|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Giải mã hệ thống đại cử tri rối rắm của Mỹ

14:50 | 10/10/2024
Chia sẻ
Hệ thống đại cử tri là phương thức bầu cử đặc biệt mà người Mỹ sử dụng để lựa chọn tổng thống. Để chiến thắng, ứng viên phải giành được ít nhất 270 trên 538 phiếu bầu của đại cử tri.

(Hình minh họa: BBC). 

5/11/2024 là ngày hàng trăm triệu cử tri trên khắp nước Mỹ đi bỏ phiếu bầu tổng thống. Ứng viên của Đảng Dân chủ là bộ đôi Kamala Harris - Tim Walz. Ứng viên của Đảng Cộng hòa là cặp đôi Donald Trump - JD Vance.

Tuy nhiên, cặp ứng viên giành được nhiều phiếu bầu nhất có thể vẫn sẽ thất bại trong cuộc đua vào Nhà Trắng vì kết quả cuộc bầu cử được định đoạt bởi hệ thống đại cử tri chứ không phải cử tri phổ thông.

Cách hoạt động của hệ thống đại cử tri

Mỗi bang của nước Mỹ có một số lượng đại cử tri nhất định, bằng tổng số nghị sĩ đại diện cho bang đó tại Quốc hội. Tuy nhiên cần phải lưu ý rằng đại cử tri không phải là nghị sĩ.

Số nghị sĩ đại diện cho mỗi bang lại được phân bổ dựa theo cuộc điều tra dân số được tiến hành 10 năm một lần. California là bang đông dân nhất và do đó có nhiều nghị sĩ nhất: 54. Các bang có dân số nhỏ như Alaska có tối thiểu ba nghị sĩ.

Quốc hội Mỹ có tổng cộng 535 thành viên đại diện 50 bang, tương ứng với 535 lá phiếu đại cử tri. Ngoài ra, thủ đô Washington tuy không có đại biểu trong Quốc hội nhưng cũng được nhận ba phiếu đại cử tri.

Như vậy, Mỹ có tổng cộng 538 phiếu đại cử tri. Người chiến thắng cuộc bầu cử tổng thống Mỹ cần giành được tối thiểu 270 phiếu.

Người Mỹ bầu cho đại cử tri chứ không phải tổng thống

Trên thực tế, người dân Mỹ không trực tiếp bầu ra tổng thống mà chỉ bầu cho nhóm đại cử tri của mỗi đảng tại bang mà họ sinh sống. Ví dụ, một người ở bang California bỏ phiếu cho cặp Harris - Walz thì thực chất là đang bầu cho nhóm đại cử tri Đảng Dân chủ tại bang California.

Tại hầu hết các bang, khi ứng viên chiến thắng cuộc bỏ phiếu phổ thông thì họ sẽ nhận được toàn bộ số phiếu đại cử tri của bang đó. Nếu bà Harris giành được đa số phiếu phổ thông ở California thì cũng sẽ nhận được 54 phiếu đại cử tri nơi đây.

Maine và Nebraska là hai ngoại lệ duy nhất không tuân theo quy luật “được ăn cả, ngã về không”. Tại hai bang này, số phiếu đại cử tri có thể được chia cho hai ứng viên tổng thống dựa theo tỷ lệ kết quả cuộc bỏ phiếu phổ thông.

Việc đại cử tri bỏ phiếu trái với ý muốn của cử tri phổ thông là điều cực kỳ hiếm. Số ít các đại cử tri “bất tín” chưa từng làm xoay chuyển kết quả bầu cử tổng thống.

Vì sao cơ chế bầu tổng thống của Mỹ phức tạp như vậy?

Cơ chế đại cử tri được thiết lập vào năm 1787 bởi những người soạn thảo Hiến pháp Mỹ (hay còn gọi là các nhà lập quốc). Khi đó, Mỹ là một quốc gia non trẻ vừa giành được độc lập khỏi Anh sau một cuộc cách mạng.

Các nhà lập quốc muốn tạo ra một hệ thống bầu cử mà quyền lực không tập trung vào trong tay một nhóm người như chế độ quân chủ. Tuy nhiên, họ cũng ngần ngại với ý tưởng để người dân hoàn toàn định đoạt kết quả bầu cử.

Vào thời kỳ đó, tỷ lệ biết đọc viết ở Mỹ vẫn còn thấp và không một quốc gia nào chọn nguyên thủ dựa trên một cuộc bỏ phiếu phổ thông. Do đó, một số nhà lập quốc lo sợ rằng cử tri không được đào tạo bài bản để đưa ra những quyết định sáng suốt.

Cuối cùng, các nhà lập quốc chọn cơ chế đại cử tri là hình thức thỏa hiệp giữa một cuộc bỏ phiếu toàn dân và việc cho phép một tổ chức duy nhất chọn ra người lãnh đạo đất nước. Vậy nên họ quyết định rằng các đại cử tri ở mỗi bang sẽ bỏ phiếu cho tổng thống.

Các kịch bản trớ trêu

Một ứng viên có thể không giành được đa số phiếu bầu phổ thông nhưng lại chiến thắng cuộc bầu cử theo hệ thống đại cử tri. Điều này từng xảy ra vào năm 2016, 2000 và ba lần trong thế kỷ 19.

Trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2016, ông Trump thua kém đối thủ Hillary Clinton khoảng ba triệu phiếu bầu phổ thông nhưng lại giành được 304 phiếu đại cử tri.

Vào năm 2000, ứng viên Đảng Cộng hòa George W. Bush cũng thua về số phiếu phổ thông nhưng đánh bại ứng viên Đảng Dân chủ Al Gore nhờ giành đa số phiếu đại cử tri.

Nếu không ứng viên nào giành được đa số phiếu đại cử tri, các thành viên của Hạ viện sẽ nhóm họp để bỏ phiếu và chọn ra tổng thống tiếp theo. Kịch bản này từng xảy ra vào năm 1824 khi Mỹ có nhiều ứng viên tổng thống và không ai chạm được đến con số 270 kỳ diệu.

Nhưng ngày nay Mỹ chỉ có hai ứng viên từ hai đảng lớn nên kịch bản trên hầu như không có khả năng lặp lại.

Khi nào có kết quả bầu cử?

Phiếu bầu của cử tri phổ thông được đếm sau khi các hòm bỏ phiếu tại mỗi bang đóng lại. Quá trình đếm phiếu bầu có thể tốn khá nhiều thời gian, đặc biệt là khi tính đến những lá phiếu gửi qua bưu điện.

Một số hãng truyền thông Mỹ có thể xác định người thắng cuộc tại từng bang và qua đó tính toán số phiếu đại cử tri mỗi ứng viên nhận được thông qua hệ thống phân tích riêng, tiêu biểu là AP.

Thông thường, người Mỹ và thế giới phải chờ vài ngày để biết ai là người thắng cử. Chiến thắng của ông Joe Biden năm 2020 được truyền thông thông báo vào ngày 7/10, tức 4 ngày sau ngày bầu cử.

Quốc hội Mỹ chính thức đếm phiếu bầu của đại cử tri và thông báo kết quả vào ngày 6/1, nhưng thực chất thường trước đó ai thắng ai thua đều đã rõ ràng.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Giang