|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Economist: 'Vũ khí năng lượng' của Nga có sức sát thương lớn hơn giao tranh ở Ukraine

11:47 | 25/11/2022
Chia sẻ
Theo Economist, giá năng lượng cao có thể giết chết nhiều người dân châu Âu hơn cả số binh sĩ đã thiệt mạng của Ukraine.

Theo Economist, để thắng trong cuộc xung đột Ukraine, Moscow cần khiến phương Tây ngừng viện trợ cho Ukraine. Cơ hội tốt nhất để đạt được mục tiêu trên là làm chia rẽ châu Âu trong mùa đông này.

Thời tiết càng lạnh thì sẽ có càng nhiều người chết. Nếu các mối tương quan giữa tỷ lệ tử vong, thời tiết và chi phí năng lượng tiếp tục đúng, thì số người thiệt mạng do “vũ khí năng lượng” của Nga có thể vượt quá số binh sĩ Ukraine đã tử vong (theo con số thống kê của Economist).

Trước xung đột, Nga cung cấp khoảng 40-50% nhu cầu khí đốt của EU. Vào tháng 8, Moscow đã ngừng dòng chảy khí đốt qua đường ống lớn nhất tới châu Âu.

Giá nhiên liệu đã tăng mạnh, gây áp lực lớn đến các nước đồng minh của Ukraine. Chi phí khí đốt và điện của hộ gia đình châu Âu đã tăng lần lượt 144% và 78% so với giai đoạn 2000-2019.

Giá điện tại một số quốc gia châu Âu hiện đã tương đương với 17.000 đồng/số điện.

Mùa đông chết chóc

Ở châu Âu, các đợt nắng nóng được chú ý nhiều hơn. Tuy vậy, thời tiết lạnh thường giết chết nhiều người hơn. Từ tháng 12 đến tháng 2 (mùa đông), số người châu Âu chết mỗi tuần nhiều hơn từ tháng 6 tới tháng 8 (mùa hè).

Trong quá khứ, những thay đổi về giá năng lượng đã có sự ảnh hưởng nhỏ tới số người thiệt mạng. Tuy nhiên, mức gia tăng chi phí năm nay là rất lớn. Theo mô hình của Economist, nếu sự tương quan trong quá khứ vẫn tiếp tục, giá điện hiện tại sẽ khiến số người chết cao hơn mức trung bình trong lịch sử, ngay cả khi mùa đông không quá lạnh.

Tổng số ca tử vong tăng thêm trong mùa đông sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, đặc biệt là nhiệt độ. Nếu thời tiết ôn hòa, mức tăng so với trung bình có thể chỉ là 32.000 người. Một mùa đông khắc nghiệt có thể cướp đi sinh mạng của thêm 335.000 người.

Nhiệt độ đóng vai trò quan trọng tới số người tử vong trong mùa đông.

Theo Economist, có 4 yếu tố chính ảnh hưởng tới số lượng người sẽ thiệt mạng tại châu Âu trong mùa đông này (không bao gồm Ukraine). Hai yếu tố rõ ràng nhất là virus và nhiệt độ.

Thứ nhất, thời tiết lạnh thích hợp với virus. Nhiệt độ thấp ức chế hệ miễn dịch, cho phép mầm bệnh tồn tại lâu hơn trong không khí, và khiến mọi người tụ tập lâu hơn trong nhà. Ngoài ra, khi nhiệt độ cơ thể giảm, máu sẽ đặc lại và áp suất tăng lên, làm tăng nguy cơ đau tim và đột quỵ.

Đường thở bị kích thích cũng có thể cản trở hô hấp. Ở Anh, tỷ lệ tử vong hàng tuần do nguyên nhân tim mạch vào mùa đông cao hơn 26% so với mùa hè. Tỷ lệ tử vong từ các bệnh đường hô hấp cao hơn 76%.

