ĐHĐCĐ KIDO: Năm bản lề cho việc thay đổi mô hình kinh doanh, sản phẩm kết hợp với Vinamilk sẽ ra mắt vào tháng 7
Sáng 22/6, CTCP Tập đoàn KIDO (Mã: KDC) đã tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021 với 82 cổ đông tham dự trực tuyến, đại diện cho 217,8 triệu cổ phần, tương ứng 95% số cổ phần có quyền biểu quyết. Đại hội đã kết thúc với tất cả tờ trình được thông qua.
Năm 2021, KIDO sẽ tiếp tục phát triển và mở rộng ngành hàng khô và lạnh; chuyển đổi mô hình kinh doanh; tập trung phát triển ngành hàng mới và mở rộng chuỗi phân phối trên toàn quốc và hướng đến mở rộng sang thị trường nước ngoài.
Với tham vọng trên, KIDO đặt kế hoạch doanh thu thuần 11.500 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế ở mức 800 tỷ đồng, lần lượt tăng 38% và 92% so với kết quả hợp nhất năm 2020.
Đây sẽ là mức lợi nhuận cao nhất kể từ năm 2017 của doanh nghiệp nếu thực hiện thành công. Năm 2015 và 2016, KIDO đạt mức lợi nhuận trên 1.000 tỷ đồng nhờ bán mảng kinh doanh bánh kẹo cho Tập đoàn Mondelez International.
Về kế hoạch cổ tức, năm 2020 tập đoàn dự kiến trả 16% tiền mặt (1.600 đồng/cp). Trước đó công ty đã tạm ứng 10% tiền mặt vào cuối năm 2020. Khoản cổ tức 6% còn lại chưa chốt thời gian thanh toán.
Cho năm 2021, KIDO trình cổ đông phương án cổ tức 10% cổ phiếu (cổ đông sở hữu 10 cổ phiếu sẽ nhận thêm 1 cổ phiếu thưởng) và 6% tiền mặt (600 đồng/cp).
Lãnh đạo tập đoàn cho biết, sau 5 năm, KIDO đã hoàn tất quá trình tái cấu trúc hoạt động toàn tập đoàn hiệu quả, và chính thức bước vào giai đoạn sẵn sàng để phát triển và mục tiêu trở thành tập đoàn thực phẩm số 1 tại Việt Nam, mở rộng sang khu vực Đông Nam Á.
Điều đặc biệt trong kế hoạch năm nay, Tập đoàn KIDO chính thức chuyển đổi mô hình kinh doanh.
Theo đó, các thành viên chủ yếu thực hiện sản xuất sản phẩm và bán cho KIDO. Còn KIDO sẽ đảm nhận vai trò phân phối, bán sản phẩm ra thị trường qua tất cả các kênh bán hàng cả trong và ngoài nước.
Điều này đồng nghĩa với việc KIDO sẽ nắm đầu mối phân phối toàn bộ sản phẩm của các thành viên – các công ty thành viên chỉ có chức năng sản xuất.
Cụ thể là tập đoàn sẽ bao trọn khâu phân phối sản phẩm của CTCP Dầu thực vật Tường An (Mã: TAC), đánh mạnh ra thị trường miền Bắc để trở thành top đầu trong ngành.
Với snacking, công ty sẽ mở rộng danh mục thông qua hợp tác với liên doanh nước ngoài và tăng cường R&D để tạo sự đột phá và khác biệt.
Trong việc phân phối, KIDO sẽ tiếp tục tận dụng những cơ hội thị trường để phát triển hệ thống kênh phân phối, mở rộng hệ thống ra các vùng huyện lớn của tỉnh để tiếp cận nhiều hơn các đối tượng khách hàng mới.
Song song đó KIDO sẽ phát triển các ngành hàng mới, những sản phẩm phân khúc có nhu cầu lớn và theo xu hướng thị trường.
Cụ thể hóa mục tiêu này, ngay từ đầu năm, KIDO đã bắt tay với CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk, mã: VNM) để tham gia vào ngành đồ uống nước giải khát tốt cho sức khỏe.
Bà Nguyễn Thị Xuân Liễu, Thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc cho biết, ngay trong quý III, sản phẩm Vibev (thành quả của Vinamilk và KIDO) sẽ đến tận tay người tiêu dùng.
Bên cạnh cái bắt tay với Vinamilk, KIDO còn quyết định lấn sân sang ngành cafe, ngành mà theo bà Liễu nhận định là đầy triển vọng.
Cũng cách đây hai tuần, KIDO đã ký thoả thuận với đối tác kinh doanh và chính thức trình làng thương hiệu Chuk Chuk - chuỗi đồ uống kem, trà, trà sữa trân châu, cà phê và các loại nước giải khát,... là các sản phẩm cao cấp do công ty sản xuất.
