Điểm tên các quỹ đầu tư đánh bại VN-Index năm 2023: Hiệu suất cao nhất trên 31%
Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam khép lại một năm đầy biến động. VN-Index từng đạt mức tăng trưởng cao nhất trên 23% vào quý III, xong đã thu hẹp dần những tháng sau đó, kết thúc năm ở 12,2%.
Hiệu suất đầu tư của các quỹ tại thị trường Việt Nam đồng pha với chỉ số chung suốt phần lớn thời gian. Sự phân hóa giữa các quỹ diễn ra mạnh về cuối năm, khi một số vẫn giữ được “phong độ” khi thị trường rung lắc, ngược lại không ít quỹ đánh rơi đáng kể thành quả tích cóp được trước đó.
Xét hơn 30 quỹ đầu tư cổ phiếu đã công bố giá trị tài sản ròng (NAV) tại thời điểm kết thúc năm 2023, toàn bộ tăng trưởng sau 12 tháng.
Năm gặt hái của các quỹ chủ động
2023 là năm gặt hái của nhóm quỹ chủ động, với hàng loạt quỹ vượt mặt VN-Index.
VCBF-MGF đem về hiệu suất 31,95% trong năm qua. Quỹ có chiến lược đầu tư vào các cổ phiếu của các công ty có vốn hóa vừa. Một thành viên khác của VCBF là VCBF-BCF cũng vượt VN-Index khi ghi nhận hiệu suất trên 16,6%.
Với chiến lược đầu tư tập trung vào các cổ phiếu niêm yết và sắp niêm yết, TVGF3 đạt hiệu suất 31,2%. Một thành viên khác của Quản lý quỹ Thiên Việt (TVAM) là TVGF4 cũng ghi nhận hiệu suất cao hơn VN-Index, đạt 27,7%. Theo TVAM, trong 5 năm qua, các danh mục đầu tư của nhà quản lý quỹ này đã đạt được hiệu suất đầu tư trung bình hơn 25% mỗi năm và thường xuyên nằm trong nhóm quỹ đầu tư hiệu quả nhất thị trường.
Quỹ VESAF thuộc VinaCapital tiếp tục có năm đánh bại thị trường, với hiệu suất đầu tư vượt 30%. Tại Diễn đàn Đầu tư 2024, bà Nguyễn Hoài Phương, Giám đốc đầu tư, nhà điều hành quỹ VESAF cho biết góc nhìn đầu tư của quỹ chủ yếu dựa vào yếu tố cơ bản. Trường hợp lợi nhuận doanh nghiệp giảm, VESAF sẽ điều chỉnh lại việc định giá. Theo bà Phương, quỹ sẽ linh hoạt trước những diễn biến của thị trường, nhưng vẫn giữ lại tính kỷ luật trong quản trị rủi ro.
Danh mục VESAF tại cuối tháng 11 tập trung vào các cổ phiếu FPT, MBB, QNS, FMC, SZC, PVS, STB, PBT, DPR, KDH với tổng cộng 56,5% danh mục, trong đó FPT chiếm lớn nhất, đạt 15,2%.
Một đơn vị cũng có hiệu suất ấn tượng năm 2023 là Quỹ Đầu tư Lợi thế cạnh tranh bền vững SSI (SSI-SCA), với 30,6%. Quỹ thuộc SSIAM đã có 4 năm liên tiếp đạt hiệu suất tốt hơn chỉ số (2020-2023).
Bộ đôi DCDS và DCDE (tên mới của DCBC) thuộc Dragon Capital đạt hiệu suất lần lượt 27,8% và 23,4%. Theo dõi báo cáo hoạt động từng tháng, các nhà quản lý quỹ của Dragon Capital đã đưa ra góc nhìn lạc quan về TTCK khi vừa xuất hiện tín hiệu đảo chiều chính sách tiền tệ vào tháng 3 (bắt đầu cắt giảm lãi suất vào cuối tháng 3/2023).
VOF thuộc VinaCapital ghi nhận hiệu suất 13,4% trong năm qua. Đến cuối tháng 11/2023, danh mục tập trung phân bổ vào 10 mã: ACB, KDH, HPG, FPT, VPB, ACV, PNJ, VHM, OCB, DXG với tổng cộng tỷ lệ 62,3%.
Các quỹ có hiệu suất kém hơn VN-Index kể đến như VinaCapital-VIBF, Vietnam Enterprise Investments Limited (VEIL), The Ballad Fund hay Pyn Elite Fund. Điểm chung nhóm này là sở hữu nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn, trong khi đây là nhóm đem về hiệu suất đầu tư thấp hơn các cổ phiếu vốn hóa vừa (midcap) trong 2023.
Vietnam Enterprise Investments Limited (VEIL) đạt hiệu suất 10,4%. Quỹ tỷ đô thuộc Dragon Capital vẫn duy trì nắm giữ loạt bluechip gồm HPG, VPB, ACB, VCB, FPT, MWG, GAS, VHM, TCB, MBB với tổng cộng 57,4% danh mục (tại thời điểm 21/12/2023).
Trường hợp Pyn Elite Fund, NAV của quỹ giảm liên tục trong 3 tháng 8, 9 và 10/2023, và chỉ tăng khoảng 8% trong tháng 11 và 12. Đại diện đến từ Phần Lan đạt hiệu suất dương 0,3% cho cả năm, thấp nhất trong các quỹ được thống kê (bao gồm cả ETF).