Các ca tử vong tập trung chủ yếu ở người già. Trên khắp châu, số người từ 80 tuổi trở lên chiếm 49% tổng số ca tử vong. Nhóm tuổi này cũng có tỷ lệ tử vong vào những tháng lạnh nhất cao hơn 28% so với những tháng nóng nhất.

Yếu tố thứ hai là nhiệt độ. Điều đáng ngạc nhiên là khoảng cách về tỷ lệ tử vong theo mùa ở các quốc gia ấm áp thường lớn hơn ở các quốc gia lạnh giá. Tại Bồ Đào Nha, số người chết mỗi tuần vào mùa đông nhiều hơn 36% so với mùa hè, trong khi ở Phần Lan, sự chênh lệch giữa hai mùa chỉ là 13%.

Các nước lạnh thường có khả năng sưởi ấm và cách nhiệt tốt hơn. Những quốc gia trên cũng thường giàu có và dân số tương đối trẻ. Tuy vậy, khi so sánh nhiệt độ trong từng quốc gia theo từng năm, dữ liệu xác nhận rằng cái lạnh vẫn làm nhiều người chết.

Trung bình, khi mùa đông có nhiệt độ thấp hơn 1 độ C so với bình thường, số người chết sẽ tăng 1,2%.

 

Nhiệt độ trong mùa đông 2022-23 có khả năng nằm giữa mức cao nhất và thấp nhất trong những thập kỷ gần đây. Khi các hạn chế phòng dịch đã được nới lỏng, tác động của bệnh cúm có thể sẽ tương tự như những năm 2000-19.

Nhân tố thứ ba, giá năng lượng cũng đã được hạn chế do các chính phủ áp đặt trần giá để bảo vệ hộ gia đình. Hầu hết các mức trần hiện nay đã cao hơn nhiều so với năm ngoái. Tuy vậy, giới hạn giá vẫn sẽ ngăn không cho chi phí năng lượng của hộ gia đình tăng phi mã.

Giá năng lượng - ẩn số chết chóc

Nhân tố cuối cùng, mối tương quan giữa chi phí năng lượng và số ca tử vong, khó đoán định hơn nhiều. Economist ước tình mối tương quan này bằng mô hình thống kê, ước lượng số người chết mỗi tuần tại 226 khu vực châu Âu. Sử dụng dữ liệu năm 2000-2019 (loại bỏ năm 2020 và 2021 do COVID), mô hình của Economist giải thích được 90% sự biến động trong tỷ lệ tử vong.

Giá nhiên liệu cao có thể làm trầm trọng thêm tác động của nhiệt độ thấp, bằng cách ngăn cản mọi người sưởi ấm và tăng khả năng tiếp xúc với cái lạnh.

Trong điều kiện thời tiết trung bình, giá điện tăng 10% có thể khiến tỷ lệ tử vong lên 0,6%. Con số này sẽ lớn hơn vào các tuần lạnh giá, và thấp hơn trong những tuần ôn hòa. Một nghiên cứu của Mỹ vào năm 2019 cũng đưa ra ước tính tương tự.

Trong thập kỷ gần đây, giá năng lượng tiêu dùng chỉ có tác động khiêm tốn đến tỷ lệ tử vong bởi chúng dao động trong biên độ tương đối hẹp.

Ở một quốc gia châu Âu điển hình, khi giữ nguyên các yếu tố khác, việc tăng giá điện từ mức thấp nhất trong giai đoạn 2000-2019 lên mức cao nhất làm tăng tỷ lệ tử vong hàng tuần chỉ 3%. Trong khi đó, việc giảm nhiệt độ từ mức cao nhất xuống thấp nhất sẽ làm tỷ lệ tử vong tăng 12%.

Tuy vậy, giá năng lượng hiện nay đã vượt xa phạm vi trước đó. Mức tăng chi phí điện đã được điều chỉnh theo lạm phát kể từ năm 2020 lớn hơn 60% so với khoảng cách giữa mức giá cao nhất và thấp nhất trong giai đoạn 2000-2019.

