|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

ĐHĐCĐ FPT: Đơn hàng 70 triệu chip ước mang về 10 triệu USD doanh thu, ước lãi tăng 20% quý I

14:38 | 10/04/2024
Chia sẻ
FPT đặt mục tiêu lợi nhuận tăng trưởng năm thứ 7 liên tiếp và cũng là mốc cao kỷ lục nếu đạt được.

Chiều 10/4, Công ty cổ phần FPT (Mã: FPT) đã tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2024 tại Hà Nội.

Tính tới 14h, đại hội có sự tham gia của hơn nghìn cổ đông (bao gồm cả trực tiếp và trực tuyến), đại diện cho gần 66% cổ phần có quyền biểu quyết.

 Toàn cảnh ĐHĐCĐ thường niên 2024 của FPT. (Ảnh: FPT).

Năm nay, tập đoàn lên kế hoạch doanh thu 61.850 tỷ  và lợi nhuận trước thuế 10.875 tỷ; tăng trưởng lần lượt 17,5% và 18,2% so với năm 2023. Nếu đạt được thì đây sẽ là con số lợi nhuận cao kỷ lục của tập đoàn và là năm thứ 7 tăng trưởng liên tiếp.

Khối Công nghệ đặt mục tiêu tăng trưởng trên 20% cả về doanh thu và lợi nhuận trước thuế.

  Nguồn: HK tổng hợp từ báo cáo tài chính hợp nhất các năm và kế hoạch 2024.

  Nguồn: HK tổng hợp từ báo cáo tài chính hợp nhất các năm và kế hoạch 2024.

Năm 2024, tập đoàn dự chi 6.500 tỷ đồng cho hoạt động đầu tư, trong đó khối viễn thông sẽ dùng 2.300 tỷ đồng để đầu tư các trục cáp chính, cáp biển, nâng chất lượng hạ tầng viễn thông nội địa và hệ thống Trung tâm dữ liệu.

Công ty sử dụng 2.200 tỷ đồng cho khối công nghệ, trong đó sẽ đầu tư mở rộng các khu tổ hợp văn phòng tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP HCM, Quy Nhơn...

2.000 tỷ đồng còn lại sẽ dùng để đầu tư mở rộng khuôn viên đại học tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP HCM, đồng thời mở các cơ sở đào tạo mới tại các tỉnh thành trên toàn quốc.

FPT xác định giai đoạn 2024 - 2026 sẽ hướng đến tăng tốc chuyển đổi số, đẩy mạnh chuyển đổi xanh và bắt đầu chuyển đổi thông minh.

Về định hướng 2024-2026, Khối công nghệ sẽ nâng cao năng lực trong lĩnh vực Automotive (dựa trên kiến trúc AutoSAR, nghiên cứu giải pháp thông minh, cung cấp dịch vụ tích hợp trên ô tô), mục tiêu đạt tăng trưởng 50%/năm và doanh thu 1 tỷ USD vào 2030.

Song song, FPT sẽ mở rộng các dịch vụ trong ngành chíp bán dẫn, mở rộng các model chíp thiết kế và tham gia vào dịch vụ kiểm thử chíp. Mục tiêu đến 2030 đào tạo được 10.000 kỹ sư và chuyên viên ngành bán dẫn. FPT còn cho biết hiện đã có đơn đặt hàng 70 triệu chip cho đến năm 2025. 

Tại buổi họp, ông Trương Gia Bình - Chủ tịch HĐQT đã có nhiều chia sẻ liên quan tới câu chuyện ngành bán dẫn.

 

Trí tuệ nhân tạo, bán dẫn, xe điện, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh” sẽ là những vấn đề quyết định lịch sử nhân loại. Vì 5 cụm từ này mà Việt Nam được chọn. Thế giới chọn anh rồi thì việc có nắm bắt được hay không phụ thuộc rất nhiều vào Việt Nam. Trách nhiệm, sứ mệnh của FPT là rất lớn. Bằng cách này hay cách khác, FPT đã đang trở thành niềm hi vọng của quốc gia".

