|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Giải mã sức hút của cổ phiếu ngành đường

12:21 | 21/06/2021
Chia sẻ
Chính thức áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp một số sản phẩm đường xuất xứ Thái Lan với hiệu lực 5 năm được đánh giá là mốc lịch sử, bước ngoặt với doanh nghiệp mía đường trong nước. Đây cũng là yếu tố chính giúp cổ phiếu đường bùng nổ trong những phiên giao dịch vừa qua

Ba phiên giao dịch cuối tuần trước chứng kiến đà tăng mạnh của nhóm cổ phiếu mía đường cả về giá lẫn thanh khoản. Trong đó, cổ phiếu KTS và LSS ghi nhận ba phiên tăng trần liên tiếp với mức tăng lần lượt là 33% và 22%.

Giải mã sức hút của cổ phiếu đường - Ảnh 1.

Nguồn: H.K tổng hợp

Nhóm cổ phiếu đường bùng nổ sau thông tin Bộ Công Thương quyết định chính thức áp dụng thuế chống bán phá giá (CBPG) 42,99% và thuế chống trợ cấp (CTC) 4,65% với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan.

Quyết định có hiệu lực thực thi kể từ ngày 16/6/2021 với thời hạn áp dụng là 5 năm.

Ông Nguyễn Văn Lộc, Quyền Tổng Thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), cho rằng: "Quyết định này đối với ngành mía đường Việt Nam là một tia sáng bình minh, báo hiệu cho giai đoạn mới, là mốc lịch sử của ngành mía đường Việt Nam.

Đồng quan điểm, SSI Research cũng đánh giá "chính sách này là một sự kiện có tính chất bước ngoặt cho ngành đường Việt Nam và các doanh nghiệp mía đường trong nước như SBT, QNS, LSS, SLS  và cho rằng 5 năm là thời gian dài giúp chuỗi cung ứng đường trong nước phục hồi và phát triển bền vững hơn".

Các đơn vị phân tích ở nhiều công ty chứng khoán đều nhận định áp giá thuế CBPG và CTC sẽ giúp cho các doanh nghiệp sản xuất đường trong nước hồi phục trở lại sau khi chịu cạnh tranh về giá từ đường Thái Lan từ đó tăng lại sản lượng sản xuất và thu hẹp lại khoảng cách giá đường thế giới và Việt Nam.

SSI Research cũng đánh giá thêm các nhà máy đường có lợi thế về quy mô trong sản xuất đường RS và RE như QNS và SBT sẽ có lợi thế về giá thành hơn so với các nhà máy nhỏ, do đó các công ty này sẽ được hưởng lợi hơn từ chính sách mới.

Giải mã sức hút của cổ phiếu đường - Ảnh 2.

Nguồn: H.K tổng hợp từ Chứng khoán Phú Hưng

SBT hiện là doanh nghiệp có sản lượng đường lớn, số nhà máy và vùng nguyên liệu lớn nhất trong nhóm doanh nghiệp niêm yết.

Chứng khoán Phú Hưng cho biết SBT dẫn đầu ngành với thị phần lên đến 46%. Đơn vị này đánh giá SBT có danh mục khách hàng lớn B2B nên SBT ít áp lực cạnh tranh gay gắt khi đường Thái tràn vào thị trường Việt Nam.

Bên cạnh đó, phân khúc sản phẩm của SBT thuộc tầm trung và cao cấp nên Chứng khoán Phú Hưng đánh giá công ty sẽ có nhiều cơ hội xuất khẩu sang EU và Trung Quốc.

Còn QNS, đơn vị đứng thứ hai về vùng nguyên liệu và sản lượng đường có thị phần đường RE khoảng 11%.

Doanh nghiệp có quy mô sản xuất đường tinh luyện RE lớn nhất tại miền Bắc là LSS. Báo cáo phân tích của Chứng khoán Phú Hưng nhận định hơn 80% sản phẩm của doanh nghiệp được tiêu thụ bởi các khách hàng công nghiệp, ít gặp phải cạnh tranh với các doanh nghiệp khác và đường nhập khẩu giá rẻ.