Do vậy, mối quan hệ giữa chi phí năng lượng và số người chết có thể diễn biến theo một chiều hướng khác. Trong trường hợp của Italy, nơi chi phí điện đã tăng gần 200% kể từ 2000, ước tính cho thấy tỷ lệ tử vong sẽ rất cao. 

Ngoài ra, còn có hai biến khác ảnh hưởng tới tỷ lệ tử vong: các chương trình trợ cấp của chính phủ và COVID.

Nhiều quốc gia đã áp dụng hoặc mở rộng các chương trình chuyển tiền mặt để giúp người dân thanh toán hóa đơn năng lượng. Động thái này sẽ làm giảm số ca tử vong trong mô hình ở một mức độ nào đó.

Theo Economist, COVID có thể tăng tỷ lệ tử vong, bằng cách khiến thời tiết lạnh trở nên nguy hiểm hơn. Đồng thời, đại dịch cũng có thể giảm tỷ lệ này, bởi virus vốn đã cướp đi sinh mạng của nhiều người già từ trước.

Những sự không chắc chắn này khiến việc dự đoán tỷ lệ tử vong ở châu Âu trong mùa đông trở nên khó khăn.

Kết luận chắc chắn mà mô hình của Economist đưa ra là, nếu những mối tương quan trong giai đoạn 2000-19 vẫn đúng trong thời điểm này, thì vũ khí năng lượng của Nga sẽ có sức mạnh rất lớn.

Vũ khí năng lượng Nga sẽ có sức mạnh nhất tại các quốc gia ấm, dân số già, không trợ cấp nhiều năng lượng.

Với giá điện hiện nay, số ca tử vong tăng thêm trong mùa đông năm 2022-23 là khoảng 147.000, tương đương mức tăng 4,7%.

Nếu nhiệt độ ôn hòa (tương đương với mùa đông ấm nhất trong 20 năm qua), con số này sẽ giảm xuống còn 79.000 người (tương đương mức tăng 2,7%). Trong trường hợp mùa đông lạnh giá nhất giai đoạn 2000-19, số người chết sẽ tăng thêm 185.000 người (tương đương 6%).

Tùy thuộc vào từng quốc gia mà mức độ ảnh hưởng của giá năng lượng sẽ khác nhau. Italy có nhiều ca tử vong nhất, do chi phí năng lượng tăng cao và dân số lớn, già hóa. Mô hình của Economist chưa tính tới các khoản trợ cấp hào phóng mới của Italy.

Estonia và Phần Lan cũng có tỷ lệ tử vong trên đầu người cao. Ngược lại, Pháp và Anh, những quốc gia đặt trần giá, số người chết có thể còn giảm đi. Tại Áo, nơi có giới hạn giá điện chỉ 0,1 EUR/kWh, số ca tử vong thậm chí còn giảm, ngay cả trong trường hợp xấu nhất.

Nhìn chung, số người chết tăng thêm tại châu Âu trong mùa đông này dự kiến sẽ vượt quá số bình sĩ Ukraine được cho là đã thiệt mạng, ở mức khoảng 25.000-30.000 (ước tính của Economist).

Nga đang tiếp tục tấn công vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine. Dự kiến quốc gia Đông Âu này sẽ là nơi mà cái lạnh cướp đi nhiều sinh mạng nhất trong mùa đông.

Thiệt hại mà Nga đang gây ra cho Ukraine rất lớn. Chi phí mà các đồng minh của nước này phải trả lại khó nhìn thấy hơn. Khi mùa đông tới, cam kết của châu Âu sẽ không chỉ được đo lường bằng vũ khí viện trợ, mà cả bằng sinh mạng.

Minh Quang

Dragon Capital: Tiến trình nâng hạng, triển khai KRX sẽ thu hút thêm sự quan tâm của NĐT chứng khoán
Theo Dragon Capital, dù các yếu tố bên ngoài vẫn tiềm ẩn rủi ro nhưng các động lực tăng trưởng nội tại của Việt Nam và nỗ lực hiện đại hóa của Chính phủ lại cho thấy triển vọng thị trường chứng khoán tích cực.