|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Con người trông chờ điều gì ở ChatGPT và Bard khi cả hai chatbot AI đều mắc lỗi?

13:30 | 10/02/2023
Chia sẻ
Microsoft và Google đang trở thành tâm điểm của thế giới khi lần lượt tung ra hai chatbot trí tuệ nhân tạo hỗ trợ các nền tảng dịch vụ của họ. Tuy nhiên, với các sản phẩm ở giai đoạn đầu, những sai sót là điều khó tránh khỏi.

Ngày 6/2, trong một bài đăng trên blog của công ty, Google cho biết họ sẽ đưa chatbot trí tuệ nhân tạo mang tên là Bard, tích hợp vào các dịch vụ của gã khổng lổ này, trong vài tuần tới. Theo Google, người dùng có thể dùng Bard để tìm kiếm câu trả lời cho những câu hỏi như lên kế hoạch cho một buổi hẹn hò hoặc "khó hơn" là tối nay ăn gì?

"Chúng tôi sẽ kết hợp đánh giá bên ngoài và thử nghiệm nội bộ nhằm đảm bảo phản hồi của Bard đáp ứng tiêu chuẩn cao về chất lượng, độ an toàn và đảm bảo thông tin có căn cứ trong thế giới thực", CEO Alphabet, Sundar Pichai cho biết. 

Làm nóng cuộc chiến đã đi vào dĩ vãng

Động thái này của Google chứng tỏ gã khổng lồ tìm kiếm đã không thể ngồi yên trước những gì mà ChatGPT - một chatbot trí tuệ nhân tạo được hậu thuẫn bởi Microsoft - đối thủ lớn với tham vọng khơi dậy lại cuộc chơi tìm kiếm, nơi đẻ ra nhiều tiền nhất cho Google. 

Microsoft mới đây đã tích hợp hàng loạt công nghệ của OpenAI - công ty phát triển ChatGPT, vào nhiều dịch vụ của hãng, thể hiện vị thế kẻ tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo.

Không dừng lại ở đó, Microsoft đã lộ rõ mục đích của hãng, khi đưa phiên bản mới nhất của ChatGPT vào công cụ tìm kiếm Bing cũng như trình duyệt web Edge - hai công cụ gần như đi vào dĩ vàng kể từ thời điểm Alphabet lên đỉnh thế giới với trình duyệt Chrome và công cụ tìm kiếm Google

Sự "kèn cựa" của hai gã khổng lồ công nghệ làm nóng lại cuộc chiến tưởng như đã ngã ngũ.

Không thể phụ thuộc hoàn toàn vào AI

ChatGPT khiến người người phải nhắc tới vì khả năng sản xuất nội dung đáng kinh ngạc của công cụ này. Chatbot trí tuệ nhân tạo của OpenAI thể hiện kỹ năng viết email, làm thơ hay sáng tạo nội dung marketing - điều giúp nó kéo về 100 triệu người dùng chỉ trong vòng hơn hai tháng ra mắt.

Sự nổi tiếng của ChatGPT đã khuấy động phong trào AI toàn cầu. Cổ phiếu của các công ty chuyên về trí tuệ nhân tạo trở thành món hàng hot, thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư. Ở Trung Quốc, Baidu, Alibaba hay JD.com cũng đã rục rịch công bố công nghệ AI của họ.

Tuy sở hữu những kỹ năng tuyệt vời, nhưng cần phải nhớ ChatGPT đang ở giai đoạn mới ra mắt và dễ hiểu khi chatbot đang là tâm điểm của việc "dính phốt". Kể từ khi xuất hiện, ChatGPT bị nhắc đến rất nhiều về vấn đề liên quan đến thông tin sai lệch và hành vi đạo văn.

Công cụ ChatGPT đưa ra thông tin không chính xác khi nhầm lẫn Hoàng đế Quang Trung với người anh trai Nguyễn Nhạc - Thái Đức Đế, người lập nên nhà Tây Sơn, chứ không phải là "vua trong triều Nguyễn, được biết đến với chiến thắng trong cuộc chiến chống lại quân quốc Tây Sơn..." như chatbot này thông tin.

Có thể, cơn sốt ChatGPT trên toàn cầu khiến Google cảm thấy lúng túng, vì thế họ vội vàng "thả" chatbot của nhà làm tên là Bard, được phát triển dựa trên Mô hình Ngôn ngữ cho các ứng dụng đối thoại (LaMDA). 

CEO Sundar Pichai cho biết: “Ngoài các sản phẩm của riêng chúng tôi, chúng tôi nghĩ rằng điều quan trọng là làm cho những người khác được hưởng lợi từ những tiến bộ này một cách dễ dàng, an toàn và có thể mở rộng quy mô."

Ông nói thêm rằng người dùng sẽ sớm có thể sử dụng các mô hình ngôn ngữ như một người bạn đồng hành để tìm kiếm. Người đứng đầu Alphabet cho biết công ty không chỉ cung cấp một công cụ tìm kiếm mà họ còn cho phép các công ty khác có thể sử dụng công nghệ của Bard để phát triển thêm sản phẩm, dịch vụ.

Nước đi của Google nghe có vẻ hào phóng nhưng thực tế, Bard lại để lại nhiều hoài nghi về khả năng lấn át ChatGPT.

Và những nghi ngờ đó đã được củng cố một cách rõ ràng nhất. Ngay tại sự kiện quảng bá sản phẩm, chatbot nhà làm của Google đã mắc sai lầm.

