|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

ĐHĐCĐ PV OIL: Dự kiến xoá sạch lỗ luỹ kế trong năm nay, tiếp tục hợp tác với VinFast lắp đặt trạm sạc xe điện

14:43 | 27/04/2023
Chia sẻ
Năm 2023, PV OIL đặt mục tiêu xoá lỗ luỹ kế và khắc phục các điểm ngoại trừ của kiểm toán nêu để sớm đưa cổ phiếu niêm yết trên sàn HOSE. Ngoài ra, để gia tăng doanh thu, công ty cho biết sẽ tiếp tục hợp tác với VinFast lắp đặt trạm sạc xe điện tại hệ thống các cây xăng của PV OIL.

Sáng 27/4, Tổng Công ty Dầu Việt Nam – CTCP (PV OIL - Mã: OIL) đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2023 theo hình thức trực tuyến. Tính tới 8h30, tổng số cổ phần của các cổ đông tham dự đại hội là hơn 946 triệu cổ phần, chiếm 91,55% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết của công ty.

Năm 2023, PV OIL đặt mục tiêu 50.000 tỷ đồng doanh thu (tính trên giá dầu thô 70 USD/thùng) và 480 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế lần lượt giảm 52%, 34% so với cùng kỳ. Mức chia cổ tức năm 2023 dự kiến là 2% vốn điều lệ.

Đồng thời, ĐHĐCĐ uỷ quyền cho HĐQT công ty xem xét, phê duyệt điều chỉnh kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2023 (nếu có) khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền thay đổi giá dầu để tính toán kế hoạch năm 2023 hoặc theo giá dầu thực tế.

Nguồn: Hoàng Dung tổng hợp từ BCTC của PV OIL.

Lãnh đạo PV OIL nhận định, kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2023 của công ty được đặt trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức như suy thoái kinh tế toàn cầu, bất ổn địa chính trị có thể tiếp diễn. Bên cạnh đó, nhà máy lọc hoá dầu Nghi Sơn dự kiến bảo dưỡng trong năm nay có thể làm ảnh hưởng đến công tác đảm bảo nguồn.

Đối với kế hoạch đầu tư xây dựng, năm 2023, công ty dự kiến phát triển hệ thống cửa hàng xăng dầu bán lẻ và nâng cấp, cải tạo cơ sở vật chất phục vụ kinh doanh. Trong đó, 134 tỷ đồng để xây dựng mới và cải tạo kho cảng; 326 tỷ đồng để xây dựng mới và cải tạo cửa hàng xăng dầu; 178 tỷ đồng để đầu tư và mua sắm.

Nguồn: Tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên 2023 của PV OIL.

Về phương án phân phối lợi nhuận năm 2022, PV OIL đề xuất trả cổ tức năm 2022 là 2% vốn điều lệ, khoảng 207 tỷ đồng.

Lý do có mức chia cổ tức trên là do lợi nhuận sau thuế chưa phân phối trên BCTC hợp nhất kiểm toán năm 2022 của PV OIL âm 186 tỷ đồng. Do đó, công ty cần tích lũy lợi nhuận để thỏa mãn một trong các điều kiện cổ phiếu OIL được chuyển sang niêm yết trên sàn HOSE là “không có lỗ lũy kế” trên BCTC và đảm bảo quyền lợi cổ đông.

Ông Cao Hoài Dương tái đắc cử Chủ tịch PV OIL

Một nội dung quan trọng tại ĐHĐCĐ thường niên 2023 của PV OIL là bầu 5 thành viên HĐQT, nhiệm kỳ 2023 – 2028 gồm: ông Cao Hoài Dương, ông Trần Hoài Nam, ông Lê Văn Nghĩa, ông Nguyễn Đăng Trình, ông Nguyễn Xuân Quyền.

Ngay sau đó, HĐQT đã họp và bầu ông Cao Hoài Dương, thành viên HĐQT,  làm Chủ tịch HĐQT PV OIL, nhiệm kỳ 2023 - 2023.

Ngoài ra, tại đại hội đã bầu 3 thành viên ban kiểm soát gồm: ông Nguyễn Đức Kện, ông Phạm Thanh Sơn, ông Lê Vinh Văn.

