|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Kết cục của khủng hoảng năng lượng châu Âu [phần 1]: Kịch bản đầu nhẹ nhàng nhất nhưng không hề dễ chịu

12:12 | 03/11/2022
Chia sẻ
Cuộc khủng hoảng năng lượng của châu Âu chắc chắn chưa kết thúc. Tờ Economist cùng hãng tư vấn Rystad Energy đã vạch ra ba kịch bản khả thi nhất. Ở kịch bản đầu tiên, châu Âu sẽ chịu ít thiệt hại nhất nhưng mọi thứ cũng không dễ dàng gì.

Chưa đến hồi kết

Hồi giữa tháng 10, Economist đã nhìn thấy những mái vòm kim loại nổi lềnh phềnh ngoài khơi Tây Ban Nha. Những mái vòm này chính là các tàu chở khí đốt hoá lỏng (LNG) đang chờ cập cảng để giao hàng.

Trên khắp châu Âu, nhiều tàu chở khí đốt khác cũng đang lênh đênh ngoài biển để được cập bến. Công ty tư vấn Kpler cho biết, lượng khí LNG đang chờ ở ngoài khơi đã tăng vọt từ 140.000 tấn vào tháng 8 lên 1,2 triệu tấn.

Ít nhất các thuỷ thủ đoàn có thể tận hưởng thời tiết mát mẻ. Nhiệt độ trên khắp lục địa già đang ấm một cách bất thường, chẳng miền nam Tây Ban Nha vẫn đang trải qua những ngày nắng 30 độ C.

Lượng khí đốt dồi dào cùng thời tiết ấm áp tại châu Âu là một cơn ác mộng đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Thực tế này cũng khiến một số người lạc quan tin rằng cuộc khủng hoảng năng lượng của châu Âu đã đến hồi kết.

Một cơ sở dự trữ khí đốt gần biển của châu Âu. (Ảnh: Getty Images).

Trong những tháng qua, Nga đã tìm cách gây chia rẽ châu Âu và làm sự suy yếu sự ủng hộ của các đồng minh dành cho Ukraine.

Đầu tiên, Nga yêu cầu thanh khoán khí đốt bằng đồng ruble, sau đó cắt bớt dòng chảy qua Nord Stream - đường ống dẫn khí đốt chính sang châu Âu và cuối cùng, vào tháng 9 thì đóng đường ống vô thời hạn.

Dù trả giá đắt hơn thông thường, châu Âu cũng đã lấp đầy các kho chứa khí đốt trên toàn khu vực. Nhờ đó, giá khí đốt đã giảm từ mức 100 USD/mmBTU hồi tháng 8 xuống còn khoảng 32 USD.

Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng năng lượng của châu Âu còn lâu mới đến hồi kết. Giá khí đốt sẽ lại tăng khi mùa đông ập đến và những người mua LNG khác - đặc biệt là ở châu Á, cạnh tranh để có hàng.

Nga - hiện đang đối mặt với thất bại quân sự nặng nề, có thể gây thêm áp lực. Các lựa chọn của ông Putin bao gồm ngừng tất cả các chuyến hàng đến châu Âu hoặc phá hoại cơ sở hạ tầng, Economist cho hay.

Các động thái đó sẽ kích hoạt một làn sóng trừng phạt khác từ phương Tây. Để biết cuộc chiến năng lượng có thể phát triển ra sao, Economist đã làm việc cùng các nhà phân tích tại hãng tư vấn Rystad Energy để lập ra ba kịch bản khả thi nhất.

Kịch bản nhẹ nhõm nhất cho châu Âu

Ở kịch bản đầu tiên (kịch bản cơ sở), mối quan hệ giữa các bên không xấu đi hẳn, nhưng tình hình cũng không thực sự dễ chịu. Các nhà phân tích giả định đường ống Nord Stream vẫn sẽ đóng cửa.

Họ cũng giả định rằng châu Âu sẽ triển khai lệnh cấm vận đối với dầu mỏ của Nga như kế hoạch, đồng thời cấm các công ty bảo hiểm trong khu vực cung cấp dịch vụ cho Nga. Châu Âu hiện chiếm khoảng 90% thị trường bảo hiểm vận tải biển toàn cầu.

Các nước không thuộc phương Tây nhưng đồng ý mua dầu thô của Nga theo giá trần (do Mỹ và EU đặt ra) sẽ được phép mua bảo hiểm do doanh nghiệp châu Âu cung cấp.

Đối với châu Âu, kịch bản này sẽ kích hoạt một cuộc khủng hoảng nhưng không đến mức thảm hoạ. Đến cuối năm 2022, lục địa già sẽ mất khoảng 84 tỷ mét khối (bcm) khí đốt của Nga - tương đương 17% mức tiêu thụ thông thường hàng năm.

Nhập khẩu LNG tăng lên đã giúp lấp đầy một phần lỗ hổng, phần khác được bù đắp bằng dòng chảy từ Azerbaijan và Na Uy và một phần nữa do các nước trong khu vực tự nguyện cắt giảm tiêu thụ.

Mô hình của Economist và Rystad Energy cho thấy, ngay cả khi mùa đông trở nên lạnh giá và làm nhu cầu tăng thêm 25 bcm, kho dự trữ của châu Âu sẽ giúp họ duy trì đến mùa hè năm 2023. Sau đó, các nước có thể phải bắt đầu nhập khẩu thêm LNG.

 

Tuy nhiên, châu Âu sẽ phải trả kha khá để mua khí đốt. Ông Namit Sharma của McKinsey lưu ý, giá khí đốt tăng cao đã khiến nhiều ngành công nghiệp thâm dụng năng lượng như luyện nhôm phải đóng cửa.

Nếu đường ống Nord Stream tiếp tục đóng cửa trong năm tới, mức thâm hụt năng lượng của châu Âu sẽ phình to, đòi hỏi các nước phải cắt giảm tiêu thụ hơn nữa. Theo hãng nghiên cứu Gavekal, nếu mức tiêu thụ năng lượng của Đức hoặc Italy giảm 1%, GDP sẽ mất 0,5 - 1%.

Mặt khác, rất khó để tính toán thiệt hại đối với Nga. Moscow không thể dễ dàng bán lượng khí đốt đáng lẽ xuất khẩu sang châu Âu cho các nước khác. Đường ống đến Trung Quốc - giải pháp thay thế duy nhất hiện giờ, lại quá nhỏ để xử lý dòng chảy lớn.

Trên lý thuyết, các lệnh cấm vận dầu mỏ của EU, cùng với việc áp giá trần, mới là mối đe doạ nghiêm trọng hơn đối với hoạt động xuất khẩu năng lượng của Nga, bởi dầu mới là cỗ máy kiếm tiền thực sự của Điện Kremlin.

Song, các nhà phân tích cho rằng Nga sẽ tìm được khách mua mới. Giới chức phương Tây muốn áp giá trần ở mức gần 60 USD/thùng, nhưng theo dự đoán của Rystad thì giá dầu thế giới sẽ duy trì gần mức 90 USD/thùng và vẫn giúp Nga hái ra tiền.

Điều đó giải thích tại sao ở kịch bản đầu tiên, Nga sẽ kiếm được 169 tỷ USD doanh thu từ dầu mỏ vào năm 2023, chỉ thấp hơn một chút so với con số 179 tỷ USD của năm 2021.

Châu Âu sẽ phải trả giá đắt hơn. Nhập khẩu dầu thô từ Nga qua đường biển tiêu tốn của lục địa già 90 tỷ USD vào năm 2021, nhưng sang năm 2023 thì chi phí sẽ tăng lên khoảng 116 tỷ USD.

Yên Khê