Video quảng cáo về Bard cho thấy một người đã nhờ tới trí tuệ nhân tạo này hỗ trợ. Người dùng hỏi: “Tôi có thể nói với đứa con 9 tuổi của mình về những khám phá mới nào của kính thiên văn James Webb?”.

Bard trả lời bằng một loạt gạch đầu dòng, trong đó có một gạch đầu dòng có nội dung: “Kính thiên văn James Webb đã chụp những bức ảnh đầu tiên về một hành tinh bên ngoài hệ Mặt Trời của chúng ta”.

 Bard - công cụ trí tuệ nhân tạo của Google mắc lỗi trong chính video quảng bá sản phẩm. (Ảnh chụp màn hình).

Tuy nhiên, thông tin này đã bị phát hiện là sai. Theo NASA, hình ảnh đầu tiên cho thấy một hành tinh bên ngoài hệ Mặt Trời được chụp bởi Kính Thiên văn Rất lớn (Very Large Telescope - VLT) của Đài thiên văn Nam Âu gần hai thập kỷ trước. Theo tờTelegraph, nhà vật lý thiên văn Grant Tremblay cũng khẳng định hình ảnh đầu tiên về một hành tinh ngoài hệ mặt trời không phải do JWST chụp.

Nhầm lẫn tai hại của Bard đã khiến giá cổ phiếu của Alphabet trượt dốc sau sự kiện giới thiệu Bard. Kết thúc phiên giao dịch ngày 8/2 (giờ Mỹ), giá cổ phiếu của Alphabet đã giảm hơn 7%. Điều này cho thấy các nhà đầu tư đang lo lắng nhiều hơn trước sự cạnh tranh ngày càng tăng từ Microsoft.

Cần phải nhớ, sự kiện của Google diễn ra chỉ một ngày sau Microsoft tổ chức sự kiện AI của riêng mình tại trụ sở chính ở Redmond, Washington.

Liên quan đến thông tin sai lệch, trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí TIME, Giám đốc công nghệ của OpenAI, Mira Murati - người lãnh đạo đội ngũ nghiên cứu ChatGPT cho biết chatbot có thể bịa ra câu trả lời. Điều này cũng được OpenAI cung cấp trong một bài blog, "ChatGPT đôi khi viết những câu trả lời nghe có vẻ hợp lý nhưng không chính xác hoặc vô nghĩa," Open AI cho biết.

Bà Mira Murati nói rằng chatbot trí tuệ nhân tạo này thực hiện các phản hồi bằng cách dự đoán từ "hợp lý" tiếp theo trong một câu và điều "hợp lý" này có thể không thực sự đúng. Bà Mira Murati khuyên người dùng cần phải tiếp tục đưa ra câu hỏi để làm rõ vấn đề, nếu họ cảm thấy nghi vấn.

"Hiện tại, ChatGPT đang trong giai đoạn xem xét nghiên cứu, vì vậy tôi không muốn đề cao những vấn đề mà nó đang giải quyết", Giám đốc công nghệ của OpenAI nói.

Trông chờ gì ở ChatGPT và Bard?

Về bản chất, Bard và ChatGPT gần như là tương đồng nhau về cách hoạt động. Người dùng sẽ phải nhập câu hỏi, yêu cầu hoặc đưa ra lời nhắc để nhận được phản hồi từ chatbot. Thay vì ngồi tra cứu hàng tá trang kết quả tìm kiếm, công cụ này có hình thức giống cuộc đối thoại 1:1 tương tự con người.

"Khi mọi người chuyển sang sử dụng Google để có thông tin chi tiết và góc nhìn sâu hơn, AI có thể giúp chúng tôi hiểu được trọng tâm những gì họ đang tìm kiếm. Chúng tôi đang bắt đầu với các tính năng do AI cung cấp trong công cụ Tìm kiếm, giúp chắt lọc thông tin phức tạp thành các định dạng dễ hiểu để bạn có thể dễ "hấp thụ" hơn", CEO Alphabet viết trên Twitter.

Và cả Microsoft lẫn Google đều có kế hoạch nhúng các công cụ AI để hỗ trợ các dịch vụ tìm kiếm Bing và Google Search của họ - con gà đẻ trứng vàng của công ty. Cả hai công cụ trí tuệ nhân tạo này có thể tổng hợp nhiều thông tin, dữ liệu hay các khái niệm và cung cấp cho người dùng với nội dung dễ hiểu hơn.

Tuy vậy, Bard được cho là có khả năng đưa ra lượng thông tin dồi dào hơn nhờ khả năng thu thập thông tin từ internet chứ không giới hạn dữ liệu đến năm 2021 như ChatGPT, theo Reuters.

 Trông chờ gì ở Bard và ChatGPT. (Ảnh: Investor's Business Daily).

Bard được cung cấp bởi công nghệ LaMDA do đội ngũ của Google phát triển. Trong khi, ChatGPT hay Generative Pre-training Transformer được phát triển dựa trên thuật toán Transformer do đội ngũ Google Brain phát triển và công bố chi tiết cho toàn thế giới "chiêm ngưỡng".

Ngoài khả năng đối thoại 1:1, Bard cũng có thể được sử dụng để tạo câu chuyện, bản ghi âm và thậm chí là các trò chơi tương tác. Google cũng đang thử nghiệm việc sử dụng Bard cho mục đích giáo dục, bằng cách sử dụng trí tuệ nhân tạo để tạo các bài học tương tác ảo.

Bard hiện tại đang giới hạn thử nghiệm và để chứng kiến khả năng thực sự của nó, chúng ta cần phải chờ thêm "vài tuần nữa" như lời hứa hẹn của CEO Sundar Pichai.

Thùy Trang