Ông Cao Hoài Dương tái đắc cử Chủ tịch PV OIL. (Ảnh chụp màn hình).

Thảo luận: 

Sản lượng xăng dầu của PV OIL liệu có tăng trong năm 2023? Việc hai nhà máy lọc dầu (NMLD) bảo dưỡng có ảnh đến nguồn cung xăng dầu trong nước và công ty không?

Ông Đoàn Văn Nhuộm –Tổng Giám đốc PV OIL: Năm 2023, PV OIL đặt mục tiêu kinh doanh 3,3 triệu m3/tấn xăng dầu, tính đến hết quý I đã đạt hơn 1,1 triệu m3/tấn xăng dầu. Vì thế, chúng tôi phấn đấu sản lượng năm nay tương đương so với năm 2022, là trên 4 triệu m3/tấn xăng dầu.

Năm 2023, NMLD Bình Sơn sẽ không bảo dưỡng và dự kiến bảo dưỡng trong quý I/2024. Đối với NMLD Nghi Sơn sẽ bảo dưỡng trong tháng 8 năm nay, theo kế hoạch là dừng một tháng để bảo dưỡng. Vì thế, chúng tôi đã có phương án bù đắp sản lượng cho Nghi Sơn trong thời gian bảo dưỡng như lấy từ Bình Sơn về và tăng cường nhập khẩu.

Vì sao PV OIL xây dựng kế hoạch sản lượng năm 2023 thấp hơn so với thực hiện năm 2022 trong khi quý I năm nay đã đạt sản lượng khá tốt?

Ông Cao Hoài Dương - Chủ tịch PVOIL: 2022 là một năm rất dị biệt, chưa có tiền lệ trong kinh doanh xăng dầu trên thế giới và Việt Nam. Đối với năm 2023, chúng tôi đánh giá đây là giai đoạn khó khăn để tăng trưởng sản lượng như năm trước. Vì lượng cung - cầu xăng dầu đã dần ổn định sau dịch COVID-19 và chiến sự Nga - Ukraine.

Ngoài ra, PV OIL cũng xác định việc tăng trưởng sản lượng là rất tốt, rất quan trọng nhưng đi đôi với tăng trưởng sản lượng là đảm bảo hiệu quả sản xuất kinh doanh. Vì thế, chúng tôi đưa ra kế hoạch sản lượng tương đối thận trọng để bảo toàn vốn.

Song, chúng tôi cũng cam kết với cổ đông là khi nào thị trường có cơ hội, PV OIL sẽ cố gắng hết sức  tận dụng cơ hội để gia tăng sản lượng, gia tăng thị phần và đảm bảo hiệu quả kinh doanh.

Một cây xăng của PV OIL trên đường Hoàng Quốc Việt, Hà Nội. (Ảnh: Hoàng Dung).

Việc ký hợp tác với VinFast mang lại giá trị doanh thu, lợi nhuận cho PV OIL như thế nào? Công ty có giải pháp gì để tiếp tục tăng trưởng khi ngành xe điện đang trở thành xu thế?

Ông Cao Hoài Dương - Chủ tịch PVOIL: Có thể thấy, trên thế giới đang diễn ra làn sóng chuyển dịch năng lượng mạnh mẽ, điển hình như sự phát triển của xe điện. Chúng tôi cho rằng, đây là xu hướng không thể đảo ngược, mang tính tất yếu. Dù xét trên góc độ nào đó, nó có tác động tiêu cực đến lĩnh vực kinh doanh xăng dầu.

Vì thế, thay vì bị động, chúng tôi luôn chủ động để biến những thách thức thành cơ hội nên từ năm 2018, PV OIL đã rất quan tâm đến xu hướng này.  

Năm 2021, công ty đã ký thoả thuận hợp tác với VinFast, một công ty con thuộc Tập đoàn Vingroup, hoạt động trong lĩnh vực sản xuất xe điện. Nội dung hợp tác là VinFast sẽ đầu tư, xây dựng trạm sạc tại các cây xăng của PV OIL.

Lợi ích mà PV OIL nhận được là từ việc cho thuê diện tích, đặt biển quảng cáo của VinFast đặt tại các cây xăng. Bên cạnh đó, công ty cũng nhận được sự chia sẻ doanh thu từ trạm sạc. Tính đến nay, 300 cây xăng trong hệ thống của PV OIL đã đặt trạm sạc của VinFast.