Bên cạnh việc đánh thuế CBPG và thuế CTC đường Thái Lan hỗ trợ ngành đường thì Chứng khoán BSC dự báo Việt Nam có thể tăng được giá trị xuất khẩu đường vào thị trường Trung Quốc trong năm 2021. 

Chứng khoán BSC cho rằng việc thiếu hụt vùng nguyên liệu đường của Trung Quốc khiến quốc gia này tăng nhập khẩu đường của Việt Nam. 

Vùng nguyên liệu nông nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng do lũ lụt lịch sử năm 2020 dẫn đến việc Trung Quốc nhập siêu đường. Trong đó 3 tỉnh Vân Nam, Quảng Đông và Quảng Tây chiếm tới 73 - 83% tổng sản lượng mía của Trung Quốc đều bị ảnh hưởng bởi trận lũ lịch sử.

Giải mã sức hút của cổ phiếu đường - Ảnh 3.

Ảnh minh họa: Xuân Tư/TTXVN

Ngành đường chưa bớt nỗi lo

Bên cạnh yếu tố thúc đẩy ngành đường nội địa thì việc áp thuế CBPG và CTC đường cũng gây ra thêm một nghịch cảnh là đường Thái có thể lẩn tránh thuế chống bán phá giá bằng cách mượn xuất xứ các nước trong khối ASEAN để được hưởng thuế suất ưu đãi 5%.

Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cũng cho thấy, lượng đường nhập khẩu từ 5 quốc gia ASEAN (Campuchia, Lào, Malaysia, Myanmar, Indonesia) gấp 40 lần trong 5 tháng đầu năm, đạt hơn 263.000 tấn.

Toàn bộ số lượng đường trên đây chỉ chịu thuế 5% so với mức thuế lẽ ra phải đóng là 33,88% và 48,88% tùy theo loại đường. 

Việc lượng đường nhập khẩu từ 5 nước ASEAN vào Việt Nam tăng đột biến trong bối cảnh đầu tháng 2, Bộ Công Thương ban hành quyết định áp dụng biện pháp CBPG và CTC tạm thời đối với sản phẩm đường xuất xứ Thái Lan ở mức 33,88%.

Không chỉ tăng mạnh lượng đường nhập khẩu từ 5 quốc gia ASEAN sau khi có biện pháp áp thuế tạm thời mà Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) xác định đường có xuất xứ Thái Lan bán phá giá nhập khẩu vào Việt Nam đã tăng nhanh đột biến trong giai đoạn từ khi tiến hành điều tra đến khi áp dụng thuế CBPG tạm thời và gây thiệt hại khó có khả năng khắc phục cho ngành mía đường trong nước.

VSSA đã xác định đường nhập khẩu vào Việt Nam từ 5 quốc gia ASEAN trên thực chất đếu có xuất xứ từ Thái Lan vì bản chất các quốc gia này không có năng lực xuất khẩu đường sản xuất từ mía trong nước của họ. 

VSSA cũng cho biết trong tháng 5 đường nhập theo hình thức tránh né thuế CBPG và CTC đối với đường có xuất xứ Thái Lan bằng cách nhập khẩu từ các nước ASEAN đang hoàn toàn làm chủ thị trường. 

Tình hình bùng phát dịch bệnh và đường buôn lậu, gian lận thương mại là đòn kép khiến đường sản xuất từ mía trong nước hầu như không thể tiêu thụ được.

Quyền Tổng Thư ký VSSA cũng nêu quan điểm rằng: "Việc áp thuế này là sử dụng công cụ phòng vệ thương mại, mới chỉ đưa ngành mía đường Việt Nam về điều kiện công bằng trong khi bản chất gian lận thương mại là khi chúng bị ngăn lại thì lại lẩn tránh bằng cách khác".

Do đó có thể thấy ngành mía đường trong nước vẫn chưa hết nỗi lo với đường lậu, đường gian lận thương mại. Song việc chính thức áp thuế CBPG, CTC một số sản phẩm đường Thái Lan có thể là bàn đạp, nền móng để tạo cơ hội cho ngành mía đường trong nước phát triển hơn.

Hoàng Kiều