Một ETF bất ngờ có hiệu suất vượt 31%
Tại nhóm quỹ mô phỏng chỉ số (ETF), hiệu suất đạt được cả năm gần như bám sát (chênh không quá 0,5 điểm phần trăm) so với với chỉ số tham chiếu (benchmark).
FUEDCMID đạt hiệu suất tốt nhất với 31,5%. NAV đạt 206,7 tỷ đồng tại đầu năm 2024. ETF này mô phỏng chỉ số VNMIDCAP (bao gồm 70 cổ phiếu vốn hóa vừa).
Nhóm vốn hóa vừa có mức tăng tốt hơn nhóm vốn hóa lớn trong 2023. Điều này lý giải cho sự vượt bậc của FUEDCMID so với số đông các quỹ còn lại trong năm qua, dù mang tính chất bị động của ETF. Danh mục hiện tại (3/1) của FUEDCMID bao gồm 60 cổ phiếu, tỷ trọng cao thuộc về DGC, KBC, EIB, GMD, LPB, MSB, PNJ, VND... Đây đa số đều là các mã tăng trưởng năm qua, nhất là DGC, GMD và LPB.
ETF DCVFMVN30 ghi nhận hiệu suất 13,9%. ETF này tham chiếu VN30 - Total Return Index (VN30 - TRI) - chỉ số của 30 cổ phiếu có giá trị vốn hóa và thanh khoản cao nhất thị trường được chọn lựa từ danh sách các cổ phiếu hàng đầu chiếm 90% giá trị giao dịch của chỉ số VNAllshare. Danh mục quỹ đang chủ yếu phân bổ vào 10 mã FPT, VPB, HPG, ACB, TCB, VNM, VHM, VCB, STB, MBB.
Kết quả thấp nhất nhóm ETF đều thuộc về các quỹ ngoại, với iShares Frontier and Select EM ETF (9,8%), Fubon ETF (6,5%), Premia MSCI ETF (4,4%) hay FTSE ETF (2,6%).
Đối với Fubon ETF, quỹ Đài Loan (Trung Quốc) từng có thời điểm đạt hiệu suất 29,5%, song đã thu hẹp về cuối năm. Đây là quỹ có quy mô đầu tư lớn nhất tại thị trường Việt Nam, NAV đạt 25,92 tỷ Tân Đài tệ (khoảng 20.500 tỷ đồng), theo sau là FUEVFVND với khoảng 17.300 tỷ đồng.
Nguyên nhân Fubon ETF có hiệu suất chỉ xấp xỉ 1/2 đà tăng của VN-Index cũng đến từ việc nắm giữ nhiều các bluechip. Thời điểm cuối năm 2023, ETF này phân bổ nhiều nhất vào HPG, kế đến là VHM, VNM, VIC, VCB, MSN. Ngoại trừ HPG và VCB, những bluechip như VIC, VHM, MSN đều giảm giá sâu trong năm qua.
Góc nhìn lạc quan cho năm 2024
Khép lại năm 2023 với kết quả tăng trưởng, các quỹ đầu tư tiếp tục hướng đến năm 2024 với nhiều nhận định sáng cửa cho TTCK.
Tại báo cáo thị trường cổ phiếu công bố vào tháng 12, Dragon Capital cho biết những cuộc gặp và trao đổi với các doanh nghiệp trong giai đoạn cuối năm cho thấy sự đồng thuận cao rằng nền kinh tế Việt Nam đang phục hồi từ vùng đáy của nửa đầu năm 2023. Các ngân hàng cho góc nhìn lạc quan về việc đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng vào cuối tháng 12 nhằm đạt mục tiêu 12%. Nhu cầu tín dụng được dự báo sẽ tăng mạnh từ ngành sản xuất trong năm 2024, phản ánh sự phục hồi kinh tế một cách tổng thể.
Các chương trình ưu đãi lãi suất cạnh tranh từ các ngân hàng có thể khiến lãi suất giảm thêm 50 điểm cơ bản, góp phần vào việc ổn định TTCK trong năm 2024.
Pyn Elite vẫn duy trì góc nhìn lạc quan về TTCK Việt Nam. Nhà quản lý quỹ Phần Lan nhận định lo ngại của nhà đầu tư về các biện pháp can thiệp nguồn cung tiền của Ngân hàng Nhà nước thời gian tháng 9, tháng 10 có phần thái quá. Quỹ ngoại dự báo trong 12 tháng tới (kể từ tháng 10/2023), lãi suất điều hành dự kiến sẽ giảm xuống 4%. Chứng khoán tiếp tục xu hướng tăng dựa trên triển vọng cải thiện rõ ràng dữ liệu kinh tế và thu nhập của doanh nghiệp.
"Nếu lãi suất trong nước giảm, thanh khoản thị trường sẽ dồi dào và lợi nhuận doanh nghiệp dự kiến tăng trưởng mạnh, từ đó làm lợi nhuận thị trường tăng." Pyn Elite nhận định tại bức thư gửi nhà đầu tư cuối năm 2023.
Theo Pyn Elite, nếu Việt Nam được đưa vào các thị trường mới nổi sẽ thu hút thêm các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài vào TTCK trong nước. Điều này có thể có tác động tích cực, đặc biệt đối với việc cổ phần hóa các công ty Nhà nước trong những năm tới.
Trong 6 tháng qua, một số hành động cụ thể đã bắt đầu diễn ra. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nhận được chỉ đạo rõ ràng từ Chính phủ về nâng hạng. Năm 2024, quy định về pre-funding (ứng tiền trước) sẽ được sửa đổi, song song với những vấn đề khác.