|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Giá cao su mất đà, lợi nhuận quý IV/2022 của loạt doanh nghiệp trong ngành lao dốc

14:50 | 09/02/2023
Chia sẻ
Giá mủ cao su liên tục xuống thấp khiến cho mối tương quan giá thành sản xuất cao su và giá bán mất cân đối là nguyên nhân chính khiến kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp cao su đều giảm sâu trong quý IV và cả năm 2022.

Xuất khẩu cao su lập kỷ lục nhưng giá không trụ vững mức cao

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết năm 2022, mặc dù chịu ảnh hưởng lớn của dịch COVID-19 và kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, xuất khẩu sao su của Việt Nam vẫn tăng trưởng khả quan.  

Số liệu của Tổng cục Hải quan cho biết, kết thúc năm 2022, xuất khẩu cao su tự nhiên của Việt Nam đạt hơn 2,1 triệu tấn, tăng 9,7% so với năm ngoái, trị giá hơn 3,3 tỷ USD, tăng hơn 1%. Đây là mức cao nhất cả về lượng và giá trị xuất khẩu của cao su tự nhiên trong 11 năm trở lại đây. 

(Số liệu: Tổng cục Hải quan. Tổng hợp: P.Dương)

Tuy nhiên trước biến động tỷ giá USD tăng cao, giá mủ cao su liên tục xuống thấp trong các tháng cuối năm, khiến cho mối tương quan giá thành sản xuất cao su và giá bán mất cân đối.

Cụ thể, từ quý III/2022, giá cao su xuất khẩu giảm dần. Đến giai đoạn ba tháng cuối năm 2022, những biến động kinh tế, chính trị thế giới tác động trực tiếp đến hoạt động xuất nhập khẩu cao su, khiến giá cao su giảm sâu so với năm trước, nhất là trong tháng 12/2022 giá đã xuống mức thấp nhất tính từ đầu năm 2022, đồng thời là mức thấp nhất trong gần hai năm qua do nguồn cung dư thừa.  

Chia sẻ với báo chí, ông Võ Hoàng An, Phó Chủ tịch Hiệp hội cao su Việt Nam, cho biết trong hai tháng cuối năm, xuất khẩu cao su của Việt Nam gặp khó khăn do đồng USD đã bước vào chu kỳ tăng giá như một tài sản trú ẩn trước lạm phát.

 (Số liệu: Tổng cục Hải quan. Tổng hợp: P.Dương) 

Tính chung, giá bình quân xuất khẩu cao su của Việt Nam trong năm 2022 ở mức 1.546 USD/tấn, giảm 7,8% so với năm 2021.    

Về thị trường, Trung Quốc vẫn là nơi tiêu thụ lớn nhất của cao su Việt Nam nhưng xuất khẩu cao su sang quốc gia này trong năm qua gặp những khó khăn nhất định do nước này thực hiện chính sách “Zero Covid” gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất công nghiệp cao su và tiêu thụ ở Trung Quốc.

Khủng hoảng bất động sản ở Trung Quốc, các đợt nắng nóng làm gián đoạn sản xuất... cũng đã có những tác động làm giảm giá cao su nhập khẩu vào nước này, qua đó làm giảm giá cao su xuất khẩu của Việt Nam.

Lợi nhuận doanh nghiệp liên đới vì giá giảm

Diễn biến kém tích cực của giá xuất khẩu cao su bình quân đã phản ánh vào kết quả kinh doanh quý IV của các doanh nghiệp trong ngành. 

Thống kê sơ bộ từ 10 doanh nghiệp vừa công bố kết quả kinh doanh quý IV/2022 cho thấy, có 8/10 đơn vị báo doanh thu và lợi nhuận sụt giảm.  

Trong đó, "ông lớn" đầu ngành là Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (Mã: GVR) ghi nhận doanh thu thuần đạt 9.013 tỷ đồng, giảm gần 7% so với cùng kỳ năm ngoái. Trừ đi các chi phí, lợi nhuận sau thuế của Tập đoàn đạt 1.311 tỷ đồng, giảm 27%.

Ông Lê Thanh Hưng, Tổng Giám đốc GVR, cho biết giá bán mủ cao su trong quý IV/2022 giảm khá sâu so giá bán bình quân trong năm do không có thông tin tích cực về thị trường tiêu thụ. Giá giảm sâu khiến cho giá bán mủ cao su của GVR trong năm qua chỉ đạt bình quân 37 triệu đồng/tấn, giảm tới 2,6 triệu đồng/tấn so với giá bình quân trong năm 2021. 

Kế đến, Công ty CP Cao su Đồng Phú (Mã: DRP) là doanh nghiệp có lợi nhuận giảm nhiều nhất trong các đơn vị được thống kê. Cụ thể, lãi sau thuế quý IV chỉ đạt 62 tỷ đồng, giảm 80% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu thuần giảm 20%, giảm mạnh thứ hai sau Công ty CP Cao su Bà Rịa (Mã: BRR) với mức giảm 25%.

Công ty CP Cao su Phước Hòa (Mã: PHR) và Công ty CP Cao su Đắk Lắk cùng ghi nhận doanh thu giảm 13% nhưng lợi nhuận sau thuế của cao su Phước Hòa lại tăng 150% so với cùng kỳ, trong khi Cao su Đắk Lắk giảm đến 52%.

