ĐHĐCĐ Masan: Mục tiêu 10-20% doanh thu từ thị trường nước ngoài, WinCommerce sẽ có lãi ròng từ 2025
Sáng ngày 25/4, Tập đoàn Masan (Mã: MSN) đã tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 để thảo luận về các kết quả kinh doanh, định hướng hoạt động các ngành hàng và giải đáp các vấn đề liên quan đến hệ sinh thái bán lẻ tiêu dùng.
Chủ tịch HĐQT Nguyễn Đăng Quang nói Masan Consumer là "viên kim cương gia bảo", là niềm tự hào trong sứ mệnh phụng sự người tiêu dùng. Đây là đại sứ ẩm thực được Masan mang ra thế giới, tìm cách đi những bước vững chắc trong hành trình mang ẩm thực Việt Nam ra 8 tỷ người tiêu dùng thế giới với các nhãn hiệu mạnh.
Ông Quang cũng tiết lộ Masan Group có ý định IPO CTCP Hàng tiêu dùng Masan Cosumer (Masan Consumer Holdings, MCH) trong thời gian tới.
Mục tiêu thị trường nước ngoài chiếm 10-20%
Theo chiến lược "Go Global", tập đoàn đặt mục tiêu đưa thương hiệu ra thế giới với Masan Consumer Holdings (MCH) hướng đến 10-20% doanh thu từ thị trường toàn cầu.
Theo Tổng giám đốc MCH Trương Công Thắng, công ty hiện sở hữu 5 thương hiệu có doanh thu 150-250 triệu USD gồm Kokomi, Omachi, Chinsu, Nam Ngư và Wakeup 24/7, đóng góp khoảng 80% tổng doanh thu công ty.
MCH đã tăng trưởng với tốc độ gấp 2,2 lần thị trường chung trong giai đoạn 2017-2023, đặt mục tiêu tăng trưởng hơn nữa thị trường mục tiêu bằng việc tham gia vào thị trường tiêu dùng bên ngoài, cung cấp các sản phẩm cao cấp thay thế bữa ăn tại nhà (HMR) và thay thế bữa ăn tại nhà hàng (RMR).
Quy mô thị trường hàng tiêu dùng FMCG mà MCH phục vụ đến 15 tỷ USD, nhưng công ty mới chỉ chiếm khoảng 8%. Thậm chí với quy mô thị trường FMCG Việt Nam khoảng 32 tỷ USD thì MCH cũng mới chiếm thị phần 3-4%. Do đó, ông Thắng nói còn nhiều cơ hội để cạnh tranh với đơn vị khác, để người tiêu dùng lựa chọn.
Mục tiêu chiến lược của MCH là sở hữu 6 thương hiệu tỷ USD, cao cấp hóa sản phẩm và mở rộng phạm vi sản phẩm cho từng thương hiệu, mở rộng thị trường có thể tiếp cận từ 100 triệu người tiêu dùng tại Việt Nam lên 8 tỷ người trên toàn cầu.
Trong đó, Omachi đặt mục tiêu mở rộng thị tường mục tiêu từ 1 tỷ USD của ngành hàng mì ăn lên 17 tỷ USD của ngành hàng thay thế bữa ăn tại nhà với việc ra mắt sản phẩm lẩu tự sôi, cơm tự chín...
Thương hiệu Chinsu cũng đặt mục tiêu cao cấp hóa để phục vụ hơn 30 triệu chén nước chấm mỗi ngày, chiếm hơn 65% lượng tiêu thụ nước mắm của Việt Nam. Thương hiệu này đã phát triển danh mục sản phẩm gia vị cao cấp, hướng tới tiếp cận người tiêu dùng toàn cầu.
WinCommerce sẽ lãi ròng từ 2025
Chương trình hội viên WIN ra mắt trên toàn quốc từ năm 2023 đang hướng đến chương trình hội viên lớn nhất Việt Nam với số lượng đăng ký đạt 8,5 triệu người dùng trong quý I/2024 và dự kiến đạt 30 triệu đăng ký vào năm 2025.
Doanh thu từ hội viên đang gấp đôi so với không hội viên và chiếm khoảng 55% nguồn thu, tần suất mua hàng của hội viên là 4 lần/tháng.
Theo Tổng giám đốc WinCommerce (WCM) Nguyễn Thị Phương, công ty đã hoàn thành tái cơ cấu năm 2023 và đang mang đến những cải thiện đáng kể với doanh thu tăng trưởng 9% lên gần 8.000 tỷ đồng trong quý I/2024; đồng thời đạt EBIT dương trong 3 quý liên tiếp với 2.205 cửa hàng có EBIT dương.
So với khi tiếp nhận từ năm 2019, chuỗi bán lẻ này đã bị lỗ EBIT đến 3.763 tỷ đồng và khi đó chỉ có 213 cửa hàng có EBIT dương.