Ông Trương Gia Bình - Chủ tịch HĐQT của Tập đoàn FPT

Ông Bình cũng nói thêm sau Mỹ, Nhật, Singapore được chọn làm bán dẫn bởi chính sách cởi mở, tập trung vào công nghệ của cố Thủ tướng Lý Quang Diệu. Sau đó bán dẫn lan sang Hàn Quốc, Đài Loan và giờ Mỹ đã chọn Việt Nam. 

Ông Bình lý giải việc chọn Việt Nam là nhờ nguồn nhân lực. 

"Tất cả các quốc gia bắt đầu làm bán dẫn khi nghèo và đã đổi đời, thay đổi vận mệnh dân tộc nhờ bán dẫn.  Năm 2022, Đài Loan đã vượt thu nhập đầu người của Nhật Bản. Chính sự thành công đó làm cho thanh niên các nước bán dẫn không đi theo con đường cha ông, bởi người ta sợ. Vì vậy, ngành bán dẫn trong cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4 có nhu cầu lớn khủng khiếp". 

Muốn phát hành 190 triệu cổ phiếu thưởng

Về phương án phân phối lợi nhuận, FPT đề xuất mức cổ tức cho năm 2023 là 20% bằng tiền (2.000 đồng/cp). Công ty dự kiến thực hiện chi trả 10% còn lại trong quý II/2024 sau khi đã tạm ứng 10% vào tháng 9/2023.

Đối với năm 2024, kế hoạch cổ tức dự kiến tỷ lệ 20% bằng tiền, tức 2.000 đồng/cp. 

Ngoài ra, tập đoàn còn dự kiến phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn từ nguồn vốn chủ sở hữu.

FPT dự kiến phát hành hơn 190 triệu cổ phiếu, tương đương 15% cổ phiếu đang lưu hành. Tỷ lệ phát hành là 20:3 tức cổ đông sở hữu 20 cổ phiếu sẽ được nhận thêm 3 cổ phiếu mới.

Nguồn vốn phát hành lấy từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối trên báo cáo tài chính công ty mẹ kỳ gần nhất. 

Thời gian phát hành dự kiến sau khi được ĐHĐCĐ phê duyệt nhưng không muộn hơn quý III/2024 sau khi được UBCKNN chấp thuận. 

Thảo luận

FPT có dự kiến tăng tỷ lệ chi trả cổ tức hay không?

Ông Nguyễn Thế Phương - Phó Tổng Giám đốc: FPT sẽ vẫn duy trì chính sách trả cổ tức 2.000 đồng/cp. Ngoài ra, hàng năm FPT vẫn có chính sách trả cổ tức bằng cổ phiếu hoặc cổ phiếu thưởng giúp gia tăng lượng cổ phiếu nắm giữ. Với mục tiêu tăng trưởng 20%/năm trong khi mảng công nghệ và giáo dục là ngành đầu tư dài hạn, nên vốn đầu tư rất cần thiết.

Ước tính kết quả kinh doanh quý I/2024?

Ông Nguyễn Thế Phương: Quý I/2024, FPT duy trì tăng trưởng trên 20% về doanh số và xấp xỉ 20% về lợi nhuận.

Doanh thu từ xuất khẩu tăng trưởng khoảng 20% quý I. Riêng thị trường Nhật tăng 40%, thị trường Mỹ có tăng trưởng nhưng chậm hơn bình quân chung do Mỹ đang gặp khó khăn từ năm ngoái. 

Thông tin chi tiết về CAPEX cho mảng công nghệ (2.200 tỷ) năm nay?

