|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Chân dung Hải Vương Group - doanh nghiệp xuất khẩu cá ngừ lớn nhất Việt Nam, doanh thu vượt Sao Ta

15:53 | 31/05/2021
Chia sẻ
Ba trong 4 công ty của Hải Vương Group nằm trong top 10 các doanh nghiệp xuất khẩu cá ngừ Việt Nam. Tổng doanh thu hệ sinh thái Hải Vương Group vượt Sao Ta song lợi nhuận chỉ vài chục tỷ đồng.
Chân dung hệ sinh thái xuất khẩu cá ngừ lớn nhất Việt Nam, doanh thu ngang ngửa Vĩnh Hoàn, Sao Ta - Ảnh 1.

Ngư dân khai thác cá ngừ. (Ảnh: VOV).

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) Công ty TNHH Hải Vương (hạt nhân chính trong hệ sinh thái Hải Vương Group - NV) là một trong những công ty lớn nhất Việt Nam hiện nay chuyên về chế biến và xuất khẩu các loại cá, đặc biệt là cá ngừ đại dương.

Thông tin tự công bố, mỗi năm Hải Vương Group xuất khẩu hơn 60.000 tấn thành phẩm, bao gồm 50.000 tấn cá ngừ đến hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong đó thị trường xuất khẩu chủ lực là Châu Âu, Châu Mỹ, Châu Á và Trung Đông.

Hoạt động chính của Hải Vương Group bao gồm chế biến, thương mại, xúc tiến bán hàng và xuất khẩu sản phẩm thủy sản. Hiện tập đoàn đang có khoảng 3.000 nhân viên, trong đó 2.500 công nhân sản xuất.

Doanh thu hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm nhưng lợi nhuận chỉ vài tỷ đồng

Qua tìm hiểu, hệ sinh thái Hải Vương Group gồm: Công ty TNHH Hải Vương (Havuco), TNHH Thuỷ sản Hải Long Nha Trang (Dragon Waves), CTCP Vịnh Nha Trang (Nha Trang Bay), TNHH Cá ngừ Việt Nam (Tuna Vietnam) và Cơ sở cá giống Hoa Sơn.

Trong đó, Havuco được coi là doanh nghiệp khởi đầu cho đế chế Hải Vương Group. Công ty được thành lập năm 1997 tại huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hoà - đây cũng là nơi đặt trụ sở chính công ty, với ngành nghề kinh doanh chính là chế biến và bảo quản thuỷ sản đông lạnh.

Đại diện pháp luật của Havuco là bà Thều Thị Cẩm Tú, sinh năm 1978 tại Nha Trang, Khánh Hoà. Công ty có vốn điều lệ ban đầu 130 tỷ đồng, trong đó ông Nguyễn Xuân Nam góp 65,2 tỷ đồng, chiếm 50,15% và bà Trịnh Thị Bích Hằng góp 64,8 tỷ đồng, sở hữu 49,85% vốn.

Sau nhiều lần nâng vốn, đến tháng 11/2018, vốn điều lệ Havuco đạt 230 tỷ đồng, tỷ lệ sở hữu của ông Nam và bà Hằng không thay đổi, không xuất hiện thêm cổ đông mới. Ngoài Havuco, ông Nam hiện cũng đang là đại diện pháp luật của Công ty TNHH Đồ hộp Hải Vương, được thành lập từ 2018 và là công ty con của Havuco.

Havuco sở hữu nhà máy diện tích 24.800 m2, với 4 kho lạnh âm 35 độ C công suất 400 tấn và một kho lạnh công suất 9.000 tấn. Công suất chế biến của Havuco vào khoảng 65 tấn nguyên liệu mỗi ngày.

Dữ liệu chúng tôi có được, doanh thu hàng năm của Havuco có xu hướng tăng đều qua các năm, dao động trong khoảng từ 1.335 tỷ đồng tới 1.685 tỷ đồng, trong giai đoạn 2016 - 2019. Tuy nhiên con số doanh thu này vẫn thấp hơn nhiều so với các doanh nghiệp xuất khẩu thuỷ sản khác như Minh Phú, Sao Ta hay Vĩnh Hoàn.

Doanh thu cả nghìn tỷ đồng, song biên lãi gộp chỉ ở mức 6% - 7%, do đó lãi sau thuế của Havuco xấp xỉ 10 - 14 tỷ đồng mỗi năm (2016 - 2019).

Về phía nguồn vốn, cuối năm 2019, tổng nợ phải trả của doanh nghiệp 629 tỷ đồng, trong đó hoàn toàn là nợ ngắn hạn. Havuco sở hữu 891 tỷ đồng tổng tài sản tại ngày 31/12/2019, trong đó có 230 tỷ đồng vốn góp.

Bên cạnh Havuvo thì Dragon Waves cũng đóng góp một phần không nhỏ vào doanh thu hệ sinh thái nhà Hải Vương Group. Dragon Waves được thành lập năm 2005, với ngành nghề đăng ký kinh doanh tương tự Havuco.