WCM đặt mục tiêu có hơn 4.000 cửa hàng cuối năm nay (với 90% số siêu thị mini đạt mức hòa vốn ở cửa hàng). Công ty kỳ vọng việc tăng lượng người dùng hoạt động sẽ tăng doanh thu thu thêm 1 tỷ USD và có lãi ròng vào năm 2025.
"WCM là chuỗi bán lẻ duy nhất thành công trên quy mô toàn quốc", theo bà Phương. Thị phần 2 nhà bán lẻ hàng đầu Việt Nam (WCM và Bách Hóa Xanh) nắm giữ 48% thị phần kênh bán lẻ hiện đại.
Người đứng đầu WCM tiết lộ mục tiêu đến quý I/2025 là sẽ có tăng trưởng dương NPAT khi chỉ cần tăng trưởng doanh thu 5% LFL. Mục tiêu đến 2028, doanh thu dự kiến tăng gấp đôi năm ngoái lên 60.000 tỷ đồng, NPAT đạt 3-5% và có khoảng 8.000 cửa hàng.
Với Supra, nền tảng logisticis nội địa, công ty đã tiếp quản mảng hậu cần cho WCM với 8 kho tổng hàng khô và 8 kho tổng thực phẩm tươi sống. Điều này giúp tăng đáng kể về lượng hàng được lý thông qua các trung tâm phân phối từ dưới 30% lên 60%, đồng thời tiết giảm chi phí 11% so với trước kia.
PHIÊN THẢO LUẬN
1, Giá cổ phiếu có đang quá thấp?
Tổng giám đốc MSN Danny Le: Thị giá MSN hiện nay chưa mang lại đúng kỳ vọng cho cổ đông. Nhìn vào kết quả quý I, các sáng kiến chiến lược, nổ lực giảm nợ… là những giá trị tích cực cho công ty. Định giá 4 tỷ USD chưa thể hiện đúng giá trị và chiến lược trong tương lai, công ty đang thực thi các chiến lược và tin tưởng điều này sẽ được thể hiện vào giá cổ phiếu.
Dự báo kết quả quý II-III sẽ tiếp tục tăng trưởng như quý I. Nhìn vào trung hạn thì thị trường Việt Nam sẽ trở thành thị trường mới nổi nên có thêm vốn đổ vào thị trường, cộng với sức mua trở lại để giúp kết quả kinh doanh tốt hơn, từ đó kết quả tài chính tốt hơn và thể hiện vào giá cổ phiếu công ty.
2, Doanh thu mỗi tháng tại WCM, mục tiêu bao nhiêu để hòa vốn?
CEO Nguyễn Thị Phương: Doanh thu quý I đạt gần 8.000 tỷ đồng, với trọng tâm tăng trưởng là cửa hàng minimart. WCM đã có lãi EBIT 3 quý liên tiếp và năm sau kỳ vọng sẽ có lãi NPAT.
Công ty đã giảm các chi phí đầu tư và tối ưu trang thiết bị để cung cấp vừa đủ, nên chi phí capex giảm 30-40%. Điểm hòa vốn thì hiện 80% cửa hàng đạt hòa vốn sau 2 năm.
4, Kế hoạch tăng nguồn vốn?
Đại diện Masan: Tập đoàn muốn duy trì tỷ lệ nợ vay thấp hơn 3,5 lần EBITDA. Tập đoàn sẽ khám phá một số cơ hội tăng gọi vốn để tăng vốn chủ sở hữu, cổ đông vừa duyệt tờ trình để HĐQT có căn cứ cho các hoạt động tăng vốn, hiện chưa thể chia sẻ quá nhiều.
Công ty Hàng tiêu dùng Masan sẽ chuyển sang niêm yết HOSE, công ty sẽ xem tình hình thực tế để có thông báo tiếp theo.
5, Kế hoạch kinh doanh của Masan MeatLife (MML) theo từng mảng?
Đại diện MML: Kế hoạch chung là 7.600 tỷ doanh thu, tăng thêm 10% so với 2023. Trong đó thịt heo 2.000 tỷ, thịt gà gần 1.000 tỷ và còn lại ở các mảng trang trại, chế biến.
6, Kế hoạch mở cửa hàng WCM?
CEO Nguyễn Thị Phương: Mỗi năm mở 400-700 cửa hàng và cần thời gian cải thiện kết quả kinh doanh. Số lượng các cửa hàng này đóng góp 20% doanh thu. Biên lợi nhuận thì sẽ đạt điểm hòa vốn cấp độ công ty vào năm 2025.