Nguyên nhân trong quý IV, Cao su Phước Hòa có phát sinh khoản thu nhập gần 409 tỷ đồng từ bàn giao đất để thực hiện dự án Khu công nghiệp Việt nam - Singapore III (VSIP III) theo các quyết định của UBND thị xã Tân Uyên và UBND huyện Bắc Tân Uyên (tỉnh Bình Dương).   

Với Công ty CP Cao su Tân Biên (Mã: RTB), mặc dù doanh thu chỉ giảm 5% so với cùng kỳ về mức 235,7 tỷ đồng nhưng lợi nhuận sau thuế giảm tới hơn 51% về còn 40,7 tỷ.

Phía công ty cho biết, nguyên nhân dẫn đến lãi ròng quý IV/2022 giảm là do giá bán cao su thấp hơn cùng kỳ hơn 2 triệu đồng/tấn. Bên cạnh đó, giá tăng tiêu thụ tăng do giá trị hàng tồn kho cao hơn giá trị thuần để thực hiện nên công ty bất ngờ xuất hiện khoản trích lập dự phòng hàng tồn kho hàng chục tỷ. 

 (Nguồn: BCTC của các doanh nghiệp. Tổng hợp: P.Dương 

Tính chung cả năm, có 6/10 doanh nghiệp ghi nhận doanh thu giảm và 8/10 đơn vị báo lãi đi lùi so với năm 2021. Nhiều đơn vị không hoàn thành mục tiêu lợi nhuận năm.

Riêng với Tập đoàn Cao su Việt Nam, trước khi kết thúc năm tài chính 2022, Tập đoàn đã điều chỉnh giảm doanh thu về 28.280 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế là 4.900 tỷ đồng. Với 5.737 tỷ lợi nhuận trước thuế cả năm 2022, tập đoàn đã vượt 17% mục tiêu năm.

Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam lý giải việc điều chỉnh giảm kế hoạch kinh doanh là do xung đột của một số nước trên thế giới làm ảnh hưởng đến tiêu thụ và giá bán các sản phẩm chính, chưa thoái vốn được như kế hoạch được giao.

Các đơn vị thành viên chưa thực hiện được việc bàn giao đất do đang thời gian chờ đợi quyết định của cơ quan có thẩm quyền, và đặc biệt lập dự phòng do suy giảm giá trị đầu tư sang Lào do sự suy giảm giá trị đồng Kíp Lào trong kỳ lập báo cáo. 

 (Nguồn: BCTC của các doanh nghiệp. Tổng hợp: P.Dương)    

Năm 2023, cơ hội nào cho xuất khẩu cao su Việt Nam?

Mới đây, Tập đoàn ISRG của Singapore đã dự báo nhu cầu sử dụng cao su trên toàn thế giới sẽ tăng trưởng đều đặn 2,4% mỗi năm trong giai đoạn 2023-2031, tăng mạnh so với mức tăng trưởng 1,8% trong năm 2022, dựa trên kỳ vọng nền kinh tế Trung Quốc sẽ mở cửa trở lại mạnh mẽ. Đây là cơ hội rất tốt cho xuất khẩu cao su của Việt Nam. 

Tương tự Hiệp hội cao su Việt Nam (VRA) cho biết Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam khi chiếm đến hơn 60% tổng lượng xuất khẩu. 

"Trong năm 2023, dự báo việc tiêu thụ và xuất khẩu cao su thiên nhiên Việt Nam sẽ tốt hơn khi Trung Quốc nới lỏng hạn chế COVID-19 và mở cửa biên giới từ tháng 1/2023, có thể cải thiện sự phục hồi kinh tế toàn cầu và tăng nhanh nhu cầu cao su", đại diện VRA dự báo. 

Về diễn biến giá, theo VRA, trong năm 2023, giá cao su thiên nhiên vẫn sẽ chịu ảnh hưởng của yếu tố cơ bản cung-cầu và tâm lý chung trên thị trường chịu tác động chủ yếu từ diễn biến kinh tế toàn cầu, bao gồm tình hình đại dịch COVID-19 tại Trung Quốc, hồi kết của cuộc xung đột Nga-Ukraine, giá năng lượng có tiếp tục leo thang và lạm phát sẽ còn tăng cao, cũng như việc các Ngân hàng Trung ương trên toàn cầu thắt chặt chính sách tiền tệ.

Cuối năm 2022 đã có những dấu hiệu tích cực hỗ trợ cho dự báo giá cao su năm 2023 phục hồi. Nguồn cung thế giới dự kiến sẽ chậm lại bắt đầu từ năm 2023 do dự đoán diện tích vườn cây thu hoạch trên toàn thế giới sẽ giảm do tỷ lệ trồng mới thấp.

Theo chuyên gia phân tích thị trường cao su thế giới, trong khoảng nửa đầu năm 2023, sản lượng và tiêu thụ toàn cầu dự kiến sẽ gần như cân bằng hoặc ở mức thấp hơn so với tiêu thụ. Trong giai đoạn này, yếu tố cung - cầu thuận lợi sẽ hỗ trợ giá cao su thiên nhiên từ sự thiếu hụt trong nguồn cung.

P. Dương