Công ty có vốn điều lệ ban đầu 80 tỷ đồng. Sau nhiều lần nâng vốn, đến tháng 12/2018, Dragon Waves có 130 tỷ đồng vốn đều lệ. Trong đó, Công ty TNHH Hải Vương (Havuco) góp 28 tỷ đồng, nắm 21,54%; Công ty TNHH MTV Vườn Đại Dương và Công ty TNHH Thanh Hải góp 51 tỷ đồng mỗi đơn vị, sở hữu 39,2% vốn tại Dragon Waves.

Năm 2019, Dragon Waves ghi nhận doanh thu 1.926 tỷ đồng, tăng 46% so với 3 năm trước đó. Lãi sau thuế cùng năm đạt 10 tỷ đồng, tăng so với mức 6,4 tỷ đồng năm 2016. Tương tự Havuco, biên lãi gộp của Dragon Waves cũng ở mức từ 5% - 6% mỗi năm.

Chân dung hệ sinh thái xuất khẩu cá ngừ lớn nhất Việt Nam, doanh thu ngang ngửa Vĩnh Hoàn, Sao Ta - Ảnh 2.

Chân dung hệ sinh thái xuất khẩu cá ngừ lớn nhất Việt Nam, doanh thu ngang ngửa Vĩnh Hoàn, Sao Ta - Ảnh 3.

Các năm tiếp theo, Hải Vương Group tiếp tục làm giàu hệ sinh thái của mình bằng việc thành lập Nha Trang Bay và Tuna Vietnam, vốn điều lệ lần lượt 140 tỷ đồng và 120 tỷ đồng, cũng với ngành nghề kinh doanh chính là chế biến và bảo quản thuỷ sản đông lạnh.

Dữ liệu của chúng tôi cho thấy tình hình kinh doanh của những đơn vị này cũng được cải thiện qua các năm gần đây. Đơn cử, 2019, Nha Trang Bay đạt 1.285 tỷ đồng doanh thu, tăng 4,4% so với thực hiện 2018, song lãi sau thuế tăng mạnh 50% lên 5,4 tỷ đồng. 

Tuna Vietnam cũng có mức doanh thu năm 2019 đạt 1.651 tỷ đồng, tăng gần gấp 9 lần so với 2016. Lãi sau thuế 8 tỷ đồng so với mức lỗ 12 tỷ đồng ba năm trước đó.

Chân dung hệ sinh thái xuất khẩu cá ngừ lớn nhất Việt Nam, doanh thu ngang ngửa Vĩnh Hoàn, Sao Ta - Ảnh 4.

Ngoài hệ sinh thái là các công ty chế biến và xuất khẩu thuỷ hải sản, Hải Vương Group còn sở hữu một trại ươm giống cá rô phi đơn tính Hoa Sơn với diện tích 23 ha, tại Vạn Ninh, Khánh Hòa. Trại cá giống Hoa Sơn sản xuất 20 triệu con giống mỗi năm.

Hải Vương Group đang đứng ở đâu trong top các doanh nghiệp xuất khẩu cá ngừ?

Theo số liệu của VASEP, trong top 10 doanh nghiệp xuất khẩu cá ngừ hàng đầu của Việt Nam, Hải Vương Group góp 3 gương mặt nằm trong hệ sinh thái là Công ty TNHH Thủy sản Hải Long Nha Trang (Dragon Wave), Công ty TNHH Cá Ngừ Việt Nam (Tuna Vietnam) và Công ty TNHH Hải Vương (Havuco) với vị trí lần lượt là thứ 2, 4 và 6.

Chân dung hệ sinh thái xuất khẩu cá ngừ lớn nhất Việt Nam, doanh thu ngang ngửa Vĩnh Hoàn, Sao Ta - Ảnh 5.

Nguồn: VASEP

VASEP cho biết Liên tục từ đầu năm, các doanh nghiệp xuất khẩu cá ngừ đã gặp không ít khó khăn do chi phí giá thành cho sản xuất tăng chóng mặt ngay từ đầu năm, thiếu container, cước vận tải biển sang các thị trường chính lại leo thang… Nhưng, tính đến hết tháng 4 xuất khẩu cả bốn nhóm mặt hàng cá ngừ của Việt Nam đều tăng so với cùng kỳ năm 2020.

Sau một thời gian bị xáo trộn hoạt động sản xuất và xuất khẩu do tác động của đại dịch COVID-19, các doanh nghiệp cá ngừ của Việt Nam đã bắt đầu thích ứng. So với năm 3, top 10 doanh nghiệp xuất khẩu cá ngừ hàng đầu của Việt Nam vẫn là những "gương mặt" quen thuộc, tuy nhiên vị trí đã có sự thay đổi.

4 tháng đầu năm nay, tổng giá trị xuất khẩu của top 10 công ty này chiếm hơn 58% tổng giá trị xuất khẩu cá ngừ của cả nước. Dẫn đầu là 3 công ty: Mariso Vietnam, Dragon Wave và Bidifisco. Doanh số của 3 công ty đều có sự tăng trưởng cao so với cùng kỳ.

Chí Dũng - H.Mĩ

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.