốt phương thức này, đòi hỏi một lượng nhân sự "khổng lồ" từ chính quyền địa phương.

Hiện tại, việc "đi chợ hộ" cung ứng lương thực, thực phẩm thiết yếu cho người dân sẽ do các tổ hậu cần, tổ COVID-19 cộng đồng, lực lượng tình nguyện, công an, quân đội theo từng phường, xã, thị trấn của các quận, huyện, TP Thủ Đức chịu trách nhiệm.

Giải bài toán cung ứng thực phẩm cho 9,4 triệu người ở TP HCM - Ảnh 4.

Cán bộ phường Hiệp Bình Chánh (TP Thủ Đức) đi chợ giúp người dân. (Ảnh: Thanh Niên).

Ở quận Tân Phú, mỗi phường huy động khoảng 250 cán bộ, nhân viên, tình nguyện viên tham gia tổ công tác đặc biệt để đi chợ hộ người dân. Không chỉ bảo đảm việc mua hàng hóa, thực phẩm cho dân, tổ công tác đặc biệt còn có nhiệm vụ tham khảo, so sánh giá giữa các hệ thống bán lẻ và chọn mức giá cạnh tranh nhất.

Còn tại quận 5, mỗi phường huy động khoảng 30 người, gồm cán bộ, viên chức của phường, lực lượng dân quân và 13 bộ đội vừa được phân công về hỗ trợ. Tất cả nhằm phục vụ công tác đi chợ hộ cho người dân.

Ngoài ra, Bộ Tư lệnh TP HCM cũng huy động nguồn lực tham gia hỗ trợ các phường, xã, thị trấn tổ chức vận chuyển, phân phối hàng hóa, lương thực thực phẩm đến từng hộ gia đình. Công an TP HCM chỉ đạo các trạm, chốt tại địa phương và các lực lượng hỗ trợ, tạo điều kiện cho các phương tiện vận chuyển hàng hóa, lương thực, thực phẩm đảm bảo lưu thông thông suốt, kịp thời cung ứng hàng hóa đến người dân.

Giải bài toán cung ứng thực phẩm cho 9,4 triệu người ở TP HCM - Ảnh 5.

Lực lượng dân quân tự vệ đi chợ hộ cho người dân. (Ảnh: Người Lao Động).

Tuy nhiên, trong những ngày đầu thực hiện "đi chợ hộ," các địa phương vẫn còn gặp không ít thách thức về tổ chức cung ứng, phân phối và giao hàng đến nhà dân. Các đơn hàng qua số hotline và online tăng mạnh, nhưng khâu trả đơn hàng bị ách tắt.

Theo thống kê của Sở Công Thương TP HCM, trong ngày 24/8 có 74.033/2,1 triệu hộ dân đăng ký đơn hàng đi chợ hộ, tăng 50.385 hộ (46,9%)  so với ngày 23/8. Ngoài ra, có 274.633/590.859 hộ dân đăng ký túi an sinh.

Tuy nhiên, tính trên tổng số 2.183.247 hộ dân đang sinh sống trên địa bàn thì lượng đặt hàng rất khiêm tốn, xấp xỉ 4%

Hiện các hệ thống phân phối đã cung ứng 70.337 đơn hàng trên tổng số đơn các hộ đăng ký trong ngày 24/8, giảm 6,8% so với ngày 23/8. Số đơn còn lại sẽ được các hệ thống phân phối trong ngày 25/8.

Sơn Thạnh

Chủ tịch SSI: Rủi ro lớn nhất của thị trường nằm ở niềm tin nhà đầu tư
Công ty chứng khoán đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 8.112 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 3.398 tỷ đồng. So với kết quả 2023, các chỉ tiêu này tăng lần lượt 13% và 19% và là mức cao kỷ lục.