7, Kế hoạch của MHT
Đại diện MHT: 2023 là năm khó khăn với MHT, do sụt giảm kinh tế nói chung và bị gián đoạn nổ mìn. 2024 có phục hồi nhưng vẫn là năm thử thách, có sẵn giải pháp phản ứng nhanh, đơn giản và tối ưu trong sản xuất, cắt giảm nhân sự cấp cao, công ty đã có nhà thầu mới nổ mìn tốt hơn nhiều để đóng góp cải thiện biên lợi nhuận, việc thương lượng lại hợp đồng với nhà cung cấp cũng sẽ cải thiện lợi nhuận.
Các khách hàng ở Mỹ, Hàn, Nhật Bản, Châu Âu bị ảnh hưởng bởi lạm phát và giá năng lượng tăng cao, do đó khách hàng đang khó khăn nên công ty phải lèo lái thế nào. MHT phải xem xét lại danh mục sản phẩm, mảng nào vẫn còn nhu cầu sẽ đẩy mạnh nhiều hơn. Công ty đã có giấy phép bán đồng cho thị trường nội địa và kỳ vọng bán hết tồn kho đồng để đóng góp 90 triệu USD.
8, Chiến lược với Phúc Long
CEO Phúc Long: Đây là thương hiệu đạt độ chín muồi trong thị trường bão hòa, cần thúc đẩy để có tăng trưởng, nhất là khi có nhiều đối thủ cạnh tranh gia nhập thị trường.
Phúc Long đang xây dựng lại nền tảng và học hỏi nhiều thứ, công ty đã xây dựng chiến lược cho tăng trưởng tiếp theo. Trong quý I đã bắt đầu mở cửa hàng mới và tối ưu hóa trải nghiệm mới, mô hình hiện nay là bền vững và hiệu quả để mở rộng, cổ đông sẽ thấy nhiều cửa hàng hơn không chỉ tại TP HCM mà còn các thành phố khác.
Ông Danny Lê: Có nhiều người chưa có cái nhìn đúng về mảng này. Phúc Long cũng có kế hoạch đi ra toàn cầu, ở Mỹ đã có 2 cửa hàng. Công ty đang có những bước chuẩn bị và có sáng kiến đổi mới, đang có bước đi mở rộng mạng lưới ở Việt Nam và các nước trên thế giới.
9, Các sản phẩm nhãn hiệu riêng WCM đóng góp ra sao, chiến lược gì?
CEO Nguyễn Thị Phương: Trong những năm vừa qua đã cố gắng xây dựng mô hình, trong giai đoạn tới với lợi thế từ hệ sinh thái, công ty sẽ kết hợp đưa ra 40 nhãn hàng riêng cho WCM.
Các nhãn hàng riêng có doanh thu chỉ chiếm 8-9% tổng giá trị bán hàng WCM, nhưng biên lợi nhuận đang cao hơn 3-5% so với các nhãn hàng so sánh, giá bán cũng thấp hơn sản phẩm cùng loại. Mục tiêu nhãn hàng riêng chiếm khoảng 30% của WCM.
10, Thị trường nước ngoài nào được ưu tiên?
Ông Trương Công Thắng: Kinh tế vĩ mô diễn biến tích cực từ đầu năm cho thấy tiềm năng tiêu dùng phục hồi cao trong năm 2024, các ngành hàng đang tăng trưởng 10% so với cùng kỳ, đang nhắm tới tăng trưởng 15-20% tại thị trường Việt Nam.
Công ty dự tính doanh thu nước ngoài chiếm khoảng 10-20%, hiện chưa có mô hình cụ thể nào cho từng thị trường mà còn phải học hỏi nhiều.
11, Có kế hoạch M&A không?
Ông Danny Le: Có nhiều cổ đông quan tâm về việc tiền mặt lớn có ý định M&A không thì tập đoàn không có kế hoạch nào mua thêm công ty khác. Mục tiêu lớn nhất là Go Global để đưa các thương hiệu ra toàn cầu.
Masan Group hiện nay tập trung vào chiến lược đưa MCH trở thành công ty tiêu dùng hàng đầu Đông Nam Á, mục tiêu WCM sẽ sinh lãi tốt hơn và Phúc Long có EBITDA 25%.
12, Đề nghị tăng cổ tức cho công ty Hàng tiêu dùng Masan?
Ông Nguyễn Đăng Quang: cho phép lấy ý kiến cổ đông về việc xem xét tiếp tục chia số lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tính đến cuối năm 2023 và được phép tạm ứng cổ tức 2024. Cổ đông công ty đã thông qua nội dung mới này ngay tại đại hội.
Chỉ tiêu lợi nhuận tăng mạnh
Năm 2024, tập đoàn của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang đặt mục tiêu doanh thu 84.000 - 90.000 tỷ đồng, tăng 7% - 15% so với năm ngoái. Chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế 2.250 - 4.020 tỷ đồng, tăng 20% - 115% so với cùng kỳ.