*Thảo luận:
Cổ đông hỏi: Công ty nói rõ hơn về chiến lược tái cấu trúc, sáp nhập công ty thành viên vào KIDO?
Ông Trần Lệ Nguyên, Tổng Giám đốc cho biết, năm ngoái, CTCP Thực phẩm Đông lạnh KIDO (Mã: KDF) đã sáp nhập thành công vào KIDO.
Chiến lược sắp tới của tập đoàn là sáp nhập công ty Dầu Tường An vào KIDO. Song, do 27% vốn tại đây thuộc sở hữu của Vocarimex - công ty do nhà nước (đại diện SCIC) đang nắm 36%. Do đó việc sáp nhập chỉ thực hiện được một khi nhà nước thoái vốn tại Vocarimex.
Ông Trần Lệ Nguyên khẳng định chắn chắc nhà nước sẽ thoái 36% vốn tại Vocarimex trong năm nay. Khi đó, KIDO sẽ đủ điều kiện để tái cấu trúc với Dầu Tường An.
Khi nào sản phẩm hợp tác giữa Vinamilk và KIDO được ra mắt?
Đại diện KIDO cho biết, hai bên đã làm việc và nghiên cứu để chốt thời gian tháng 5 - 6 sẽ ra mắt sản phẩm. Tuy nhiên việc dịch COVID-19 bùng phát và những quy định giãn cách khiến hành động không theo dự tính. Nếu dịch bệnh được kiếm soát thì sản phẩm Vibev sẽ đến tay người tiêu dùng trong tháng 7 này.
Chiến lược cụ thể khi ra mắt thương hiệu Chuk Chuk?
Ông Trần Lệ Nguyên chia sẻ, thương hiệu Chuk Chuk sẽ bán các sản phẩm cao cấp hơn do KIDO sản xuất như trà sữa, bánh kem, cà phê,...
Mục tiêu tập đoàn đặt ra sẽ có hơn chục cửa hàng và ra mắt thị trường vào tháng 6. Tuy nhiên, vấn đề dịch bệnh tiếp tục khiến công ty thay đổi kế hoạch. Trường hợp vắc xin được tiêm rộng rãi và dịch được kiểm soát tốt, thương hiệu này sẽ được trình làng vào tháng sau.
Chiến lược dự kiến 3 -5 năm tới, tập đoàn sẽ có 1.000 điểm bán hàng trải dài khắp cả nước, hoàn thiện hệ thống để sản phẩm đến tay người tiêu dùng dễ dàng hơn .
Cũng trong tháng 7 này, đại diện KIDO thông tin, các sản phẩm bánh trung thu sẽ quay trở lại nhằm đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng cho dịp lễ tới.
"Chưa khi nào KIDO có chiến lược phát triển kinh doanh như thế này. Thời gian tới KIDO sẽ có nhiều mặt hàng, nhiều liên doanh liên kết được hình thành để đáp ứng thị trường. Nếu thực hiện được kế hoạch kinh doanh đề ra thì chúng ta sẽ vượt được các chỉ tiêu tài chính. Do đó mong cổ đông hiểu được bước đi này của tập đoàn", ông Trần Lệ Nguyên bày tỏ.
Giá nguyên vật liệu tiếp tục tăng, KIDO có chiến lược gì để kiểm soát? KIDO có tăng giá sản phẩm lên không?
Ông Bùi Thanh Tùng, Phó Tổng Giám đốc cho biết, về sản phẩm kem, chúng tôi đã cơ cấu và từ đầu năm ban lãnh đạo đã ra chính sách mua thêm nguyên vật liệu cho tới tháng 9 (đường, sữa bột, bơ,...). Về dầu ăn, hầu hết là nhập khẩu nên tập đoàn theo sát tình hình giao dịch trên sàn.
Ông Bùi Thanh Tùng, trên cơ bản, giá bán của KIDO vẫn đảm bảo ở mức tốt và vẫn đem lại lợi thế cạnh tranh cho tập đoàn.
Mảng dầu ăn chiếm bao nhiêu % trong cơ cấu doanh thu quý I của tập đoàn?
Đại diện KIDO cho biết, trong quý I, tỷ trọng ngành dầu ăn chiếm 80%, còn lại 20% là kem, snacking,... Trong tương lai, tỷ lệ này sẽ thay đổi, trong đó ngành lạnh sẽ tiếp tục được đẩy mạnh đầu tư và cơ cấu lại mảng snacking, bánh kẹo, nước uống,... Ngoài ra, công ty sẽ đưa hàng loạt ngành mới vào để phát triển cho năm nay.