Ông Nguyễn Thế Phương: 90% là chi phí xây văn phòng cho lập trình viên. Hiện FPT có khoảng 30.000 lập trình viên với tốc độ tăng trưởng 20%/năm thì ước tính bổ sung thêm 6.000 nhân lực một năm. FPT có hai lựa chọn hoặc tự xây văn phòng hoặc đi thuê. Khi FPT tự xây ở các khu campus, với giá đất rẻ nên tổng chi phí trên một m2 tự xây chỉ bằng 1/3, 1/4 chi phí đi thuê. Do đó, hiệu quả cao.

Năm nay, FPT sẽ xây campus ở Hoà Lạc, Quy Nhơn và tiếp tục mở rộng ở Đà Nẵng, TP HCM.

Tăng trưởng xuất khẩu phần mềm ký mới trong năm 2024 dự báo là bao nhiêu?

Ông Phạm Minh Tuấn - Phó Tổng Giám đốc: Ước tính năm 2024, tăng trưởng xuất khẩu phần mềm ký mới ở thị trường nước ngoài từ 25-30%. FPT có một lợi thế lớn ở châu Á, các hợp đồng lớn đến từ Singapore rất nhiều

FPT có tiếp tục triển khai kế hoạch M&A hay không? 

Ông Phạm Minh Tuấn: FPT sẽ tiếp tục M&A. Tập đoàn có tham vọng không chỉ mở rộng mà còn đi sâu để rút ngắn thời gian nên FPT muốn bổ sung thêm công ty để cùng FPT làm các hợp đồng lớn. 

Trước đây M&A nhiều ở thị trường Mỹ, đầu năm nay M&A ở Nhật. Hàn Quốc, Singapore, châu Âu tiếp tục là các thị trường mà FPT nhắm tới.  

Ông Trương Gia Bình: FPT đang muốn M&A những công ty làm ô tô, đặc biệt là liên quan tới thiết kế ô tô là mua hết.

Đơn hàng 70 triệu chip bán dẫn dự kiến mang về doanh thu, lợi nhuận ra sao?

Ông Nguyễn Thế Phương: FPT sẽ được triển khai không phải trong một năm. FPT làm chip đơn giản nên giá không cao. FPT làm về thiết kế sau đó OEM cho các nhà máy Đài Loan, Nhật Bản sản xuất. 

70 triệu chip đó dự kiến mang về doanh thu khoảng 10 triệu USD, biên lợi nhuận xác định rất thấp trong giai đoạn đầu tư. 

Vì sao biên lợi nhuận khối công nghệ trong nước chỉ bằng 1/3 thị trường nước ngoài? Ban lãnh đạo có kế hoạch gì để cải thiện vấn đề này?

Ông Nguyễn Thế Phương: Khối công nghệ thông tin nước ngoài thuần tuý là dịch vụ. Còn khối công nghệ thông tin trong nước thì hợp đồng thường bao gồm ba phần, một hợp đồng tích hợp (gồm phần cứng như máy chủ, hệ thống mạng), thứ hai là phần mềm và cuối cùng là dịch vụ. Phần cứng làm cho biên lợi nhuận thấp xuống. 

FPT có chiến lược đẩy mạnh sản phẩm Made by FPT, kỳ vọng biên lợi nhuận trong những năm tới được cải thiện đáng kể.

Động lực tăng trưởng khối viễn thông năm nay là gì? Năm 2024, FPT sẽ làm như thế nào để đạt được mục tiêu tăng trưởng 15% ở khối viễn thông trong khi năm 2023 không đạt kế hoạch đề ra. 

Ông Nguyễn Thế Phương: Kết quả kinh doanh mảng viễn thông năm qua không được tốt do mảng online. Năm ngoái mảng online thu từ quảng cáo thấp khi thị trường vĩ mô kém và các công ty kinh doanh không tốt sẽ cắt giảm marketing nên phần thu từ mảng quảng cáo không tốt.

Năm nay, FPT kỳ vọng sẽ có sự cải thiện thông qua các sự kiện để tăng nguồn thu quảng cáo.

Kết thúc đại hội, tất cả các tờ trình đều được thông qua. 

Hoàng Kiều

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.