Về phương án chia cổ tức năm 2023 và 2024, tập đoàn đều đề xuất không chia cổ tức.
Để đạt các mục tiêu này, lãnh đạo tập đoàn nói sẽ tập trung vào các trụ cột tăng trưởng lợi nhuận của các công ty kinh doanh tiêu dùng thuộc Masan Consumer, thúc đẩy tăng trưởng Wincommerce và cải thiện hơn nữa biên lãi gộp, xây dựng chương trình hội viên cho hệ sinh thái, giảm đòn bẩy tài chính, giảm sở hữu các mảng kinh doanh không cốt lõi...
Trong đó, WCM dự kiến đạt doanh thu thuần từ 32.500 đến 34.000 tỷ đồng, tăng lần lượt so với cùng kỳ từ 8% đến 13%.
Doanh thu thuần của MCH dự kiến đạt từ 32.500 tỷ đồng đến 36.000 tỷ đồng trong năm 2024, với mức tăng trưởng đóng góp chủ yếu của ngành hàng Thực phẩm tiện lợi, Đồ uống và Chăm sóc gia đình, cá nhân.
Phúc Long dự kiến đạt 1.790 đến 2.170 tỷ đồng, tương ứng mức tăng trưởng 17% đến 41% so với cùng kỳ, dự kiến mở từ 30 đến 60 cửa hàng mới.
Masan Meatlife dự kiến đạt doanh thu thuần trong khoảng 7.100 và 7.800 tỷ đồng, tương ứng mức tăng 2% đến 12% so với cùng kỳ nhờ tập trung đầu tư vào mảng kinh doanh thịt chế biến và giảm quy mô trang trại chăn nuôi gà.
Masan High-Tech Materials (MHT) dự kiến đạt doanh thu thuần từ 15.000 đến 15.800 tỷ đồng, tương ứng tăng lần lượt 6% đến 12% so với cùng kỳ. Công ty thuê nhà thầu nổ mìn mới đưa vào hoạt động trong quý I/2024, đặt trọng tâm tối ưu hóa chi phí, đồng thời giảm đòn bẩy tài chính.
Kế hoạch tăng vốn
HĐQT trình phương án chào bán cổ phần là cổ phần phổ thông và/hoặc cổ phần ưu đãi cổ tức, với tổng số lượng phát hành dự kiến tối đa 10% tổng số cổ phần đang lưu hành cho mỗi phương án.
Cụ thể, với phương án chào bán cổ phần phổ thông, Masan sẽ phát hành riêng lẻ một hoặc nhiều lần. Giá chào bán không thấp hơn giá trị sổ sách theo báo cáo tài chính hợp nhất đã kiểm toán năm gần nhất. Uỷ quyền cho HĐQT quyết định giá chào bán cụ thể.
Số lượng chào bán không quá 99 nhà đầu tư chiến lược và/hoặc nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.
Cổ phiếu chào bán riêng lẻ sẽ bị hạn chế chuyển nhượng ba năm đối với nhà đầu tư chiến lược và một năm đối với nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.
Với phương án chào bán cổ phần ưu đãi cổ tức, giá chào bán, số lượng nhà đầu tư và việc chuyển nhượng tương tự phương án chào bán cổ phần phổ thông. Cổ phần ưu đãi không có quyền biểu quyết.
Mức cổ tức cố định của cổ phần ưu đãi là 0% trong vòng 6 năm đầu tiên. Kể từ năm thứ 7 trở đi, mức cổ tức cố định của mỗi cổ phần ưu đãi lên tới 10%. Ngoài cổ tức cố định, mỗi cổ phần ưu đãi sẽ nhận được cổ tức bằng với cổ tức chia cho mỗi cổ phần phổ thông (nếu có).
Thời gian chào bán của hai phương án trên đều là trong 2024 hoặc trước ĐHĐCĐ thường niên 2025 sau khi được UBCKNN chấp thuận.
Ngoài ra, Masan còn dự kiến phát hành ESOP với số lượng tối đa 0,5% số cổ phần lưu hành, tức khoảng hơn 7 triệu cổ phiếu. Giá phát hành là 10.000 đồng/cp, thấp hơn 85% so với giá cổ phiếu MSN chốt phiên 24/4 (66.900 đồng/cp). Thời gian phát hành trong năm 2024 hoặc 4 tháng đầu năm 2025.
Ngày 22/4, Masan công bố đã hoàn tất thành công việc huy động vốn cổ phần trị giá 250 triệu USD từ Bain Capital, tương đương nhận về 6.228 tỷ đồng tiền mặt để cải thiện bảng cân đối kế toán. Trong vòng hai năm qua, tập đoàn thành công huy động được 1,5 tỷ USD từ thị trường vốn.
Đại hội kết thúc với tất cả các tờ trình đã được thông qua.