Nhìn chung, sự hợp tác này đang đóng góp tích cực vào hoạt động kinh doanh của PV OIL. Hiện tại, chúng tôi đang cùng VinFast tiếp tục xem xét, mở rộng hợp tác, vì mỗi năm, PV OIL có thêm 40 - 60 có cây xăng mới.

Ngoài VinFast, chúng tôi sẽ làm việc với đối tác khác trong việc lắp đặt các trạm sạc tại cây xăng của PV OIL. Mục đích là để công ty có thể phục vụ cả khách hàng có xe chạy xăng và xe chạy điện. 

Nhận định về thị trường xe điện ở Việt Nam?

Ông Cao Hoài Dương - Chủ tịch PVOIL: Ở Việt Nam có một nhà sản xuất xe điện là VinFast, gần đây họ cho ra mắt hãng taxi điện, dự kiến đạt 10.000 xe vào cuối năm, đây là cú hích trong phát triển thị trường xe điện Việt Nam. Còn bên cạnh chúng ta là Trung Quốc, quốc gia có thị trường xe điện rất phát triển với giá cạnh tranh, nên theo tôi, điều này sẽ sớm ảnh hưởng đến thị trường Việt Nam.

Vì thế, PV OIL đang theo sát diễn biến này, để làm sao tận dụng các cơ hội, có được lợi ích từ việc phát triển xe điện song song với lợi ích đến từ lợi ích kinh doanh xăng dầu. 

ĐHĐCĐ thường niên 2023 của PV OIL. (Ảnh chụp màn hình).

 Kế hoạch phát triển cây xăng của PV OIL trong năm nay? Công ty có tiếp tục mua lại các cửa hàng xăng dầu nhỏ lẻ và đang hoạt động cầm chừng không?

Ông Đoàn Văn Nhuộm –Tổng Giám đốc PV OIL: Nếu các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xăng dầu có chủ trương bán hay thoái vốn thì chúng tôi sẽ thực hiện mua lại. Trong quý I, PV OIL đã mua lại 31 cửa hàng xăng dầu. Dự kiến từ nay đến hết năm, chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện việc mua lại và không giới hạn số lượng.

Hiện tại, PV OIL đang có 685 cửa hàng xăng dầu, công ty phấn đấu hết hết năm 2023, con số này là hơn 700.

Theo PV OIL, Nghị định 95 sẽ được sửa đổi theo hướng nào?

Ông Cao Hoài Dương - Chủ tịch PV OIL: PV OIL không phải đơn vị tham gia soạn thảo và chúng tôi chỉ được hỏi ý kiến.

Tuy nhiên, qua quá trình theo dõi dự thảo Nghị định 95 sửa đổi, chúng tôi nghĩ khi Nghị định ban hành sẽ theo hướng làm lành mạnh hoá thị trường kinh doanh xăng dầu, nghĩa là sẽ có nhiều cơ hội hơn cho doanh nghiệp làm ăn đàng hoàng, tuân thủ pháp luật.

Thứ hai, Nghị định có thể điều chỉnh giá bán lẻ trong nước tiệm cận, gần hơn so với giá thị trường quốc tế. Giả sử có độ trễ thì độ trễ sẽ ngắn lại. Điều này sẽ giúp thị trường ổn định hơn, tránh xáo trộn quá lớn như thời gian vừa rồi.

Thêm vào đó, Nghị định 95 sẽ điều chỉnh theo hướng hài hoà, đảm bảo cho các bên tham gia trong thị trường từ doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối, bán lẻ, người tiêu dùng.

Vì sao PV OIL đạt doanh thu kỷ lục 100.000 tỷ đồng (năm 2022) nhưng lợi nhuận vẫn thấp?

Ông Cao Hoài Dương - Chủ tịch PVOIL: Như cổ đông đã biết, kinh doanh dầu là mặt hàng Nhà nước quản lý rất chặt mà biên lợi nhuận rất mỏng, đấy là đặt trong bối cảnh bình thường. Trong khi năm 2022 là giai đoạn kinh doanh xăng dầu khó khăn, thậm chí nhiều đầu mối kinh doanh xăng dầu phải rút khỏi thị trường hay nhiều cây xăng phải đóng cửa vì thua lỗ. Tuy nhiên, PV OIL hoạt động vẫn có lãi và lãi trước thuế gần1.000 tỷ đồng, ROE là 5,2%.

Công ty có được kết quả như thế, bên cạnh sự nỗ lực của tập thể còn là sự may mắn khi chúng tôi là thành viên của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN). Vì PV OIL là một chuỗi mắt xích liên kết của PVN, từ khâu thăm dò khai thác đến khâu sản xuất. Nhờ có chuỗi ấy nên năm ngoái, công ty mới chủ động được nguồn xăng dầu và có kết quả như thế.

Bao giờ PV OIL đưa cổ phiếu lên sàn HOSE? Công ty đang vướng khâu nào trong quá trình niêm yết cổ phiếu trên HOSE? Công ty có giải pháp gì để sớm đưa cổ phiếu ra khỏi diện kiểm soát?

Ông Lê Văn Nghĩa – thành viên HĐQT PV OIL: Như cổ đông đã biết, để PV OIL niêm yết cổ phiếu trên sàn HOSE cần có 3 điều kiện. Thứ nhất ROE năm gần nhất đạt 5% trở lên. Theo BCTC, năm 2021 và năm 2022, ROE của công ty đều đạt trên 5%. Sang năm 2023, công ty cũng phấn đấu đạt ROE trên 5%.

Điều kiện thứ hai là hết lỗ luỹ kế trên BCTC hợp nhất, tính đến cuối năm 2022, công ty lỗ luỹ kế 185 tỷ đồng. Sang năm nay, PV OIL dự kiến xoá hết lỗ luỹ kế.

Điều kiện thứ ba là BCTC hợp nhất của công ty không còn điểm loại trừ. Tính đến thời điểm hiện tại, PV OIL vẫn còn 3 điểm loại trừ. Trong đó có khoản đầu tư vào CTCP Hóa dầu và Nhiên liệu Sinh học Dầu khí, đây là công ty liên kết của PV OIL (công ty chiếm 39% vốn điều lệ) với tổng số vốn đầu tư tại ngày 31/12/2022 là 272 tỷ đồng.

Hiện tại, dự án vẫn dở dang và chưa được nghiệm thu, chưa được bàn giao, chưa được ghi nhận về tài sản. Do đó, PV OIL đang tích cực làm việc với cổ đông công ty này để xem xét phương án phá sản theo quy định của pháp luật.

Về điểm loại trừ thứ hai là khoản phải thu từ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) với số tiền 169 tỷ đồng từ Tổng Công ty Thương mại Kỹ thuật và Đầu tư (PETEC). Khoản này tồn tại từ thời điểm PETEC sáp nhập vào PV OIL. Do đó, công ty đang kiến nghị lên các cơ quan chức năng để có thể sớm giải quyết việc này.

Điểm loại trừ thứ ba liên quan đến các lô đất của CTCP Xăng dầu Dầu khí Sài Gòn (PVOIL Sài Gòn - công ty con của PV OIL). Đây là 6 lô đất do PV OIL Sài Gòn đầu tư để xây dựng cửa hàng bán lẻ xăng dầu với tổng số tiền là 29,7 tỷ đồng tại ngày 31/12/2022 nhưng chưa hoàn thành các thủ tục chuyển nhượng sang tên PV OIL Sài Gòn hoặc chưa được gia hạn thời gian thuê đất.

Thực tế, giá trị các lô đất bị kiểm toán ngoại trừ trên BCTC đã giảm từ 60,1 tỷ đồng tại thời điểm ngày 31/12/2018 xuống còn 29,7 tỷ đồng tại thời điểm ngày 31/12/2022. Tuy nhiên, do vướng mắc về thủ tục, các cơ quan quản lý địa phương chậm giải quyết nên vẫn còn một số lô đất của PV OIL Sài Gòn chưa hoàn thiện thủ tục. Hiện tại, PV OIL và PV OIL Sài Gòn đang làm việc với các cơ quan chức năng thực hiện thủ tục pháp lý để sớm có hướng giải quyết.

Sau khi giải quyết xong tất cả vướng mắc, PV OIL sẽ sớm đưa cổ phiếu lên sàn HOSE.

Hoàng Dung